HOÀI NIỆM

Năm nay, tôi sắp sỉ 80 rồi. Nhìn khắp đạo tràng đây, tôi không còn thấy huynh đệ nào đã từng gắn bó khi tôi còn bé thơ, cùng lắm chắc còn ông Sư huynh (HT Thích Hoằng Thông) ngồi bên tôi đây. Hai anh em tôi sống cùng một thời, tôi gần 80 thì ông cũng tầm ấy.

Quê hương tôi phải chịu nhiều bom đạn. Sau khi cha mất, mẹ tảo tần nuôi anh em tôi, tôi nương náu nơi cửa chùa. Nhờ đủ nhân duyên lành, tôi được xuống thành phố để học tiếp. Những năm này còn chiến tranh, nên điều kiện còn khó khăn lắm. Bấy giờ, Sư ông ở đây mở đạo tràng Cực Lạc Liên hữu. Thầy tôi (ở Sài Gòn) là thành viên của Hội, nên mỗi khi Thầy đi họp, tôi được đi theo để hầu. Vậy là tôi biết được nơi đây và về đây.

Cái duyên để tôi về đây là từ bà Ba Hộ. Khi theo Thầy về, gặp bà Ba, bà hỏi thăm, rồi kêu tôi về đây tu, về đây đi học. Khi về lại chùa, đợi lúc Thầy vui, tôi mới dám trình với thầy: “Con muốn về đạo tràng Vạn Đức”. Thầy hỏi: “Về đó làm gì?” Tôi thưa: “Con về đó con tu”. Thầy lại bảo: “Ở đó toàn quý Thầy lớn, mày còn để chóp, về ai mà nhận”. Tôi lại thưa: “Thưa thầy, có bà Ba ở ngoài sau chùa hứa nhận con rồi”. Thầy tôi không hài lòng. Tuy nhiên, những lần về họp sau này, bà Ba trực tiếp gặp và xin Thầy cho tôi được về. Vì trước đây, bà từng phát tâm hộ pháp cho Thầy đi học, nên Thầy cũng nễ phần nào, lần lựa như vậy vài năm.

Đến 1959, Sư ông ở đây cùng Sư ông Giác Nguyên, Sư ông Vạn Thọ mở trường hạ. Vậy là tôi được Hòa thượng cho phép về đây với tư cách là chú tiểu còn để chóp. Khoảng 13, 14 anh em cùng ở trong các liêu dành cho chú tiểu. Trong đó có những vị lớn hơn tôi một chút, nhưng vẫn chưa thọ giới Sa di, cũng có những huynh đệ nhỏ hơn tôi như Minh Dương, Minh Tùy, Minh Hòa. Mùa An cư Kiết hạ năm này, Hòa thượng giảng kinh Pháp Hoa thông nghĩa. Chư tôn Thiền đức Tăng Ni từ khắp nơi về học rất đông. Tôi cũng được ngồi phía sau nghe và học. Sau mỗi ngày học, Sư huynh Minh Tấn phát tâm toát yếu lại bài hôm đó, đánh máy, in và phát cho các huynh đệ; nên ai cũng có được tài liệu. Thầy dặn phải đọc tới, đọc lui; khi khảo bài các vị lớn, mình phải chú ý nghe để hiểu; bởi chúng tôi còn nhỏ nên Thầy dặn kỹ lắm. Khi lên lớp, Thầy lại quan sát, xem mấy chú nhỏ ngồi ở đâu, học có nghiêm túc không. Nhờ tấm lòng, nhờ thâm ơn, sự giáo dưỡng đó của Thầy, anh em chúng tôi trưởng thành hơn.

