CÚNG SAO, CÚNG HẠN QUA LỜI DẠY CỦA SƯ ÔNG TRÚC LÂM

Chúng ta là Phật tử biết tu theo đạo Phật, là người giác ngộ. Dù giác ngộ ít cũng là giác ngộ, những gì trái với giác ngộ chúng ta không nên làm.

Thế mà hiện giờ Phật tử còn cúng sao, cúng hạn không? – Còn.

Cúng sao cúng hạn là cúng cho ai, được cái gì, quí vị biết không? Nếu không biết mà làm, đó là giác hay mê? – Mê.

Sao hạn mình ở chỗ nào, quí vị chưa biết rõ nữa, mà cúng là cúng cái gì? Thật ra sao hạn là theo sách Tàu. Ngày xưa mấy ông đồ nho giỏi đọc sách Tàu, họ bắt chước coi sao hạn theo người Trung Hoa.

Từ khi nước mình bị Pháp thuộc về sau, không dạy chữ nho nữa nên các ông đồ lần lần mất hết. Bây giờ muốn coi sao hạn, chỉ còn nhờ quí thầy ở chùa biết kinh chữ Hán, thế là dân chúng đem những cuốn sách nho đến nhờ quí thầy coi giùm.

Ban đầu quí thầy từ bi coi giùm. Về sau dân chúng thấy quí thầy coi giùm nhiều người quá, không làm được việc gì, trong chùa hết gạo, chẳng lẽ họ làm ngơ. Thế là thương thầy bỏ công coi giùm nên họ cúng lại vài trăm, mỗi người một chút, lâu ngày chầy tháng thành lệ. Từ đó thầy thấy coi bộ được, thôi để thầy coi cho. Rốt cuộc trong chùa sanh chuyện coi ngày, coi tháng, cúng sao, cúng hạn hồi nào không hay.

Đó là nguyên nhân cúng sao cúng hạn, thật ra trong sách Phật không có chuyện đó, Phật còn rầy nữa.

Trong kinh Di Giáo Phật dạy các thầy Tỳ-kheo không được xin xăm bói quẻ, không được coi tướng coi sao… vậy mà bây giờ một số thầy cho đó là việc làm chánh của nhà chùa thì thật là sai lầm lớn.

Chẳng qua vì chiều lòng Phật tử, lại thấy có lợi thì làm, chớ không phải chủ trương của Phật dạy. Phật tử phải hiểu thật rõ điểm này để không bị lầm lẫn giữa cái mê và cái giác.

Phật tử khi đã hiểu rồi, thấy việc làm đó vô lý, thử đặt lại câu hỏi: “Ngôi sao của mình là ngôi sao nào?” Nếu chúng ta được đi phi thuyền lên cung trăng, chắc sẽ giật mình vì không thấy ngôi sao nào độ mạng cho mình hết.
Bây giờ ngồi đó mà cúng lạy thì thật vô lý quá, không giác ngộ chút nào hết. Vì vậy chúng ta phải sáng suốt, nhận định cho thật kỹ thế nào là lời Phật dạy, thế nào không phải lời Phật dạy.

Lời Phật dạy chúng ta mới làm, không phải lời Phật dạy thì không làm. Đó là người đang đi trên đường giác. Không phải Phật dạy mà làm là đang đi trên đường mê, đã lạc vào đường mê thì còn là Phật tử nữa không? – Mất tư cách Phật tử rồi, vì Phật tử là con bậc của giác ngộ, thì không thể làm điều mê được.

Phật tử khéo tu, khéo hiểu, ứng dụng trong cuộc sống hiện tại, vừa hợp với lẽ thật vừa làm lợi ích cho mình và mọi người. Chúng ta luôn biết tạo nhân lành sẽ được hưởng quả lành.

Đối với mọi người ta không nỡ làm cho ai đau khổ, vì làm cho người đau khổ tức là gây đau khổ cho mình. Với người thiếu thốn khổ đau, ta giúp đỡ cho họ bớt thiếu thốn, bớt khổ đau. Đó là ta tạo nhân lành. Người bớt khổ được vui là ta đã tạo niềm vui cho người, cũng chính là gây nhân vui cho mình. Đó là tu.

Tu bằng cách luôn nhớ giúp mọi người bớt khổ, được vui. Tu bằng cách đem lại lợi lạc hữu ích cho mọi người, chớ không phải tu là làm những việc vô nghĩa vô lý.

Cre: ( Trích trong “ÔNG PHẬT HAY ÔNG BỤT ?” Sư Ông Trúc Lâm Giảng Giải ) Www.thuongchieu.net

Scroll to Top