Y theo kinh luận nhận xét thì pháp tu Tịnh độ như thả diều theo gió, chèo thuyền xuôi theo dòng nước. Niệm Phật nhờ vào đại nguyện tiếp độ của Phật A Di Đà và mười phương chư Phật hộ niệm được vãnnh thế giới Cực lạc; từ đó nương nhờ vào hoàn cảnh tốt, không bị đọa lạc, tu tập cho đến g sachứng quả vị giác ngộ. Cho nên tu tập mà không xa rời hiện thực cuộc đời này. Niệm Phật chính là chánh hạnh, tu tập các việc lành vun bồi phước đức lợi mình lợi người đó trợ hạnh. Trợ hạnh và chánh hạnh là hành trang sanh Tịnh độ. Ý nghĩa: “Không thể lấy chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên sanh về Cực lạc” trong kinh A Di Đà, đó là điều kiện cần thiết hành giả tu tất cả việc lành trong đời, hồi hướng vãng sanh Cực lạc. Chính ngay trong hoàn cảnh sống con người và nhân loại trong thế giới vô thường này là đạo trường, là ruộng phước đức cho người tu học phụng sự để thành tựu lý tưởng giải thoát.
Nếu như tại Pháp hội Linh sơn, Đức Phật Thích Ca đưa cành hoa lên[1], cả đại chúng trời người đồng mỉm cười như ngài Ca Diếp, ngộ thật tướng chân tâm, chứng trú cảnh giới Niết bàn thì có lẽ Phật cũng không lao nhọc hơn 49 năm nói ra nhiều pháp môn tu ở thế gian này. Nếu như mọi người chỉ nghe pháp ngữ của tổ sư Đạt Ma chứng ngộ như Huệ khả[2] thì đại thiền sư ngũ Tổ Hoằng Nhẫn sẽ không có chủ trương: “Niệm danh hiệu Phật, tịnh hóa tâm thức”[3] trong thiền phái Đông sơn pháp môn. Từ thực tế đó chúng ta cần hiểu rằng, pháp môn tu là phương tiện giúp mọi người giác ngộ chân lý. Đức Phật như vị đại lương y tài tình, tùy bệnh mà cho thuốc pháp chữa trị phiền não chúng sinh. Pháp môn niệm Phật là một trong những loại thuốc Pháp nhiệm mầu đó, một phương tiện vô cùng trí tuệ giúp chúng sanh mau chóng thoát khỏi luân hồi. Giáo lý ấy dạy rằng, mọi người gieo trồng phước đức và trí tuệ trong đời sống này để làm hành trang vãng sanh và giác ngộ. Cầu vãng sanh không phải chạy trốn thế gian, ngược lại có đời sống tích cực trong vấn đề phổ cập đạo đức nhân sinh trong xã hội. Bởi thế, nhận thức và vận dụng giáo lý Tịnh độ đúng đắn là điều chúng ta cần quan tâm.
Trong những thập niên quá khứ, giai đoạn Phật giáo chưa được phổ cập trong đời sống quần chúng thì lời kinh Phật dạy hay âm thanh câu niệm Phật chỉ nằm gói gọn trong cửa Thiền trầm lặng. Phần nhiều người dân nghe được bài kinh Phật và thấy được hình ảnh chư Tăng vào những khi gia đình có sự cố đám tang hay là các buổi lễ khác. Có một số tín đồ, dù có tinh thần kính trọng Tam bảo nhưng không hiểu trọn vẹn giá trị lời Phật dạy là giúp cho con người gội rữa tâm lý phiền não, tịnh hóa tâm thức qua việc tu niệm hằng ngày để thăng hoa đời sống tâm linh chính mình, hướng đến cảnh giới an lạc giải thoát.
