An cư là Tăng sự quan trọng bậc nhất của giới xuất gia. Bởi Tăng-già được hình thành nên từ sự hòa hợp, thanh tịnh, thể hiện qua tinh thần lục hòa cộng trụ. Ba tháng an cư kiết hạ, chư Tăng có điều kiện thuận lợi để dẹp bỏ ngoại duyên, chuyên tâm cùng nhau tu học.
Thông bạch Tổ chức an cư kiết hạ PL.2560 của GHPGVN do đó nhấn mạnh: “Tăng Ni hàng năm phải an cư ba tháng để thúc liễm thân tâm, trau dồi giới-định-tuệ, giữ gìn quy củ tòng lâm, trang nghiêm Giáo hội, lợi lạc tự thân và lợi ích xã hội”.
Tịnh hóa ý-ngữ-thân – Ảnh minh họa
Kế hoạch Tổ chức an cư kiết hạ của Phật giáo TP.HCM cũng nói rõ thêm: “Trong mùa an cư, tất cả các viện/trường/lớp Phật học tại TP.Hồ Chí Minh phải tạm ngưng sinh hoạt để Tăng/Ni sinh tập trung tại một trú xứ hoặc trở về địa phương kiết hạ an cư, thúc liễm thân tâm, tu bồi giới đức…”.
Theo đó, chúng ta có thể thấy rõ an cư kiết hạ quan trọng thế nào. Đối với chúng Tăng, an cư kiết hạ chính là mùa tịnh tu. Nói như vậy không có nghĩa những mùa khác chư Tăng giải đãi trong việc tu tập. Hộ trì sáu căn, tịnh hóa tam nghiệp, chuyển hóa nội tâm,… mới là Phật sự chính của Tăng, đó là công việc hàng ngày mà bất kỳ người tu hành nào cũng hiểu rõ.
Ngày nay, theo đà phát triển của xã hội, những giá trị đạo đức truyền thống dần mai một, đời sống vật chất lên ngôi, ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận Tăng Ni. Từ “Phật sự” thường bị lạm xưng, biên độ ngữ nghĩa dao động, mở rộng ra cho cả những việc không giúp hành giả hướng đến sự giải thoát, giác ngộ, thậm chí còn tăng thêm vướng bận. Theo đó, người đời đã bận rộn, Tăng Ni nhiều khi còn bận rộn hơn: từ thuyết pháp, giảng dạy, xây dựng, giáo hóa đồ chúng cho đến thiết trai đàn, lễ hội, cúng đám, xem ngày giờ v.v… Điều này thật đúng với những gì người xưa ta thán: “Ca-sa vị trước hiềm đa sự, trước dĩ ca-sa sự cánh đa” – khi là người thế tục, than đời đa đoan, nhiễu sự; vậy mà khi khoác mặc ca-sa rồi, công việc không những không bớt mà còn trĩu cả hai vai, lấy đâu thời gian cho việc nghiên tầm giáo điển, tụng kinh, bái sám, tọa thiền nhằm tịnh hóa tam nghiệp…
Xưa, thời Phật còn tại thế, ngay mùa mưa đầu tiên, Ngài đã an trú tại vườn Lộc Dã; mùa mưa thứ hai, Ngài an trú tại tinh xá Trúc Lâm do vua Tần-bà-sa-la hỷ cúng… Bấy giờ, pháp an cư vẫn chưa được chế định. Tuy nhiên về sau, do nhóm sáu vị Tỳ-kheo (lục quần Tỳ-kheo) trong các mùa xuân, hạ, đông (mỗi mùa 4 tháng) đều du hành trong nhân gian. Gặp mùa hạ mưa lớn, các vị bị trôi mất y bát, tọa cụ, lại còn giẫm đạp côn trùng, cỏ non… khiến người đời cơ hiềm. Nhân đó Phật chế định các Tỳ-kheo an cư ba tháng mùa hạ, nương tựa nơi tụ lạc, tăng-già-lam hoặc phòng xá v.v… để tu hành. Nhờ chuyên tâm tu tập, nhiều vị đã chứng đắc Thánh quả trong thời gian này.
Xét theo nhân duyên chế định pháp an cư ban đầu, ngày nay do xã hội phát triển, phần nhiều chư Tăng ở những nơi có đường sá láng sạch, có phương tiện đi lại thuận tiện, nên việc giẫm đạp côn trùng, cỏ non trở thành nguyên do thứ yếu; việc an cư do đó chính là để “thúc liễm thân tâm, trau dồi giới-định-tuệ, giữ gìn quy củ tòng lâm, trang nghiêm Giáo hội, lợi lạc tự thân và lợi ích xã hội” như thông bạch đã nêu. Hễ pháp an cư còn tồn tại thì Tăng-già còn tồn tại; pháp an cư mất đi thì Tăng-già suy bại, nếu còn, thì chỉ là cái vỏ trống rỗng, vô giá trị.
Cre:Quảng Kiến (trích nguồn từ GN – Online)