Thưa quý vị! Để trao đổi vấn đề tu học, là đệ tử Phật, chúng ta thiết nghĩ rằng một năm 365 ngày, chúng ta lo tất cả công tác từ cá nhân, chùa chiền, tự viện, giáo hội, xã hội… 3 tháng An cư Kiết hạ thực hiện luật Phật chế định dưới sự chỉ đạo của Giáo hội. Tăng Ni là bậc xuất gia sứ giả của Như Lai phải trở về một trú xứ, gọi là thúc liễm thân tâm, trau dồi tam vô lậu học; quý Phật tử cũng nương nơi đó học hạ gọi là tứ chúng đồng tu. Thiền môn hưng thạnh do Phật tử phát tâm, do đó chỗ nào nơi nào, trụ xứ đâu có Tăng Ni sứ giả của Như Lai tu học thì nơi đó có Phật tử hộ đạo và giúp đỡ cho Tăng Ni an tâm tu học, do đó gọi là tứ chúng đồng tu.

Bây giờ trở về với lại 3 tháng An cư Kiết hạ, chúng ta gọi là “Tam ngoạt an cư đình ý mã, cửu tuần tu học định tâm viên”, tức là ý chúng ta như ngựa lung tung, tâm chúng ta như con khỉ, như con vượn nó leo, nó nhảy, cho nên chúng ta tu là phải kiểm soát tâm ý của mình. Tu có nghĩa là chuyển nghiệp, tu có nghĩa là sửa đổi, tu có nghĩa là cải tạo, chuyển hóa chứ không phải tu là tụng kinh gõ mõ, ngồi thiền, niệm Phật. Nhưng mà không phải niệm Phật là không tu, tu mà không niệm Phật thì niệm cái gì? Tu mà không lần chuỗi thì lần cái gì? Lần chuỗi niệm Phật,  tụng kinh, ngồi thiền là tu, chuyển từ cái sai đến cái đúng, dẫn cái ác đến cái thiện mới gọi là tu, chứ không phải mặc áo đi lim dim cuối đầu xuống niệm Phật là ham tu. Không chắc, chưa biết đi như vậy có âm mưu gì hay không? Coi chừng lúc sân, bứt luôn xâu chuỗi quánh người khác lỗ đầu, cho nên chưa biết trước được. Vì vậy, tôi mong rằng người tu chúng ta cái tướng cũng cần.“Hữu tâm vô tướng tướng  tự tâm sanh, hữu tướng vô tâm tướng tùng tâm diệt” nhìn tướng thấy tâm, muốn biết tâm nhìn tướng là thấy tâm, từ tâm đó ta thể hiện ra tướng tham, sân, si, hỷ, nộ, ái, ố, dục lạc. Ai cũng có hết, tu có bấy nhiêu thôi, trước hết là trừ tam độc. Cả cuộc đời chúng ta bị tham, sân, si tam độc lãnh đạo không hay. Suốt cả cuộc đời ăn chay gãy hết răng rồi mà chưa thấy Phật, ăn chay rát cái ruột rồi mà tụng kinh hổng thấy kinh, ngày nào cũng Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi… mà một nhãn chưa thấy huống chi thiên nhãn. Đi, đứng, nằm, ngồi đều tụng làu làu như con chim vẹt nó hót mà mình có thấy được mình chưa? 

Thế thì bây giờ trong ba tháng nầy, mình làm thế nào để trở về với mình là cái khó nhất. Thưa thật, tôi cũng có cái xấu. Mới hồi hôm nầy, tôi hô thiền xong rồi mà ông Thầy đệ tử đi học về, Thẩy kêu cửa làm tôi cũng động, mới vừa hô thiền xong, đang niệm Phật thì chuông cửa nó reo, không mở thì không được mà mở thì gián đoạn, nội chút chừng đó thôi cũng đã khởi tâm phiền muộn. Cho nên tôi mong rằng trong đại chúng phải sắp xếp thời gian, thời khóa biểu để cùng nhau xây dựng một thời khóa An cư Kiết hạ thật trang nghiêm. Nếu các vị nào có đi học, hoặc có đi Phật sự về trễ thì phải báo trước để bố trí bảo vệ hoặc thị giả chờ cửa, không nên bấm chuông, bóp còi xe làm động chúng. Đó là một vài nghịch cảnh, cũng là nghịch duyên, mà cũng là thuận duyên nữa. Có vậy mình mới thấy được mình, mới kiểm chứng mình còn sân si hay không? Nếu không có vậy, tất cả đều trơn tru thì sanh hữu lậu mà không hay. Vì vậy, 3 tháng an cư kiết hạ tôi nhận lời chỉ đạo của Ban Trị sự về đây trao đổi với đại chúng về hai vấn đề quan trọng:

