I. KHÁI QUÁT

Pháp môn Tịnh độ được thiết lập trên nền tảng của Tịnh giới. Chúng ta muốn tu tập pháp môn Tịnh độ thành công thì sự thành công ấy phải đặt trên nền tảng của Tịnh giới. Bởi vì thế giới Tịnh độ của chư Phật nói chung và thế giới Tịnh độ của Đức Phật A Mi Đà nói riêng đều được thiết lập trên nền tảng của Tịnh giới, mà Tịnh giới có 3 chủng loại: Chủng loại thứ nhất là Nhiếp luật nghi giới, chủng loại thứ hai là Nhiếp thiện pháp giới và chủng loại thứ ba là Nhiêu ích hữu tình giới. 

Như vậy thì Tịnh độ của chư Phật mười phương và Đức Phật A Mi Đà đều thiết lập trên nền tảng của Tịnh giới, cho nên không có Tịnh giới là không bao giờ có Tịnh độ; bởi vì thế giới Tịnh độ là thế giới mà không có 3 đường xấu ác là địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh. Như đại nguyện thứ nhất trong 48 đại nguyện của Đức Phật A Mi Đà khi hành Bồ tát  đạo thì Ngài đã nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật cõi nước Tịnh độ của tôi không có ba đường dữ, ba đường xấu ác là địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh”. Tại sao không có 3 đường đó? Tại vì chư Thiên, nhân loại ở nơi thế giới Tịnh độ của Đức Phật A Mi Đà hay là những chư Thiên, nhân loại trong mười phương muốn sanh về thế giới Tịnh độ của Phật A Mi Đà toàn là những người không gieo nhân xấu, không gieo nhân ác, không tạo ra nghiệp ác cho nên thế giới Tịnh độ của Phật A Mi Đà không có 3 đường xấu ác địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh. Vì sao không có 3 con đường đó? Bởi vì không có ai tạo ác nghiệp để có cảnh giới của địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Và nguyện thứ hai trong 48 đại nguyện của Đức Phật A Mi Đà còn nguyện rằng: “Những vị chư thiên, nhân loại trong mười phương sanh về nước tôi rồi thì không còn đọa lạc ở trong địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh”. Cho nên thế giới Tịnh độ là thế giới mà không có 3 đường xấu ác và không có con người nghĩ về điều ác, do đó  thích ứng với chủng loại giới thứ nhất là Nhiếp luật nghi giới. 

Thế giới Tịnh độ của Phật A Mi Đà tu tập càng ngày càng tiến lên qua tấn căn, qua tấn lực, cho nên từ cái thiện của thế giới con người tiến lên cái thiện của thế giới chư Thiên, rồi từ cái thiện của thế giới chư Thiên tiến lên cái thiện của các bậc Thanh văn, rồi cái thiện của các bậc Thanh văn tiến lên cái thiện của các bậc Duyên giác, rồi cái thiện của các bậc Duyên giác tiến lên cái thiện của các bậc Bồ tát, cho đến Bồ tát  nhất sanh bổ sứ, cho đến cái thiện hoàn hảo của Phật. Do đó, Tịnh độ của Đức Phật A Mi Đà được xây dựng trên nền tảng gọi là chủng loại giới thứ hai là Nhiếp thiện pháp giới.

Chủng loại giới thứ ba là Nhiêu ích hữu tình giới. Tại sao Đức Phật A Mi Đà hành Bồ tát  đạo Ngài nguyện thiết lập thế giới Tịnh độ? Bởi vì khi hành Bồ tát  đạo Ngài đi học đạo và giáo hóa chúng sanh khắp cả mười phương thế giới với nhiều hình thức khác nhau, Ngài đã tham vấn tất cả Tịnh độ của chư Phật khắp mười phương. Từ đó, Ngài rút ra 48 đại nguyện để thiết lập cõi Tịnh độ cho chúng sanh tương thích. Như vậy Tịnh độ Phật A Mi Đà được thành tựu là từ nơi chủng loại giới thứ ba là Nhiêu ích hữu tình giới, thành lập Tịnh độ là vì lợi ích chúng sinh chứ không phải thành lập Tịnh độ để mình làm giáo chủ. 

Cho nên Tịnh giới liên hệ đến pháp môn Tịnh độ, vì vậy mà mình muốn thực hành pháp môn Tịnh độ có hiệu quả thì mình phải phát nguyện quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Tuy nhiên, quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng ở đây không phải là từ nay cho đến trọn đời mà là con nguyện đời đời kiếp kiếp quy y Phật không quy y trời thần quỷ vật, nguyện đời đời kiếp kiếp quy y Pháp không quy y ngoại đạo tà giáo, nguyện đời đời kiếp kiếp quy y Tăng không quy y tổn hữu ác đạo hay là thầy tà bạn ác và nguyện đời đời kiếp kiếp giữ gìn không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không uống rượu và các chất say nghiện. Nếu chúng ta có nền tảng của Tịnh giới thì chúng ta tu tập pháp môn Tịnh độ rất dễ thành công, còn nếu tu Tịnh độ mà không thiết lập trên nền tảng của Tịnh giới thì Tịnh độ đó không có cơ sở giúp mình đi tới ước nguyện vãng sanh. Đây là giải thích Tịnh độ qua lăng kính của người hành trì giới luật.

Thưa đại chúng, nhiều vị hỏi tôi: 

– Thưa thầy! Thầy tin có Tịnh độ Phật A Mi Đà không?

Tôi tin tuyệt đối có Tịnh độ Phật A Mi Đà.

– Vì sao Thầy tin tuyệt đối có Tịnh độ Phật A Mi Đà? 

