Đôi lời chia sẻ về Tịnh độ:

Khi tôi ở Phật Học Đường Báo Quốc, giai đoạn tôi học trung học, buổi tối 9 giờ 30, chùa hô canh ngồi thiền: “Sơ canh dĩ đáo thượng thiền sàng. Tam nghiệp tịnh trừ đổ thánh nhan…” trong chùa, bắt buộc phải như vậy, đây còn là Phật học đường nữa. Khi nghe câu canh niệm Phật và bắt đầu ngồi thiền thì tất cả đại chúng đều phải ngồi nửa tiếng, trên giường của mình. Lúc đó mình còn trẻ thì mình chấp hành theo thôi.

Ngồi thiền, thở vô thở ra, mình cũng tập vậy thôi chứ cũng không tha thiết gì. Quan điểm của tôi thiên về Tịnh độ nhiều hơn. Trong sách chư Tổ dạy: “Vạn người tu nhất đắc” nghĩa là 10 người tu Tịnh độ đắc đạo hết cả 10 người, còn ngàn người tu pháp Thiền thì mai ra đắc được một được ghi trong Tứ Liệu Giản, có văn bản đàng hoàng. Cho nên niệm Phật thuận tiện hơn nhiều. Hơn nữa chỗ nào mình niệm Phật cũng được, ngồi cũng niệm được, đi đứng mình niệm cũng niệm được, làm gì mình niệm cũng được. 

Còn tu Thiền thì phải ngồi, xếp bằng, rồi bán già, kiết già, toàn già nữa. Mình không quen ngồi đau lắm… còn bao nhiêu chuyện khác. Niệm Phật thì thuận tiện hơn. Ngài Long Thọ đã trùng hưng Đại thừa, Ngài cho rằng Thiền là “nan hành đạo” vì khó hành. Còn niệm Phật là “dị hành đạo” mà đúng là “dị” thật. Mình ngồi đây niệm cũng được, không lần chuỗi niệm thì niệm thầm cũng không sao. Tôi có đọc quyển sách của một Thầy dịch là 48 pháp môn niệm Phật được in từ năm 1963. Niệm Phật có niệm ra tiếng, có niệm không ra tiếng, có niệm bất niệm tự niệm… Pháp niệm Phật dễ vậy đó, dễ mà hiệu quả lại cao, chớ không phải dễ rồi hiệu quả ít, không phải khó đạt hiệu quả. Nhưng có lẽ do căn cơ của mình phù hợp, nên mình thích. Khi mình thích mình mới chịu tu, nếu không thích mà bắt mình ngồi đó thì phiền quá. Phật đâu có bắt ép mình, mình hoàn toàn tự nguyện. 

Khi tôi 40 tuổi, ngẫm lại mình đã làm được một số việc trong đời, sách vở kinh sách mình in một loạt rồi. Sau 1975, tôi in đến mười mấy bộ sách nào Thiền Uyển Tập Anh, Tuyển Tập Chân Nguyên, Toàn Tập Chân Nguyên, Từ Điển Bách Khoa Phật Giáo Việt Nam… Ngẫm lại, cuộc đời mình dành trọn cho sách vở. 

Những năm ở Báo Quốc, tôi phụ trách xưởng xì dầu, để lo kinh tế của chùa. Chùa là Phật Học viện, mình không lo thì đâu ai cúng để đủ trang trải. Ôn Đổng Minh học kỹ thuật nấu xì dầu ở Huế (khi Ôn học ở đó) về dạy lại cho tôi. Cũng đơn giản, trên nguyên lý phản ứng của axít với xút. Mình lấy bánh dầu ở Tây Ninh. Đậu phộng ép lấy dầu, phần xác còn lại là bánh dầu, lấy phần bánh dầu này, cho axít và xút vào rồi nấu. Nếu muốn ngon hơn, chất lượng hơn thì cho thêm đậu nành. Thường thì đến tết sẽ nấu theo cách này, để được nước tương ngon đem cúng dường các chùa.

