VĐ.GCX – “Khi nào đủ duyên, mình sẽ dựng một cái gương tròn to bằng hai tay người ôm đặt ngay giữa nhà để thờ, nơi mà ai vừa bước qua cửa cái cũng đều thấy mình in trong gương soi”. Tôi nghe ý tưởng của anh lạ quá, anh càng nói càng thêm lạ. Anh từng nói, “phàm, ở đời phải sống làm sao mà tánh như nước, hạnh như đất”…

“Khi nào đủ duyên, mình sẽ dựng một cái gương tròn to bằng hai tay người ôm đặt ngay giữa nhà để thờ, nơi mà ai vừa bước qua cửa cái cũng đều thấy mình in trong gương soi”. Tôi nghe ý tưởng của anh lạ quá, anh càng nói càng thêm lạ. Anh từng nói, “phàm, ở đời phải sống làm sao mà tánh như nước, hạnh như đất”. Những câu chuyện, nỗi niềm ấp ủ về đạo pháp và hộ pháp được anh khơi dẫn. Chúng tôi có thể ngồi với nhau cả buổi hoặc non ngày. Trà đã mấy lượt vơi đầy mà câu chuyện vẫn như dòng chảy của thác ghềnh cứ cuồn cuộn tuôn trào.

Tôi hỏi anh tại sao có ý tưởng thờ chiếc gương hình tròn to ấy mà không thờ đức Bổn sư nào thì anh nói rằng: “Gương soi nguyên thủy là tánh sáng, dù có bụi bám, có cố ngăn che nhưng tánh sáng nó vẫn hiển bày. Khi mình nhìn vào gương thì thiện ác trong tâm mình phơi bày hết. Phút giây ấy kịp hồi tỉnh hoặc đó là dịp phản quang tự tánh để làm điều tốt đẹp hơn, vậy chẳng phải hữu sự lắm sao! Nếu mình nhảy nhót, nhăn nhó thì những ảnh hình ấy hiện ra ngay trước mặt mình trong gương ấy. Còn ngược lại, mình trọn thân khẩu ý thanh tịnh, thiện lành thì gương in mặt mình tựa hoa nở buổi sớm, sương long lanh buổi mai với những tia nắng đầu ngày. Có giữ được mình hay không thì phải tự soi tâm liên tục”. Tôi thầm lắng và nghe rõ tâm mình đang luân lưu những ý nghĩ về chiếc gương tròn to ấy. Anh luôn an trú thân tâm với hơi thở của huệ và Bụt, anh luôn soi lại mình để trú xả dần cái ngã vi tế tập khí sâu dầy lâu đời khó dừng dứt.

Có lần anh chia sẻ: “Nếu sống mà không có tánh như nước thì sẽ dễ vỡ vụn trước những rào cản, những ngăn che của vô minh, dễ bị ái nhiễm, dễ bị sân si vụt khởi khi ai đó làm phiền toái mình. Chúng ta thấy nước đó, dù có bị chặt, chém thì nó vẫn không hư hoại, đường khó hiểm nào nó cũng trườn qua, vượt tới. Dù nước có trong vật chứa đựng nó là hình thù gì đi chăng nữa thì tánh ướt của nó là không đổi. Còn hạnh như đất thì tuyệt vời lắm! Đất mẹ nuôi sống tất cả, nhưng đất chưa từng kể công. Bất cứ thứ gì, ai hoặc con gì cũng có thể giẫm đạp lên đất mà đi, nhưng nếu không có đất thì không có cái gì trụ lại được cả”. Anh nói pháp mà nghe như đang kể chuyện đời. Anh nói đời sống mà pháp hòa chảy trong đó. Tôi nghe mà thấm ý quá chừng!

Sau này tôi thử chú ý kĩ thì thấy quả là có những nơi trang nghiêm thờ tự đến vậy mà cũng vẫn còn nhiều người vô tâm cứ mặc nhiên áo quần thiếu trang nhã, kín đáo, cứ vô tư cúng bái. Có nhà ông bạn thỉnh thoảng lại tổ chức nhậu nhẹt thì họ vẫn mặc nhiên bày biện thức ăn đồ uống trước tôn tượng Phật, Bồ-tát. Bởi nhà chật hẹp quá mà! Lúc đó, họ quên Phật, Bồ-tát đang trú xứ trong nhà họ. Rồi một lần, vô tình nhưng lại thật là hữu ý, tôi dời nhà trọ. Chúng tôi đến ở nhà trọ gần đó nhưng phòng khá thoáng rộng, cái tủ quần áo một bên có gương soi chữ nhật được đối diện ra cửa cái phòng trọ. Lúc đầu tôi cũng vô tâm, sau để ý thấy mỗi khi đi ra, đi vào phòng cái ảnh hình của mình nó in trên gương cả: nghiêm trang, nhăn nhó, cười đùa, cởi trần, mặc áo tràng, trang nghiêm lễ bái chư Phật… cũng là tôi cả. Lâu dần, tôi thấy lời của anh là đúng. Mỗi khi làm điều gì, tôi soi lại gương và thấy mình đang sai, nhìn

vào lỗi mình trước. Chiếc gương ở tủ quần áo đã được dời sang một góc khác để cho nơi giữa nhà đối diện cửa ra vào là bàn thờ Phật mà hằng ngày tôi trì kinh niệm Phật. Nhưng lúc này gương soi dường như đang lặng lẽ hiện hữu trong tâm tôi hằng thường. Khi có việc, nó tự khắc nhắc nhở tôi ngay: Này, người con trai lành kia ơi! Trang phục phải chỉnh tề khi đứng trước bàn thờ Phật; nói năng hòa nhã nhé vì trong nhà có Phật ngự; hãy sạch sẽ và tôn nghiêm để tâm còn thanh lắng… Tôi nghe trong mình cuộn chảy những tâm tư từ anh chia sẻ. Ngàn vạn chiếc gương soi từ đâu bay tới chiếu vào tôi để tôi kịp nhìn rõ lại mặt mình, kịp thấy lại mình đang làm, đang nói, đang nghĩ về đúng – sai, hơn – thua, phải – trái, được – mất… cứ loanh quanh trong vòng ấy đã thấy ngày cạn dần.

Cảm ơn gương soi!

Và bây giờ, tôi lặng lẽ trang nghiêm tịnh độ “một cõi” – phòng trọ và khoác áo tràng để bắt đầu thời kinh. Tôi nghe lại chính mình đang nhẹ nhàng và ướt mát như có dòng nước đang trôi chảy trong thân tâm nhẹ lan nhưng nó cứng rắn, vững chãi như đất đang làm chỗ trụ cho mỗi bước đi dõng mãnh của tôi tiến về ánh sáng của huệ và Bụt! Dù rằng phía trước vẫn còn nhiều lớp bụi đang giăng đầy chiếc gương soi, kệ, siêng lau sẽ sáng gương thôi mà!

Trần Huy Minh Phương