LÀM SAO ĐỂ CHUYỂN HÓA KHỞI Ý BẤT THIỆN?

Hỏi: Tôi là Phật tử, năm nay 30 tuổi. Trước giờ tôi luôn tôn kính Đức Phật nhưng gần đây, trong tâm ý tôi có xảy ra một chuyện khiến tôi rất lo lắng. Đó là mỗi khi nhìn hình tượng Phật, Bồ-tát thì trong đầu tôi cứ nảy ra các ý tưởng bất kính. Các ý tưởng này tự xảy ra chứ tôi hoàn toàn không có chủ ý. Giống như tôi bị bệnh ám ảnh vậy (tôi chỉ đoán vậy chứ chưa đi khám). Thậm chí tôi rất mệt mỏi vì phải liên tục gạt bỏ chúng. Giờ đi chùa tôi cũng không dám nhìn hình tượng Phật lâu. Thậm chí tôi cũng không dám quán tưởng hình tượng Phật. Mong quý Báo cho tôi được biết, việc bị các ý tưởng như vậy thì có mắc tội với Đức Phật không? Nếu có, tôi có thể sám hối được không? Liệu đây là quả tôi đang phải chịu hay tôi đang tạo thêm nhân tội lỗi?

Theo như chia sẻ thì bạn đang có những biểu hiện của rối loạn tâm lý, có liên quan đến tâm thần. Việc đầu tiên, bạn nên đến các bệnh viện chuyên về thần kinh để kiểm tra sức khỏe tâm thần. Đây là công đoạn cần thiết, quan trọng mà các thầy thuốc có thể tầm soát, chẩn đoán, phát hiện bệnh và đề xuất các phương thức trị liệu hiệu quả. Có khá nhiều người bỏ qua công đoạn có tính khoa học này, vội vàng tìm các hướng trị liệu khác nên dù hao tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc mà vẫn không có kết quả.

Sau khi đã kiểm tra sức khỏe tâm thần, nếu có bệnh thì cứ theo phác đồ và liệu trình của thầy thuốc khuyến nghị mà chữa trị. Hiện tại các chuyên khoa về thần kinh, tâm lý và tâm thần khá phát triển nên cần tin tưởng vào khoa học để trị liệu bệnh tật. Trường hợp không phát hiện các bệnh liên quan đến thần kinh và tâm thần thì bạn mới nghĩ đến các phương thức trị liệu khác. Vấn đề được đặt ra ở đây, nếu là bệnh, thì tại sao bạn không có ý tưởng khác mà lại có ý tưởng bất kính về Đức Phật?

Hẳn trong quá khứ (gần hoặc xa, có thể trong tiền kiếp) bạn đã từng có ý tưởng bất kính với Đức Phật. Hạt giống xấu này bị vùi lấp và ngủ yên trong tâm, gần đây vì một nhân duyên nào đó (tổn thương hay rối loạn một bộ phận của não bộ) khiến tâm thức của bạn tự động kết nối với các nhóm dữ liệu tiềm ẩn này. Thành ra, dù bạn hoàn toàn không cố ý nhưng khi được tiếp duyên (gặp hình tượng Phật) liền tự khắc có ý tưởng bất kính. Trong khi, đối với các pho tượng hay hình ảnh khác bạn hoàn toàn không có tưởng thương ghét hay tôn kính hoặc bất kính. Điều này cũng có điểm tương đồng với hiện tượng khi gặp một người lạ mình liền thương yêu mê mệt hay liền ghét cay ghét đắng mà không rõ vì sao.

Cũng may là sự rối loạn này chưa xâm chiếm hoàn toàn ý thức của bạn, bạn vẫn biết rõ rằng bất kính với Đức Phật là không tốt và không nên. Chỉ có điều bạn không có cách nào để chặn đứng hay chuyển hướng các ý tưởng này. Thế nên, song hành với việc trị liệu theo y khoa, bạn cần thực hành sám hối nghiệp chướng. Trước tiên, bạn hãy nghĩ rằng những biểu hiện bất kính đó là do nghiệp dĩ xấu ác dấy khởi, không phải chủ ý của bạn. Phàm bất cứ việc gì trong hiện tại mà không có chủ ý thì không tạo trọng nghiệp và không mang trọng tội. Có thể nói, trường hợp này bạn không mắc lỗi với Đức Phật. Mặt khác, bạn cũng cần xác định rằng những biểu hiện ấy có tính chất của quả hơn là đang gây nhân bất thiện (vì không chủ ý).

Do vậy, sự sám hối ở đây chủ yếu là các tội nghiệp quá khứ. Thực hành quán niệm 9 ân đức Phật bảo, lễ bái hồng danh, suy ngẫm về nghiệp nhân quá khứ và nguyện không tái phạm… là những cách sám hối. Niệm ân đức Phật bảo để phát khởi niềm tịnh tín sâu sắc với Đức Phật. Lễ bái hồng danh chư Phật cũng khiến cho tội diệt phước sinh. Kiên trì thực hành sám hối cùng với tích cực trị liệu sẽ dần chuyển hóa được những ý niệm xấu ác, khiến phát sinh lòng tin thanh tịnh vào Tam bảo.

Nguồn: giacngo.vn

Scroll to Top