Thời gian đó, quây quần với công việc, tôi chẳng biết gì đến thời khóa, công phu. Tuy nhiên, lúc học Lăng Nghiêm, tôi học nhanh thuộc lắm, khoảng một tuần là thuộc (5 đệ thêm 10 câu chú). Tuy vậy, phải đọc theo chúng mới đọc trôi chảy được. Còn nhớ lần đầu lên công phu khuya, tôi được Ôn Chánh Trí cho khỏi lên. Vì tôi phụ trách làm xì dầu, lại còn đi học Quốc học, nên được ưu ái như vậy. Thời gian rảnh rỗi phải lên xưởng để theo dõi công nhân làm việc. Suốt 3 năm, tôi phụ trách mảng này. Ví dụ: Nguyên liệu là axít 800, mình cho công nhân dùng axít kế đo độ Baume (pum-mê), xong dùng nước pha loãng thành axít 250 trước khi cho vào khạp để nấu. Xút cũng vậy. Khi cho ra xì dầu, mình nếm thử, xem còn dư axít hay xút không. Suốt 3 năm như vậy, cứ học ở Quốc học xong khoảng 9-10 giờ, chạy xe đạp ra xưởng trông chừng, chỉ tiền là không giữ, vì lúc ấy tôi còn quá trẻ, chỉ khoảng 15 tuổi. Ôn Bửu Bát làm thủ quỹ nên giữ tiền (Ôn là tác giả bài Trầm Hương Đốt). Bận rộn vậy, nên tôi đâu thể nào công phu với chúng được. Sáng chỉ ngồi thiền khoảng nửa tiếng, ngày thì lên xưởng đến tối, khi nào công nhân về thì mới được về. Cùng lắm về kịp đoạn tán trống “Tự Quy y” thì vào đánh trống thế thôi. Tôi rất thích đánh trống, sau này tôi có viết quyển Lịch sử Âm nhạc Việt Nam.

Thời trẻ, tôi chỉ ở chùa nên có điều kiện đọc sách. Tôi biết được nhiều là nhờ đọc Đại tạng và tiểu thuyết. Đại Chánh Tân Tu tôi đọc hết từ quyển 1, Trường A Hàm cho đến hết, đọc nhiều nên biết được nhiều điều.

Đến 1963, tôi vào tù. Lúc ấy khoảng 19 tuổi, tuổi trẻ mà bị giam như thế thì chỉ muốn trèo tường mà ra thôi. Nhưng nghĩ lại, cứ để mình có thời gian chiêm nghiệm những điều Phật dạy mà mình được đọc trong kinh sách. Vào đó mới được rảnh rỗi, còn ở ngoài không thể nào rảnh được. Như hôm nay, tôi đến nói chuyện cùng quý Thầy, nhưng về nhà thì có người này đến, người khác đến, rồi đọc sách, chuyện này chuyện khác. Cho nên, khi vào đó, không ai tác động đến mình, mình có thể làm những việc mình muốn. 

Hồi ấy, tôi bị bắt vào buổi sáng, xong họ đưa tôi lên Phan Đăng Lưu, ngồi xà lim. Sáng được ăn sáng, đến chiều lại ăn chiều, xong tối ngủ, việc đầu tiên trước khi tôi ngủ vẫn là niệm Phật. Trong ngục, khoảng 3 giờ chiều, quản trại phát cơm, vừa ăn, vừa nhặt bông cỏ, vừa chánh niệm đến khoảng 5 giờ. Ăn xong rồi đánh răng, nhờ vậy mà dù ở tù ra, đến bây giờ răng tôi vẫn còn tốt. 

Tôi có một thói quen làm việc về đêm, với tôi không có chuyện ăn xong rồi ngủ. Lúc ngủ thì trên đầu giường phải có sách, có đèn; vậy nên tôi ít ngủ chỗ lạ, vì chỗ quen mới có đèn, có sách; hễ nằm lên giường là cầm sách đọc, đến khi ngủ thì thôi. Khi ngủ, tôi nằm nghiêng phải, niệm Phật trước khi ngủ, mình không có chuỗi thì niệm trên lóng tay, niệm được một lúc thì ngủ lúc nào không hay. Suốt 6 tháng ở trong xà lim đều như thế. Tôi chuẩn bị tâm thế phải ở trong đó đến hai năm nhưng chỉ 6 tháng thì họ cho ra ở khu tập thể. 

Khi ở tù về, HT Thanh Từ có đến Vạn Hạnh để thăm tôi, hỏi thăm qua lại. Ngài có hỏi tôi: “Thầy ở trong đó 15 năm, có được gì rồi”. Tôi nói đã được những điều như khi còn trong tù đã làm. Chuyện thứ hai về việc thử ngồi thiền theo kiểu của Ngài Khương Tăng Hội, tức là “An ban thủ ý” đây là thiền theo lối sổ tức, Sổ, Tùy, Chỉ, Quán, Hoàn, Tính tức là lục diệu pháp môn, 6 pháp môn mầu nhiệm của Ngài Khương Tăng Hội, sau này HT Nhất Hạnh suy tôn Ngài là Tổ của Thiền tông Việt Nam. 

Suốt gần 15 năm tôi ngồi tù, lúc đó tôi bị nhốt ở khu D của khám Chí Hòa. Khu này, nhìn về hướng Đông, đón những luồng gió chướng, tháng Chạp xuất phát từ gió mùa Đông Bắc lạnh lắm. Trong tù, chúng tôi chỉ mặc quần đùi thôi, mặc nhiều áo quần thì không có nước để giặt. Ngủ được đắp mền. Phía trước xà lim là song sắt, để cán bộ quản ngục tiện theo dõi tù nhân bên trong. 