Và sau mùa an cư đó, tôi được theo Thầy ra thăm tịnh thất ngoài Long Hải; cạnh bên có chùa Long Tuyền của quý Thầy là đệ tử lớn của Thầy như Thầy Minh Thiền, Thầy Minh Hiến, Thầy Minh Thuận… quý Thầy đây cũng được học với Thầy. Chúng tôi 5, 7 anh em nhỏ cũng được cùng học. Những năm ở đây, Hòa thượng dạy: Duy thức Tam thập tụng, Mi Đà yếu giải, kinh Thập Thiện, kinh Bát Đại Nhân Giác… Tôi muốn nói thêm với đại chúng về cách dạy của Hòa thượng, Hòa thượng căn cứ theo bản chữ Hán để giảng, giảng xong khoảng 1 trang, 2 trang, thì hướng dẫn anh em chúng tôi về viết lại bài chữ Hán đó, rồi dịch ra âm Hán, xong dịch nghĩa tiếng Việt. Dịch nghĩa là ghi lại những lời giảng giải của Thầy dạy trên lớp, chỗ nào không hiểu thì hỏi quý Thầy lớn. Kế đến là phần chú thích danh từ. Phần quan trọng nhất là toát yếu bài học. Hòa thượng bảo mình trả thuộc lòng phần toát yếu này, rồi Thầy chỉnh sửa, ký tên, cho điểm bên cạnh đó. Đến cuối khóa sẽ cộng số điểm này lại. Vì được đi học các nơi, tôi mới thấy được điểm hay ở cách dạy của Hòa thượng. Dù có dạy ít hay dạy nhiều, nhưng nhờ sự toát yếu mà anh em chúng tôi nhận được đại ý của đoạn mà học thuộc. Vậy nên anh em chúng tôi rất khá.

Ở ngoài nước ngọt chẳng được bao lâu thì chiến tranh tới, Hòa thượng gọi Hòa thượng Tịnh Viên (Trụ trì Linh Sơn Cổ Tự) lên, gửi chúng tôi qua đó, còn Thầy chuyển về nhà mát dưới núi do ông Tám Hoành hiến cúng. Khi anh em chúng tôi ở bên này được khoảng 1 năm thì Thầy viết thư gửi Hòa thượng Trụ trì xin cho chúng tôi thi tuyển vào trường Nam Việt – chùa Ấn Quang. Tôi và Minh Dương được trúng tuyển và học ở Phật học viện Phước Hòa. Các anh em khác do thiếu điểm nên trở về, từ đó chúng tôi chia tay.

Thưa chư Tôn huynh đệ, cùng đạo tràng Phật tử!

Khi đủ nhân duyên lành, mình biết được Phật pháp. Nhưng, nếu không gặp được những bậc Thầy chỉ dạy tận tâm, có đủ phương tiện để nuôi dạy thì mình cũng khó đạt được thành tựu gì. Khó lắm, không phải dễ.

Tôi đi tu từ lúc 7 tuổi. Đến khoảng năm 1968, sau khi học xong ở Học viện Huệ Nghiêm, tôi tiếp tục học lên nữa ở Đại học Vạn Hạnh. Khi ấy Hòa thượng ở đây nói với tôi: “Bây giờ lớn rồi, thôi về chùa phụ”. Tôi nghe theo, về đây cùng với các huynh đệ lớn thời bấy giờ, phụ lo công việc. Lúc này, chùa chỉ có một số tiểu, mấy anh em, vừa hướng dẫn cho các anh em nhỏ đi học trường ở ngoài, vừa tổ chức tu học tại nhà nữa. Đó là những năm khoảng 1968-1969.

Từ 1970 trở đi, tôi có nhân duyên vào núi. Nhưng thưa với toàn thể quý vị, dù xa chùa nhưng lúc nào tôi cũng thấy trong lòng mình có một điểm tựa, lúc nào tôi cũng thấy vững niềm tin, lúc nào tôi cũng thấy mình đầy đủ duyên lành, vì mình luôn có các bậc Thầy, những ân nghĩa, những lời dạy, sự hướng dẫn của Thầy luôn bên mình và rất là đặc biệt. Cho nên, dù bao lần chông chênh, bận rộn với việc nọ việc kia nhưng nhìn lại mình vẫn còn điểm tựa, có nơi nương náu, vẫn còn cái cồn đảo để nương về. Cho nên, tôi luôn vững vàng vượt qua những cơn sóng gió. Thưa quý vị đó là thâm ân của Thầy tổ, thâm ân của Phật pháp, thâm ân của chư Thiện hữu tri thức đối với mình.

Thưa với chư Tôn đức, quý huynh đệ! Rất rõ ràng, trong đời tu hành, nếu chúng ta thiếu Thiện hữu tri thức, thiếu niềm tin vững chắc vào chánh pháp, lại thiếu những bậc Thầy nâng đỡ, nắm tay dắt dẫn mình qua những khó khăn thì mình khó có thể vượt qua những trái ngang trong cuộc đời. Vì cuộc đời này quá nhiều bấp bênh, quá nhiều đau khổ.

