Hòa thượng Vạn Đức khi còn là đứa bé 11 tuổi, thấy một người bắt con chim Dòng Dọc nhổ lông làm thịt nướng ăn khi nó đang còn sống, Hòa thượng động lòng từ bi mà phát tâm ăn chay trường từ đó.
Lúc 14 tuổi, thấy được quyển Tây Phương Trực chỉ ở nhà một người chị họ, Hòa thượng mượn xem qua rồi phát tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc.
Mẹ Cha mất sớm Hòa thượng ở nhà của anh ruột và chị dâu. Thấy cảnh lục đục của anh chị mà phát tâm xuất gia. Đến các Chùa gần nhà thấy thờ Phật đội khăn đỏ. Quý Thầy thì chú trọng đến việc cúng kính làm đồ vàng mã nên nghĩ rằng chắc các bậc cao Tăng tĩnh tu trên núi. Vì chờ người chị thứ 6 lập gia đình, nên đến năm 21 tuổi đủ duyên lành Ngài trực chỉ lên núi Cấm quyết chí xuất gia.
Đến chân núi Cấm mừng như người được về quê cũ, bỏ cả dép mà nhảy từ tảng đá này lên tảng đá khác và phát nguyện gặp Chùa nào đầu tiên là vào xin xuất gia ở chùa đó. Duyên Thầy trò hội ngộ, Ngài đến Vạn Linh, mặc dù trên đường đi có vài ngôi chùa đã đi qua mà Ngài không thấy. Khi vào xin xuất gia Hòa thượng Khai sơn nhìn sửng Hòa thượng và huyền ký rằng: “Đời trước đã từng làm Hòa thượng, đời nay cũng làm Hòa thượng.”
Khi đã được xuất gia, Ngài siêng năng tu tập. Vì biết viết chữ nho nên Ngài lãnh công tác viết sớ điệp để cần khi có đám sám thí chủ yêu cầu. Mượn lý do công tác cần yên tĩnh nên Ngài xin một cái thất riêng để viết sớ. Nhưng chủ yếu là để tụng Kinh thêm ngoài những thời khóa trong chùa.
Diện tích ngôi thất vỏn vẹn 1,5m x 2,5m, bên trong chỉ có một cái chõng và một cái kệ cũng bằng tre để ngồi tụng Kinh và làm chỗ viết sớ. Ngôi thất nằm cạnh cây sung, cho đến nay cây sung vẫn còn tươi tốt.
Theo dòng thời gian, chùa cho xây dựng lại ngôi thất này bằng xi măng nhưng vẫn thể hiện giống như vật liệu tre tranh để ghi dấu vết của người xưa, như một tấm gương để người nay noi theo học tập.
BBT Website