Có một đêm, tôi ngồi thiền, không biết chính xác là bao lâu, tôi chỉ phỏng khoảng chừng nửa tiếng đến một giờ. Ngồi hít thở, đếm hơi thở, tập trung vào hơi thở, vì Phật dạy mạng sống từ hơi thở mà tới, thiếu cơm mình có thể sống được, thiếu nước mình có thể sống vài ngày, chứ ngừng thở vài phút là chết ngay. Nên nói cuộc sống này “chỉ tại hô hấp giả”. Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật dạy: “Mạng sống chỉ trong hơi thở”, hết thở là chết. Hiểu được điều này để định hướng cho việc tu tập của bản thân. Cụ Nhất Hạnh đem phương pháp này truyền sang phương Tây đó là phương pháp tập thở, thở để thư giãn, để thoải mái, để quên đi cái khổ trong cuộc sống. Cũng có thể ngồi kiết già, mắt lim dim nhìn xuống chót mũi. 

Tôi ngồi chỉ khoảng nửa giờ mà mồ hôi ra như tắm, giống như tôi lao động (dọn dẹp, cưa cây…) trong vườn ở nhà tôi vậy. Lúc đó là khoảng nửa đêm của những ngày gần Tết, lạnh lắm, mà mồ hôi vẫn ra như thế. Mới thấy rằng, khi ngồi thiền, các Tổ dạy mình vận khí, còn như các sư Thiếu Lâm thì luyện võ (do ngài Đạt Ma truyền lại) ấy cũng là thiền. Với mình, thiền phải ngồi yên, còn các vị ấy thì đánh quyền, đi cước như vậy. 

Khi tôi ở Báo Quốc, có những Thầy trong chùa cũng tập võ Thiếu Lâm. Thời công phu sáng, thay vì đi tụng kinh thì các Thầy lại đi ôn quyền, giữ gìn sức khỏe, bồi dưỡng thân thể để tu tập. Tôi đã trình bày với HT Thanh Từ rằng: “Niệm Phật có tác dụng của niệm Phật, ngồi thiền có tác dụng của ngồi thiền. Nhưng sức khỏe của tôi, căn cơ của tôi phù hợp với pháp môn niệm Phật hơn”. 

Lúc còn trong tù, phải ở chung, các bạn tù từ Bắc vào thì phàn nàn, than thở về việc ăn ở, nhớ điều này, nhớ việc kia, còn tôi vẫn tự tại. Vì mình có định hướng của mình, việc mình mình làm. Khi xưa, Đức Khổng Tử từng nói: “Quân tử tố kỳ vị nhi hành” nghĩa là người quân tử tùy theo vị trí, hoàn cảnh mà làm việc. Người quân tử không thể nghĩ rằng: “Khi ở tù rồi thì chỉ còn cách buông bỏ tất cả” mà phải là ở đâu thì thích nghi với sinh hoạt ở đó. 

Tôi thì thuộc thiền phái Lâm Tế, Tây Thiên Pháp Phái. Ở Huế, có Ngài Tâm Tịnh là đệ tử của Ngài Diệu Giác, chùa Từ Hiếu. Ngài Tâm Tịnh là một trong 9 vị trong “Cửu Tâm”. Ngài đặc biệt nổi bậc ở Huế bấy giờ, vì Ngài chủ trương tu thiền cùng niệm Phật, nên chùa của Ngài tên là Tây Thiên Mi Đà Tự. Lúc đầu chỉ là Thiếu Lâm Trượng Thất, sau đổi thành Thiếu Lâm Tự. Ngài chủ trương tu thiền và niệm Phật. Tôi cũng có quyển Niệm Phật Luận viết về Tịnh độ của Ngài. Ngài cũng theo dòng Lâm Tế Chánh Tông như Sư Ông mình đây. Tuy cũng theo, nhưng mỗi vị mỗi chủ trương. Ngài chủ trương niệm Phật tức là thiền. Như cụ Thanh Từ cũng giảng nhiều kinh luận, có giảng Pháp HoaTrung Luận cũng có, đâu chỉ giảng kinh luận của thiền thôi đâu. Nếu có giảng Trung Luận của Ngài Long Thọ thì sẽ có nói về “nan hành đạo – dị hành đạo”, không thể bỏ qua được.