Đến khi lớn rồi, tôi vẫn giữ bên mình một niềm cảm khái. Tôi không thể quên được dáng dấp của Thầy, âm vần, ngôn từ, lời nói của Thầy. Hồi đó Thầy có thời sám hối, tu thiền và sám hối kinh Pháp Hoa. Có những lời Thầy tụng, có những lời như nói: “Đệ tử Hân Tịnh Tỳ kheo, Thích Trí Tịnh”. Giọng Thầy, mình nghe mà cảm động.

Anh em chúng tôi khi thọ giới Tỳ kheo, Thầy đều ban cho cái hiệu. Tôi là Hân Định, còn ông huynh này là Hân Thạnh, Hòa thượng Minh Cảnh ở dưới Huệ Quang là Hân Thành, rồi một số vị khác như Định Huệ là Hân Mẫn, Hân Kỉnh… Từ đó, tên của chúng tôi được nối thêm phần hiệu do Thầy ban cho, như tôi là Hân Định Tỳ kheo, Thích Nhật Quang thay vì chỉ là Thích Nhật Quang thôi.

Thưa quý vị, tôi muốn nhắc lại cái ơn, cái nghĩa từ nơi đạo tràng này. Anh em chúng tôi đã sống ở đây, lúc ấy, còn đơn giản, hoang sơ lắm. Bây giờ, chư Tôn đức, quý Phật tử nhờ ơn pháp hóa của Thầy tổ, đủ duyên lành tạo nên chốn Tổ sự trang nghiêm, tráng lệ.

Năm 1963, làm việc Giáo hội, Thầy giữ chức Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Tăng sự. Là một vị Tôn túc quan trọng trong Giáo hội, cho nên ngoài nhiệm vụ đó ra, Thầy còn phải đi họp, xe đón rước thường xuyên. Những năm đó, chùa được sửa sang lại, phương tiện chưa nhiều. Thầy bảo anh em chúng tôi lấy cái sàng để sàng phần cát chảy lan trên mặt đường, rồi dùng lại. Người chỉ cái khuôn, dặn: “Mỗi buổi chiều, thay vì đi chơi lòng vòng thì tập trung lại trộn hồ, đúc hoa sen, dùng làm hoa văn trên các cửa”. Bây giờ, ở đây tôi không còn thấy những hoa sen làm khi đó nữa. Mẫu này mình chỉ dùng xi măng và phần cát chúng tôi sàng được, vì nó không cần phần khuôn sắt bên trong. Hồ thì trộn đừng quá mềm, cũng đừng quá khô. Mỗi hôm đi làm việc về, Thầy ghé lại chỗ anh em tôi, nói: “Mấy huynh phải làm siêng, đúc trước khoảng 1 tuần, để khi thợ lắp lên cửa nó không bị vỡ. Nếu mình ham chơi, làm cho có, đúc trễ, nó chưa khô mà mấy chú thợ dùng tới nó sẽ vỡ ngay”. Đó là những kỷ niệm thời xưa.

Nếu nhân duyên lành để mình biết đến Phật pháp đã đủ, nhưng các trợ duyên lại không được đầy đủ, không tốt, nó nghèo nàn, nó cồm cõi, không được sung mãn thì chủng tử Phật pháp của mình cũng không phát triển tốt được. Bây giờ quý huynh đệ, quý Phật tử được về chùa, có đạo tràng trang nghiêm, có huynh đệ nương nhau tu học, có Thầy hướng dẫn, có pháp môn cụ thể thì mình sẽ có đường lối tu hành rõ ràng. Lại được quý Thầy trực tiếp hướng dẫn để mình được hiểu Phật pháp, giúp bước đường tu học được dễ dàng hơn. Vậy nên, việc mình bây giờ chỉ còn cố gắng tu tập như thế nào cho tốt mà thôi. Đã được vậy thì nhất định mình phải quyết tâm phải tiến bộ thôi. Tôi nói giả dụ như nếu có huynh đệ nào, Phật tử nào tu mà không tiến được thì đó là do cái duyên của mình như vậy, cái nghiệp của mình còn nặng.

