Sáng 30-3 (28-2-Nhâm Dần), lễ tưởng niệm năm thứ 8 ngày Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, nguyên Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN viên tịch diễn ra tại chùa Vạn Đức – TP.Thủ Đức (TP.HCM).
Quang lâm tham dự lễ tưởng niệm có Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Tường, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh; chư vị giáo phẩm Thành viên Hội đồng Chứng minh: Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh, Hòa thượng Thích Như Tín.
Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Trung ương; Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Hòa thượng Thích Thiện Tâm, đồng Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự; Hòa thượng Thích Thanh Hùng, Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương; cùng chư tôn giáo phẩm Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, TP.Thủ Đức, Tăng Ni các tự viện, môn đồ pháp quyến, Phật tử các giới cùng về tham dự.
Sau khóa lễ cúng ngọ, cung tiến Giác linh; tại Tổ đường, chư tôn giáo phẩm cử hành lễ tưởng niệm.
Cung thỉnh chư tôn giáo phẩm cử hành lễ tưởng niệm tại Tổ đường |
Trong không khí trang nghiêm, thành kính, Hòa thượng Thích Thiện Pháp cung tuyên tiểu sử cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, ôn lại hành trạng, công đức to lớn của ngài với đạo pháp và dân tộc.
Thay mặt cho môn đồ pháp quyến, Hòa thượng Thích Hoằng Tri, trụ trì chùa Vạn Đức dâng lời cảm tạ. Sau đó, chư tôn giáo phẩm cung đối trước Giác linh đài cố Đại lão Hòa thượng niêm hương tưởng niệm.
Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, thế danh Nguyễn Văn Bình, sinh năm Đinh Tỵ (1917), tại làng Mỹ Luông, quận Cái Tàu Thượng, tỉnh Sa Đéc (nay là huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Đại lão Hòa thượng là người con thứ 7 trong một gia đình trung nông kính tin Tam bảo.
Năm 1937, ngài lên núi Cấm, đến chùa Vạn Linh, cầu Hòa thượng trụ trì pháp húy Hồng Xứng thế độ xuất gia, được ban pháp húy là Nhựt Bình, hiệu Thiện Chánh, nối dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41.
Sau khi xuất gia, ngài đã đi tham học Phật pháp với chư sơn thiền đức ở trong và ngoài tỉnh, nghiên cứu tài liệu, tham học tại chùa Bích Liên, Liên Tôn (Bình Định). Năm 1940, ngài tiếp tục ra Huế theo học tại các Phật học đường Tây Thiên, Báo Quốc.
Năm 1941, Đại lão Hòa thượng đăng đàn thọ Sa-di giới tại chùa Quốc Ân ở cố đô Huế và được Sư cụ Trí Độ đặt pháp hiệu Trí Tịnh. Đến năm 1945, ngài đăng đàn thọ Tỳ-kheo và Bồ-tát giới tại chùa Long An (Sa Đéc).
Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Trung ương cung tuyên tiểu sử |
Gần trọn cuộc đời tu học và hành đạo, Đại lão Hòa thượng đã có những cống hiến quan trọng cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, đóng góp công đức to lớn trong công cuộc chấn hưng, thống nhất và hòa hợp Phật giáo, cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo Tăng tài… góp phần xây dựng và bảo vệ khối đại đoàn kết dân tộc, phụng sự đất nước.
Mùa xuân năm 1980, khi nước nhà đã hoàn toàn độc lập, giang sơn nối liền một dải, theo thuận duyên của thời cuộc, Ban Vận động Thống nhất Phật giáo ra đời, với mục tiêu thống nhất Phật giáo Việt Nam thành một tổ chức chung nhất từ Bắc chí Nam.
Sang năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh được suy tôn ngôi vị Thành viên Hội đồng Chứng minh, suy cử cương vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Trung ương GHPGVN.
Năm 1984, sau khi Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN viên tịch vào tháng 4-1984, Đại lão Hòa thượng được suy cử Quyền Chủ tịch Hội đồng Trị sự, rồi Chủ tịch Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ II và những nhiệm kỳ tiếp theo cho đến ngày về cõi Phật.
