Trong kinh điển và giới luật của người xuất gia lẫn tại gia, Đức Phật dạy không được uống rượu, vì cái hại lớn nhất của rượu là làm mất giống trí tuệ. Trí tuệ là điều kiện cần của đời sống an lạc hạnh phúc, và là mục tiêu hướng đến sự nghiệp giác ngộ, giải thoát. Trong Sa di Luật nghi, giới không uống rượu viết: “Thà uống nước đồng nấu chảy, thận trọng không phạm vào rượu”. Kinh Trung A-hàm có nói: “Phàm người uống rượu có 6 điều lỗi: 1. Mất của, 2. Sinh bệnh, 3. Gây gổ, đánh nhau, 4. Mang tiếng xấu, 5. Khởi tâm sân, si, 6. Trí tuệ ngày càng lu mờ.
Trong kinh Phân biệt thiện ác sở khởi, Đức Phật chỉ rõ chi tiết về nhiều tác hại do rượu mang lại cho cá nhân, gia đình và xã hội: “Với người thế gian ưa uống rượu say phạm 36 lỗi”. Nên hạn chế bia rượu là việc cần thiết để giảm thiểu tình trạng bất ổn xã hội do hành vi của người say rượu gây ra, đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần cho chính mình và các thế hệ con em.
Nhất là người Phật tử cần kiên quyết bỏ rượu bia. Bởi rượu bia là nguyên nhân dẫn đến hậu quả lu mờ tâm trí (si mê), đánh mất lòng từ bi (do sân hận). Khi uống bia rượu vào, người Phật tử không còn sáng suốt, dễ bị kích động, mất bình tĩnh, không kiểm soát được hành vi, ngôn ngữ và dễ dàng phạm giới, tạo các nghiệp bất thiện.
Say rượu bia có thể dẫn đến phạm các giới sát (đánh đập, gây tai nạn chết người, hành hung người và vật). Phạm giới dâm (tà dâm, dâm loạn với vợ người, với ruột thịt, họ hàng thân thuộc, với những phụ nữ/đàn ông không phải là vợ/chồng của mình). Phạm giới vọng ngữ (chửi bới, mắng nhiếc, nói lời hung ác, xúc phạm, làm tổn thương người khác), đánh mất tư cách đạo đức. Người Phật tử nghiện rượu bia sẽ không phát triển được những giá trị đạo đức và tâm linh, không thành tựu được trí tuệ đưa đến an lạc, giải thoát trong đời sống hiện tại cũng như tương lai.
Thầy giáo của tôi có thói quen, mỗi lần tôi và ông đi uống, ông sẽ đến bằng xe ôm và về nhà bằng taxi. Ông nói không muốn vợ con phải liên đới vì thú vui của mình.
Liên đới, với thầy, có nghĩa là vợ sẽ lo lắng không ngủ được khi nghĩ ông đang chạy xe máy trong cơn say về nhà. Liên đới có nghĩa là con thầy sẽ có tương lai bấp bênh nếu ông gây tai nạn cho ai đó khi lái xe về nhà. Liên đới – có nghĩa là tổn thương nhiều người khác ngoài sự kiểm soát của cơn say.
Một lần khi tôi còn rất bé, cha chạy xe máy về nhà rất muộn và đã xỉn, mẹ nói: “Nếu anh lái xe về nhà trong cơn say lần nữa, em sẽ không mở cửa.” – Đó là tối hậu thư. Và cha hiểu ông không được quyền làm như vậy sau khi đã say mèm. Tôi lớn lên và thường để ý, rất nhiều người, cả nam lẫn nữ, sẵn sàng leo lên xe máy, xe hơi chạy về nhà sau khi đã nhậu bốn năm tiếng đồng hồ chén chú chén anh với nhau.
Người đàn bà ngồi trong chiếc xe hơi tối ngày 21/10/2018 tại ngã tư Hàng Xanh (TP.HCM) tông qua 5 xe máy, làm chết 1 người ngay dưới bánh xe và những người vô tội khác đang dừng đèn đỏ. Bà đơn giản là đã xỉn, với nồng độ cồn 0,94 miligam/1 lít khí thở. Đó là con số rất xa so với mức quy định là 0,25miligam/lít khí thở, và 0,4 miligam/lít khí thở để bị thổi phạt trên đường. Bà chưa kịp bị thổi phạt đã kịp gây ra cái chết cho người khác.
Cô gái nằm dưới bánh xe không trở về nhà được nữa. Những chủ nhân xe máy đã vào bệnh viện. Họ dừng đèn đỏ, chờ đến lượt mình để di chuyển tiếp. Họ trở thành nạn nhân của một người đã vui vẻ quá nhiều sau một cuộc nhậu, và bất chấp sinh mạng của người khác khi trèo vào xe và nhấn ga trên đường phố Sài Gòn luôn đông đúc bất kể giờ nào.
Tôi không biết những người đã nhậu cùng bà đêm qua sẽ nghĩ gì. Tôi cũng không hiểu động cơ gì khiến bà – có đủ điều kiện để vứt xe lại bãi của quán nhậu và đón một chuyến taxi chừng trăm ngàn để trở về nhà. Bà có nghĩ về những gì sẽ xảy đến nếu bà đạp nhầm chân ga? Hay đơn giản là buồn ngủ quá thả vô-lăng ra? – Có lẽ những người đã đi nhậu và quá vui không còn đủ năng lực của lòng tự trọng để nghĩ về điều đó.
Xã hội của ta coi trọng những cuộc nhậu – tôi biết điều đó vì bản thân là người uống. Nhưng họ còn coi trọng một thứ khác hơn, đó là “ngầu” – dũng cảm leo lên xe, và vít ga lao đi dù đã bia rượu đầy người. Trong tiếng vỗ tay tán thưởng của chúng bạn, hay trong cuộc bàn luận khen tay lái lụa lắm – ngầu cả khi xỉn rồi.
Đó là người không chút lòng tự trọng. Là người không nghĩ về sinh mạng của người khác. Những cái chết ngoài họ. Sự sống khổ sở sau bánh xe họ tông vào. Với người say xỉn lái xe là thế giới không liên đới mà những người say xỉn quá tàn nhẫn không thể nhận ra.
Chúng ta chỉ xỉn. Và làm tan vỡ cuộc sống của người khác, gia đình và bản thân mình.
Khải Đơn