Xưa, Hòa thượng có dạy: “Một người ở ngoài thế gian, họ phải làm ăn, để có được khoản thu nhập tương đối, khi ấy họ sẽ chi tiêu vào đời sống, ăn mặc sắm sửa cho hợp lý với thu nhập đó. Điều quan trọng là phải biết dành dụm, tiếp tục đầu tư vào việc làm ăn, nếu như có đồng nào rồi tiêu hết đồng ấy thì làm ăn sao phát triển hơn được”. Việc tu hành cũng thế, mình có chủng lành, có nhân duyên tốt, có điều kiện thuận lợi nghĩa là biết Phật pháp, có huynh đệ cùng tu thì mình phải biết ham tu, phải siêng năng, phải biết tiếp tục nuôi dưỡng, phát triển việc tu hành của mình.

Tôi nhớ những năm sau khi 1975, tôi về đây thăm, đạo tràng tụng kinh Pháp Hoa đã được phát triển. Tôi có tham dự một hai lần. Ngày xưa, khi ở đây, tôi tụng theo được, giờ ít tụng nên khi các vị tụng nhanh tôi không cách nào mà đọc theo kịp được. Cái mỏ cứ đánh, các vị cứ tụng theo, thành thói quen rồi, gần như thuộc lòng. Sáng khai kinh xong bắt đầu tụng; đến trưa thì thọ trai, nghỉ trưa rồi tụng tiếp, đến chiều là xong một bộ kinh Pháp Hoa (28 phẩm, 7 quyển).

Thưa quý vị! Vì đủ nhân duyên, lại nhờ công đức gầy dựng đạo tràng của Hoà thượng, suốt từ những năm đầu đến bây giờ đạo tràng vẫn còn duy trì và phát triển, càng ngày càng đông. Có những lần, tôi về đây thăm, thấy đạo tràng đã trên 200 người. Lúc xưa, đi tụng, các vị đi mang theo cái gô (cà mên), nghe nói đem theo gạo gửi nhà bếp nhờ nấu giúp, khó khăn như vậy đó. Phần nhiều là công nhân, điều kiện, nhân duyên hoàn cảnh, nhiều nghịch duyên, mà các vị ấy vẫn cố gắng, nương nhau. Nhờ lực của đại chúng, nhờ công đức của Thầy tổ, nhờ Tam bảo gia trì mà đạo tràng vượt qua tất cả, phát triển như bây giờ.

Đạo tràng tụng kinh Pháp Hoa đã được mở mang, mở mang nhiều lắm. Đó là do nhân duyên từ Thầy trụ trì bây giờ, Thầy có tâm huyết giữ gìn, phát huy tâm huyết từ Hòa thượng.

Thưa quý vị, trong đời tu hành, việc nọ việc kia dù ít về đây thăm, nhưng nghe được tin huynh đệ của mình tinh tấn tu học, chùa viện trang nghiêm, thì tôi cũng vui. Hôm rồi, Thầy Trụ trì ở đây có ghé thăm tôi. Thầy có cho tôi hay việc Thầy đang vận động xây dựng Từ đường cho Sư ông ở dưới quê của Sư ông. Công việc đang tiến triển tốt. Tôi biết anh em huynh đệ của tôi đã nhận ra được nhiệm vụ, bổn phận của mỗi người đối với Thầy Tổ mình. Tuy nhiên, cũng mong mỏi chư huynh đệ hết lòng cùng chung lo với Thầy Trụ trì, để Từ đường của Sư ông sớm thành tựu. Bước đầu nào cũng gặp khó khăn, không hề dễ dàng, từ việc đất đai đến tất cả các thứ…, có lẽ vì uy đức của Thầy chúng ta, đó cũng là quê hương của Thầy nữa, nên nhất định sẽ làm được. Dù Thầy đã theo Phật, nhưng thâm ơn, đức từ bi trí tuệ của Thầy sẽ vẫn còn mãi trong lòng mỗi chúng ta.

Nhờ đủ nhân duyên lành, ngày hôm nay, tôi được về lễ Phật, kính hiếu Thầy Tổ và thăm chư Tôn đức huynh đệ, đạo tràng Phật tử. Tôi mong tất cả chúng ta lúc nào cũng tinh tấn tu hành, luôn được Phật gia hộ; mọi sắp xếp trong việc tu học của mình luôn như ý. Và chúng ta ghi lòng những lời dạy của Thầy mà nỗ lực tu hành. Cái chết luôn cận kề, nó không tha ai hết. Mong đại chúng ghi nhớ và tinh tấn tu học, tu hết sức mình cho dù hoàn cảnh như thế nào, dù là người già hay người trẻ đều phải nhất tâm tinh tấn.

HT. THÍCH NHẬT QUANG

Scroll to Top