Cha mẹ cho ta thân tâm này, ta có bổn phận dưỡng nuôi, chăm sóc nó đúng cách. Người đời đã bỏ ra gần hết kiếp sống của mình để lo việc ăn uống, thuốc men, áo quần, nhà cửa, tiện nghi cho tấm thân tứ đại này.

Tứ đại vô tri không biết gì mà ta còn hết lòng như vậy huống gì tâm thức luôn hay biết nên cần được quan tâm kỹ càng hơn nữa.

Với thế gian, vật thực thông thường của tâm là tham, sân, si độc hại làm tâm phiền não, ô nhiễm.

Với người Phật tử, vật thực bổ dưỡng cho tâm là giới, định, huệ khiến tâm mát mẻ, trong sạch.

Do đó, ngoài những khoá thiền dài hạn vun bồi tâm linh một cách tích cực, mỗi ngày ở nhà ta cũng phải cố gắng hành trì thường xuyên, đều đặn. Nếu bị bỏ quên, tâm sẽ thiếu thốn, đói khát nên sẽ quay lại đường xưa lối cũ của phóng dật, phiền não…

Người Phật tử không sống tách rời với gia đình, xã hội nhưng phải cố gắng dành cho mình một khoảng không gian và thời gian riêng trong ngày để chăm sóc tâm linh. Sau khi thành đạo rồi, Đức Phật cũng sống giữa xã hội trong suốt 45 năm để giáo hóa chúng sinh, mặc dù cả cuộc đời Ngài hầu như luôn gắn liền với thiên nhiên. Từ đản sanh, thành đạo, chuyển pháp luân và ngay cả nhập Đại Niết Bàn, Đức Phật đều ở dưới các cội cây trong rừng.

Hằng ngày, ngoài những giờ phút ngồi thiền, ta cố gắng giữ chánh niệm trong các tư thế cũng như đối với các hoạt động trong ngày như ăn uống, nói năng… Ta hãy ráng giữ tâm tĩnh lặng khi làm việc, tiếp xử… Đó là vật thực hàng ngày cho tâm. Tâm được chăm sóc chừng nào, ta được an vui chừng nấy.

Cre: phatgiao.org.vn