NHỚ LỜI SƯ ÔNG DẠY…

Kính lạy Sư Ông!

Hôm qua con về Chùa để đảnh lễ Sư Ông như thường lệ vào dịp đầu năm. Vô y viện vẫn còn đó, nhưng cửa đóng then cài. Đứng dưới chân cầu thang con ngóng nhìn lên, vẫn mong được nhìn thấy Sư Ông dù lòng rõ biết Sư Ông giờ khuất bóng, y phòng đã được chuyển sang vườn mai bên cạnh !

Trước lối ra vào của vườn mai, quý Thầy đã cho dựng 2 bia đá trắng đẹp ở 2 bên, trên có khắc 10 lời khai thị của Sư Ông. Lấy giấy bút ra, con ngồi xếp bằng ở 1 bên, chép lại đủ 10 lời để đem về học thuộc rồi y giáo phụng hành. Vài vị Phật tử khác thì lấy điện thoại di động ra chụp cho nhanh. Con thấy vậy thì tự cười mình chậm trí, nhưng rồi chợt nhớ ra là điện thoại của mình có chụp được đâu vì giá thành của nó chỉ có 500 nghìn đồng, không có chức năng chụp ảnh.

Không phải con không có khả năng mua được điện thoại tốt, mà là vì con làm theo lời dạy của Sư Ông và các chư Tổ, làm người học Phật phải thiểu dục tri túc (ít muốn, biết đủ) để trước là rèn luyện bản thân, sau tích góp chút phước bằng việc đem số tiền dư ra đó đi cúng dường, phóng sanh, bố thí. Con là đồ tôn ngoan phải không Sư Ông? Tuy rằng làm vậy, con từng bị một số người ở trường Đại học nơi con làm việc xem là lập dị, vì con là giảng viên dạy ngoại ngữ mà phục sức quá giản đơn, từ quần áo tới xe cộ, túi xách và giày dép…

Ai nghĩ sao tùy ý. Con thì thấy mình đã làm đúng theo lời huấn thị đầu tiên trên bia đá của Sư Ông “Hãy khoan hồng tha thứ, biết thiện thì theo tới đâu thì tới”. Nhớ lại năm 2007, con được Phó trưởng ban tin cậy, đề cử cho 1 xuất học bổng đi du học lấy bằng  Thạc sĩ (sau đó sẽ là Tiến sĩ) ở New Zealand để làm người đại diện phụ trách chương trình liên kết đào tạo giữa trường con dạy và một số trường Đại học của nước đó, thay cho chuyên gia của họ đang ở nước mình,.

Công danh sự nghiệp, tiền đồ sáng lạn đang mở ra trước mắt, nhưng con cũng đã học Phật được vài năm, cũng ít nhiều hiểu được tính huyễn mộng của vạn vật và của bước đường “công hầu khanh tướng”. Chị kết nghĩa của con khi đó vừa phát hiện bệnh, được chẩn đoán thuộc loại nan y. Mẹ ruột của con thì bệnh tiểu đường đã 10 năm, đang đến giai đoạn bị nhiều biến chứng. Con còn 1 em gái bị bệnh thiểu năng trí tuệ. Tất cả đều cần sự hỗ trợ và hiện diện của con, hoặc vật chất hoăc tinh thần. Hoàn cảnh này đối với con thật là 1 bài toán khó.

Suy nghĩ mãi vẫn không đưa ra được quyết định, theo gợi ý của chị kết nghĩa, con bèn về chùa xin thỉnh thị ý chỉ của Sư Ông. Con đến được Vạn Đức thì đã gần 8 giờ tối, Thầy thị giả bảo con chờ Thầy Tri sự về giải quyết. Nghe qua chuyện của con, Thầy Hoằng Tri gọi ngay 1 Thầy nhỏ, bảo đưa lên thưa chuyện với Sư Ông. Thầy này không hiểu rõ câu chuyện rối rắm của con nên bị Sư Ông quở. Khoác vội vào người chiếc áo tràng, không kịp nghỉ ngơi Thầy Hoằng Tri dẫn con trở lên. Thầy vào phòng của Sư Ông, nhẹ nhàng mà rõ ràng trình thưa sự việc.

Đứng bên ngoài, con nghe rõ từng lời Sư Ông dạy, “kêu nó về làm 2 cái thăm, 1 cái viết chữ đi, 1 cái để trắng, để hết lên bàn thờ Bồ Tát Quan Thế Âm mà xin rồi bốc thăm”. Trở về nhà, con vẫn cứ hoang mang, một tuần sau vẫn chưa làm thăm để bốc. Lòng nghi quá lớn, con sợ nếu Bồ Tát kêu đi, con sẽ thân ở xứ người mà tâm vẫn ở quê hương, học hành không xong làm ảnh hưởng uy tín của người tiến cử. Nếu Bồ Tát kêu ở, con lại lo công ăn việc làm sau này không thuận lợi vì không đáp ứng được yêu cầu về bằng cấp của xã hội đương thời.

