1.DẪN NHẬP

Đức Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên, khai thị ngộ nhập Phật tri kiến cho chúng sanh để được ra khỏi sanh tử luân hồi đến bờ giải thoát, an vui, tự tại, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn đồng như Phật không khác. Thời kỳ Phật tại thế, số người đắc độ vô số, chỉ cần một cử chỉ, một lời nói, đương cơ có thể khai ngộ. Sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, thời kỳ chánh pháp còn có nhiều người thể nhập. Đến thời kỳ tượng pháp tuy cũng có người chứng đạo nhưng rất hạn chế. Đến thời kỳ mạt pháp thì rất ít người chứng đạo, tuy có một số các Ngài cũng thể hiện những kỳ tích phi thường nhưng đa phần là chư vị Bồ Tát thị hiện để độ sanh. Qua đó, chúng ta có thể xác định rằng nếu chúng ta có đầy đủ phước đức nhân duyên, sẽ sanh vào thời có Phật ra đời, được gặp Đức Phật giáo hóa hoặc được sanh vào thời chánh pháp hay ít nhất cũng vào thời tượng pháp. Nay chúng ta kém phước sanh vào thời rất sâu của mạt pháp thì chúng ta phải nhận biết mình đang ở vị trí nào, tự lượng sức để chọn cho mình một con đường, một pháp môn tu học hợp căn cơ để có thể một đời này giải quyết được việc lớn sanh tử luân hồi.

Qua tìm hiểu, duy chỉ có pháp môn Tịnh độ mới đáp ứng những trình độ, những căn cơ thấp kém thời mạt pháp như chúng ta, mới đáp ứng đủ điều kiện để tu tập được lợi ích an vui. Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Chúc Lụy, Đức Phật dạy: “Đời vị lai có chúng sanh nào tin nhận trí tuệ của Như Lai thì phải vì họ mà nói kinh Pháp Hoa này, còn có chúng sanh nào chẳng tin nhận thì phải nói những pháp sâu khác để họ được lợi ích vui mừng”. Chúng ta đừng nghĩ rằng chúng ta có duyên đọc tụng kinh Pháp Hoa là chúng ta được gọi là hạng tin nhận trí tuệ của Như Lai. Tin nhận ở đây là phải thực sự tin nhận còn chúng ta chỉ là tin nhận trên văn tự nên không thể tương ưng với Pháp tu của Pháp Hoa được. Chúng ta phần đông là hạng người thứ hai trong phẩm Chúc Lụy của kinh Pháp Hoa là tu theo những pháp sâu khác của Như Lai. Sư ông Vạn Đức nói những pháp sâu khác thì phải là pháp Đại thừa. Được lợi ích an vui trong đời mạt pháp này thì chỉ có pháp môn Tịnh độ. Vì thế, chúng ta phải khẳng định mình là người kém phước, đã ở sâu trong đời mạt pháp, chướng sâu huệ cạn, nhưng còn có chút duyên lành gặp được Thầy Tổ truyền dạy pháp môn Tịnh độ thì phải quyết tâm tu tập. Chúng ta thử suy nghĩ, nếu mình sanh vào gia đình không theo Phật pháp hoặc quốc độ không biết Phật pháp thì mình sẽ ra sao? Biết đến bao giờ mới gặp được? Cho nên ngay bây giờ phải quyết định tu tập pháp môn Tịnh độ.

Tu pháp môn Tịnh độ phải biết có ba tư lương đó là Tín, Nguyện, Hạnh. Như đảnh có 3 chân, thiếu 1 không được. Tuy nhiên theo Ngài Ngẫu Ích – Liên Tông Cửu Tổ thì được vãng sanh hay không toàn do tín nguyện, phẩm vị cao thấp là do việc hành trì sâu hay cạn. Tuy nhiên, 3 pháp này đều hỗ trợ cho nhau, có lòng tin thật sự mới có nguyện tha thiết, có nguyện tha thiết mới hành trì miên mật , có hành trì miên mật mới củng cố được lòng tin.

