DÀNH CHO CHÚNG XUẤT GIA
NHẬN ĐỊNH
Tăng Già là Đoàn thể tiêu biểu cho ý nghĩa thanh tịnh hòa hợp. Vì chưa phải là những bậc toàn thiện nên muốn thể hiện sự thanh tịnh hòa hợp ấy Tăng Già cần phải có kỷ luật. Tinh thần kỷ luật này Thiền Môn gọi là Thanh Quy, tức là quy tắc thanh tịnh của Tăng Già vậy.
Một Tăng Sĩ xứng đáng với danh nghĩa xuất gia của mình, ngoài phần tu học rèn luyện chánh giới, chánh định, chánh huệ, còn cần phải theo một quy tắc chung của đoàn thể; y cứ nơi giới luật, oai nghi của Đức Phật đã chế để nâng cao đời sống đạo đức của riêng mình và giữ gìn giá trị cho đoàn thể. Như thế thời Thanh Quy không phải là những gì bó buộc mà chính là bổn phận phải thực hành của người Tăng Sĩ.
QUY TẮC
Phần căn bản
1. Phải giữ gìn các giới luật đã thọ và phải trường chay;
2. Phải triệt để thực hiện Lục hòa;
3. Nam, nữ không được qua lại thân cận làm đại chúng cơ hiềm;
4. Không được hủy báng Tam Bảo.
Phần chánh
1. Không được làm hoặc tham dự những việc có tính cách chính trị;
2. Phải cung kính tuân hành cấp trên;
3. Không được có hành động mang tính cách phá hoại, phản bội Bổn Tự;
4. Phải làm tròn nhiệm vụ khi được cấp trên hay đại chúng giao phó;
5. Không được vắng mặt giờ Bố tát mỗi nữa tháng, giờ họp mặt đại chúng đã được ấn định, giờ tụng niệm công cộng, giờ Lễ Sám quan trọng, trừ người có duyên sự chánh đáng.
Phần phụ
1. Khi tụng niệm, tọa thiền, thọ trai, họp mặt, v.v… đều phải đến kịp thời;
2. Khi tụng niệm v.v… đều phải nghiêm trang đúng phép;
3.Giờ chấp tác không được trốn nghỉ, trừ bệnh hay sự duyên chánh đáng;
4. Giờ thọ trai tất cả đều đi quá đường trừ bệnh hay mắc công sự;
5. Có duyên sự chánh đáng, vắng mặt trong những giờ tụng niệm, Bố tát, họp mặt v.v… đều phải xin phép vị phụ trách;
6. Có việc cần phải xuất ngoại phải xin phép với vị phụ trách;
7. Trong phòng nghỉ không được đưa người ngoài vào hay tiếp khách riêng;
8. Không được loạn đơn, loạn phòng hay ồn ào động niệm người lân cận;
9. Phải giữ gìn vệ sinh chung, bản thân phải thể hiện tích cực;
10. Không được hút thuốc, ăn trầu, uống rượu, đánh bài, chơi cờ;
11. Công việc được phân công phải thực hiện đồng bộ đều đặn, kỷ lưỡng;
12. Thức, ngủ phải theo đúng giờ, có công việc trong giờ chỉ tịnh nên se sẽ tránh gây tiếng động;
13. Phải ăn nói hòa nhã khéo dùng oai nghi, y phục sạch sẽ;
14. Phải giữ gìn trật tự chung, bản thân phải nề nếp ngăn nắp, thấy những hiện tượng không tốt nên quan tâm không nên tiêu cực;
15. Phải giữ gìn tài sản của Tam Bảo, cụ thể phải tiết kiệm điện, nước v.v…
16. Chúng Sa Di và Ngũ giới không được sử dụng điện thoại di động.
Hiệu lực
Về phần căn bản: nếu có vị nào phạm một trong bốn trọng giới sẽ bị tẩn xuất. Nếu trái phạm Lục hòa thì phạt sám hối Hồng danh từ 7 thời cho đến 21 thời, tùy trường hợp trọng hay khinh; phạm một lỗi ba lần trong một tháng là bị tẩn xuất.
Về phần chánh: trong năm điều nếu vị nào phạm một trong ba điều trước được can ngăn mà không chịu hối cải thì sẽ bị tẩn xuất, nếu chịu hối cải thì sẽ phạt như hai điều sau:
+ Phạm một trong hai điều sau, bị phạt sám hối từ 3 thời đến 21 thời tùy khinh trọng;
+ Phạm một lỗi 5 lần trong một tháng bị tẩn xuất.