Cuối cùng thì con tự mình quyết định là không đi, sau khi đọc đi đọc lại trong tâm bài thơ Mộng Hoàng Lương của Hòa thượng thượng Thiền hạ Tâm:

“Hoàng lương mộng, mộng hoàng lương

Một giấc hoàng lương mộng đẹp dường

Áo tía đai vàng mờ lối cũ

Mồ xanh cỏ ấy bạc màu sương

Từ nay tỉnh, thôi lo lường

Phú quý công danh cũng mộng trường !”.

 Con lại nghĩ, ngôi Thái tử mà Phật Bổn Sư Thích Ca còn bỏ, 1 tấm bằng Thạc sĩ hay Tiến sĩ của con thì huống hồ gì. Hơn nữa năm sau, gặp lại chị em con trong chùa nhân dịp lễ, thầy Tri hỏi chị con “Nó có đi không?”. Nghe chị con trả lời “Dạ không!”, thầy lại hỏi “nó bốc thăm thấy mấy vậy à?”. Chị con đáp “Dạ, không phải. Nó tự quyết định làm vậy”. Thầy mỉm cười rất vui và nói “Đúng rồi!”. Lời khẳng định của bậc xuất trần thượng sĩ này khiến con quên luôn nỗi lo về chặng đường đời khó khăn trước mắt.

Trí nhớ của thầy Tri thật tuyệt vời! Vừa là Tri sự Vạn Đức vừa là trụ trì Vạn Linh, thầy bận rộn trăm công nghìn việc vì phải lo hàng ngàn Tăng chúng và đồ chúng, vậy mà thầy vẫn nhớ một chuyện cỏn con của một phật tử rất ít về chùa như con. Chị em con cũng thật cảm động về sự nhiệt tình giúp đỡ của thầy Hoằng Xưng – khi đó ( 2007) là thầy tri sự của Vạn Linh. Khi nghe chúng con trình bày ý muốn được cất một am thất trong khuôn viên Vạn Linh để làm nơi cư ngụ và tu học về sau, thầy không quản công khó, dẫn 2 con đi xem xét chọn lựa vị trí đất, chỉ bày cách bố trí nội thất, nhận lời giúp cả phần thi công xây dựng sau này – nếu có tiến hành.

Tình thương từ bi và bình đẳng của chư Tăng Vạn Đức đã giúp làm an tâm cho rất nhiều – nếu không nói là tất cả – Phật tử khi đến với chùa. Nhiều vị nói với con, “đến đây cô không phải e ngại vì mình ít tiền hay không cúng dường gì cả. Ngay cả khi cô xin cúng Trai tăng cũng vậy, cô muốn cúng bao nhiêu cũng được, thầy đều nhận mà không bao giờ trách  phiền hay có vẻ gì khó chịu. Tôi đã đi rất nhiều chùa rồi, không nơi đâu bẵng được chỗ này. Đến đây cô cũng không sợ đói bụng, cơm canh lúc nào cũng có và được dùng thoải mái, không phải e dè mấy bà ở bếp”.

Thưa Sư Ông, đó chính là tài thí, pháp thí và vô úy thí mà chư Tăng Vạn Đức đã làm được cho tín chúng, dưới sự huấn thị và giáo dưỡng của Sư Ông!

Biết thiện thì theo tới đâu thì tới. Rốt cuộc con đã được gì, mất gì khi thực hành theo lời khai thị của Sư Ông? Vì không đi du học bằng học bổng và lấy bằng vào năm đó, sau này con phải tự túc chi phí và học tại Việt Nam, thu nhập cũng bị giới hạn, thua kém hẳn các đồng nghiệp cùng độ tuổi. Đổi lại, con được kề cận chăm sóc cho mẹ, chị kết nghĩa và em gái trong thời gian họ phải căng thẳng đương đầu với bệnh tật, tự thấy không có gì phải ân hận vì mình đã làm tròn bổn phận đới với người thân.

Hòa Thượng thượng Thanh hạ Từ và Hòa Thượng Quảng Khâm có dạy, tu là trước khổ sau sướng – trước buồn sau vui, vì chịu hết khổ  thì không còn khổ, trải qua hết các thứ buồn thì hết buồn, giống như trời hết mưa thì nắng. Con chịu thiệt về lương bổng như vậy hết năm năm, đến cuối 2014 vừa qua thì Hiệu trưởng trường con dạy ra quyết định thay đổi cách tính thu nhập, theo đó làm nhiều hưởng nhiều, làm ít thì hưởng ít. Nhờ nổ lực làm nhiều việc nhiều giờ hơn trong mấy năm qua, con được tăng lương cao hẳn, có thể lấy đó làm minh chứng cho lời mình thường dạy các học trò nhỏ là hãy nhẫn nại làm việc thiện, sớm muôn sẽ được nhận quả lành.

