TA LÀ AI?

Tâm ta như một hạt muối được hòa vào nước biển, như một cây cổ thụ mọc giữa rừng đại ngàn. Xả bỏ Tâm chấp ngã rồi, quên đi cái tôi, cái ta đã ngự trị bấy lâu trong tiềm thức của chúng ta, thì ta an nhiên vui vẻ chấp nhận mọi biến cố của cuộc đời….


Có những khi ngồi một mình bên hiên, ngó lên dải ngân hà xa xa và ngắm nhìn những ngôi sao lấp lánh. Trong tâm trí tôi chợt suy nghĩ về nhiều câu hỏi mà tôi chưa tìm được câu trả lời: “Ta là ai? Ta từ đâu tới? Ta sẽ đi về đâu? Ta đến thế giới này để làm gì?…”.

Có lẽ không chỉ riêng mình tôi mà có rất nhiều người cũng chưa tìm thấy câu trả lời phù hợp!

Cho đến một ngày gần đây, tôi mới hiểu ra rằng “Ta là vô thường, Ta từ hư không mà tới, và Ta sẽ trở về hư không!”.  “Ta” là vô thường, tại sao vậy? Vô thường trông như thế nào, ở đâu trong Ta?.

Xin thưa rằng thân Ta chính là biểu hiện của vô thường, tấm thân “tứ đại” này chính là sự hợp thành giả tạm của bốn yếu tố đất, nước, gió và lửa, do những nhân duyên nhất định tạo nên.  Khi Ta ăn cơm, ăn thức ăn, uống nước chính là sử dụng đất, nước và lửa để nuôi dưỡng sinh mạng này, và gió… chính là yếu tố được sử dụng khi ta hít thở vào ra để duy trì sự sống. Nhân duyên còn thì thân chúng ta còn tồn tại, nhân duyên thiếu thốn thì thân chúng ta kiệt quệ, nhân duyên mất đi thì thân ta tan rã và trở về với “Tứ Đại”.

Chúng ta đâu biết được khi nào thân thể này ngừng hoạt động có phải không nào! Chúng ta chỉ biết được rằng thân này đang tàn hoại theo thời gian. Thân Ta chỉ dừng lại khi hơi thở không còn và trái tim ngừng đập mà thôi. Vậy thì thân thể chính là vô thường, biến đổi không ngừng, sanh tử – tử sanh, giống như quy luật vô thường không ai có thể biết trước được.

Ta đến thế giới này để làm gì ư? Xin thưa rằng mỗi người chúng ta đến với thế giới này và sống cuộc đời này là để tìm lại chính mình, và quan trọng nhất là đi tìm phương pháp để tiêu diệt đi cái Tôi, cái Ta của chính bản thân mình!

Khi đã tìm được phương pháp rồi, chính là nắm được chiếc chìa khóa để mở ra cánh cửa của sự giác ngộ, phá tan những xiềng xích của sự vô minh, thì khái niệm “Ta” không còn nữa, khi ấy vô thường liệu có còn chăng!

Xin thưa “vô thường thì vẫn còn, nhân quả thì vẫn tồn tại và chi phối đến mọi khía cạnh của đời sống chúng ta, đối tượng mà chúng ta tiêu diệt đi chính là bản ngã của chính mình, khi hiểu thấu được vô thường rồi ta sẽ biết ta là ai, ta cần phải làm gì cho cuộc sống này trở nên ý nghĩa.

Lúc này “Ta” trở nên một sự sống thênh thang, ta ý thức được rằng ta sống vì để chấp nhận trả đi những nghiệp báo luân hồi và cải thiện những nghiệp xấu ác bằng cách làm những điều thiện lành nhiều hơn. Ta hiểu được rằng cái Tôi, cái Ta và thân thể này chỉ như một phương tiện đại diện cho tâm thức của mình để giao tiếp với sự vật hiện tượng ở thế giới xung quanh ta mà thôi. Và cần thiết phải giữ gìn cho hành vi, lời nói, ý niệm của mỗi chúng ta được thanh tịnh. Đó là cách chúng ta bảo vệ trọn vẹn cho “phương tiện giao tiếp với thế giới bên ngoài” của mình trước những tác động của mọi nhân duyên trong cuộc sống này.

Giờ đây chúng ta đâu còn bận tâm tới chuyện ta từ đâu tới và ta đi về đâu nữa, ta biết rõ rằng thân mình là giả tạm phù du, và tâm ta thì lệ thuộc vào thân ta, thân ta bị chi phối bởi tâm ta, thân và tâm đều chịu tác động của luật vô thường. Khi đã hiểu thấu lý duyên sinh rồi, chúng ta đâu còn cảm giác buồn vui, giận hờn, ghanh ghét. Chúng ta cũng xả bỏ được những tâm lý nóng nảy, khó chịu, đau đớn, tủi nhục… cho dù hoàn cảnh trái ngang nhiều lắm những nghịch duyên. Chúng ta đâu cần quan tâm tới ta có địa vị như thế nào, bị người khác đối xử ra sao, vật chất đủ đầy hay thiếu thốn, là người nam hay là người nữ.

Ta chẳng buồn vì không ai like facebook, chẳng tủi thân khi người khác bận không nhắn tin hay gọi điện thoại cho mình, hay bị người khác đối xử tệ với mình chẳng hạn, ta chẳng đem lòng giận hờn với bất cứ ai. Ta không phân biệt đối xử với bất kì người nào, loài nào, tâm ta thong dong tự tại, không sợ hãi, chẳng lo lắng, tâm hồn ta tràn ngập sự bao dung, vị tha nhân ái, luôn sống “hiểu và thương” mỗi ngày.

Ta không oán trách tại sao mình nghèo khổ người khác giàu có, ta không tủi hờn khi mình phải làm lụng vất vả trong khi người có điều kiện thì đi chu du khắp nơi, ta chẳng thù oán với người làm tổn thương ta. Ta chẳng so sánh thiệt hơn với ai, “là đàn ông cũng được, phụ nữ cũng được, ai cũng khổ như ai, có phải riêng mình khổ đâu, giàu cũng được nghèo cũng được, an lạc là được…” Tất cả những thứ ấy trong cuộc sống này chỉ là những nhân tố tác động đến tấm thân vô thường giả tạm chứ có ảnh hưởng gì tới tâm thức của ta đâu mà phải lãng phí thời gian bận tâm tới những chuyện nhỏ nhặt phải không nào!

Lúc này mỗi chúng ta, khi đã hiểu thấu bản thân mình rồi, thì giống như mình đang đứng trên đỉnh núi cao nhìn xuống, thế giới xung quanh trở nên rộng lớn bao la. Tâm ta như một hạt muối được hòa vào nước biển, như một cây cổ thụ mọc giữa rừng đại ngàn. Xả bỏ Tâm chấp ngã rồi, quên đi cái tôi, cái ta đã ngự trị bấy lâu trong tiềm thức của chúng ta, thì ta an nhiên vui vẻ chấp nhận mọi biến cố của cuộc đời, và mỗi chúng ta sẽ biết sống ý nghĩa từng ngày trong từ, bi, hỷ, xả. Ta chờ đợi đến ngày trở về với quê hương cũ xa lạ mà thật gần gũi, nơi “Tây phương Cực lạc” là nhà!.

Hiền Minh

Scroll to Top