Trong Phật giáo, điều đáng lưu tâm là phải tùy theo căn cơ của mỗi người. Ngay cả Đức Phật, Ngài còn cho mình chỉ là vị thầy thuốc (y vương). Tức là, Ngài cho thuốc mình chữa được hết bệnh. Điểm hay của một thầy thuốc ở chỗ có thể gia giảm lượng thuốc, với bệnh đó người đó thì cho thuốc này, cùng bệnh đó với người khác lại cho thuốc khác. Nên quý Thầy cần lưu ý, mình uống thuốc được khỏi bệnh nhưng tuyệt đối không được đem thuốc đó cho người khác cùng trị bệnh được, do cơ địa mỗi người khác nhau. Thuốc của Phật cho cũng vậy. Để phù hợp đủ các căn cơ của chúng sanh nên Phật mới chỉ dạy đến 84.000 pháp môn. Con số ấy chỉ là con số khái quát, thật ra có vô số như lá trong rừng không thể đếm hết được. Vì vậy, tùy theo căn cơ của mỗi chúng sanh, ai lãnh hội, thực hành được pháp nào thì Phật dạy pháp ấy. Pháp môn niệm Phật là một trong số ấy.

Có bao giờ quý Thầy tự hỏi: “Ở Việt Nam, pháp niệm Phật có từ bao giờ không? Như Sư Ông đây, như Tây Thiên Pháp Phái, như ngài Tâm Tịnh cũng vậy, tôi cũng thuộc Tây Thiên Pháp Phái… phát triển tự bao giờ?”

Trong bài Cư Trần Lạc Đạo Phú của Tổ Trúc Lâm có 10 đệ. Đây là những điều Ngài muốn giải bày với các học trò, nhưng thật ra là Ngài muốn nói với nhân dân. Không chỉ là một Thiền sư, Ngài còn là một nhà Lãnh đạo chính trị thiên tài. Những điều Ngài muốn nói không chỉ riêng cho Phật giáo mà là những điều chung cho toàn dân tộc, cho tất cả mọi người. Nên khi đọc thơ thiền của vua Trần Nhân Tông mình phải xem Ngài như một nhà Lãnh đạo chính trị, không phải Thiền sư. Từ đâu mà ta có thể khẳng định điều đó? Là ở chỗ, khi đã tu theo hạnh đầu đà rồi mà Ngài còn làm mai để gả Huyền Trân công chúa cho Chế Mân. Điều này là việc làm không đúng đối với người xuất gia. Thế nhưng Ngài vẫn làm, nhờ vậy mà có quê tôi bây giờ. Mặt khác còn đặt ra đường lối để mở mang bờ cõi. Như đất Sài Gòn chẳng hạn. Đâu phải ông cha ta đem quân để đánh chiếm, chinh phạt người Cam-pu-chia để lấy đất này đâu. Mình kết tình thâm giao, rồi xin vua Cam-pu-chia cho vào ở, dần dần dân của mình đông lên rồi đất đó thành của người Việt Nam mình thôi. Từ thời Vua Trần Nhân Tông, sự phát triển của đất nước trên tinh thần hòa hiếu, hòa bình.

Trong Cư Trần Lạc Đạo, đệ thứ II, Ngài có nói: “Tịnh độ là lòng trong sạch, Mi Đà là tính sáng soi.” Đó chính là duy tâm Tịnh độ. Trước đây, Ngài Châu Hoằng cũng có nói điều này trong Mi Đà Sớ Sao. Đừng hỏi Cực Lạc ở nơi nào khác, ở ngay lòng mình đây, thiền là vậy.

Vì sao Ngài lại nhắc đến việc niệm Mi Đà ở ngay những câu đầu của bài phú? Vì từ thời bấy giờ người dân mình đã hay chào nhau bằng câu “A Mi Đà Phật”, có lẽ từ thời xưa đã vậy. Cũng như từ thời Ngài Lê Thánh Tông, Lễ vía Đức Phật A Mi Đà đã có tổ chức, trong Nam Dư Hạ Tập có ghi vấn đề này. Đây là vấn đề mà quý Thầy trẻ cần lưu tâm tìm hiểu cho tường tận. Nhưng vẫn phải chắc chắn một điều rằng, từ thời Ngài Trần Nhân Tông nhiều người dân đã biết niệm Phật. 

Với tư cách là nhà chính trị, với Ngài mỗi niệm phải là ngay đây và ngay bây giờ, không phải đâu đâu xa xôi. Đó là lối suy nghĩ của một nhà chính trị, chứ không phải của một nhà tu bình thường. Còn trong suy nghĩ của mình cứ hay tưởng tượng, mỗi lần niệm Phật thì hoa sen mọc ở bên kia, Phật cho mình hoa sen ở cửu phẩm.

Hiện tại ở chùa Phật Tích, có một tượng bằng đá, người Pháp cho rằng đó là tượng của Đức Mi Đà, từ đời Vua Lý Thánh Tông. Bấy giờ Vua lập ra phái thiền Thảo Đường và cho tạc tượng Phật ấy. Trước 1975, tôi có đăng một bài viết, ở Đại học Vạn Hạnh bàn về vấn đề này. Theo tôi, mình cần làm thêm khảo cứu vật lý, dùng đồng vị phóng xạ để xác định chính xác niên đại của các tượng này, cả các bệ đá có hình chư thiên trỗi nhạc cúng dường Phật. Tôi nghĩ các hiện vật này có từ thế kỷ thứ IV, thứ V. 