Trong giai đoạn Phật giáo phát triển, thông tin Phật pháp được phổ cập, kinh điển phiên dịch và ấn hành khắp nơi, giáo pháp Phật dạy mới bắt thuấm nhuần trong tư tưởng quần chúng. Các bài thi kệ đại thừa Phật giáo, câu niệm Phật cũng được phổ nhạc. Hình ảnh Phật giáo như thế, quần chúng cảm thấy gần gủi với Tam bảo, dễ dàng đón nhận lời Phật dạy. Trên thực tế đời sống hiện đại qúa bận rộn, nếu không có sự nhận thức giáo lý tường tận, tiếp cận thông tin Phật pháp một cách máy móc, rập khuôn dễ rơi vào hình thức hóa trong biểu hiện tu học! Do đó, điều quan trọng chúng ta cần nhận thức, Tịnh độ là pháp môn Đại thừa. Tư tưởng Bồ tát hạnh và Bồ đề tâm là bản chất của giáo lý ấy giúp cải thiện sinh mệnh con người, góp phần lợi ích lớn cho vấn đề phát triển xã hội ngày càng văn minh và thái bình.
Kinh điển liên quan giáo lý Tịnh độ được phổ biến xưa nay, Tam kinh nhất luận[4], Tịnh độ ngũ kinh[5] và các luận sớ của các tổ sư. Theo Trí Giả đại sư phân định có Ngũ thời thuyết giáo[6] thì tư tưởng tịnh độ xuất hiện rất sớm trong kinh Hoa nghiêm. Kinh này thuyết minh rất rõ về thế giới quan Phật giáo, có vô số thế giới, các thế giới tương dung tương nhiếp lẫn nhau, pháp giới tính viên dung vô ngại. Trong đó, hạnh nguyện Bồ tát vô cùng rộng lớn, tiêu biểu nhất là mười hạnh nguyện Phổ Hiền, chung cuộc tán thán pháp môn niệm Phật và nguyện vãng sanh về thế giới Tây phương cực lạc. Thời giáo sau cùng, Phật thuyết kinh Pháp Hoa, tư tưởng Bồ tát xuất hiện với lý tưởng tích cực, cứu độ chúng sinh và hộ trì chánh pháp, thời giáo này như là xác chứng Tây phương cực lạc là cảnh giới chân thật mà Phật đã thuyết trong thời Hoa nghiêm. Kinh Pháp Hoa mục đích là khai quyền hiễn thật[7], tam thừa giáo quy về nhất Phật thừa. Tu học theo tư tưởng của kinh Pháp Hoa là hành Bồ tát đạo, để hướng đến quả vị Phật. Ngoài ra, các luận sư, chư vị tổ sư giảng nghĩa kinh luận đều đứng trên lập trường tư tưởng Đại thừa để truyền bá giáo lý Tịnh độ. Tịnh độ chủ trương Niệm Phật để thành phật; Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả.
Thiết nghĩ, từ nhận thức đúng mới thực hành đúng, có phương pháp cụ thể mới áp dụng rộng rãi trong quần chúng. Phật dạy: “Muốn sanh về cõi ấy, phải tu ba thứ phước: 1. Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, giữ lòng từ bi không giết hại, tu mười nghiệp lành. 2. Thọ trì tam quy, giữ vẹn các giới, đừng phạm oai nghi. 3. Phát lòng bồ đề tin sâu lý nhân quả, đọc tụng kinh đại thừa, khuyến tấn người tu hành. Ba điều như thế, gọi là tịnh nghiệp.” [8] Nếu người tu niệm Phật, tư duy và thực hành lời dạy đó, thì chắc chắn không bị sai lầm. Khuyến phát người tu niệm đúng theo tông chỉ Tịnh độ là phải phù hợp với giáo lý Đại thừa.
Luận về nhân sanh và thế giới không thể xa rời nguyên lý: Y báo và Chánh báo. Chánh báo và Y báo là gì? Theo Tam tạng pháp số định nghĩa: “Chánh báo cũng gọi là kết quả, tức là thân ngũ uẩn này, chúng sanh đều tạo nghiệp thiện ác mà cảm quả báo thân này, thọ nhận quả báo ấy nên gọi là chánh báo”; “Y báo gọi là y quả, tức là thế giới và hoàn cảnh, tất cả chúng sanh đều từ quả báo có thân thể, y vào hoàn cảnh mà an trụ, gọi là y báo.”[9] Suy luận ra con người tái sinh vào các hoàn cảnh sống trong Tam giới và Lục đạo đều do tâm tạo nghiệp thiện ác sai biệt. Tâm Phật thanh tịnh sáng suốt, tự tại giải thoát nên an trú trong các cỏi tịnh độ. Từ nguyên lý này mà nhận thức rằng, do Phật A Di Đà phát đại nguyện thanh tịnh mà thiết lập thế giới Tây Phương Cực lạc là một hiện thực.