Tôi tin tuyệt đối vào Tịnh giới, tôi tin tưởng tuyệt đối vào Đức Phật, tôi tin tuyệt đối vào giáo pháp Đức Phật dạy, tôi tin tuyệt đối vào sự thanh tịnh hòa hợp của Tăng đoàn và tôi có niềm tin tuyệt đối như vậy, cho nên tôi tin tuyệt đối có Tịnh độ. Không phải chỉ có Tịnh độ Phật A Mi Đà mà còn có Tịnh độ của chư Phật khắp mười phương. 

– Thầy chưa vãng sanh Tịnh độ sao Thầy tin tuyệt đối về Tịnh độ? 

Mặc dù tôi chưa vãng sanh Tịnh độ nhưng tôi tin tuyệt đối có thế giới Tịnh độ qua bốn phương pháp: Chứng kiến, thực nghiệm, suy nghiệm và nghe thấy từ các bậc Trí giả.

 1. CHỨNG KIẾN

Phương pháp thứ nhất, Tôi tin tuyệt đối về thế giới Tịnh độ là do tôi có chứng kiến từ Thầy Tổ chúng tôi, từ Thiện hữu tri thức của chúng tôi, từ tín đồ mà chúng tôi thấy rằng họ tu tập pháp môn Tịnh độ thành công có kết quả. Sau năm 1975, quê tôi có bác Cựu Cát làm khuôn trưởng khuôn Thành Công, Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Bác là ông nội Hòa thượng Tịnh Diệu – Trụ trì chùa Giác Hải, Vạn Ninh, Khánh Hòa. Lúc đó, Bác đã 80 mấy tuổi rồi mà chỉ bị bệnh nhẹ. Hòa thượng Tịnh Diệu từ Khánh Hòa đi về Huế và mời tôi cùng thầy Thuận Trực (Giám tự Tổ đình Tây Thiên – Huế) về thăm và cầu an cho ông nội. Khi về làm Lễ Cầu an, HT Tịnh Diệu lúc bấy giờ nói xin quý Thầy tụng cho một biến Kinh A Mi Đà. Tôi mới cười và nói: “Nếu mà tụng Kkinh A Mi Đà, ông nội thấy cảnh giới của Phật trang nghiêm đẹp như thế thì ông xả báo thân về Tịnh độ rồi sao?” Ông nội của HT bổng chấp tay lại nói: “Cái đó đệ tử đâu dám, chuyện đó là Phật sắp xếp, đệ tử đâu dám”. Thế là 3 anh em chúng tôi tụng Kinh A Mi Đà. Ông nằm chắp tay lắng nghe, tụng xong ông kêu Thầy Tinh Diệu: “Thầy đắp y hầu ngồi trên đầu, nói lại giới Bồ tát  tại gia cho tôi nghe”. HT Tịnh Diệu mới đắp y hầu ngồi trên đầu, ngồi nói lại giới Bồ tát  tại gia cho ông nghe về sự phát Bồ đề tâm, về sự phát đại nguyện, về Tín, Nguyện, Hạnh của người thọ trì Bồ tát giới tại gia. Nghe xong thì ông nói với 3 cô con gái: “Các con pha nước cho 3 Thầy dùng”. Ba cô con gái nói: “Thưa ôn, mấy con pha rồi.” Ông nói: “3 Thầy của mình ở đó rồi nhưng mà còn có 3 Thầy đang đi đến, pha nước chuẩn bị cho 3 Thầy dùng”. HT Tịnh Diệu mới vỗ trên vai ông nói “Ôn chánh niệm niệm Phật”. Ông nói: “Không, tôi nói thật mà”. Một lát sau 3 cô con gái đó hét lên một cái, thì tôi hỏi sao hét lên như vậy, họ nói rằng: “Có 3 Thầy mặc 3 chiếc áo vàng đi từ không trung đến và đang đứng trước sân.” Ba cô con gái nói như vậy, mình thì không thấy gì cả, 3 cô nói một cách rất rõ ràng. Xong một lát, trông thấy nhìn nét mặt của ông nội rất tươi và đẹp, ông nhắm mắt lại thì cả 3 anh em chúng tôi đến đứng xung quanh và hộ niệm, vừa niệm “Nam mô A Mi Đà Phật” thì ông vừa chắp tay và nhìn chúng tôi, ông cũng niệm “Nam mô A Mi Đà Phật” và niệm cho đến khi ông đưa hai tay ập lên trái tim của mình và đi. Rõ ràng là tu tập Tịnh độ có kết quả, có kết quả mà chính là tôi chứng kiến chứ không phải sách vở, không phải nghe người khác kể. Vì vậy, tôi tin tu tập Tịnh độ chí thành chí thiết là có kết quả. Cảnh giới Tịnh độ của chư Phật là cảnh giới có thực, cảnh giới của Phật A Mi Đà là cảnh giới có thực, đó là một chuyện mà tôi chứng kiến. 

