VĐ.GCX – Tôi đã nguyện ngài cứu và đã hứa thì điều hứa ấy không thể hứa suông, không thể nguyện cho có. Bởi thật lòng, đó là lời hứa với bản tâm chính mình. Tu là quay ngược trở lại, tìm lại chính cái bản lai diện mục vậy!

Chiều qua tôi lại nghe câu chuyện ông đã từng có lần kể. Lần này tại quán cà phê có ông với tôi và chủ quán, cũng là người hay mua báo của ông. Nắng chiều với những vòng xe vội vã bên ngoài, đường phố thưa vắng người, trú mình trong quán cà phê tìm chút yên tĩnh lúc này còn gì bằng. Nhưng không phải vậy. Tôi với ông thi thoảng lại mời gọi ra quán cà phê gần nhà để chia sẻ chuyện Đạo. Hoặc cũng chẳng nói gì, chủ yếu ra ngồi bên nhau và im lặng, ngồi chỉ để nhìn nhau và nghe âm thanh của tỉnh giác. Bao nhiêu cũng đủ cho cuộc thoại.

Chú chủ quán thấy tôi cầm quyển sách “Trái tim mặt trời” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tỏ vẻ thích rồi hỏi rằng tôi có biết và tìm hiểu về sách của Osho. Tôi cười và vui nghe chú chủ quán nói về tác phẩm Osho mà chú ấy yêu mến. Hồi lâu, chúng tôi lại nói chuyện ăn chay và lời hứa. Câu chuyện không đầy không vơi, không chủ đích rõ ràng, cứ tròng trành theo nắng chiều ngả ngoài hiên.

Sau cùng, ông bạn già tôi mới lên tiếng rằng: Tin sâu, nguyện thiết hoặc ăn chay, niệm Phật không thể nói suông đâu mấy ông. Câu chuyện thực của tôi lẽ ra tôi không kể, mà có kể ra cũng hiếm ai tin, vì chúng ta là bạn Đạo nên tôi chia sẻ điều này.

Thế rồi, ông bạn già tôi kể:

Nhớ lại, tôi đã buông những thói hư tật xấu, những thú vui của đời sống mà thời trẻ đã vướng, để một lòng cầu Đạo và tìm đến Phật. Tôi chuyên tâm sám hối và niệm Phật, sau lại phát tâm trường chay. Ngày tháng cứ êm trôi, ngỡ như cảnh sống đã trở thành Tịnh độ giữa Ta-bà.

Hồi đó, khoảng bốn, năm tháng sau khi tôi đã trường chay, chuyên niệm Phật A-di-đà, một lòng đi sâu với pháp môn Tịnh độ thì có chuyện. Tôi bệnh. Bệnh đến nhập viện. Bác sĩ buộc tôi phải ăn mặn thì mới chữa trị, gia đình cũng đốc thúc tôi phải ăn mặn cho có sức, có đề kháng mới mau lành bệnh. Họ bảo khi nào khỏe thì hẳn ăn chay lại có gì đâu, Trời Phật cũng không nỡ trách đâu. Trong một khoảnh khắc khó kiểm soát, tôi ngã mặn, lúc đó cũng nghĩ là ăn cho mọi người vui và để trị bệnh cho xong, khi trở về nhà sẽ ăn chay lại. Thật không ngờ, tôi lại không đi tiểu được sau buổi cơm mặn trưa ấy. Mỗi lúc một khó chịu. Tôi đã uống thuốc thông tiểu hai liều mà vẫn không thể tiểu được. Chiều đó, tôi trốn viện về nhà, muốn tìm lại sự yên tĩnh để nằm nghỉ nhưng vẫn khó chịu bởi chưa thông tiểu. Tôi ra vườn chuối sau nhà và chỉ một điều tha thiết nhất, hạnh phúc nhất lúc này là được tiểu vì nó đã bức bách và óc ách lắm rồi. Gió chuối lao xao, trời xanh thẫm như chưa bao giờ xanh hơn thế. Tôi đứng giữa khung cảnh ấy mà không làm sao thoát khỏi cảnh khó chịu trong thân nghiệp đang mang. Bệnh cũ chưa dứt thì lại bị cái chứng bí đường tiểu.

Bỗng như tiềm thức vọng lại trong tôi tiếng niệm Phật, hạnh nguyện cứu khổ của Bồ-tát. Tôi “vẫn để nguyên hiện trường” và thầm niệm và nguyện: “Nam mô A-di-đà Phật. Nam mô Đại từ Đại bi cứu khổ cứu nạn linh cảm ứng Quán-thế-âm Bồ-tát. Con nguyện ngài cho con được thông tiểu, kể từ nay cho đến suốt đời suốt kiếp này con không bao giờ nghĩ tới chữ mặn, một lòng trường chay niệm Phật, sám hối nghiệp chướng”. Một điều bất khả tư nghì xảy đến, cả thân tâm tôi miên man, thông suốt, đường tiểu thông lưu vọt trào, sảng khoái, an lành trở lại.

Ngọn gió lao xao, trời xanh thẫm, vườn chuối hôm ấy đánh thức tôi trở lại với mình, trở lại với chánh niệm. Tôi im lặng, không kể điều này với bất kì ai từ bấy đến nay. Bởi thẹn nghĩ, mình sống là đã nhiều tội, mình đến với Phật pháp, đã biết, đã nguyện vậy mà còn phạm thì làm sao tiêu nghiệp cũ. Tội thêm tội biết đến khi nào giải thoát khỏi vòng luẩn quẩn sinh tử trôi lăn trong vô minh bởi bao cám dỗ thân tâm này.

Từ chiều đó tôi không cần thuốc mà bệnh vẫn lui, trường chay chuyên nhất, một lòng niệm Phật. Ngày ngày bán báo, việc gì cần thì làm, không cần thì buông dần, không nghĩ tới, không mong cầu, như vậy mà lại có được những điều có tiền chưa hẳn mua được. Đó là Thân an Tâm sáng.

Thiết nghĩ, chư Phật và Bồ-tát, hiền thánh tăng khắp pháp giới một khi đã phát nguyện thì hạnh ấy là thật, là kim cang, là vì chúng sanh còn đang chìm trong mê lầm, đau khổ nên các ngài phải tìm mọi cách cứu độ. Ngài Quán-thế-âm Bồ-tát có mười hai hạnh nguyện, tôi đã nguyện ngài cứu và đã hứa thì điều hứa ấy không thể hứa suông, không thể nguyện cho có. Bởi thật lòng, đó là lời hứa với bản tâm chính mình. Tu là quay ngược trở lại, tìm lại chính cái bản lai diện mục vậy!

Câu chuyện của ông bạn già làm tôi và chú chủ quán thêm tin sự vi diệu Phật pháp nhiệm mầu. Chú chủ quán chợt thốt lên: “Sém chút nữa thì quên, mình hứa chiều nay chở cháu ngoại đi chơi. Ngày mai phải trang trí cho xong phòng dạy piano của con gái. Hứa rồi mà cứ hay quên. Không thể hứa trôi được. Tôi đi làm ngay đây!”.

Trần Huy Minh Phương