2.NỘI DUNG
2.1 TÍN

Tín ở đây là chánh tín chứ không phải mê tín. Lòng tin được thiết lập bởi:

Tự thân chứng kiến người tu Tịnh độ được tự tại vãng sanh. Phật dạy 4 chơn đế sanh, lão, bệnh, tử là khổ. Khổ khi sanh ra nên khóc. Khổ khi già, đầu bạc, răng long, mắt mờ, tai điếc, chân dùn, gối mõi. Khổ khi bệnh, bị bức ngặt, đau nhứt, khó thở, bất an. Nhất là khổ khi sắp chết, mắt trợn, tay chân co giật, hơi thở dồn dập, đa phần đều như vậy. Nếu chúng ta tự thân chứng kiến một hành giả niệm Phật, đến lúc lâm chung bình thản từ giả mọi người, niệm Phật tự tại mà đi. Hoặc lại có những thoại tướng như nghe mùi thơm lạ, nhạc trời vang trổi, ánh sáng chiếu thân thì đó là một động lực mạnh mẽ nhất cho lòng tin của chúng ta. Một vị Giáo thọ đã kể lại, tự thân chứng kiến 3 trường hợp hành giả niệm Phật được an nhiên tự tại vãng sanh, nên Ngài tin tuyệt đối pháp môn Tịnh độ. Nếu chúng ta không tự thân chứng kiến, nhưng nghe các vị kể lại, hoặc xem trong kinh sách, như câu chuyện “Nán lại một ngày” của bà Lý Thị Cúc được ghi trong quyển “Đường về Cực Lạc” của Hòa thượng Vạn Đức thì cũng giúp cho lòng tin phát khởi và tăng trưởng.

Suy nghiệm theo khoa học a=b; b=c suy ra a=c. Trong môi trường hoàn cảnh sống của chúng ta giới hạn trong điều kiện như nhà cửa, tiện nghi, cảnh quan. Nếu chúng ta có duyên đến những chỗ sang trọng hơn, tiện nghi hơn chúng ta sẽ có những cảm xúc ngạc nhiên, lạ lùng. Hoặc giả như từ nào chúng ta chỉ ở vùng đồng quê hẻo lánh, nay có dịp lên thành thị chứng kiến những ngôi nhà chọc trời, đường xá rộng rải, cầu vượt 2, 3 tầng xe cộ tấp nập thì chúng ta chỉ có nước trố mắt ngắm nhìn, tắc lưỡi, hít hà, xuýt xoa. Hoặc hơn thế nữa, như chúng ta có duyên đi du lịch qua các nước u Mỹ thì sự ngạc nhiên lạ lẫm càng gấp bội hơn. Nhơn quả thế gian còn như thế, qua đó chúng ta có thể suy nghiệm cõi nước Ta Bà chúng ta đang sống do cộng nghiệp của số đông hạng người tạo nghiệp ác, thì cõi Cực Lạc trang nghiêm do nhân tu 48 điều nguyện của Tỳ kheo Pháp Tạng đã thành tựu đương nhiên hiện hữu. Khoa học đã chứng minh có những hành tinh cách xa tính bằng vận tốc ánh sáng thì Cực Lạc cách đây 10 muôn ức cõi nước chẳng có gì là mơ hồ huyễn hoặc.

Thực nghiệm: Bản thân chúng ta đúng theo lời Phật dạy mà tu tập pháp môn Tịnh độ. Người căn cơ cao thì có thể tu môn “Thật tướng niệm Phật”, “Quán tưởng niệm Phật” hoặc “Quán tượng niệm Phật”. Còn căn cơ thấp như chúng ta thì thật hành môn “Trì danh niệm Phật” là ổn hơn cả. Nếu chuyên tâm tu tập thì sẽ được an lạc nhẹ nhàng vì tâm không duyên theo ngoại cảnh.