Thời bấy giờ nước mình là trung tâm lớn về Tịnh độ. Vì sao biết? Trong quyển Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tôi có viết về Ngài Đàm Hoằng. Lịch sử Trung Quốc ghi giai thoại về Ngài. Ngài sống cùng thời với ngài Huệ Viễn, nhỏ hơn ngài Huệ Viễn khoảng 30 tuổi, Ngài xuống Nam, ở tại chùa Phật Tích để tu niệm Phật. Thử nghĩ, Ngài từ Trung Quốc, nghe phong trào Tịnh độ ở nước mình phát triển, nên xuống để tu tập. 

Bấy giờ pháp môn niệm Phật của ngài Lô Sơn – Huệ Viễn đề xướng cũng phát triển mạnh. Trong Đại Thừa Nghĩa Chương có lưu lại những lá thư mà ngài Huệ Viễn gởi Ngài La Thập. Có một bức Ngài hỏi: “Mình thấy Phật, có phải Phật thật không, hay chỉ là nằm mộng?” Trong Lục Diệu Pháp Môn của Ngài Khương Tăng Hội có ghi: “Nếu ta thực tập thành tựu sáu pháp môn mầu nhiệm này thì sẽ thấy được Phật”.

Lại trong Xuất Tam Tạng Ký Tập của Ngài Tăng Hựu, có ghi 3 bức thư mà ông Lý Miễu hỏi Ngài Đạo Cao và Ngài Pháp Minh (ở Việt Nam, thế kỷ thứ V, khoảng năm 450), có thư hỏi: “Sao ông tu mãi mà không thấy Phật?” Hai Ngài cùng chung quan điểm tu chưa thấy Phật là do chưa thành tâm. Miệng thì nói đi hướng Nam, mà chân thì cứ bước về Bắc, miệng thì bảo đi chùa mà thân thì vào rạp hát, đi xem máy móc… thì sao thành được.

Thời ấy, phái thiền do Ngài Khương Tăng Hội đề xướng phát triển thành phong trào nhưng sau này thì không còn thịnh hành nữa. Như ở Việt Nam, không thấy các nhà viết sử nhắc đến thiền của Ngài Khương Tăng Hội như một phái thiền, có lẽ không còn phù hợp nữa. 

Sau này, Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi truyền bá tư tưởng “Phật tại tâm” của Tổ Đạt Ma. Phật đã tại tâm rồi, thì niệm Phật làm gì nữa? Có người hỏi tôi: “Tịnh độ có hay không?” Thì tôi bảo: “Trong kinh A Mi Đà hằng ngày mình tụng, Phật nói: “Cách bao nhiêu quốc độ đó, có thế giới Cực Lạc, đức giáo chủ hiệu A Mi Đà”. Tôi khẳng định là có, không thể nói chỉ có “Duy tâm Tịnh độ” được mà vẫn còn có thế giới Tây phương Cực Lạc.” Lúc Ngài Huệ Viễn đề xướng pháp môn Tịnh độ, Trung Quốc phản ứng quyết liệt, nhưng với uy tín của Ngài thì không ai chê bai. 

Bấy giờ có Ngài Huệ Lâm, tu tập tinh tấn, được phong là Hắc Y Tể Tướng. Thời đó quý Thầy bên Trung Hoa mặc áo đen, giống áo quý Sư bên Nhật vẫn đang mặc hiện giờ. Có lẽ vì thế mà Việt Nam mình chế thành áo đà bây giờ. Ngài Huệ Lâm có viết quyển Bách Thất Luận, chữ Hán, tôi đã dịch ra bản chữ Việt, có ý nghĩa đối với người tu Tịnh độ. Ông nói thế này: “Rêu rao về sự sống lâu không lượng” (tức vô lượng thọ) nhưng ai thấy được một ông già trăm tuổi đâu. Ngài Huệ Lâm không tin chuyện có Ngài Vô Lượng Thọ sống mãi, vì ở đời có được mấy ai. Bây giờ, có ôn Thiền Tôn, ôn Tây Thiên được trên trăm tuổi.                                                                                                                                                                         

Quý Thầy có tin mình vô lượng thọ không, có khả năng vô lượng thọ không, sống mãi không chết? Quý Thầy muốn biết quan điểm của tôi là gì, đúng không? Tôi khẳng định rằng có. Có căn cứ khoa học đàng hoàng. Quý Thầy biết rằng: “Người Mỹ khi chết đi, người ta không chôn, cũng không thiêu mà đem đông lạnh, ghi chú nguyên nhân chết, để sau này tìm được thuốc để trị bệnh đó thì giải đông, chữa lành, giúp người ấy sống lại. Vậy có phải con người sống mãi không?” Hiện tại trình độ chúng ta đến mức đó. 