Thứ nhất là chia sẻ kinh nghiệm tu học của mình, nếu tôi thấy có điều nào hay tôi gởi đến quý vị, chớ không phải cái đó là chánh. Ở trong đây, không biết ai chánh, ai tà, ngồi đây chưa biết được ai chánh, ai tà. Khi nào chứng quả thì mới biết rõ, khi nào phóng được hào quang rồi mới thấy được, cho nên khoan chê, khoan chỉ trích ai cả; khoan chứ không phải là chưa, nếu có dịp thì mình sẽ chỉ nhưng trước mắt bây giờ khoan cái đã. Nếu vị Thầy đó có sai, Thầy nầy có lỗi, khoan nhận định, phải kiểm tra, xác minh lại. Trước hết là thưa thầy Trụ trì nhận định, phán quyết đúng hay sai. Không nên xuống phòng làm động chúng.

Thứ hai ở chùa ba tháng an cư chúng ta tu gì? Mỗi ngày hành trì hai thời công phu, tăng thêm hai thời khóa và hai thời trai đường thôi, chúng ta đã làm tròn chưa? Đối với quý Thầy lớn tuổi hạ thì đã quá thuần rồi nhưng lớp Tăng Ni trẻ học cao hiểu rộng hơn, có đến bốn, năm bằng tiến sĩ, bằng cao học nhưng về tôi hỏi quỳ trước bàn Phật nguyện hương như thế nào thì lại không biết. Tiến sĩ thì nhiều, nhưng về đảnh lễ tôi để trình bằng tiến sĩ tôi nói: “Chưa được, tiến sĩ không bằng tiến hương” cầm 3 nén hương dâng nguyện không được thì 3 tiến sĩ đó thua 3 cây hương nầy. Cho nên vấn đề học thức, kiến thức, trí thức đâu bằng đạo đức, mình tu họ lạy cái đạo đức chứ họ đâu có lạy cái bằng tiến sĩ. Họ cúng dường cái đức của Sư ông chứ ai cúng dường Sư ông bốn cái tiến sĩ đâu. Cho nên tôi nhắc lại người tu chúng ta phải luôn “phản quang tự kỉ”, nhìn lại chính mình. Tới bây giờ qua mùa hạ mình còn gặp nhau nữa không cũng chưa biết, bởi: “thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy, tứ đại khổ không…” nay còn mai chết biết đâu nói. Tuy nhiên, có những gì biết được thì nói, nếu biết mà không nói thì nguy hiểm, thì hiểm độc lắm, cho nên tu là phải biết. 

Từ thời Hán Đế, giáo pháp của Đức Phật được hai ngài Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan truyền sang. Lúc bấy giờ, Hán Đế thỉnh chư Tăng về trú nơi dinh thự của mình (vì lúc ấy chưa có chùa như bây giờ). Chùa chỉ có từ khi đó. Theo đó, tự chính là dinh thự. Thế nên trụ xứ nào có từ bốn vị xuất gia (Tăng hoặc Ni) trở lên cư ngụ, sống đoàn kết, hòa hợp, tu học đúng Chánh pháp thì nơi đó được gọi là đạo tràng. 

Dù ở chùa, thiền viện, tu viện hay tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường… người tu đều phải sống theo thanh quy, giới luật. Đó là nếp sống, là luật lệ của người xuất gia. Những quy củ đó tạo nên nét đặc trưng chốn thiền môn. Có 3 điều tôi xin nhắc nhở đại chúng. 

Thứ nhất: chúng ta phải giữ vững ý chí, nguyện vọng lúc ban đầu khi mới vào đạo (sơ tâm xuất gia), chí nguyện quy y Tam bảo của người đệ tử Phật tại gia, vì không gì quý hơn 3 ngôi báu này.

Người xuất gia chúng ta cũng như đệ tử Phật tại gia, lấy giới luật là mạng sống. Phải giữ gìn giới luật như giữ tròng con mắt của mình, vì đó là cứu cánh, là rốt ráo, là con đường, là mục đích chúng ta hướng về. Đi tu đâu chỉ để được cạo đầu, mặc áo, ăn cơm Phật là đủ, mà phải “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa quần sanh”. 