Chư Phật, chư Bồ tát, chư vị Tổ sư, Thầy chúng ta không bao giờ dối gạt chúng ta. Người có tướng lưỡi rộng dài là do quả báo nói lời chân thật. Chư Phật là người có tướng lưỡi trùm cả tam thiên đại thiên thế giới, thì lời nói không bao giờ dối gạt. Chư vị Bồ tát, chư vị Tổ sư là những người có chí nguyện độ sanh thì cũng không bao giờ nói lời hư dối. Thầy chúng ta là những người thấy được lẽ vô thường nên xuất gia cầu đạo, trên cầu được trí tuệ vô thượng của Phật, dưới thấy khổ của chúng sanh mà phát nguyện cứu độ. Ta là những người có duyên được xuất gia học đạo với Thầy. Thầy vì lòng bi mẫn dạy cho chúng ta pháp môn Tịnh độ để một đời này được sanh về Cực Lạc, thoát khỏi khổ lụy ở cõi Ta Bà, thì Thầy cũng không bao giờ lừa gạt chúng ta. Chúng ta là những phàm phu sanh tử, chi phối bởi phiền não tối tăm, nên không thấy được chơn lý, không suy lường được những cảnh giới bất tư nghì, nên hoàn toàn đặt trọn niềm tin vào chư Phật, chư Bồ tát, chư vị Tổ sư. Một hành giả bị lung lay lòng tin bởi luận điệu của một Thầy khác, được Hòa thượng Vạn Đức giải nghi đơn giản. Ngài hỏi người nói là đệ tử của ai? Đáp là đệ tử của Hòa thượng nào đó. Ngài hỏi Hòa thượng đó có phải là đệ tử của Phật không? Đáp phải. Vậy thì nên tin Phật hay tin vị kia? Đương nhiên là phải tin Phật thôi, vị kia dầu cỡ nào cũng làm sao bằng Phật được.

2.2 NGUYỆN

Chúng ta làm bất cứ việc gì cũng phải phát nguyện mới thành tựu được. Ngoài đời khi khởi công một công việc thì mọi người trong cuộc phải đồng tâm lập thệ thì công việc mới chóng thành tựu. Việc ở đời còn như thế, huống là việc muốn thoát khỏi vòng sống chết là việc lớn của đời người, mà không phát nguyện thì làm sao thành tựu được. Phát nguyện cầu sanh Cực Lạc là việc mà người tu Tịnh độ phải phát. Phát nguyện cầu sanh Cực Lạc không phải là điều dễ phát. Bởi vì trong chúng ta có những người do phước đời trước nên đời này mọi mặt tương đối tốt đẹp, không bị thiếu thốn về vật chất, tinh thần cũng không có gì tổn thương, nên thấy thế gian nầy không có gì đáng chán. Nhưng thực ra chỉ một số ít được như thế, còn đa phần chúng ta không nhiều thì ít cũng đã từng trải qua cảnh khổ và cũng đã từng chứng kiến những cảnh khổ của người chung quanh. Và cũng đã thấy có người không chịu đựng nổi sự khổ nên dùng nhiều cách để chấm dứt sự sống. Vì nghĩ rằng chết sẽ không còn khổ nữa, nhưng họ không biết rằng nghiệp đã tạo rồi tới lúc trổ quả thì phải chịu. Trả chưa hết, chết rồi trả tiếp càng khổ hơn. Cho nên một mặt chúng ta quán lời Phật dạy về tam khổ, tứ khổ, bát khổ, vô lượng khổ để nhận thức rõ rằng: “Cõi nầy từ con người đến cảnh giới đều là khổ, vô thường, bất tịnh”. Đồng thời chúng ta quán sát những cảnh khổ chung quanh do thiên tai dịch bệnh, cướp giật, hận thù giết chóc xảy ra nhan nhản để nhàm chán cõi này, muốn mong ra khỏi. Một mặt chúng ta quán những cảnh vui thù thắng của cõi Cực Lạc, nào ao nước cây hoa, điện đài cõi đất đều do thất bảo làm thành, ánh sáng vi diệu hơn hẳn cõi người, cõi Trời, gấp trăm ngàn lần mà trong kinh đã diễn đạt, để phát lòng ưa thích mong muốn sanh về. Phải có quán niệm mình như đang bị nhận chìm xuống nước, chỉ có một ước nguyện được ngoi đầu lên để thở. Phải có tâm niệm như thế thì nguyện mới thiết tha.