Chuyện thứ hai, một hôm vào lúc 9h tối, mẹ tôi nhức đầu nhẹ, rồi bà nói với ông già tôi là: “Ôn ra vườn hái cho tôi 9 ngọn lá trường sanh, rửa sạch rồi đem vào giúp tôi”. Ông già tôi mới ra ngoài vườn hái 9 ngọn lá trường sanh, rửa sạch và đem vào cho bà. Bà ngồi với tư thế kiết già, nhai 9 ngọn lá đó và khi nhai xong thì ông già tôi ra đóng cửa, trong này bà niệm Phật 3 tiếng thiệt to “Nam mô A Mi Đà Phật, Nam mô A Mi Đà Phật, Nam mô A Mi Đà Phật”. Khi ông già tôi đóng cửa xong, đi vào thì thấy bà đi rồi, đó là mẹ tôi. Thân phụ của tôi 94 tuổi cũng đau rất nhẹ nhàng, trước khi xả bỏ báo thân là ông ăn một tô cháo rồi dạy con cháu ngồi xung quanh đó, ông đem tiền lì xì cho mỗi đứa ngồi xung quanh đó rồi dặn: “Ngồi đó nửa giờ, ta ngủ nửa giờ ta dậy”. Ông ngủ đủ nửa giờ ông dậy, dậy xong ông chống gậy đi vào nhà vệ sinh, người cháu kêu bằng bác ruột dìu ông đi thì ông nói: “Không cần, bác đi được”. Ông vào nhà vệ sinh đóng cửa lại vệ sinh , rửa tay làm vệ sinh sạch sẽ xong, ông ra ngồi trên giường. Ngồi khoảng 15 phút, một người em tôi mời tôi xuống. Ông nằm xuống kê đầu trên chân của tôi và ông niệm Phật. Tôi niệm Phật cùng ông và cuối cùng ông nhìn tôi một cái rồi ông đi. Đó là tự thân tôi chứng kiến những vị tu tập Tịnh độ, mà ông Thân tôi cũng là khuôn trưởng, khuôn Thành Công. Nghĩa là bao giờ cũng đặt Tam Bảo lên đỉnh đầu, một giới nhỏ cũng không bao giờ phạm. Những ngày gần mất, tôi hỏi ôn muốn gì, ôn nói không muốn gì nữa chỉ muốn về với Phật thôi. Như vậy quý vị thấy 3 vị cư sĩ họ không thông tam tạng giáo điển, họ không giảng dạy giáo lý Phật giáo thế mà họ an lạc xả bỏ báo thân này. Cho nên Phật pháp là phải hành trì, phải đặt hết niềm tin vào đó để mà sống chứ không phải đội niềm tin lên đỉnh đầu, phải biến niềm tin trở thành đời sống, cho nên tôi trả lời mạnh dạn là tôi tin Tịnh độ Phật A Mi Đà một cách tuyệt đối vì tôi tin Tịnh giới tuyệt đối. Và tôi tin điều đó có cơ sở vì chính bản thân tôi chứng kiến. Chưa nói đến các bậc cao đức của mình, các bậc cao đức của mình có những vị cũng rất tuyệt vời nhưng mà mình không chứng kiến chỉ nghe nói thôi, còn đây là chứng kiến thực sự. Cho nên thấy các vị chết mình thèm quá cũng muốn chết luôn, mà đâu có dễ. Từ đó, chết mới không làm mình sợ hãi nữa, không lo lắng, bởi vì có những người chết rất là đẹp, thì tại sao mình tu hành mà sợ chết? Chỉ sợ mình sống không dễ thương, sống không đẹp, còn mình sống đẹp, sống có niềm tin Tam bảo, sống có Tịnh giới, sống có sự gia trì lực của Tam bảo, sống có sự gia trì lực từ bản nguyện của các Ngài thì nhất định mình sống đẹp, mình chết cũng đẹp. Cho nên thứ nhất là do Chứng kiến.

 2. THỰC NGHIỆM

Thứ hai là do sự thực nghiệm. Hai ba chị em gây nhau, hai ba anh em gây nhau, hoặc là trong gia đình vợ chồng gây nhau mà có người tu Tịnh độ, người chồng gây bà vợ, bà vợ đứng yên lặng  nói: “Nam mô A Mi Đà Phật, Nam mô A Mi Đà Phật, Nam mô A Mi Đà Phật”, lúc đầu bà niệm thì ông chồng thấy khó chịu nhưng khi bà niệm đến ba niệm, đến năm niệm là cái giận của ông chồng, cái dữ dội của ông lặn xuống liền. Mình giận ai mình nhắm mắt lại, theo dõi hơi thở vào ra của mình, nhiếp tâm niệm Phật theo hơi thở vào ra, cơn giận của mình sẽ lắng xuống, bực bội của mình sẽ lắng xuống. Như vậy rõ ràng nếu mình không tin và không thực hành lời Phật dạy thì thôi; còn tin và thực hành thì kết quả sẽ xảy ra cho mình ngay trong đời sống, chứ chưa nói là sau khi kết thúc đời sống này. Cho nên tôi tin tưởng pháp môn Tịnh độ vì tôi tin tưởng Tịnh giới và tôi đã thực hành Tịnh giới. Tôi đã thực hành pháp môn này bằng sự thực nghiệm trong đời sống của chúng tôi, tôi nhiếp phục được tham, tôi nhiếp phục được sân, tôi nhiếp phục được si, tôi nhiếp phục được cái nghi ngờ trong đời sống của mình.