Về phần phụ: nếu vị nào phạm một trong mười sáu điều lần thứ nhất bị cảnh cáo, lần thứ hai trong vòng một tháng bị phạt một thời Hồng Danh, lần thứ ba trong vòng một tháng phạt ba thời Hồng Danh. Phạm quá ba lần trong vòng một tháng thời tùy tội nặng nhẹ mà xử phạt.
Bản Thanh Quy này được đọc trước đại chúng mỗi tháng một lần vào ngày thỉnh nguyện.
DÀNH CHO CHÚNG TẬP SỰ XUẤT GIA
Để giúp cho huynh đệ tập sự có được nhiều lợi ích, đồng thời tạo thuận lợi cho việc quản lý của chùa, yêu cầu huynh đệ thực hiện tốt các hạnh kiểm sau đây:
1. Giữ gìn NĂM CHUẨN MỰC đạo đức của người Phật tử (không sát sanh; không trôm cướp; không tà dâm; không vọng ngữ; không uống rượu, bia, các chất say nghiện…) và phải TRƯỜNG CHAY.
2. Phải thể hiện được là một người có tư cách ĐẠO ĐỨC tốt, có lối sống lành mạnh, hòa hợp; có nề nếp, KỶ CƯƠNG và thực lòng tha thiết học đạo.
3. Phải tham gia đầy đủ và chấp hành NGHIÊM CHỈNH THỜI KHÓA sinh hoạt: công phu, bái sám, ăn cơm, chấp tác, ngủ nghỉ…
4. Có lòng tôn kính đối với Tam Bảo, biết LỄ PHÉP và vâng lời dạy bảo của chư Tăng. Đặc biệt công việc hằng ngày phải chấp hành theo sự phân công của Thầy Quản Chúng.
5. Có tinh thần KHIÊM CUNG, cầu tiến bộ, vui vẻ khi được chỉ lỗi và cố gắng sửa đổi.
6. Khi đi RA NGOÀI PHẢI XIN PHÉP và có sự đồng ý của Thầy Quản chúng. Nghiêm cấm tiếp xúc và nói chuyện riêng với người nữ nơi chỗ khuất.
7. Phải giữ gìn SẠCH SẼ nơi ăn, chốn ở. Đi vệ sinh, tắm giặt, phơi đồ đúng nơi quy định.
8. THUỘC LÒNG HAI THỜI CÔNG PHU sáng, chiều. Ngoài ra chỉ được đọc những quyển sách do chùa quy định và có sự kiểm duyệt của Thầy Quản chúng.
9. Nghiêm cấm việc dùng ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG, các thiết bị công nghệ điện tử truy cập mạng internet; xem, nghe, đọc và tuyên truyền các văn hoá phẩm đồi truỵ.
10. Huynh đệ vi phạm sẽ được xử phạt như sau:
+ Lần thứ nhất: chư Tăng nhắc nhở để rút kinh nghiệm, sửa chữa.
+ Lần thứ hai: khiển trách trước Đại chúng.
+ Lần thứ ba: mời ra khỏi chùa.
Quý huynh đệ cần chấp hành nghiêm túc các quy định trên đây để rèn luyện và chuyển hóa thân tâm, nền tảng tiến lên nấc thang xuất gia tu học.
DÀNH CHO PHẬT TỬ
Điều 1: Khi vào chùa, Quý vị đi xe đạp, xe máy hoan hỷ xuống xe tắt máy từ ngoài cổng và gửi xe theo sự hướng dẫn của Nhà xe.
Điều 2: Một lòng tôn kính Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Quý vị khi đến chùa nên thực hiện nếp sống văn minh: trang phục gọn gàng, nói năng nhỏ nhẹ, lịch sự, không nói lời có ý xuyên tạc, đả kích và chia rẽ đoàn kết; không chen lấn xô đẩy; không vứt rác bừa bãi, thấy rác nên nhặt và rác phải phân loại bỏ đúng quy định.
Điều 3: Tham dự khóa lễ, phải luôn giữ chánh niệm, hòa âm cùng Đại chúng, không nên to tiếng, không nói chuyện riêng; đi ngồi phải đồng bộ với Đại chúng. Khi đi kinh hành phải theo làn mũi tên, giữ đều khoảng cách. Khi đứng 2 đầu ngón cái, khi quỳ và ngồi 2 đầu gối luôn ngay giữa dấu chấm vàng đã được quy định.