2.3 HẠNH

Đây là nói về sự thực hành pháp môn Tịnh độ. Tất cả các pháp môn của Phật dạy, dầu là vô tướng tu hay hữu tướng tu đều đặt trên nền tảng giới luật và sự tinh tấn. Không giới luật thì không lấy gì phòng hộ. Không tinh tấn thì nay trồi mai sụt có khi chẳng tiến lên chút nào mà còn tụt hậu. Phần tu tập chúng ta chia ra hai phần định thời và không định thời:

Định thời là thời khóa nhất định trong ngày. Nghĩa là tùy theo hoàn cảnh, sức lực khả năng mà mình định thời khóa hằng ngày cho mình hoặc niệm Phật, hoặc lễ sám, hoặc tụng kinh mỗi ngày mấy thời. Hoặc chuyên niệm Phật mỗi ngày bao nhiêu câu, thì nhất định phải giữ cho tròn đủ không được sai sót. Không nên ban đầu ham nhiều, sau làm không nổi rồi lui sụt. Phải lượng sức mình giữ cho trọn rồi từ từ tăng lên.

Không định thời là ngoài những thời khóa nhất định hay quy định bao nhiêu câu Phật hiệu trong ngày, thì bất cứ lúc nào, dầu rảnh rang hay đang làm việc thì đều đề khởi câu Phật hiệu. Điều nầy Hòa thượng Vạn Đức gọi là tu mót. Có khi việc tu mót không định thời nầy lại nhiều hơn định thời nếu người khéo dụng công. Tuy nhiên định thời hay không định thời chúng ta nên áp dụng theo bài Kệ niệm Phật của Hòa thượng Vạn Đức.

 

Cách thức:

Một câu A Mi Đà
Không gấp cũng không huỡn
Tâm tiếng hiệp khắn nhau
Thường niệm cho rành rõ

Giới Định Tuệ:

Nhiếp tâm là định học
Nhận rõ chính huệ học
Chánh niệm trừ vọng hoặc
Giới thể đồng thời đủ

Sự niệm Phật:

Niệm lực được tương tục
Đúng nghĩa chấp trì danh
Nhất tâm Phật hiện tiền
Tam muội sự thành tựu

Lý niệm Phật:

Đương niệm tức vô niệm
Niệm tánh vốn tự không
Tâm làm Phật là Phật
Chứng lý pháp thân hiện

Khuyến tấn:

Nam mô A Mi Đà
Nam mô A Mi Đà
Cố gắng hết sức mình
Cầu đài sen Thượng phẩm.

Và trong sinh hoạt nên nương theo 10 tông chỉ của Cực Lạc Liên Hữu:

1.Tin sâu nguyện thiết hạnh chuyên.
2.Giữ gìn giới luật tứ hoằng chăm lo.
3.Mỗi ngày chánh niệm mấy câu.
4.Cung nhau nhắc nhở tin sâu nguyện trì.
5.Thẳng thắn kiểm định thân tâm.
6.Thói hư tật xấu tìm phương dứt trừ.
7.Học hỏi nghiên cứu tịnh tông. Tự mình thông suốt giúp người cùng thông.
8.Làm sao truyền bá pháp môn.
9.Khán bệnh trợ niệm giúp người lâm chung.
10.Tạo nhiều công đức thiện duyên. Thất thất chi tuần hồi hướng vãng sanh.

Đối với phần hạnh tức là hành trì chúng ta phải đề khởi sự tinh tấn, phải có tinh thần tích cực trong mọi trường hợp. Như khi chúng ta sắp làm một việc gì lớn lao, không nên có ý nghĩ tiêu cực là mai chúng ta khởi công việc lớn, hôm nay nghỉ thời khóa cho khỏe để có tinh thần cho ngày mai. Mà phải có suy nghĩ theo chiều hướng tích cực: là ngày mai ta làm việc lớn, thời khóa sẽ bị gián đoạn, hôm nay ta phải thời khóa nhiều hơn để bù cho ngày mai. Tất cả các trường hợp khác phải có tinh thần tích cực như thế. Chúng ta phải xem thời khóa như hơi thở, như bữa ăn của mình thiếu là không được. Chúng ta phải thực hành tu tập trong tinh thần tri ân: Ân cha mẹ đã sanh ra thân ta, ân Sư trưởng đã nuôi lớn giới thân huệ mạng, ân Phật Tổ đã truyền trao giáo pháp, ân Tổ Quốc đàn na đã bảo bọc chở che. Có tinh thần tri ân như thế thì sự tu tập gọi là được tu và sẽ rất nhẹ nhàng an lạc. Còn chúng ta miễn cưỡng gọi là bị tu sẽ không có an lạc.