Bảo tháp Phù Thi trong khuôn viên chùa Vạn Đức – TP.Thủ Đức, nơi lưu giữ nhục thân cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh |
Trong công tác giáo dục, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh đã góp phần vào việc thành lập và giảng dạy tại các Phật học đường miền Nam Việt Nam, từ Phật học đường Phật Quang, Liên Hải, Phật học đường Nam Việt, Phật học viện Huệ Nghiêm, Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm, Đại học Vạn Hạnh.
Đặc biệt, trong lĩnh vực phiên dịch và trước tác, ngài được biết đến là một đại dịch giả đã để lại nhiều bản dịch kinh điển, các tác phẩm có giá trị được nhiều thế hệ Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam tụng đọc, nghiên cứu, tham học. Những tác phẩm Hòa thượng đã biên soạn, phiên dịch và phổ biến có thể kể đến như: kinh Pháp hoa (8 quyển); kinh Hoa nghiêm (8 quyển); kinh Đại bát Niết-bàn (2 quyển); kinh Đại Bát-nhã (3 quyển); kinh Đại bảo tích + Đại tập (12 quyển); kinh Phổ Hiền hạnh nguyện; kinh Địa Tạng bổn nguyện; kinh Tam bảo; Tỳ-kheo giới bổn; Bồ-tát giới bổn; kinh Pháp hoa cương yếu (tóm tắt); kinh Pháp hoa thông nghĩa (tóm tắt); Cực lạc Liên hữu tập; Đường về Cực lạc; Ngộ tánh luận.
Ngài đã nỗ lực trùng hưng chốn Tổ chùa Vạn Linh, khai sáng chùa Vạn Đức (TP.Thủ Đức), trùng tu thiền viện Quảng Đức – Văn phòng Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN tại TP.HCM.
Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh là một bậc cao Tăng với phẩm hạnh và sở học cao thâm, một hành giả Tịnh độ mẫu mực, nhà lãnh đạo, bậc thầy trong lĩnh vực giáo dục, là nhà giáo dục mô phạm của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, làm khuôn mẫu để Tăng Ni, Phật tử Việt Nam nhiều thế hệ kính ngưỡng, noi theo.
9g 15 sáng 28-3-2014 (28-2-Giáp Ngọ) tại chùa Vạn Đức, nơi trú xứ mà Đại lão Hòa thượng đã khai sáng và gắn bó phần lớn cuộc đời tu hành, ngài thu thần viên tịch sau 98 năm trụ thế, hạ lạp: 69 năm.
Trước đó, vào chiều 29-3 (27-2-Nhâm Dần), chư tôn đức Văn phòng Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN phía Nam đã dâng hương tưởng niệm cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, hữu nhiễu bảo tháp Phù Thi – nơi lưu giữ nhục thân ngài trong khuôn viên chùa Vạn Đức.
Cũng trong sáng 30-3, Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN quang lâm chùa Vạn Đức dâng hương tưởng niệm cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh.
Một số hình ảnh ghi nhận từ buổi lễ:
Giác linh đài cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh |
Chư tôn giáo phẩm Trung ương GHPGVN dâng hương tưởng niệm |
Tưởng nhớ công hạnh bậc cao Tăng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại… |
… Cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh là vị giáo phẩm có cống hiến lớn lao cho ngôi nhà GHPGVN kể từ ngày đầu thành lập |
Lắng lòng tưởng niệm tròn 8 năm bậc thầy mô phạm của bao thế hệ Tăng Ni khuất bóng |
Hòa thượng Thích Hoằng Tri, thay mặt môn đồ pháp quyến cố Đại lão Hòa thượng dâng lời cảm tạ |
Buổi lễ tưởng niệm được tổ chức chu đáo, trang nghiêm |
Chư tôn giáo phẩm niêm hương tưởng niệm |
Trước đó, chư Tăng Ni, Phật tử đã vân tập về chánh điện tụng thời kinh tưởng niệm |
Truy tán công hạnh bậc tôn sư |