Điều 4: Cùng nhau bảo vệ tài sản Tam Bảo. Quý vị không được hái hoa, không bẻ cành, trèo cây, leo núi đá; không bắt cá hay bỏ bất cứ vật gì xuống hồ; không tô, vẽ, khắc, khảm lên cột, tường, tượng Phật, bàn ghế, trống, chuông mõ và các pháp khí khác. Luôn gìn giữ, tiết kiệm điện và nước cho Tam Bảo.
Điều 5: Quý vị có lòng hảo tâm cúng dường Tam Bảo xin gửi vào thùng công đức hoặc có việc thưa thỉnh hữu sự hoan hỷ liên hệ phòng Thầy Trị Nhựt.
Điều 6: Không được mang vũ khí, ma túy, chất nổ, chất dễ cháy, rượu bia, súc vật, … và văn hóa phẩm đồi trị vào chùa. Khi lễ Phật, không đội mũ, không hút thuốc lá; không thắp nhiều hương (mỗi lư hương chỉ thắp một nén nhang).
Điều 7: Không đến gần những khu vực để biển báo cấm và phòng riêng nội tự.
Điều 8: Quý vị đến chùa có trẻ nhỏ đi cùng, hoan hỷ giữ trẻ không để chạy nhảy, đùa nghịch, hò hét…
Điều 9: Quý vị hoan hỷ không để diễn ra bất cứ hoạt động mua bán, bói toán, ăn xin, rải truyền những tờ bướm, tranh ảnh… vụ lợi với mọi hình thức trong khuôn viên chùa mà chưa qua sự xem xét chấp thuận của bổn tự.
Điều 10: Đối với các đoàn khách tham quan du lịch trong nước cũng như nước ngoài xin Trưởng Đoàn hoặc Hướng Dẫn Viên hoan hỷ thuyết minh đúng thông tin về bổn tự, mọi thắc mắc cần, vui lòng liên hệ với phòng Trị Nhựt.
Quan trọng nhất vẫn là tâm chí thành cung kính, có thành kính thì sẽ giữ được oai nghi và gặt hái được thành tựu tốt đẹp. Kính mong Đại chúng lưu tâm, gìn giữ để góp phần trang nghiêm Tam Bảo.
TIÊU CHÍ TẬP SỰ CÔNG QUẢ
Phật tử muốn đến chùa xin tập sự xuất gia phải đáp ứng các tiêu chí sau:
1. Chùa không nhận xuất gia cho người dưới 16 tuổi.
2. Không có những bệnh lưỡng tính, bệnh truyền nhiễm, bệnh nan y (tim, phổi, lao, gan B, khớp, Tiểu đường, HIV, AIDS…) thần kinh, tật nguyền, tâm lý không ổn định.
3. Không nghiện ngập, nợ nần và vi phạm pháp luật.
4. Phải có tâm cầu đạo chân chính, không vì việc ăn – mặc – ở mà xuất gia.
5. Nắm rõ Thanh quy chùa Vạn Đức, chấp thuận thực hiện giờ giấc sinh hoạt của chùa.
6. Từ lúc viết đơn xuất gia, đủ ít nhất 6 tháng mới được xét duyệt xuất gia (trừ trường hợp đặc biệt). Trong thời gian xét duyệt, quý Thầy Quản chúng sẽ theo dõi sự rèn luyện và đánh giá hạnh kiểm.
7. Những ai đã lập gia đình mà muốn xuất gia thì phải có đơn xác nhận đồng ý của vợ, chồng, con…
8. Không nhận ba (mẹ) đi xuất gia mà có con còn nhỏ mang theo vào chùa.
9. Phải thưa trình và được sự cho phép của Thầy Trụ trì. Sau đó sẽ được hướng dẫn trực tiếp gặp Thầy Quản chúng. Thời gian công quả thử việc để được xét duyệt tập sự là 1 tháng.
10. Hồ sơ xin tập sự bao gồm:
- + Đơn phát nguyện tập sự xuất gia.
- + Sơ yếu lý lịch.
- + Giấy cam kết đồng ý của cha/mẹ hoặc người nuôi dưỡng.
- + Giấy chứng nhận cư trú tại địa phương.
- + Giấy khám sức khỏe (giá trị trong 1tháng)
Trên là những tiêu chí thiết yếu để Phật tử được chấp thuận chính thức tập sự xuất gia. Quý Thầy Quản chúng Tập sự sẽ căn cứ các điều kiện trên đây để xét duyệt.