 3. SUY NGHIỆM

Thứ ba là suy nghiệm. Giống như toán học mình có một suy tư, về triết học, về toán học thì Tịnh độ cũng vậy. Nhiều vị nói là Tịnh độ không có vì Đức Phật không dạy ở trong kinh A Hàm, ở trong kinh tạng PaLi. Nói như vậy có nghĩa là các Thầy đọc kinh một cách hời hợt, chiêm nghiệm lời Phật dạy một cách hời hợt. Còn nếu chúng ta đọc và chiêm nghiệm một cách sâu sắc thì chính Tịnh độ mở ra ở trong kinh A Hàm, ở trong kinh tạng Pali; nó được thiết lập trên kinh A Hàm, tronG kinh tạng Pali. Câu kinh mà tôi dẫn ra thì ai cũng biết: “Tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ tâm tạo tác”. Có phải là câu kinh này nằm ở trong văn hệ A Hàm, văn hệ Nikaya Pali không? Không những nằm mà là trụ não các kinh như “Tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ tâm tạo tác”, như vậy tâm tạo ra Tịnh độ và tâm tạo ra địa ngục; tâm này mà liên hệ phiền não tham, sân, si thì nó sẽ tạo ra địa ngục, tâm này liên hệ với Tịnh giới, liên hệ với đại nguyện, với bản nguyện thì tạo ra Tịnh độ. Như vậy thì sao mà nói là kinh điển Tịnh độ, cảnh giới Tịnh độ của Phật A Mi Đà không thấy? Nằm trong A HàmKinh tạng Pali mà mình không thấy? Thế thì mình đọc kinh, mình tụng kinh, mình học kinh mà để cái chiêm nghiệm, cái suy nghiệm này ở đâu? Cho nên Văn rồi thì phải Tư, mà Tư rồi mới Tu. Văn, Tư, Tu là 3 pháp hạnh căn bản xuyên suốt của toàn thể Phật giáo. Tại sao một số quý Thầy đi học nước ngoài về lại lớn tiếng nói là không có Tịnh độ Phật A Mi Đà? Thế thì các Thầy học cái gì từ Phật giáo? Trong đó câu kinh rất căn bản “Tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ tâm tạo tác” chính tâm tạo Tịnh độ, chính tâm tạo ra uế độ. Trong kinh Duy Ma Cật nói: “Tâm tịnh thế giới tịnh” và khi mình đi vào ở chùa, bài kệ đầu tiên mình tụng trong mỗi buổi chiều là “Nhược nhân nhục liễu tri, tam thế nhất thiết Phật, ưng quán pháp giới tánh, nhất thế duy tâm tạo”. “Nhược nhân nhục liễu tri” nếu người nào muốn biết các Đức Phật ba đời, hãy quán tính chất vũ trụ của pháp giới. “Nhất thế duy tâm tạo” tất cả đều được tác động bởi tâm như vậy. Tâm ta tịnh thì sao không có Tịnh độ? Vì do tâm ta bất tịnh mà Tịnh độ không hiện tiền với chúng ta, tha phương Tịnh độ cũng không có với chúng ta; còn tâm ta thanh tịnh thì Tịnh độ hiện tiền và tha phương Tịnh độ là thế giới Tịnh độ tương thích của tâm thanh tịnh này. Tâm ta phiền não, tâm ta uế trược thì thế giới uế trược nó hiện tiền và những cảnh giới uế trược nó tương thích với tâm chúng ta. Cho nên tôi tin Tịnh độ bởi vì tôi có sự chiêm nghiệm, có sự suy nghiệm, mà sự chiêm nghiệm sự suy nghiệm này từ đâu, từ nơi pháp học pháp hành “Văn, -tzTư,- Tu”. Văn là lắng nghe, lắng nghe pháp được Đức Phật trình bày trong 12 thể loại kinh điển, hay là 5 thời thuyết giáo của Đức Phật, như lời phán giáo của Ngài Thiên Thai Trí Giả là Hoa Nghiêm, A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã, Pháp Hoa, Niết Bàn. Khi chúng ta nghe kinh điển đó thì chúng ta nghe, nghe rất sâu và từ đó tuệ giác nghe kinh được sinh ra trong đời sống cho nên được gọi là Văn tuệ. Nghe rồi chúng ta chiêm nghiệm thật sâu lời Phật dạy, chuyển tải ở trong các thể loại kinh điển, các thời thuyết giáo của Phật, từ đó mà tuệ sinh ra cho nên gọi là Tư tuệ. Sau khi nghe rồi sàn lọc, chiêm nghiệm, thấy pháp này phù hợp với mình trong nhân duyên điều kiện của mình thì mình ứng dụng trong đời sống. Khi mình ứng dụng nó vào đời sống của mình, càng tu càng thấy vui; tâm mình mở ra, càng tu tầm nhìn mình càng mở ra, càng tu mình càng có an lạc và hạnh phúc, từ đó mà mình tinh tấn mỗi ngày. Tuệ nó sinh ra trong sự thực hành giáo pháp Đức Phật, của chúng ta nên gọi là Tu Tuệ. Cũng từ suy nghiệm và chiêm nghiệm này đã có cõi uế độ thì sao không có cõi Tịnh độ, có cõi này thì có cõi kia chứ sao lại không có. Đã có Thầy Trụ trì thì phải có chúng đệ tử, có chúng đệ tử thì phải có Thầy Trụ trì. Bởi vì có cái này thì có cái kia, có cái kia thì phải có cái này, trong pháp tương quan duyên khởi gọi là y tha duyên khởi. Cho nên đã có uế độ sao mà không có Tịnh độ, đã có phương Đông sao không có phương Tây, đã có phương Bắc sao không có phương Nam, bởi vì các pháp duyên với nhau mà khởi hiện. Qua phương pháp chiêm nghiệm và suy nghiệm như vậy cho nên ta biết chắc rằng có Tịnh độ Phật A Mi Đà và điều đó ngày nay khoa học đã chứng minh cho chúng ta ngoài cái thiên hà này còn có vô số thiên hà khác. Những gì mà Đức Phật Thích Ca nói trong các kinh điển, liên hệ về Tịnh độ của chư Phật nói chung và liên hệ đến Tịnh độ của Phật A Mi Đà nói riêng, thì bây giờ đây, xã hội hiện đại khoa học này đang từ từ chứng minh những gì mà Đức Phật đã nói về thế giới Tịnh độ của chư Phật. Ví dụ: Đức Phật A Mi Đà nói: “Khi tôi thành Phật thì chư thiên và nhân loại nơi thế giới tôi đều có thiên nhãn thông”, thì bây giờ đây mình ngồi một chỗ mà nói khắp cả thế giới và thế giới đều nghe mình nói có phải là thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông không; thiên nhãn phổ kiến thiên nhĩ phổ văn không? Tôi đang nói đây, quý vị đang ngồi đây mà cách đây 300 cây số về Vạn Linh, các thầy ở Vạn Linh cũng đang nghe, ở Mỹ đang nghe và cả toàn cầu đang nghe có phải là thiên nhãn phổ kiến thiên nhĩ phổ văn không? Tất cả đều là Tịnh độ, nhưng bởi vì tri thức mình quá nghèo nàn, quá lạc hậu, cái hiểu biết của mình quá ấu trĩ nên mình nói không có Tịnh độ Phật A Mi Đà. Nói không có, tức là mình tự giới thiệu trí thức kém cõi của mình với văn minh khoa học hiện đại chứ chưa nói rằng là quá kém cõi với đức tin Tam bảo. Cảnh giới Tịnh độ của Phật còn mô tả rằng: “Mình đi tới là cái cửa tự mở ra” thì bây giờ đây, người ta kết cấu gọi là cửa cảm ứng nên mình đi tới nó tự mở, cho nên những gì mà Đức Phật Thích Ca nói về thế giới Tịnh độ của chư Phật thì bây giờ đây khoa học đang nghiên cứu và ứng dụng nó vào thế giới hiện thực này, chúng ta đang hưởng tư tưởng Tịnh độ mà không biết.