KẾT LUẬN

Pháp môn Tịnh độ là pháp từ kim khẩu của Đức Thế Tôn nói qua nhân duyên của Hoàng hậu Vi Đề Hi bị khổ cùng tột vì đứa con ngỗ nghịch là Thái tử A Xà Thế, nên Hoàng Hậu cầu đức Phật chỉ dạy phương pháp được sanh về cõi nước không có những sự khổ như cõi Ta Bà nầy. Phật đã vì Hoàng hậu và chúng sanh đời mạt pháp mà chỉ dạy 16 pháp quán để được sanh về cõi Cực Lạc. Hơn thế nữa, Phật tự gọi Ngài Xá Lợi Phất để nói kinh A Mi Đà diễn tả cảnh Cực Lạc và khuyến tấn chúng sanh phát nguyện vãng sanh. Đồng thời nói kinh Vô Lượng Thọ trình bày 48 điều nguyện của Tỳ kheo Pháp Tạng (tiền thân của Đức Phật A Mi Đà). Thêm vào đó các kinh điển và luận Đại thừa có liên quan đến pháp môn Tịnh độ đa phần được các Pháp sư người Ấn dịch ra tiếng Hoa như Bồ Đề Lưu Chi, Cưu Ma La Thập, Thế Thân và tượng Phật A Mi Đà có tôn thờ tại Ấn Độ từ thế kỷ thứ nhất. Gần đây, lại có một số chư Tăng học giả bài bác pháp môn Tịnh độ, cho đây là pháp môn của người Trung Hoa bày ra, làm hoang mang cho hàng sơ cơ tu Tịnh độ, lòng tin bị lung lay. Phải nói rằng các Đại sư Trung Hoa thấy được căn cơ chúng sanh thời mạt pháp không thể tu pháp môn tự lực đạt đến giải thoát giác ngộ, chỉ tu pháp môn Tịnh độ, tự lực mình tu tập cộng thêm tha lực là 48 Đại nguyện của Đức Phật A Mi Đà mà được đới nghiệp vãng sanh (đới nghiệp ở đây phải được hiểu là những nghiệp cũ đã tạo, nay biết pháp môn Tịnh độ phát tâm tu tập, ăn năn sám hối những nghiệp cũ, cẩn thận không tạo thêm nghiệp mới. Chứ không phải nói đới nghiệp rồi tha hồ tạo nghiệp thì khó mà vãng sanh). Nên các Ngài cực lực xiển dương Tịnh độ. Có những bậc long tượng của Thiền gia chuyển tu Tịnh độ và khuyến tấn mọi người, được tôn xưng lên hàng Tổ vị và những gương vãng sanh của chư hành giả do các Ngài giáo hóa được vãng sanh nhiều vô số. Ơn của các Ngài vô cùng to lớn thế mà bị cho là bày ra để thực hiện ý đồ gì đó thì thật là sai lầm lớn. Thậm chí còn có những vị giải thích pháp môn Tịnh độ qua lăng kính biện chứng, dùng thế trí biện thông, lấy tâm phàm phu để đo lường Thánh cảnh, lỗi này không nhỏ, kinh luận cũng nói rất nhiều.

Kết lại chúng ta phải xác định mình đã ở sâu vào thời mạt pháp, tâm trí tối tăm, cảnh duyên chung quanh đủ thứ chướng ngại, nhiều điều cám dỗ, tự lực khó thành. May nhờ Đức Phật từ bi mở bày pháp môn Tịnh độ, chư Tổ truyền thừa, Sư trưởng chỉ dạy. Chúng ta phải nổ lực hành trì, khởi lòng tin sâu, phát nguyện tha thiết, niệm Phật chuyên cần, hầu khi lâm chung nhất tâm chánh niệm, nhờ Phật tiếp dẫn sanh về Cực Lạc, gần Phật, Bồ tát, Thiện hữu tri thức, tiếp tục tu trì đến ngày thành Phật, trở lại Ta Bà, độ khắp chúng sanh, đồng thành Phật đạo.

HT. THÍCH HOẰNG TRI