Dù ngoài đời hay trong đạo, Tăng Ni hay cư sĩ Phật tử, chúng ta cũng đừng bao giờ khởi niệm khinh chê các bậc tiền bối; đừng bao giờ khởi niệm phê phán, chỉ trích dù có lỗi hay không, đúng hay sai, tốt hay xấu đối với những người quá vãng, kể cả cha mẹ, ông bà chúng ta. 

Nhắc điều này cho đại chúng nhớ: “Nhân vô thập toàn” mình không có điều gì vẹn toàn hơn ai hết, nếu mình toàn rồi thì không ngồi ở đây. Mình còn khuyết nhiều lắm, còn sai nhiều lắm, còn dở nhiều lắm cho nên đừng phê phán người khác, đừng chỉ trích, khinh miệt dù đó là người xuất gia hay tại gia, làm vậy sẽ tạo nên nghiệp khinh chê. Những gì đã qua, thì cho về quá khứ; đáng kính thì kính, không đáng kính thì vẫn nể… 

Thứ hai: Quý Tăng Ni phải hiểu, phải biết một cách rành rõ nếp sống chốn thiền môn. Để sau còn tiếp tăng, độ chúng; nếu tiếp tăng, độ chúng mà không giữ thiền môn quy cũ, thì các vị đệ tử nói riêng, đàn hậu học nói chung sẽ đi lệch hướng, sai đường. Cái tội, cái lỗi, cái nghiệp ấy người làm thầy phải chịu, vì quý Thầy không khéo dạy đệ tử. 

Tôi mong chúng ta làm được hai việc: 

Việc thứ nhất, thể hiện lục hòa (cộng trụ tứ chúng đồng tu) trong tổ chức. Lãnh đạo chúng trong tự viện phải dựa trên giới luật, hạ lạp mà cung cử các chức vụ. Ngoại lệ đối với các vị có chức sự nhưng giới luật thì khác; vì tổ chức tôi phải để Thầy lên làm chức vụ đó; nhưng về mặt lễ nghi Thầy phải kính nể tôi, vì tôi đi trước Thầy. 

Viện thứ hai, tuân thủ tính tổ chức trong tập thể, hình thức của tổ chức chúng ta phải tuân thủ. Vấn đề tu cá nhân chúng ta phải thực hiện giới luật, lấy giới luật làm thầy, làm mạng sống để vượt qua. Nếu Thầy giỏi về bằng cấp, trình độ, chức vụ thì đó là khi hành chánh, khi trở về bổn tự phải theo nề nếp, quy cũ chốn thiền môn. Mình phải biết, phải hiểu luật thật kỹ, mới đem vấn đề ra bàn bạc. Không phải nghe người ta nói, chưa rõ thế nào mà lại cho ý kiến. Chư Tăng, chư Ni, cũng như Phật tử cần lưu ý điều này. 

Thứ ba: vấn đề giao tế trong các mối quan hệ. Ngôn từ khi tiếp xúc với các cấp Chính quyền sẽ khác khi tiếp xúc với tôn giáo bạn, nó lại khác khi tiếp xúc giữa người có đạo khác với người không đạo. Quý Thầy lưu ý giúp ba việc: 

1 Khi tiếp chuyện, tiếp việc: vị trí ngồi tiếp chuyện của mình với khách phải đúng nơi, đúng chỗ.

2 Phải hiểu rõ vai trò, ý nghĩa của các chức sự trong chùa

3 Với các bậc Trưởng lão của Giáo hội, với Lãnh đạo Chính quyền các cấp, khi tiếp xúc, trò chuyện, chia sẻ mình cần lựa lời mà nói, lựa ý mà hỏi để thể hiện sự thân thiện, chân thành, khiêm tốn; tạo thiện cảm khi mình ra về.

Hy vọng tin tưởng rằng Tăng, Ni quận Thủ Đức chúng ta nói riêng, nói chung là tất cả Tăng Ni phải lấy hình thức tuy rằng giả đó nhưng mà “dĩ giả độ chơn”. Mượn cái giả đó để về với cái chơn, chứ chưa chắc là trang nghiêm, ngồi vậy chưa chắc là chơn đâu, giả đấy. Nhưng mà trong cái giả nó có chơn, ta gọi là “dĩ giả độ chơn”. Nếu trường hợp cần phải đóng kịch giả thì quý vị cũng nên đóng kịch giả cho nó trang nghiêm. Còn trường hợp mà ngồi một mình trong phòng để tu hay là ngồi trên chánh điện thì đó là cho mình. Nhưng đối với sự tồn tại, vì phát triển của Giáo hội cho nên chúng ta phải sống trong tổ chức, sống trong lục hòa cộng trụ. 

 

HT THÍCH NHƯ TÍN