 4. NGHE TỪ CÁC BẬC TRÍ GIẢ NỘI CHỨNG

Thứ tư là nghe từ các bậc trí giả nội chứng. Hỏi: “Vì sao mà Thầy tin Tịnh độ?” Tôi chưa có khả năng suy nghiệm cũng không có khả năng chứng kiến và tôi cũng chưa có khả năng thực nghiệm nhưng mà tôi tin tưởng vào lời dạy của các bậc Trí giả nội chứng nói lại, tôi tin từ Thầy tôi. Vậy Thầy mình nói lời đó từ đâu? Là từ lời của Thầy Tổ mình nên tôi tin có Tịnh độ là từ các bậc Trí giả nội chứng, trước mắt là Thầy tôi. Thầy tôi tin vào các vị Tổ trước đó nói lại qua Kinh điển, qua các luận bản. Chúng ta không tin bản Kinh Bi Hoa do Ngài Đàm Vô Sấm dịch hay sao? Ngài Đàm Vô Sấm đâu phải người Trung Hoa, có nhiều vị nói là Tịnh độ do các Tổ sư Trung Hoa đưa ra, nói như vậy mà nói được. Quá nguy hiểm! Ngài Đàm Vô Sấm đâu phải Trung Hoa đâu, Ngài người Ấn Độ mà. Cho nên bản Kinh Bi Hoa có nói về Tịnh độ của Phật A Mi Đà, nói về sự quan hệ giữa Đức Phật A Mi Đà và Ngài Bổn sư của chúng ta, đồng thời nhấn mạnh tâm đại bi của hai Ngài trong sự thực hành gọi là “Nhiêu ích hữu tình giới” làm lợi ích chúng sanh. Bây giờ mình không tin các Ngài, không tin Kinh thì tin ai? Tin Thầy A, Thầy B, Thầy C à? Chúng ta không tin Kinh Vô Lượng Thọ của Ngài Khang Tăng Khải dịch sao? Chúng ta không tin vào bản kinh A Mi Đà của Ngài Cưu Ma La Thập dịch? Chúng ta không tin vào bản kinh Xưng Tán Tịnh độ Nhiếp Thọ của Ngài Huyền Trang dịch? Mình không tin các Ngài thì tin ai bây giờ? Chưa nói đến cái nhìn của Phật giáo, nhân loại nhìn các Ngài là những con người vĩ đại trong mặt dịch thuật, trong mặt trí thức, nhân loại chưa hề phủ nhận công trình trí tuệ của các Ngài, bây giờ hỏi chúng ta là ai mà dám phủ nhận cái công trình dịch thuật của các Ngài. Chúng ta không tin vào Ngài Long Thọ, chúng ta không tin vào Ngài Thế Thân thì tin ai? Ngài Long Thọ trong Thập trụ Tỳ bà sa đã nói đến pháp nan hành và dị hành. Ngài ca ngợi pháp môn Tịnh độ là pháp dị hành và tu tập thánh đạo là pháp nan hành. Nên tu tập Tịnh độ là pháp dị hành, pháp môn dễ thực tập bởi vì có sự gia trì lực, gia trì lực từ bản nguyện. Cỡ như Ngài Long Thọ mà còn tin tưởng Tịnh độ, cỡ như Ngài Long Thọ còn ca ngợi Tịnh độ, thì hỏi mình trí thức chẳng ăn đâu vào đâu với các Ngài, mà dám cả chèo leo. Ngài Thế Thân viết Vãng Sanh Luận hay Vô Lượng Thọ kinh Ưu bà đề xá, cuối cùng Ngài Thế Thân nguyện sanh Tây phương, Ngài Long Thọ cũng cầu được sanh Tây Phương và lớn hơn nữa là Bồ tát  Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền đều nguyện sanh Tây phương. Trong Văn Thù Sở Vấn KinhKkinh Hoa Nghiêm các Ngài Văn Thù cũng như Phổ Hiền đều nguyện sanh Tây phương. Đó là tôi nói về các bậc Đđại trí tuệ ở Ấn Độ chứ chưa nói đến Trung Hoa, chưa nói đến Việt Nam, chưa nói đến Nhật Bản, chưa nói đến Hàn Quốc. Vì vậy, ta phải tin tưởng vào Tịnh độ tuyệt đối từ nơi nghe các bậc Trí giả nội chứng. Các Ngài không phải nói bằng lời mà nói bằng văn bản, nói bằng luận cứ… Như vậy mình có cơ sở tin Tịnh độ chưa? Phải nắm cho vững, chứ không mình bị một số người lợi dụng, đánh phá Tịnh độ. Nhưng mà đánh phá gì nổi, con nít mà đánh phá Tổ sư sao đánh nổi? Đánh phá Sư còn chưa được, đánh phá Tổ sư mà Đại Tổ sư thì làm sao đánh nổi. “Nghịch phong dương trần, trần bất chí bỉ, hoàn bộn kỷ thân. Ngưỡng diện thóa thiên, thóa bất chí thiên hoàn cần kì họa”. Đi ngược gió mà trong bụi, bụi không đến người ta mà ngược trở lại dính lấm lem mình; nhổ nước miếng lên trời nước miếng không thấu trời mà rơi lại nơi mặt mình. Cho nên đánh phá Phật giáo gì nổi? Phật giáo là kết tinh từ tuệ giác của chư Phật và được truyền thừa kết tinh từ nhiều tinh hoa của chư vị Tổ sư Đông, Tây kiên cố. Khi mình đặt vấn đề thì mình có những cách trả lời như vậy. Rõ ràng là nó củng cố được niềm tin của mình rất nhiều với Tịnh giới, mình tu học và đối với Tịnh độ là cảnh giới mà mình hằng ước nguyện được sanh về đó. Sanh về đó không phải để hưởng thụ mà sanh về đó để tiếp tục nuôi lớn tâm Bồ đề, nuôi lớn nguyện và hạnh Bồ đề của mình. Học môn thức Tịnh độ của Phật A Mi Đà và từ đó vận dụng môn thức đó vào đời sống của chính mình với nhiều hình thức khác nhau, với không gian khác nhau khi mình có được cơ duyên. Đức Phật A Mi Đà khi hành Bồ tát  đạo là Ngài đi tham cứu hết cả mười phương Tịnh độ, mười phương chư Phật và có đến 500-600 đại nguyện, cùng nhiều đại nguyện của chư Phật nhưng Ngài sàn lọc lại còn 48 đại nguyện.

