Đối với chúng ta là những người đệ tử của đức Phật, những người đi trên lộ trình học đạo chuyển hóa thân tâm, hướng đến con đường tỉnh thức, tìm về giải thoát, thì chúng ta cần phải học và hành theo lời Phật dạy trong đời sống thường ngày.
Thuở xưa, có một đạo sư tên là Araka, người đã thoát ly sự thèm khát dục vọng. Đạo sư này có hàng trăm đệ tử. Khi ấy, vị này thường dạy cho để tử của mình rằng: “Này các Bà-la-môn, đời sống con người thật ngắn ngủi, giới hạn và phù du, đầy cả khổ đau, đầy cả phiền não. Điều này, con người phải khéo hiểu. Con người phải làm điều thiện và sống đời thanh tịnh, vì không có ai sinh ra mà thoát khỏi cái chết”. (Tăng Chi Bộ Kinh III, chương VII, Đại Phẩm, Araka).
Vâng! Con người sinh ra không ai mà không thoát khỏi cái già và chết. Thời gian không chờ đợi một ai cả, kiếp người không mấy lâu sẽ qua đi, đời sống đầy những khổ lụy. Tất cả đều phải chịu sự chi phối của định luật vô thường, duyên sinh. Điều này đã được đức Phật xác chứng trong kinh tạng Nikaya.
Một lần nọ, tại thành Xá-vệ (Savathi), vua Ba-tư-nặc (Pasenadi) của nước Kosala bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, có người nào sinh ra mà thoát khỏi già và chết không?
Đức Thế Tôn trả lời:
– Thưa Đại vương, không có ai sinh ra mà tránh khỏi già và chết. Ngay cả những người thuộc giai cấp Sát-đế-lợi đại phú giàu có, nhiều tài sản và của cải, nhiều vàng bạc, nhiều kho tàng và hàng hóa, nhiều ngũ cốc, vì họ đã sinh ra, họ không thoát khỏi già và chết. Ngay cả những Bà-la-môn đại phú… những gia chủ đại phú giàu có… nhiều của cải và ngũ cốc, vì họ đã sinh ra, họ không tránh khỏi già và chết. Ngay cả những vị Tỳ-kheo đã chứng đắc quả A-la-hán, những vị đã đoạn tận các lậu hoặc, phạm hạnh đã thành, đã làm những việc cần làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã hoàn toàn đoạn trừ các kiết sử, đã hoàn toàn đạt được giải thoát nhờ chánh trí. Ngay cả thân của quý vị ấy cũng phải chịu sự tan rã, cũng phải bị vứt bỏ. (Tương Ưng Bộ Kinh I).
Qua đoạn đối thoại giữa vua Ba-tư-nặc và đức Phật, đã cho chúng ta thấy rằng giữa cuộc đời này, khi con người sinh ra không ai có thể tránh được sự già và chết. Không một giai cấp, địa vị nào có thể trốn tránh được điều này. Không phải một người thuộc giai cấp thống trị quyền quý, giàu có đại phú gia hay là giai cấp Bà-la-môn được nhiều người kính trọng cho đến những bậc thoát ly đời sống tầm thường, chứng đắc Thánh quả A-la-hán, đoạn trừ các lậu hoặc… mà có thể mua chuộc sự già và chết hay đi ngoài sự già và chết.
Như vậy, chúng ta cần phải làm gì với sự già và chết, khi mà cuộc sống của chúng ta cứ dần trôi qua từng ngày? Điều quan trọng chúng ta cần lưu tâm đến không phải là làm sao để tránh được sự già và chết trong cõi nhân sinh này, mà chúng ta cần quan tâm nhiều hơn là sau khi chết chúng ta sẽ đi về đâu? Tái sanh vào cảnh giới nào? Khổ đau hay hạnh phúc? Đồng thời, làm sao để làm chủ được con đường tái sinh của chính mình?