Con cũng thu được nhiều lợi ích từ việc thực hành theo lời khai thị thứ 4 của Sư Ông – Ăn chay, thương người, thương vật, niệm Phật, Tụng kinh. Khi ra trường rồi đi dạy học, đang dộ tuổi xuân mà người của con khô gầy, khiến phu nhân của vị Trưởng Khoa nói “Cô trông trước tuổi nhiều”. Ăn chay được 5 năm thì con bắt đầu tăng cân, tới nay thì người mới quen cứ tưởng con mới chớm tuổi 40, thực tế thì con đã sát ngưỡng 50 rồi tuy con không dùng (nhờ vậy không tốn tiền mua) bất cứ mỹ phẩm gì để săn sóc cho da.

Ăn chay không chỉ giúp con tránh được nghiệp sát và hậu quả đáng sợ của nó ( bản thân con vì hoàn cảnh đã từng lỡ phạm phải lúc thiếu thời và đã phải chịu quả báo), mà còn giúp con cải thiện được hình trạng dung mạo của mình, làm tăng trưởng lòng từ đối với súc vật và ít nhiều có được sự cảm thông từ chúng. Dưới đây là một minh chứng mà con từng trải qua.

Trên sân thượng của nhà con có bàn thờ Phạt. Thoạt đầu, mấy chú thằn lằn cú hay ị bậy lên, lần kia khi quét dọn con bực mình quá bèn nói “quí vị thật không hiểu biết gì cả, đây là nơi tôi thờ Phật, sao quí vị không biết kính trọng gì. Từ giờ có muốn đi thì ra bồn hoa ngoài lan can kia, nếu còn làm bậy ở đây, tôi không tha cho đâu đó”. Phật ơi! Ngày hôm sau con không thấy phế phẩm cảu mấy chú trên bàn thờ nữa, con ra bồn hoa nhìn thì có đầy ngoài đó. Súc vật cũng có tánh linh và biết nghe lời, khi chúng ta không chỉ thương người mà còn thương vật.

Niệm Phật giúp con có định tâm. Là Giáo viên nên con thường phải sửa bài làm và chấm bài thi của học trò. Trước khi thực hành niệm Phật, con làm công việc này với hiệu quả bình thường như mọi đồng nghiệp khác. Sau này tốc độ chấm bài của con trở nên nhanh và chính xác, khiến Trưởng ban gọi đùa con là bút thủ. Các đồng nghiệp trẻ cùng chấm bài thi của du học sinh ở công ty IDP thì lắc đầu nói nhỏ với nhau “ không biết làm sao theo kịp tốc độ của cô ấy”, khi họ ngồi chung 1 phòng với con để chấm bài ở đó.

Tụng kinh Pháp Hoa giúp con thoát khỏi bệnh mất ngủ đã kéo dài hơn 5 tháng vào năm 2010, sau khi con uống đủ các loại thuốc Tây, Tàu, Nam, Bắc mà vẫn không thuyên giảm. 12 năm trước (năm 1998), việc tụng kinh Địa Tạng đã từng giúp con thoát được mặc cảm ân hận ray rứt vì chưa kịp làm gì để báo hiếu cho ba con thì ông đã mất. hiện giờ thì con lại tiếp tục tụng Địa Tạng, rồi Pháp Hoa và sẽ lễ lạy Lương Hoàng Sám, tin chắc mình sẽ một lần nữa được cứu khỏi căn bệnh có thể là nan y mới phát hiện trên người.

Trải qua bao nhiêu chuyện, con thành thật tin nhận rằng lời dạy của Sư Ông là kim chỉ nam, là đuốc soi đường cho đệ tử chúng con lần dò đi qua đêm dài tăm tối của vô minh, lội qua được sông mê để dần dần cận kề vào bờ giác, tự độ để rồi sẽ độ tha, hoàn thành bổn nguyện cùng chư Phật.

Lời tác bạch đầu năm này con kính dâng lên giác linh của Sư Ông, nguyện Sư Ông là kim chỉ nam, là đuốc soi đường cho đệ tử chúng con lần dò đi qua đêm dài tăm tối của vô minh, lội qua được sông mê để dần dần cạn kề vào bờ giác, tự độ để rồi sẽ độ tha, hoàn thành bổn nguyện cùng chư Phật.

Lời tác bạch đầu năm này con kính dân lên giác linh của Sư Ông, nguyện Sư Ông hoan hỉ chứng minh lòng kính ngưỡng và cảm tạ ân đức của con đối với Sư Ông – Người đã thâu nhận con làm môn đồ, cho phép con được quy y, thay Chư Phật dắt dìu con cùng bao chúng sanh khác vượt nhà lửa, thoát luân hồi!

Kính xin Sư Ông hãy thừa nguyện tái lai, đem ân đức cao dày phủ khắp nhân thiên để đệ tử chúng con đời đời được học Phật nghe Pháp, được nương tựa chúng tăng tu học, được sanh về Tịnh Độ. Xin Sư Ông từ bi hộ trì, cho con được kiếp kiếp làm môn đồ của người, tu học theo giáo pháp của người cho đến ngày con viên mãn quả công, bằng được Chư Phật, Chư Bồ Tát!

Con thành kính cúi lạy Sư Ông!

Thanh Khương.

Scroll to Top