Trong Quy Sơn Cảnh Sách, Tổ dạy thân ta là do “Bẩm phụ mẫu chi di thể”  tức là do cha mẹ cho ta tấm thân này. Về mặt tế bào học, từ những tế bào đầu tiên do cha mẹ góp thành, để rồi có được thân này với hàng tỷ tỷ tế bào với chức năng khác nhau, có tế bào phát triển nên xương, có tế bào thành mắt, thành mũi, thành tóc…phát triển dần đến khoảng 20, 30 tuổi đạt mức đỉnh cao của sự phát triển; đến 30 mấy, 40 mươi thì còn duy trì được ở mức bình thường; tầm 40 trở đi bắt đầu suy yếu dần; đến 50, 60, 70, 80… thì không còn phát triển được nữa. Vấn đề ở đây, nếu tế bào có thể sinh từ một tế bào đầu tiên, thì tại sao đến mấy mươi năm sau lại không thể phát triển, không thể duy trì được nữa? Điều này, có lẽ phải nhờ thế hệ đời sau làm cho được sáng tỏ.

Lại có người hỏi tôi: “Có Phật Di Lặc hay không, có Long Hoa Tam Hội hay không?” Tôi vẫn khẳng định rằng: “Có”. Vì con người mình kéo dài dần sự sống, khi mình sống được vạn tuổi, thì Phật Di Lặc ra đời thôi. Thời Đức Thích Ca, Ngài chỉ thị hiện 80 tuổi là vì thời này không được hơn ngưỡng tuổi đó vậy.

Phải tin rằng Ngài Di Lặc sẽ thị hiện, còn như thế nào mình chưa dám nói. Đó là sự thật. Kinh sách Ngài để lại cho mình cũng như thế. Con người bên thế giới kia (thế giới Đức Phật Mi Đà chẳng hạn) từ liên hoa hóa sanh. Cha mẹ ở bên ấy sinh mình ra như thế nào? Là từ liên hoa hóa sanh thôi. 

Chứng tỏ, lúc Ngài Huệ Lâm bị lưu đày xuống Giao Châu (nước mình khi ấy), Ngài trú tại chùa Phật Tích. Đây là trung tâm Phật giáo lớn thời bấy giờ. Sau này chúng ta tìm được bia tháp do vua Tùy dựng để thờ Xá lợi Phật. 

Ngài Đàm Hoằng cũng đến cũng tu ở nước mình vào thời gian ấy, sau đó Ngài tự thiêu. Một hôm, trong thôn có lễ, bà con thỉnh quý Thầy chứng minh, Ngài ở lại chùa, xếp củi tự thêu. Người dân trong làng thấy trên chùa Phật Tích (trên núi) có lửa cháy, bèn báo quý Thầy quay về, cứu Ngài ra kịp. Mấy tháng sau, làng lại có hội, Phật tử lại thỉnh quý Thầy đi, Ngài lại vẫn chọn ở lại chùa, lần này chuẩn bị chu đáo hơn. Lúc quý Thầy về thì mọi việc xong cả. Buổi trà tỳ kết thúc, mọi người thấy thân Ngài ánh sắc vàng, cưỡi con nai vàng đi về phía Tây rất nhanh. Sử ghi, chuyện của Ngài xảy ra khoảng năm 450. 

Tự hỏi: “Tại sao Trung Quốc lại ghi lại việc Ngài Đàm Hoằng ở chùa Phật Tích của Việt Nam?” Ngài tự thiêu, để lại cảm ứng cho mọi người thấy được lợi ích của việc niệm Phật mà thêm vững lòng tin, tinh tấn tu tập. 

Đó là giai thoại của chư cổ đức về pháp niệm Phật, còn hôm nay, có đủ được phước duyên, tôi được Hòa thượng Trụ trì cho phép nói chuyện với quý Thầy về Tịnh độ như thế này. Trước đây, khi viết bộ Bách Khoa Từ Điển, khoảng độ hơn ngàn trang, chỉ mới được 2 quyển, đến phần viết về thế giới của Phật A Mi Đà dành gần 400 trang về A Mi Đà kinh, A Mi Đà tự v.v… thì tôi bị bắt, đành tạm dừng lại ở đó. Phần này nói về chuyện người tu Tịnh độ tu tập tinh tấn ra sao và được an nhiên, tự tại lúc ra đi thế nào. Trong đó, tôi trình bày rất chi tiết, tư liệu rất cụ thể, sau này quý Thầy căn cứ vào đó mà nghiên cứu.

Tôi ra tù năm 1998. Đến 2004, ôn Minh Châu mời tôi về làm việc tại Học viện cho đến nay và được tín nhiệm làm Phó Viện trưởng nên không còn thì giờ để viết nữa. 

