Khi đề cập đến sự bình tâm, tâm yên, điều quan trọng là đừng nhầm lẫn nó với sự vô cảm. Đúng hơn, bình tâm là một trạng thái tâm mà trong mối liên hệ với người khác, người ta thoát ra khỏi những thành kiến có gốc rễ rất sâu liên quan đến sự đam mê thái quá hoặc ghét bỏ thái quá..
Có hai phương pháp chính để thực tập sự bình tâm. Một phương pháp giống như khi làm vườn, người ta san bằng đất đai để cây cối chúng ta trồng mọc đều và tươi tốt. Mục đích của nó là xóa bỏ khuynh hướng của chúng ta quen định nghĩa mối tương quan giữa chúng ta với người khác theo các tiêu chí bạn, thù, người lạ. Phương pháp thứ hai là phát triển nhận thức về sự bình đẳng căn bản giữa mình và người khác: tất cả đều là những con người với khát vọng hạnh phúc và mong ước tránh khổ đau (…)
Những người mà chúng ta xem là kẻ thù hôm nay, có thể sẽ không còn như thế trong tương lai, và những người bạn ngày nay, ngày mai có thể cũng không còn như thế. Hơn nữa, cảm giác của chúng ta đối với những bạn bè, chẳng hạn như yêu mến, có thể gây rắc rối cho chúng ta, trong khi đó thì tương tác với kẻ thù lại có thể đem đến lợi ích, làm cho chúng ta mạnh mẽ hơn, tỉnh táo hơn. Suy nghĩ về những sự phức tạp như vậy có thể đưa bạn đến những suy nghĩ về tính chất vô ích khi quan hệ với người khác theo những thái độ cực đoan – cho dù họ thuộc nhóm thứ ba, hay thậm chí là nhóm thứ nhất.
Một khi chúng ta thấy rằng mối quan hệ với người khác như thế ngăn cản bản thân phát triển thiện chí đối với họ và tạo ra một tác động tiêu cực trên tâm trí của mình, chúng ta sẽ cố gắng làm giảm bớt sức mạnh của các cảm giác mang tính chất cực đoan. Qua một thời gian, trong mối quan hệ với người khác, chúng ta sẽ không còn liệt họ vào nhóm bạn bè hay kẻ thù nữa, mà như những đồng loại, những con người với tính chất bình đẳng căn bản.
Dalai Lama