II. NỀN TẢNG CỦA TỊNH ĐỘ

Quý Thầy, quý Cô biết là phàm phu thì hay nói dối nhau, vì quyền lợi mà nói dối nhau. Còn Đức Phật đâu có quyền lợi gì đâu nói dối, Ngài luôn nói lời chân thật, các vị Tổ sư có quyền lợi nơi cõi này đâu mà nói dối chúng sinh, các Ngài đều nói lời chân thật. Thầy tổ chúng ta đâu có vì lợi chi nơi đứa học trò mà nói dối học trò, cho nên các Ngài đều nói lời chân thật. Chỉ có phàm phu là hay nói dối nhau thôi, nói dối vì danh lợi; chư Phật, chư Tổ chúng ta đâu vì danh lợi để có mặt trong  cuộc đời này đâu, vì đại nguyện vì bản nguyện mà có mặt trong cuộc đời. Do đó, Tịnh độ của chư Phật nói chung và của Phật A Mi Đà nói riêng là được thiết đặt trên nền tảng “bản nguyện”, Tịnh độ hạnh phúc là vì được thiết lập trên nền tảng bản nguyện, còn thế giới của chúng ta không có hạnh phúc là vì chúng ta đến đây vì nghiệp lực. Chúng ta đi tu mà được hạnh phúc là vì chúng ta có bản nguyện, chúng ta tụng kinh, ngồi thiền, niệm Phật, làm các công tác của Tam bảo… mà có hạnh phúc là vì do chúng ta tự nguyện và tất cả đều từ nơi bản nguyện xuất gia của chúng ta, nơi bản nguyện hành Bồ tát  đạo của chúng ta. Chúng ta quét nhà cũng thấy hạnh phúc, tụng kinh cũng hạnh phúc, ngồi thiền cũng hạnh phúc, trì chú cũng hạnh phúc… làm bất thứ gì đi từ nơi bản nguyện là chúng ta có hạnh phúc, có hạnh phúc ngay trong hành động của mình, nên Tịnh độ của chư Phật hay là Tịnh độ của Phật A Mi Đà chư thiên, nhân loại, Thanh văn, Duyên giác cho đến Bồ tát  nhứt sanh bổ sứ đều là tự nguyện đến đó và tự nguyện thực hành theo bản nguyện. Từ đó, gom lại thành ra một khối cực lạc, khối an lạc, an lạc cùng cực, nhìn đâu cũng thấy an lạc hết nên gọi là cực lạc. Mở mắt ra là lạc, nhắm mắt lại cũng lạc, mà làm cũng lạc, cho nên từ khi mở mắt đến khi nhắm mắt, cho đến mọi động tác không có động tác nào là không an lạc. An lạc đó là từ nơi đại nguyện, nơi bản nguyện, vì vậy gọi là cực lạc. Vì an lạc nó tràn đầy không gian Tịnh độ, an lạc đấy nó vượt thời gian không bị giới hạn, cho nên cái an lạc đó được gọi là cực lạc. Do đi từ nơi bản nguyện, từ nơi đại nguyện vì vậy chúng ta tu mà không có bản nguyện, không có đại nguyện thì chúng ta tu rất mệt và vất vả lắm. Đối phó tu, đối phó là khổ não rồi, tụng kinh mà bị đi tụng kinh là khổ rồi chứ đừng nói tụng kinh là sướng, ngồi thiền mà bị đi ngồi thiền là khổ rồi, làm việc chùa mà bị làm việc chùa là khổ rồi, bị thầy Trụ trì sai làm việc chùa là khổ rồi, bị Tri sự sai đi làm việc chùa là khổ rồi. Làm việc chùa vì mình thấy cái đó cần phải làm, làm có lợi ích thì mình lập nguyện mà làm, tụng kinh cũng hạnh phúc, quét chùa cũng hạnh phúc, ngồi thiền cũng hạnh phúc, xuống nấu ăn cho chúng cũng hạnh phúc, đi chợ cũng hạnh phúc, không có gì mà không hạnh phúc khi mình thiết lập đời sống tu hành của mình trên bản nguyện, trên đại nguyện. Thế giới Tịnh độ là thế giới được thiết lập trên nền tảng của bản nguyện đó là lý do tại sao gọi là hạnh phúc, gọi là an lạc, gọi là cực lạc. 