Trong bài kinh Abhinhapaccavekkhitabbhattatthanasutta, phần Pancakanipata, thuộc Tăng Chi Bộ Kinh, đức Phật thuyết dạy về nghiệp và quả của nghiệp rằng: “Ta có nghiệp của riêng ta. Ta là người thừa hưởng quả của nghiệp. Nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con quyến thuộc của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta. Ta tạo nghiệp nào ‘thiện nghiệp hoặc ác nghiệp’, ta là người thừa hưởng quả an lạc của thiện nghiệp hoặc quả khổ của ác nghiệp ấy”.
Lại nữa, đức Phật cũng từng dạy: “Này chư Tỳ-kheo! Sau khi đã có tác ý rồi mới tạo nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý”. (Trích Tăng Chi Bộ Kinh, phần Chakkanipata, kinh Nibbedhikasutta).
Nghĩa là, khi thân, khẩu, ý tạo nên một điều lành hoặc một điều ác nào đó với một đối tượng hay là nhiều đối tượng bên trong thân hay bên ngoài thân, đều bắt nguồn từ sự tác ý, sự hướng tâm suy nghĩ đến đối tượng ấy. Lúc này, sự tác ý như vậy được gọi là nghiệp.
Vì sự tác ý tạo nghiệp được khởi sinh từ trong chính bản thân của mỗi người, nên khi nghiệp hình thành thiện hay ác là nghiệp riêng của mỗi người không phải của ai khác, không liên quan đến một ai khác. Khi đó, mỗi người cũng là chủ nhân của nghiệp mà mình tạo nên. Không có ai có quyền thay đổi hay lấy đi. Lại nữa, khi xét về tính chất duyên sinh, nhân quả, thì một khi đã tác ý tạo nghiệp, nghiệp được hình thành sau một thời gian sẽ cho quả của nghiệp. Bấy giờ, người tạo nghiệp sẽ chính là người thừa hưởng quả nghiệp, không ai thay thế nhận giúp. Và khi ấy, quả của nghiệp mang lại sự bình an hạnh phúc hay bất hạnh khổ đau, thì mỗi người cũng phải chấp nhận, không thể chối từ và trốn tránh được.
Bên cạnh đó, khi nghiệp đã gieo tạo dù ít hay nhiều, nặng hay nhẹ mà chưa cho quả ngay nơi kiếp sống hiện tại, thì nó sẽ được tích lũy lưu chuyển từ kiếp sống này sang kiếp sống khác. Chính vì nguyên nhân này, phần nhiều chúng sinh trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi, tái sanh mãi không thôi.
Trong Trung Bộ Kinh, bài kinh số 135, kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt, đức Phật từng có lời dạy với thanh niên Subha rằng:
– Này Subha! Trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà nào là người sát hại sinh mạng của chúng sinh, là người tàn nhẫn có bàn tay đẫm máu, hăng say trong sự sát sinh, không có lòng thương xót đến tất cả chúng sinh cùng khổ… Sau khi người ấy chết, ác nghiệp sát sinh ấy có cơ hội cho quả tái sinh trong các cõi ác giới, chịu quả khổ trong cõi ác giới ấy…
– Này Subha! Trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà nào là người không sát hại sinh mạng của chúng sinh, là người tránh xa sự sát sinh, từ bỏ khí giới sát sinh, có tâm biết hổ thẹn tội lỗi và biết ghê sợ tội lỗi, có lòng thương xót đến tất cả chúng sinh cùng khổ, có tâm từ, tâm bi tế độ đến tất cả chúng sinh… Sau khi người ấy chết, dục giới thiện nghiệp không sát sinh ấy có cơ hội cho quả tái sinh trên cõi trời dục giới, hưởng mọi sự an lạc trên cõi trời ấy…
Kinh văn trên một lần nữa khẳng định rằng, chúng ta là chủ nhân của nghiệp, là người thừa kế nghiệp mà chúng ta đã tạo qua những hành động tác ý thiện hay xấu ác, để rồi phải nhận lãnh quả báo cho đời sống hiện tại và cho những đời sống về sau.
