Kính đảnh lễ tri ân ân đức của Sư Ông đã đưa chúng con vào giáo Pháp thuần diệu Phật Đà. Chúng con nguyện kính ghi lời dạy ấy, lấy đó làm hành trang trên bước đường tu tập của mình…
Giáo lý Phật giáo cao siêu mầu nhiệm không phải chỉ trên tín ngưỡng lý thuyết trừu tượng mà chính là những điều thiết thực trong cuộc sống hàng ngày. Điều này có nghĩa pháp học và pháp hành phải tương xứng song hành với nhau. Cuộc đời và sự nghiệp của chư vị tiền bối, các bậc trưởng lão đã nói lên điều đó. Qua bao năm rèn luyện nội tâm và phụng sự cho giáo hội các ngài đã thực nghiệm giáo lý trên chính công năng tu hành của mình. Sư Ông Vạn Đức đã để lại cho hàng hậu học những câu pháp ngữ vô cùng quý giá, trong đó người viết đã chiêm nghiệm lấy câu nói “Biết thiện thì theo, tới đâu thì tới”. Câu nói ấy tuy đơn sơ nhưng chứa đựng rất nhiều ý nghĩa sâu sắc mà Ngài muốn gửi gắm cho hàng hậu học thông điệp của sự tu hành hướng đến giác ngộ an lạc hạnh phúc.
Thông thường người thế gian cứ nghĩ việc gì làm tốt cho mọi người, giúp đỡ họ được qua cơn khó khăn là điều thiện. Đây là cách nghĩ đơn thuần nhưng chưa phải là rốt ráo theo quan niệm Phật giáo. Chúng ta giúp người là việc tốt nhưng cần phải “biết”, ở đây chính là sự liễu tri, thấy rõ điều thiện đó có hiệu quả đem lại hạnh phúc lâu dài hay không. Chẳng hạn khi ta gặp người lỡ đường đến cần ta giúp tiền xe để về quê, chúng ta có giúp không? Đương nhiên là giúp nhưng phải có cách nhìn và hiểu rõ hoàn cảnh của họ. Nếu không xét rõ đôi khi lòng tốt của chúng ta dễ bị kẻ xấu lợi dụng. và việc làm của ta không đem đến hiệu quả cao.
Thế nào là “biết thiện”? Trong Thành Thật luận có định nghĩa như sau: “Phàm việc gì khiến người ta vui thích là thiện, lợi ích cho mình và người, hiện tại và vị lai là thiện”. Nói rõ hơn việc thiện cần hội đủ các yếu tố: “Khiến người vui, lợi mình, lợi người, mình người đều lợi, trong hiện tại, trong tương lai”; thì mới gọi là thiện đúng nghĩa. Có thể thấy việc thiện phải căn cứ trên sự bố thí là chính có 3 yếu tố: “Người thí, vật thí, người được thí”. Khi chúng ta giúp người thì chính bản thân mình được lợi trước nhất, nhờ người ta chiến thắng được lòng ích kỷ, tâm keo bẩn, tâm tham lam, mà thành tựu được hạnh xả ly và pháp bố thí ba la mật…đây là lợi mình. Khiến người lìa khó khăn thiếu thốn, sinh tâm hoan hỷ, tâm không còn sợ hãi đây là lợi người. Hiện tại được an lạc và tương lai được an lạc, tức là khi hành thiện trong hiện tại không tương ưng tham, sân, si thì tương lai sẽ sinh nơi thiện giới (cảnh giới chư thiên và loài người). Bên cạnh đó khi ta giúp người làm ác như giúp người sát sinh, đưa đến sát sinh, giúp người trộm cắp, đưa đến trộm cắp, giúp người tà hạnh đưa đến tà hạnh, giúp người nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói lời thô ác, nói lời thiêu dệt, đưa đến vọng ngữ, giúp người uống rượu đưa đến uống rượu thì không gọi là thiện. Tóm lại giúp người tu thập thiện nghiệp đạo là thiện, giúp người hành thập ác là bất thiện. Khi đã hiểu rõ việc thiện cần nên làm thì chính là chánh kiến. Điều này rõ ràng minh bạch giúp ta hiểu rõ đâu là việc thiện cần nên làm (thì theo). Khi thân, miệng và ý chúng ta làm theo điều thiện trong hiện tại thì chắc rằng tương lai chúng ta không cần e ngại, chẳng cần suy nghĩ nhiều về nó (tới đâu thì tới), mà tương lai sẽ tốt đẹp hơn nhiều. Chẳng hạn hành giả niệm Phật và trì danh hiệu Phật, thì ngay trong hiện tại chúng có chánh niệm, có tỉnh giác, có công đức thành tựu định lực thì tương lai sẽ thành tựu niệm Phật Tam muội, tự tại vãng sinh Tịnh Độ là lẽ hiển nhiên. Chỉ e rằng hiện tại không chịu công phu rèn luyện việc làm thiện, tu trì thì tương lai sẽ không được sáng tỏ mà thôi.
Những lời dạy của sư Ông tùy theo căn cơ mà có sự ứng dụng nhưng không ngoài giáo lý nhân quả nhà Phật, như tổ Qui Sơn nói: “Hình ngay bóng thẳng, nhân quả rõ ràng”. Chúng ta vâng theo lời dạy ấy mà tu trì thì thì chắc thật chẳng sai lệch. Ngôn hạnh tương ưng, lời nói và việc làm thiết thực mới đem lại giá trị sâu sắc cho mọi người. Kính đảnh lễ tri ân ân đức của Sư Ông đã đưa chúng con vào giáo Pháp thuần diệu Phật Đà. Chúng con nguyện kính ghi lời dạy ấy, lấy đó làm hành trang trên bước đường tu tập của mình.
Hân Diệu