HỎI: Nhờ tự tìm hiểu Phật pháp qua các bài giảng của quí Thầy rồi ứng dụng, con thấy có kết quả. Thấy được trạng thái thay đổi cả nơi thân và tâm, nhưng lại vừa mừng vừa lo vì chưa đủ duyên để có một vị Thầy trực tiếp chỉ dạy nên không biết mình tu tập như thế có đúng không.

ĐÁP: Rất vui vì được lắng nghe sự chia sẻ của cô, lại càng hạnh phúc hơn khi nhìn thấy được những hoa trái, những kết quả mà cô Hồng Phương đã đạt được trong quá trình thực tập và học hỏi. Quý thầy rất trân trọng niềm tin của cô đối với Ba ngôi báu, cũng như cách cô tìm đến đạo và nhận thức về đạo một cách rõ ràng; không mê tín, không vì bất cứ sự cầu xin hay tác động từ bên ngoài. Cô Phương đã đến với đạo bằng con đường học hỏi, chiêm nghiệm và tự mình vận dụng nó vào đời sống. Cô đã thấy được rằng đạo là con đường, và mình phải tự đi trên con đường đó, điều này rất đáng ghi nhận.

Nhưng do vì tự mình học hỏi, tự mình thể nghiệm; không được hướng dẫn trực tiếp từ quý Thầy hay những bạn đồng tu đi trước. Cô Phương mặc dù đạt được những thành tựu nhất định trong công phu nhưng vẫn còn phát khởi sự “hoang mang”, không chắc chắn. Điều này là một sự phát khởi tự nhiên.

Bốn phương pháp: lạy Phật, tụng kinh, hành thiền và ăn chay mà cô ứng dụng vào đời sống, đây là sự thực tập thánh thiện.

Bất cứ một việc gì ta làm thiện hay ác đều tạo ra năng lượng. Do vậy việc hành trì và cảm nhận được sức mạnh nội tâm cũng không có gì lạ. Trong quá trình cô hành thiền “có lúc con thấy mình chẳng thở luôn, hoặc hơi thở ra vào ít lắm” đó là quá trình “an tịnh thân hành” như trong Kinh Đức Phật dạy. Thực tế là ta có thở nhưng hơi thở đã đi đến giai đoạn an tịnh nên rất nhẹ nhàng, nhỏ nhiệm.

Trong xã hội hiện tại, nhờ các mạng truyền thông nên việc học Phật cũng trở nên dễ dàng, khuyên cô nên duy trì phương pháp học Phật theo dạng này. Có những thắc mắc, trăn trở trong quá trình thực tập thì cô hãy tìm đến một vị thầy (khi không còn dịch bệnh) trình pháp để được hướng dẫn thực tập tốt hơn. Với kết quả tu tập cô nêu trong thư, vậy là đi đúng hướng.

Người học Phật có thể tự mình kiểm nghiệm được phẩm chất tu học, để biết chắc chắn rằng mình đang đi đúng hướng và hành đúng pháp Phật.

Có ba dấu ấn để xác thực đó là pháp do Phật hướng dẫn. Thứ nhứt là vô thường – mỗi pháp hữu vi trên thế gian này đều mang tính chất thay đổi, biến chuyển không ngừng. Các pháp mà ta đạt được hôm nay cũng sẽ thay đổi và mất đi nếu ta không học cách nuôi dưỡng và duy trì sự thực tập mỗi ngày. Thứ hai là vô ngã – vì các pháp thay đổi không ngừng nên bản chất của mọi sự vật, hiện tượng đều không có một thực thể riêng biệt, chúng chuyển biến từ trạng thái này sang trạng thái khác; nếu có một lý thuyết cho rằng đây là ta, đây là pháp ta đang hành và chứng đắc thì đó không phải là giáo lý của Phật, Phật là người đưa ta đến con đường vượt thắng ý niệm về “ta” và “của ta”. Một khi ta chưa thấy được tính chất vô thường và vô ngã của các pháp, ta vẫn còn bị những ý niệm về “ta” và “của ta” chi phối. Chúng làm cho ta mất đi trạng thái “cân bằng”, Phật gọi đó là Dukkha – khổ, là dấu ấn thứ ba. Dấu ấn này là hướng đi của đạo Phật, là sự thực về bản chất của khổ đau và con đường diệt khổ.

Lại có bảy yếu tố để xác nhận rằng mình đang hành trì đúng với những lời Phật dạy. Đầu tiên, Trạch pháp – là khả năng phân định rõ ràng đây là đúng, đây là sai, đây là thiện pháp, đây là bất thiện… Mỗi khi ta tiếp nhận bất kỳ một chủ thuyết nào ta phải vận dụng và thấy được rõ ràng điều này. Thứ nhì Tinh tiến, là sự miên mật, không gián đoạn, như một dòng nước trôi chảy từ tốn, không vội vã, không hấp tấp, không bị ngăn chặn bởi ngoại cảnh. Thứ ba Hỷ, là niềm vui được phát khởi từ nội tâm mình, nó không do yếu tố bên ngoài khách quan mà có, nó đến từ sự lắng dịu và an tĩnh do công phu tu tập đạt được. Thứ tư Khinh an, là trạng thái nhẹ nhàng của thân và thư thái của tâm. Kế đến là Niệm hay Chánh niệm, là khả nhận biết thực tại hiện tiền, thấy rõ những gì đang diễn biến trong giờ phút hiện tại. Thứ sáu Định, là sự tập trung chuyên chú vào một đối tượng, nếu một pháp môn ta đang hành trì vẫn còn khiến ta lăng xăng, dao động, mất tập trung thì ta nên nhìn nhận lại, vì pháp Phật là con đường đưa ta trở về an trú, thấu triệt các pháp. Cuối cùng Xả hay Hành xả , là sự không phân biệt, không kỳ thị, không chấp trước. Nhờ xả ta chuyển hóa được cái nhìn lưỡng nguyên trong ta, ta nuôi dưỡng khả năng chấp nhận và hành xử một cách bình đẳng với tất cả mọi người, mọi loài.

Pháp Phật là một con đường sáng, nó dẫn chúng ta đi từ sự lầm lạc, mê mờ đến được chân trời cao rộng, tự do. Trong đời sống hằng ngày, ta luôn luôn học hỏi, chiêm nghiệm và áp dụng cho được những lời hướng dẫn của Phật vào nếp sống thường nhựt của ta. Ta thực tập như thế nào đề mỗi ngày ta trở nên tươi mát hơn, tháo gỡ được những sợ dây ràng buộc, chuyển hóa được hờn giận, nuôi lớn được tình thương và hiểu biết. Dựa vào Ba Pháp Ấn và Bảy yếu tố đưa đến sự tự do đích thực, sẽ được nuôi lớn trong mình ba nguồn năng lượng, đó là nhiệt tâm – chánh niệm – tỉnh giác. Ba nguồn năng lượng này giúp ta vững vàng, kiên trì và kham nhẫn hơn trong công phu.

Với niềm tin trong sáng, ý chí kiên định, sự thực hành liên lục, quý Thầy tin chắc rằng quý Phật tử sẽ thành tựu được những điều như ý nguyện, cũng như hiến tặng những hoa trái mình có được đến mọi người.

Nguồn: phatgiao.org.vn