TỊNH ĐỘ GIẢI NGHI

Hỏi: Hiện nay pháp môn Tịnh độ đã phổ biến trong các chùa, cùng với các khóa tu niệm Phật được tổ chức cho các Phật tử về tham dự. Tuy nhiên, thời gian gần đây có một số vị lại bài bác, cho rằng pháp môn Tịnh độ là do người Tàu bày ra chứ không phải của Phật nói, làm cho Phật tử cũng hoang mang. Theo cứ liệu lịch sử từ Ấn Độ, Hòa thượng Minh Thông có đi khảo sát, tìm hiểu thấy rằng tượng Phật A Mi Đà đã có ở Ấn Độ từ thế kỷ thứ I. Điều đó chứng tỏ rằng pháp môn Tịnh độ có nguồn gốc từ Ấn Độ. Xin Giáo sư nói rõ thêm để tăng trưởng lòng tin của Phật tử.

Đáp: Điều này đúng như vậy. Trên thực tế, Pháp môn Tịnh độ ở Việt Nam ra đời cùng thời với bên Trung Quốc, thậm chí có thể xuất hiện từ trước đó, tuy nhiên hiện giờ vẫn chưa có tư liệu cụ thể, chính xác để khẳng định điều đó. Hy vọng thế hệ sau này sẽ tìm được nhiều tư liệu, để làm rõ vấn đề này hơn.

Vấn đề được đặt ra nói rằng pháp môn này của Tàu bày ra, vậy thì tại sao có kinh A Mi Đà bằng chữ Phạn được in rộng rãi. Kinh A Mi Đà chữ Phạn bảo đảm rằng là chữ Phạn rõ ràng, không thể nào các Tổ bên Trung Quốc bịa ra Kinh A Mi Đà rồi tự dịch ra chữ Phạn được. Đây là chữ Phạn của người Ấn Độ. Như vậy, nói tư tưởng Tịnh độ niệm Phật xuất phát từ người Trung Quốc là không đúng.

Cái thứ nhất tôi khẳng định đây là lời Phật dạy. Quan điểm của tôi, tất cả các kinh trừ những kinh chưa được thông qua văn bản học, tức chưa được nghiên cứu về mặt văn bản, thì đó là ngụy tạo, là những kinh viết sau thời Phật. Ví dụ kinh Pali, bản tiếng Pháp, có những nhà nghiên cứu cho rằng trong tạng Luật, phần nói về Bát Kỉnh Pháp dành cho quý Cô là hậu kì, không phải phần giới bổn trong Pali, cho nên họ cho rằng những điều đó không phải do Phật chế, những điều này giống như ngôn ngữ đời thường của mình. Như phong cách ngữ của Đức Phật Hoàng chẳng hạn:Mình ngồi thành thị. Nết dụng sơn lâm. Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính…” khi mình đọc, nó khác câu văn bây giờ. 

Về kinh điển cũng vậy. Ai bảo quan điểm Phật Mi Đà là tư tưởng Tịnh độ của Trung Quốc? Đâu phải vậy. Trung Quốc cũng như mình thôi, thậm chí Trung Quốc còn phải đi học thêm từ nơi mình. Trường hợp ngài Đàm Hoằng xuống Việt Nam học pháp, đâu phải đến để truyền bá tư tưởng Tịnh độ cho mình đâu, đó là minh chứng. Thời ấy, có các vị cho rằng không thể có chuyện sống lâu vô lượng thọ. Bây giờ chúng ta có thể khẳng định khả năng con người có thể sống lâu vô lượng giống như Đức Phật A Mi Đà. 

Điều đó giống như có người hỏi tôi: “Trước đây mình nói duy tâm Tịnh độ, Tịnh độ trong lòng mình, thì sao lại có cõi Tịnh độ ở chỗ khác?” Thiên văn học bây giờ đã nhìn được đến nơi cách mình 15 tỷ năm ánh sáng (trước đây thì mấy tỉ năm thôi). Cách đây 100 năm, máy bay chỉ bay cao được vài thước, giờ có thể bay liên tục, bay qua Thái Bình Dương… Trong tương lai, thế hệ sau mình sẽ có thể làm được nhiều việc hơn thế. 

Phật dạy mình là hoàn toàn chính xác. Cho nên người ta thắc mắc Đức Phật đã giác ngộ khi ngồi dưới cội Bồ đề, vậy Ngài đã giác ngộ điều gì? Căn cứ trong Kinh Hoa Nghiêm (Sư Ông Vạn Đức đã dịch) đó là giác ngộ trùng trùng duyên khởi. Tất cả sự vật tồn tại đều liên hệ với nhau, lớp này trùng lớp khác, lớp nọ trùng lớp kia. Đức Phật đã nói: “Không chỉ phương Tây có Đức Phật Mi Đà, mà chư Phật ở khắp mười phương thế giới”.