Như vậy, từ một số trích dẫn về lời đức Phật dạy trong kinh tạng, mỗi chúng ta hãy quán sát lại tự thân qua những hành động, việc làm thường ngày đã tạo nên những thiện nghiệp hay ác nghiệp. Từ đó, chúng ta sẽ biết được sau khi thân hoại mạng chung, chúng ta sẽ tái sinh vào cảnh giới nào, đi về đâu, về chốn bình yên hạnh phúc hay là nơi khổ cảnh xót thương.
Đối với chúng ta là những người đệ tử của đức Phật, những người đi trên lộ trình học đạo chuyển hóa thân tâm, hướng đến con đường tỉnh thức, tìm về giải thoát, thì chúng ta cần phải học và hành theo lời Phật dạy trong đời sống thường ngày. Sự học và hành không chỉ dựa trên mặt lý thuyết suông một ngày hai ngày, mà là cả một chặng đường dài. Vì lẽ đó, chúng ta cần phải có lòng tin chân thật, vững chắc nơi Tam Bảo; tin nơi đức Phật là bậc giác ngộ giải thoát vượt thoát khổ đau; tin nơi giáo pháp là con đường đưa đến sự giải thoát; và tin nơi Tăng là đoàn thể Tăng chúng thanh tịnh, thay mặt chư Phật hoằng truyền giáo pháp. Khi chúng ta thực hiện được những điều này, thì đồng nghĩa những thiện nghiệp của chúng ta ngày càng tăng trưởng, và những ác nghiệp, bất thiện pháp dần được đẩy lùi, chuyển hóa. Có như vậy, khi kết thúc kiếp sống hiện tại, chúng ta sẽ được sanh về cảnh giới an lành, tốt đẹp là điều đương nhiên.
Ví như một người nhận chìm một chiếc bình sữa, hay một bình dầu vào trong một hồ nước sâu và rồi đập bể chiếc bình ấy. Lúc này, các mảnh vỡ của chiếc bình sẽ chìm xuống, còn chất sữa hay dầu ấy sẽ nổi lên trên mặt nước. Hay giống như một thân cây khi sống hướng về phía ánh sáng mặt trời hay một hướng nào đó, thì lúc giông bão đến hoặc có người chặt đi gốc rễ nó, nó sẽ ngã về hướng ấy, không thể ngã về hướng ngược lại được.
Trong Tương Ưng Bộ Kinh 5, bài kinh số 21, kinh Mahanama, phẩm Saranani, có một câu chuyện như sau:
Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu, khu vườn Nigrodha. Rồi họ Thích Mahanama đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, họ Thích Mahanama bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, Kapilavatthu này là phồn vinh, phú cường, dân cư đông đúc, quần chúng khắp nơi chen chúc, chật hẹp. Bạch Thế Tôn, sau khi con hầu hạ Thế Tôn hay các Tỷ-kheo đáng kính, vào buổi chiều, con đi vào Kapilavatthu, con gặp con voi cuồng chạy, con gặp con ngựa cuồng chạy, con gặp người cuồng chạy, con gặp cỗ xe lớn cuồng chạy, con gặp cỗ xe nhỏ cuồng chạy. Trong khi ấy, bạch Thế Tôn, tâm con nghĩ đến Phật bị hoang mang, tâm con nghĩ đến Pháp bị hoang mang, tâm con nghĩ đến chúng Tăng bị hoang mang. Rồi bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Nếu lúc ấy con mệnh chung, thời sanh thú của con là gì, sanh xứ đời sau chỗ nào?”.
