Có những người trong cuộc sống đời thường, tâm hồn có thể thoải mái, nhưng khi đến nơi làm việc, tinh thần lại bất an. Có thể bạn không thích công việc đó, cũng có thể công việc quá nhiều và nặng nề, hoặc đồng nghiệp mang đến cho bạn những khó khăn, tâm trạng ngày hôm đó không được tốt. .

http://www.chuahoangphap.com.vn/images/news/bizmac__thumb_21517.jpg

Cũng có thể buổi sáng thức dậy bạn hơi bị cảm lạnh, khi đến văn phòng thì đầu óc mê muội. Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn không thích môi trường làm việc, nếu tìm được đúng nguyên nhân, vấn đề sẽ được xử lý dễ dàng.

Nếu như trước khi đi làm, bạn lại vừa cãi nhau với chồng/vợ hoặc với người nào đó, điều này sẽ dễ giải quyết, chỉ cần nghĩ rằng, “người đó” không có ở đây, không cần thiết phải đem những áp lực của gia đình đến nơi làm việc. Nếu như việc bị ốm mang đến cho bạn sự phiền muộn, đau đầu, đau lưng, cơ thể suy yếu, thì lại càng không nên khó chịu, cần biết sức khỏe của mình vốn đã không tốt như vậy, không cần phải miễn cưỡng, có thể niệm danh hiệu Phật A-di-đà để giữ yên ổn hoặc có thể tự nhủ bản thân: Bây giờ mình đang bị cảm, không được dễ chịu, chỉ cần tận tâm làm việc, chấp nhận cơ thể đang không thoải mái, lòng mình cũng sẽ không xuất hiện sự bất an!

Nếu nguyên nhân là do những chuyện không hay với đồng sự của mình, bạn chỉ cần nghĩ: có thể anh ấy (cô ấy) không được khỏe! Có thể hôm nay có những chuyện không hay với gia đình nhà người kia, có thể người đó có tâm sự, hoặc có thể công việc không được thuận lợi, thế nên mới có vẻ mặt như vậy. Hoặc có thể tính cách của người này từ trước vẫn như vậy, chỉ cần gặp người đó sẽ khiến cho mọi người không dễ chịu. Hiểu được những hoàn cảnh khách quan, đó không phải là vấn đề của tôi, lẽ nào mình còn cảm thấy bất an?

Thực ra, rất nhiều áp lực trong công việc đến “yêu cầu” lẫn nhau, chúng ta yêu cầu người khác, gây ra những áp lực cho người khác, người khác cũng yêu cầu chúng ta, cũng tạo cho ta áp lực. Một nguyên nhân khác đó là sự “so sánh”, sự so sánh giữa các đồng nghiệp và sự cạnh tranh giữa các xí nghiệp với nhau. Nếu như đoàn thể không thể biểu hiện được những mặt tốt của họ, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt có thể sẽ bị thất bại. Chúng ta thường nhìn thấy môi trường công việc không khởi sắc, nhiều xí nghiệp đang đối diện với áp lực cạnh tranh một mất một còn, trong trường hợp như thế áp lực sẽ tự nhiên nhân rộng.

Trong môi trường làm việc, việc có thể tĩnh tâm rất khó, vậy làm thế nào để lòng mình được thanh thản, tự tại. Một là dốc hết khả năng có thể của bản thân, tự mình cố gắng trưởng thành, cố gắng để nắm nội dung và môi trường làm việc, sau đó mới mong thành thạo được, điều này cũng giống như khi bạn sống cùng với người khác, người khác không hiểu bạn, bạn cần phải tìm hiểu người ta. Nếu mình là ông chủ, cần phải hiểu thương trường chính là chiến trường, tình hình có thể thay đổi trong phút chốc, cần phải chấp nhận những điều bất thường trong kinh doanh.

Tâm lý của chúng ta lúc nào cũng cần chuẩn bị để đón nhận những thử thách, trắc trở, đồng thời cũng chuẩn bị tâm lí đón nhận sự phát triển. Trắc trở và phát triển là hai mặt tất yếu trong cuộc sống. Thử thách không nhất định là xấu, cho dù luôn luôn gặp phải những trắc trở, cũng không nêncho rằng đó là mặt trái của sự việc. Nhờ khó khăn mà ta rút ra những bài học kinh nghiệm xương máu. Chúng ta chỉ xem trắc trở là một loại học phí đặc biệt cần đóng cho cuộc đời. Nếu sau khi đúc rút kinh nghiệm mà vẫn chưa có cách để giải quyết vấn đề thì chỉ còn cách chấp nhận sự thật do nhân duyên của mình đã không tích đủ công đức.

Khi đánh cầu với người khác, mình vẫn còn đang nghĩ quả cầu này có nên đỡ không? Kết quả chỉ trong nháy mắt quả cầu đã bị người khác đỡ mất. Khi gặp tình huống như vậy, có người sẽ trách mình quá tồi, tay chân và đầu óc phản ứng quá chậm. Nếu bẩm sinh mình đã như vậy, cần phải nghĩ cách thay đổi, thay đổi chính là việc tìm ra con đường mới, lối thoát mới. Vì thế, tôi khuyên các bạn hãy thử thay đổi vị trí, cương vị khác để nhìn nhận, đánh giá, xử lí công việc. Nhưng cũng có người không quan tâm đến đúng sai, chỉ biết dốc hết sức mình để vượt lên, mù quáng vượt lên, vượt đến khi sứt đầu mẻ trán, cố gắng đánh đổi một mất một còn nên cuối cùng vẫn không thành công; tính cách lỗ mãng, chỉ biết tiến mà không biết lùi là khiếm khuyết lớn nhất của con người.

HT. Thánh Nghiêm