Nền tảng Tịnh độ được thiết lập từ nơi tâm ý. Giới là hàng rào phòng hộ tâm ý khiến cho điều ác không xảy ra nơi tâm ý và điều xấu cũng không xâm nhập vào tâm ý thì thế giới Tịnh độ được thiết lập trên nền tảng tâm ý thanh tịnh gọi là tự tịnh kỳ ý. Trong kinh Duy Ma Cật khi nói về thế giới Hương Tích thì Ngài Xá Lợi Phất liền nghĩ thế giới Hương Tích sao nó đẹp và thanh tịnh như vậy? Thế thì Đức Thế Tôn của chúng ta tâm ý như thế nào mà thế giới của Ngài uế độ như thế này, Đức Phật liền biết: “Này ông Xá Lợi Phất! Thế giới của Như Lai thanh tịnh, nhưng mà thấy bất tịnh là do tâm của chúng sanh bất tịnh chứ không phải thế giới của Như Lai bất tịnh”. Thế giới Như Lai thanh tịnh nhưng bất tịnh là vì do tâm chúng sanh bất tịnh nhìn thế giới Như Lai không phát hiện ra sự thanh tịnh, chứ thế giới của Như Lai là thanh tịnh. Ngài nói xong Ngài ấn cái chân một cái là cảnh giới Tịnh độ của phật Thích Ca hiện ra rất thanh tịnh và tất cả hội chúng ngồi ở đó ai cũng thấy mình ngồi trên tòa sen. Sau đó, Đức Phật làm chúng sanh trở lại nơi uế độ, như vậy nói lên điều là chúng ta muốn về Tịnh độ phải có gia trì lực của chư Phật, còn tự thân mình không thể mà phải có gia trì lực, cho nên nói đến Tịnh độ là nói đến có sự gia trì lực của chư Phật, của các vị Bồ tát . Còn nếu mình tự lực, mình đến đây từ nơi nghiệp lực, nghe pháp đã khó huống gì là tự lực. 

Chí phàm phu tự lực khó thành

Cầu Đức Phật từ bi gia hộ

Dầu phải chịu muôn ngàn gian khổ

Con dốc lòng vì đạo hy sinh

Nương từ quang tìm đến bảo thành.

Cho nên mình ngủ thì phải nhờ ai đánh thức cho mình, phải nhờ chuông báo hoặc nhờ Thầy tuần trống đi đánh thức mình, nhờ những bạn đồng tu ít ngủ đánh thức cho mình, gọi mình dậy để mình đi tụng thời công phu khuya. Tất cả chúng ta đều phải có gia trì lực, nhưng mà gia trì lực rồi, mình không có tự lực thì cũng không được.

 