Lúc bấy giờ, đức Phật dạy:
– Chớ có sợ, này Mahanama! Chớ có sợ, này Mahanama! Không ác sẽ là cái chết của ông! Không ác là cái chết của ông! Này Mahanama, với ai đã lâu ngày tâm tu tập trọn vẹn về tín, tâm tu tập trọn vẹn về giới, tâm tu tập trọn vẹn về sở văn, tâm tu tập trọn vẹn về thí xả, tâm tu tập trọn vẹn về trí tuệ; với người ấy, dầu thân có sắc này, do bốn đại hợp thành, do cha mẹ sanh, do cơm cháo nuôi dưỡng, có bị vô thường phá hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt; dầu cho thân này ở đây bị quạ ăn, chim kên ăn, chim ưng ăn, chó ăn, hay giả can ăn, hay các loại chúng sanh sai khác ăn; nhưng nếu tâm của vị ấy được lâu ngày tu tập trọn vẹn về tín, tu tập trọn vẹn về giới, tu tập trọn vẹn về sở văn, tu tập trọn vẹn về thí xả, tu tập trọn vẹn về trí tuệ, thời tâm của vị ấy thượng thặng, đi đến thù thắng.
– Ví như, này Mahanama, một người nhận chìm một ghè sữa bơ, hay một ghè dầu vào trong một hồ nước sâu và đập bể ghè ấy. Ở đây, các mảnh ghè hay mảnh vụn chìm xuống nước; nhưng sữa, bơ hay dầu thời nổi lên, trồi lên trên. Cũng vậy, này Mahanama, với ai đã lâu ngày tâm được tu tập trọn vẹn về tín, tâm được tu tập trọn vẹn về giới, tâm được tu tập trọn vẹn về sở văn, tâm được tu tập trọn vẹn về thí xả, tâm được tu tập trọn vẹn về trí tuệ; với người ấy, thân có sắc này, do bốn đại hợp thành, do cha mẹ sanh, do cơm cháo nuôi dưỡng, có bị vô thường phá hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, đoạn diệt; dầu cho thân này ở đây bị quạ ăn, chim kên ăn, chim ưng ăn, chó ăn, giả can ăn hay các sanh loại sai khác ăn; nhưng nếu tâm của vị ấy được lâu ngày tu tập trọn vẹn về tín, tu tập trọn vẹn về giới, tu tập trọn vẹn về sở văn, tu tập trọn vẹn về thí xả, tu tập trọn vẹn về trí tuệ; thời tâm của vị ấy thượng thặng, đi đến thù thắng.
Tiếp đó, bài kinh số 22, thuộc Tương Ưng Bộ Kinh 5, kinh Mahanama, phẩm Saranani, đức Phật có lời dạy với ngài Mahanama như sau:
– Ở đây, này Mahanama, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng… Phật, Thế Tôn… Đối với Pháp… đối với Tăng… thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến thiền định.
– Ví như, này Mahanama, một cây thiên về phía Ðông, hướng về phía Ðông, xuôi về phía Ðông, nếu bị chặt đứt từ gốc rễ, nó sẽ ngã về phía nào?
Mahanama trả lời:
– Bạch Thế Tôn, về phía nào nó thiên, về phía nào nó hướng, về phía nào nó xuôi.
Đức Thế Tôn khẳng định:
– Cũng vậy, này Mahanama, do thành tựu bốn pháp này, vị Thánh đệ tử thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.
Như vậy, với hai trích dẫn lời đức Phật dạy cho ngài Mahanama cùng những ví dụ chân thật, đã một lần nữa cho chúng ta biết rằng kết quả của con đường tái sinh sau khi chúng ta kết thúc kiếp sống này sẽ đi về đâu? Và hơn hết, qua đây chúng ta biết rằng chính chúng ta sẽ là người quyết định con đường đi của chính mình, chứ không phải một ai khác. Điều này được góp nhặt và đúc kết từ những gì mà chúng ta tạo nên ngay đời sống hiện tại này.
Nguồn: phatgiao.org.vn