HỎI: Khi còn nhỏ (11 tuổi) tôi có trộm tiền của bà. Bà tôi là người giữ tiền công đức của miễu Bà (thờ Phật, Thánh). Nay biết Phật pháp nên tôi rất sợ về việc ngày xưa đã lấy trộm tiền công đức. Xin quý Báo cho biết tôi phải làm sao để sám hối tội nghiệp?
ĐÁP: Ai cũng từng trải qua tuổi thơ với những tháng ngày vụng dại. Bấy giờ ý thức non nớt, dễ lỡ lầm nên dẫu có sai phạm gì lặt vặt cũng được người lớn giáo dục rồi bỏ qua, pháp luật cũng chưa truy cứu trách nhiệm. Tuy nhiên, về phương diện tạo nghiệp và hậu quả của nó thì vẫn còn.
Bạn tuy có hành vi trộm cắp, nhưng tuổi thơ bồng bột ý thức chưa đầy đủ nên tội và nghiệp tạo ra cũng không quá lớn. Nếu chỉ lấy cắp tiền riêng của bà thì cũng chẳng có gì đáng nói, bây giờ nhớ lại chỉ xem như một kỷ niệm của một thời nông nổi. Chỉ cần chăm lo báo hiếu, phụng dưỡng và chăm sóc cho bà là xem như trả được nghiệp.
Điều đáng nói ở đây là bà giữ tiền công đức của bá tánh, nên trộm tiền ấy là trộm của Phật Thánh và thập phương, tội nghiệp không phải nhẹ, cần phải sám hối và phục thiện.
Để sám hối, trước bạn cần sắm sửa hương hoa đối trước Tam bảo (tại tư gia hoặc tại chùa) thành tâm lễ bái, tác bạch phát lồ tội lỗi trộm cắp ngày xưa (tâm bạn nghĩ sao thì nói vậy), cầu mong Phật-Thánh chứng minh cho lòng thành sám hối và từ bi hỷ xả tha thứ đồng thời nguyện không tái phạm. Sau đó, bạn thực hành sám hối theo một trong những nghi thức sám hối (Hồng danh sám hối, Lương hoàng sám pháp, Từ bi thủy sám pháp…). Để phục thiện, bạn cần gia tâm thực hiện hạnh lành bố thí và cúng dường Tam bảo.
Bạn cứ song hành sám hối và phục thiện như trên. Bạn cần có niềm tin tưởng sâu sắc, kiên trì nỗ lực bền bỉ không thối chuyển, nhờ tận lực sám hối, tội sẽ diệt và phước sẽ sinh. Một thời gian sau, bạn sẽ thấy thân tâm thanh thản, không còn ray rứt lo lắng nữa thì có thể tạm dừng.
Nguồn: giacngo.vn