III. NỀN TẢNG TỊNH ĐỘ THIẾT LẬP NƠI TÍN CĂN, TÍN LỰC.

Quý Thầy, quý Cô đã học duy thức rồi, “Tín” là một trong 11 Thiện tâm sở (tín, tàm, quý, vô tham, vô sân, vô si,…) thì “Tín” là căn bản vốn có ở nơi tâm chúng ta, Tịnh độ được thiết lập từ nơi Tín căn này. Có trí cũng chưa hẳn đã nhập được cảnh giới Tịnh độ, mà “Tín” có khả năng nhập vào cảnh giới Tịnh độ. Người mà có niềm tin Tịnh độ, họ dễ đi về Tịnh độ hơn là người luận giải về Tịnh độ. Bởi vì luận giải là luận giải theo thức và trí, trong lúc đó người tin Tịnh độ và họ tha thiết về Tịnh độ, họ có năng lực của Tịnh độ hiện tiền, dễ có sự gia trì lực để nhập vào cảnh giới Tịnh độ của chư Phật. Cho nên “Tín” đi vào được mà “Trí” chưa hẳn đi vào được. Trong Kinh Viên Giác gọi là “Vị xuất luân hồi nhi biện viên giác, bỉ viên giác tính tức đồng lưu chuyển” nghĩa là chưa ra khỏi luân hồi mà luận bàn viên giác tính, thì cái tính viên giác kia cũng đồng lưu chuyển trong sanh tử mà thôi. Tức là mình chưa thoát ra khỏi sanh tử mà bàn đến Tịnh độ thì Tịnh độ đó là Tịnh độ của người còn nằm trong sanh tử, dù bàn luận cỡ mấy đi chăng nữa thì cũng chỉ là cái luận bàn trong ngôn ngữ của người trong sinh tử, cái trí thức của người trong sanh tử. Nhưng mà người có niềm tin tuyệt đối và có sự gia trì lực của chư Phật, Bồ tát  thì mình có thể đi tới được. Với Tịnh độ của chư Phật có thể nhập vào được “viên giác tính” mà bằng chứng là mẹ tôi, cha tôi, là bác Cựu Cát, họ có nói chi nhiều đâu, nghe các Ôn, các Thầy dạy: “Niệm Phật đi nghe, niệm Phật để con cháu nhờ, niệm Phật để bản thân mình nhờ, niệm Phật để sống đời dễ thương, sau khi chết về với Phật”. Chỉ chừng đó và bám lấy câu “Nam mô A Mi Đà Phật” cuối cùng có kết quả. Còn mình học tiếng Phạn đối chiếu bản này bản kia, chữ Hán dịch ra đủ thứ, đôi khi tâm loạn có nhiếp tâm đâu mà sanh Tịnh độ, cho nên niệm 10 niệm mà sanh Tịnh độ, còn mình niệm đủ thứ niệm đâu sanh Tịnh độ nổi. Nhưng mà muốn niệm 10 niệm sanh Tịnh độ trong giờ phút lâm chung thì mình phải niệm cho đến vô lượng danh hiệu Phật thì may ra đến giờ phút đó mình mới có được 10 niệm. Chứ để đến khi đó mà niệm, 1 niệm còn không nhớ chứ đừng nói 10 niệm, khi đó mình nhớ đến Phật còn không nhớ nữa chứ nói là nhớ Tịnh độ. Vợ chồng mà sống với nhau đến khi gần chết bà vợ tới hỏi ông chồng “Anh có nhớ em không, biết em là ai không?” Không biết, dễ chi mà biết. Mê muội sao biết được, cho nên vợ chồng sống với nhau cả đời mà đến giờ phút đó hỏi còn không biết, huống chi mình niệm Phật khi có khi không, khi siêng thì niệm, khi buồn thì không, làm gì có chuyện 10 niệm mà vãng sanh Tịnh độ. Cho nên có 10 niệm trong giây phút đó là mình phải trải qua hành trình đến giờ phút đó mình mới có được 10 niệm, giờ phút đó chỉ cần 1 niệm thôi là sanh Tịnh độ rồi chứ không nói đến 10 niệm. Bởi vì trong kinh Đức Phật dạy: “Ngũ ấm xí thạnh khổ”, khi mà năm uẩn nó bắt đầu phân rã, các đại chủng rắn, lỏng, nhiệt và khí trong cơ thể mình bị sắc uẩn nó phân rã, nó xung đột nhau và khi mà nó xung đột thì thủy đại nó tăng, mình có cảm giác như là mình bị chìm xuống đáy đại dương, cái cảm giác sợ hãi hoảng loạn. Khi địa đại nó tăng thì mình có cảm giác bị núi Thái Sơn, núi Tu Di nó đè, nó nặng không tưởng tượng được. Khi hỏa đại nó tăng thì mình có cảm giác như bị trăm ngàn ngọn lửa, trăm ngàn mặt trời chiếu vào mình, nó nóng khủng khiếp. Khi mà phong đại nó tăng thì mình cảm thấy mình mất trọng lực, mình lơ lửng giữa không trung mất cảm giác, mất trọng lực thì có đâu mà niệm Phật. Cho nên chúng ta niệm Phật là phải niệm miên mật ngay từ khi biết Phật, ngay từ khi biết pháp môn Tịnh độ. Hành trì miên mật, chứ đến đó nó rã các đại, nó phân rã, nó đau, nó khiếp lắm. Mỗi tế bào là một ngọn lửa hay mỗi tế bào là một ngọn gió hay mỗi tế bào là ngọn núi lớn, cho nên chúng ta phải hạ thủ công phu ngay từ khi chúng ta biết Phật pháp. “Mạc đãi lão lai phương học đạo, cô phần đa thị thiếu niên nhân”, chớ hẹn tuổi già mới học đạo, mồ hoang lắm kẻ tuổi xuân xanh. Chúng ta cũng đừng chủ quan rằng chúng ta như thế này là đang học đạo, đấy thực ra mình cạo đầu mặc áo nhưng chưa chắc  mình đã học được đạo, chưa chắc mình đã thấy được đạo mà chưa chắc mình đã nhập được đạo, mới chỉ là hình thức, chưa phải đã gia nhập được vào trong cái dòng dõi của Phật pháp, dòng dõi của chánh Pháp đâu.

Cho nên mình phải hành trì ngay khi mình biết Phật pháp. Có nhiều Hòa thượng đến khi gần chết phải tắt đèn hết, chỉ cần có một ngọn đèn nổi lên là la lên “tắt đi, tắt đi” bởi vì một ngọn đèn nhỏ thôi mà khi hỏa đại bóc lên là ông thấy như hàng vạn mặt trời đang chỉa vào ông. Nói như vậy để quý Thầy thấy những gì Đức Phật chia sẻ và dạy dỗ chúng ta là Ngài nói hết rồi, chư Tổ của mình đã ghi chép lại cho mình hết rồi, chỉ là do tâm mình giải đãi quá, tâm chưa ý thức được vô thường xảy ra trong đời sống, chưa hiểu được bản nguyện xuất gia của mình. Chúng ta đôi khi bị gọi là trễ nãi trong sự tu hành.

HT.THÍCH THÁI HÒA