Trong hạ, có những chùa lạy Tam Thiên chẳng hạn, kinh nói có ngàn Phật ở quá khứ, có ngàn Phật ở hiện tại, có ngàn Phật ở tương lai. Hiện tại mình biết về Thất Phật từ văn bản nơi các trụ đá thời vua A Dục để lại như: Tỳ Bà Thi, Thi Khí, Tỳ Xá Phù, Câu Lưu Tôn…thế nhưng có đến tam thiên, rồi ngũ thiên… Cho nên, ở vấn đề này, theo kinh nghiệm tôi, mình tin có Phật, thì có. Nhưng cần có chánh tín, tức là mình có nghiên cứu, tra cứu trên văn bản. 

Có quan điểm cho rằng: kinh A Mi Đà không phải của Ấn Độ, không phải do Phật thuyết. Nên trong từ điển, ở mục A Mi Đà Kinh, tôi có chứng minh ngược lại điều này, tức khẳng định do Phật thuyết. Chư Tổ Trung Quốc xưa đã trích ra, nên có người đọc. 

Có những người cố giữ quan điểm của mình, rồi lại đem thưa với Ôn Trí Quảng: “kinh A Mi Đà không phải của Phật thuyết”, nhưng đó chỉ là một trường phái, họ chỉ mới đọc được tới đó, mà chưa đọc tiếp, thì bàn luận để làm gì. 

Mình biết rằng, Đức Phật mở ra con đường “nan tín chi pháp” cho mình, pháp Tịnh độ đây, khó tin lắm, vì dễ quá, chỉ cần niệm Phật thôi. Thế nhưng để được nhất tâm bất loạn thì khó vô cùng, còn khó hơn thiền định nữa. Cho nên mình hay nói “Thiền Tịnh song tu” là vậy. Thật ra không phải Thiền Tịnh song tu mà phải là “Tịnh là Thiền”.

GS: LÊ MẠNH THÁT

 

Đôi nét về GS Lê Mạnh Thát

Giáo sư, tiến sĩ, sử gia, thiền sư Lê Mạnh Thát, pháp danh là Thích Trí Siêu, sinh ngày 15 tháng 4 năm 1944 tại làng Cu Hoan, xã Hải Thiện, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. 

Giáo sư Lê Mạnh Thát là người được biết nhiều bởi những công trình nghiên cứu về lịch sử Phật giáo cũng như lịch sử Việt Nam. Một số các phát hiện mới của ông về lịch sử Việt Nam gây chấn động giới nghiên cứu sử. Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận ông là “Người viết sách về văn học và lịch sử Phật giáo nhiều nhất Việt Nam”. Là một nhà tu hành xuất gia từ bé, nhưng ông vẫn để tóc.

Thầy Lê Mạnh Thát du học Mỹ từ năm 1965 tới năm 1974 mới về nước. Thầy Lê Mạnh Thát học tại Đại Học Wisconsin, Madison, Wisconsin và tốt nghiệp Tiến sĩ Triết tại đây. Luận Án Tiến sĩ của Thầy Lê Mạnh Thát nghiên cứu về Triết Học của ngài Thế Thân (Philosophy of Vasubandhu). Từ năm 1974-1975, Thầy là Giáo sư ĐH Vạn Hạnh – Sài Gòn, giảng dạy các môn tiếng Sanskrit, lịch sử triết học Ấn Độ, lịch sử Phật giáo VN; 1975-1984: Giảng dạy tại Viện nghiên cứu Phật học Vạn Hạnh – TP.HCM; Từ năm 1998-đến nay: ông là Giáo sư, Phó Viện trưởng – Viện Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2012 ông được bầu làm thành viên Ban thường trực của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 

Giáo sư là nhà khoa học có nhiều bằng tiến sĩ, thông thạo hơn 15 ngôn ngữ, không những vậy, ông còn tiên phong là một người Việt Nam “nguyên chất” với tất cả lòng tự trọng tự hào về dân tộc mình, thể hiện một cách lạ lùng ngoạn mục ở tất cả các công trình khoa học của ông. Giáo sư thường làm việc vào ban đêm, có thể thức đến 2-3 giờ sáng để viết sách. Một quyển sách dày có thể viết xong trong khoảng đôi ba tuần. Cùng làm với Ngài có vài Thầy trẻ, họ giúp tôi đánh máy, mỗi đêm có 3 Thầy giúp. Giáo sư đã thực hiện một loạt các công trình nghiên cứu đồ sộ về lịch sử dân tộc và lịch sử Phật giáo, về văn học, triết học… Riêng các công trình lịch sử văn học của ông được tập hợp thành Tổng tập văn học Phật giáo khoảng 50 tập.