TRANG NGHIÊM LỄ TƯỞNG NIỆM NĂM THỨ 7 NGÀY ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ TỊNH VIÊN TỊCH

Sáng 9-4 (nhằm ngày 28-2-Tân Sửu), chùa Vạn Đức – TP.Thủ Đức cử hành lễ tưởng niệm 7 năm ngày Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Đệ nhị Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN viên tịch. Đại lão Hòa thượng nguyên Trưởng ban Tăng sự GHPGVN, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, viện chủ chùa Vạn Đức (TP.Thủ Đức, TP.HCM) và chùa Vạn Linh (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang).

Khóa lễ tụng Kinh Phổ Hiền tại tháp Phù Thi.

Quang lâm chứng minh và tham dự có sự hiện diện của chư tôn giáo phẩm: Hòa thượng Thích Giác Tường, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh; chư vị Thành viên Hội đồng Chứng minh: Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh, Hòa thượng Thích Như Tín.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự; Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Trung ương; Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Hòa thượng Thích Thiện Tâm – đồng Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, cùng chư tôn đức Hội đồng Trị sự, ban, viện Trung ương; Ban Trị sự các tỉnh, thành, Tăng Ni Học viện Phật giáo VN TP.HCM, Trường Cao – Trung Phật học TP.HCM, các tự viện trên địa bàn TP.Thủ Đức, TP.HCM và đông đảo Phật tử các đạo tràng về tham dự.

Đại diện các cơ quan chức năng có ông Trà Quang Thanh, Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam – Ban Tôn giáo Chỉnh phủ; bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân Vận Thành ủy; ông Nguyễn Văn Lượng, Phó Trưởng ban Tôn giáo TP.HCM cùng đại diện các bộ, ban, ngành.

Hòa thượng Thích Thiện Pháp cung tuyên tiểu sử cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh. Theo đó, Đại lão Hòa thượng thế danh Nguyễn Văn Bình, sinh năm Đinh Tỵ (1917), tại làng Mỹ Luông, quận Cái Tàu Thượng, tỉnh Sa Đéc.

Hòa thượng Thích Thiện Pháp cung tuyên tiểu sử cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh.

Năm 1937, ngài lên núi Cấm, đến chùa Vạn Linh, cầu xin Hòa thượng trụ trì Pháp húy Hồng Xứng cầu thế độ xuất gia. Năm 1941, ngài được đăng đàn thọ Sa-di giới tại tổ đình Quốc Ân – cố đô Huế và được Sư cụ Trí Độ đặt cho Pháp hiệu là Trí Tịnh. Năm 1945, ngài được đăng đàn thọ Tỳ-kheo và Bồ-tát giới tại chùa Long An, Sa Đéc.

Từ năm 1945 đến ngày viên tịch, Đại lão Hòa thượng cống hiến trọn đời cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, đóng góp công đức to lớn trong công cuộc chấn hưng, thống nhất và hòa hợp Phật giáo, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo Tăng tài… góp phần xây dựng và bảo vệ khối đại đoàn kết dân tộc, phụng sự đất nước.

Trong công tác giáo dục, Đại lão Hòa thượng là một trong những vị cao Tăng của Phật giáo Việt Nam vào những thập niên 40, 50 của thế kỷ 20 và của thế kỷ hôm nay. Ngài có công rất lớn trong việc thành lập và giảng dạy tại các Phật học đường miền Nam Việt Nam, từ Phật học đường Phật Quang, Liên Hải, Phật học đường Nam Việt, Phật học viện Huệ Nghiêm, Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm, Đại học Vạn Hạnh.

Đại lão Hòa thượng là bậc thầy trong công tác Giáo dục, là nhà giáo dục mô phạm của Phật giáo Việt Nam trong mọi thời đại. Có thể nói, Đại lão Hòa thượng đã đào tạo được nhiều thế hệ Tăng Ni tài đức, Phật tử hữu danh, có ích cho Đạo lẫn đời, hiện đang phục vụ các cấp Giáo hội từ Trung ương đến địa phương, trong nước và nước ngoài, góp phần xây dựng và phát triển Phật giáo Việt Nam qua từng giai đoạn.

Trong công tác phiên dịch và trước tác, ngài đã để lại cho kho tàng Tam tạng Phật giáo Đại thừa nhiều bản dịch kinh, sách bằng tiếng Việt có giá trị để Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam tụng đọc, nghiên cứu, tham học, trở về cội nguồn giáo lý như lời Phật dạy.

Những tác phẩm Hòa thượng đã biên soạn, phiên dịch và phổ biến như: Kinh Pháp hoa (8 quyển); Kinh Hoa nghiêm (8 quyển); Kinh Đại bát Niết-bàn (2 quyển); Kinh Đại Bát-nhã (3 quyển); Kinh Đại bảo tích, Đại Tập (12 quyển); Kinh Phổ Hiền hạnh nguyện; Kinh Địa tạng bổn nguyện; Kinh Tam bảo; Tỳ-kheo giới bổn; Bồ-tát giới bổn; Kinh Pháp hoa cương yếu (Tóm tắt); Kinh Pháp Hoa thông nghĩa (tóm tắt); Cực lạc Liên hữu tập; Đường về cực lạc; Ngộ tánh luận.

Đại lão Hòa thượng đã nỗ lực trùng tu chùa Vạn Linh, chùa Vạn Đức, thiền viện Quảng Đức – trụ sở Văn phòng II Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn đọc lời tưởng niệm của Trung ương Giáo hội, ôn lại công đức sâu dày của cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh.

“Thế hệ Tăng, Ni, Phật tử hôm nay và mai sau là những người thừa hưởng sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt Nam, thừa hưởng gia tài quý báu mà Đại lão Hòa thượng đã thể hiện bằng sự sống, bằng hành động và bằng ý chí của bậc xuất trần thượng sĩ”, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự truy tán.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn đọc lời tưởng niệm của Trung ương Giáo hội, ôn lại công đức sâu dày của cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh.

Buổi lễ khép lại sau lời cảm tạ của Hòa thượng Thích Hoằng Tri, Trưởng ban Tổ chức lễ húy kỵ, trụ trì chùa Vạn Đức thay mặt tông môn cảm tạ.

Trước đó, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đệ nhất Phó Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Giám luật thuộc Hội đồng Chứng minh và chư tôn đức Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã đến đảnh lễ tưởng niệm cố Đại lão Hòa thượng.

Chiều 8-4, phái đoàn Trung ương GHPGVN do Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự dẫn đầu đã đến dâng hương, đảnh lễ tưởng niệm.

Trong những ngày qua, nhiều phái đoàn đã đến chùa Vạn Đức đảnh lễ tưởng nhớ đến một bậc Thầy, vị giáo phẩm lãnh đạo, hành giả một đời tu Tịnh độ, nhà đại dịch giả kinh luận Đại thừa của Phật giáo Việt Nam.

Trước đó, vào chiều 8-4, Chư Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự dâng hương tại bảo tháp Phù Thi.

Chư tôn đức dâng hưởng tưởng niệm cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh vị lãnh đạo của GHPGVN nhiều nhiệm kỳ.

Tin, ảnh: BVHTT.CVĐ

Scroll to Top