Chuyên chú niệm Phật thì tâm tịnh, tương ưng với tâm Phật, nên được sanh vào cảnh Tịnh độ. Tất cả việc tốt thể hiện từ cá nhân, gia đình và xã hội đều hồi hướng vãng sanh Tây Phương. Giáo lý Tịnh độ giúp chúng ta kiến tạo đời sống đạo đức trong mọi hoàn cảnh. Cho nên muốn cho đời bớt khổ, muốn cho xã hội nhân loại thái bình, thịnh vượng thì thì nên phát huy giá trị đạo đức nhân sinh. Mọi người có tâm niệm thanh tịnh thì cuộc đời tươi sáng và hoàn cảnh xã hội cũng thay đổi, mọi thành quả đạo đức tại thế gian là nhân lành cho kết quả vãng sanh cỏi Phật. Phật pháp tại thế gian, không xa rời thế gian mà cầu giác ngộ là ý nghĩa đó.
Nếu như người tu Thiền quán, thì phải dụng công tu chánh niệm thông qua việc theo dỏi hơi thở, theo dỏi đề mục thiền quán để đạt tuệ giác ngộ; Người tu theo khán thoại đầu thì phải chuyên tâm vào một công án thiền để phát khởi nghi tình, dẹp bỏ vọng thức chứng đắc thật tướng; còn tu Tịnh độ thì chuyên tâm niệm Phật đạt nhất tâm bất loạn để được vãng sanh. Cổ đức có dạy: “Ái bất trọng bất sanh Ta bà, niệm bất nhất bất sanh Tịnh độ”[10], nghĩa là tâm không tham ái thì không sanh ra trên cỏi đời này, niệm không chuyên nhất thì không được sanh vào thế giới Tịnh độ. Cho nên Tịnh độ tông khuyên mọi người xả li tham sân si, nhất tâm niệm Phật giải thoát luân hồi sanh tử.
Y theo kinh luận nhận xét thì pháp tu Tịnh độ như thả diều theo gió, chèo thuyền xuôi theo dòng nước. Niệm Phật nhờ vào đại nguyện tiếp độ của Phật A Di Đà và mười phương chư Phật hộ niệm được vãng sanh thế giới Cực lạc; từ đó nương nhờ vào hoàn cảnh tốt, không bị đọa lạc, tu tập cho đến chứng quả vị giác ngộ. Cho nên tu tập mà không xa rời hiện thực cuộc đời này. Niệm Phật chính là chánh hạnh, tu tập các việc lành vun bồi phước đức lợi mình lợi người đó trợ hạnh. Trợ hạnh và chánh hạnh là hành trang sanh Tịnh độ. Ý nghĩa: “Không thể lấy chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên sanh về Cực lạc” trong kinh A Di Đà, đó là điều kiện cần thiết hành giả tu tất cả việc lành trong đời, hồi hướng vãng sanh Cực lạc. Chính ngay trong hoàn cảnh sống con người và nhân loại trong thế giới vô thường này là đạo trường, là ruộng phước đức cho người tu học phụng sự để thành tựu lý tưởng giải thoát.
Tịnh độ là pháp tu đặc biệt, một phương tiện chuyển nghiệp đặc biệt, một đường tắt đặc biệt, nếu không am tường sự vận hành tâm, cảnh và nguyện lực của Phật thì khó tin hiểu. Vì rằng, Tịnh độ có phương cách phục nghiệp chứ không đoạn nghiệp như các pháp tu khác. Phục nghiệp là chỉ nhất tâm niệm Phật, chủng tử phiền não không có duyên sinh khởi. Thông qua tu tập Giới-Định-Tuệ và nhất tâm tu niệm Phật nên phiền não không có duyên phát khởi quả báo khổ. Tuy chưa đoạn tận phiền não mà có phần vãng sanh là do thành tựu Tín, Nguyện và Hạnh, do nguyện lực Phật A Di Đà từ bi tiếp độ.
Như nước trăm sông chảy về biển chỉ thuần một vị mặn, bản chất Phật pháp qua phương tiện tu tập, phổ cập với mọi căn cơ trình độ, chỉ một mục đích hướng con người đạt đến giải thoát sanh tử khổ đau. Tu học bất cứ pháp môn nào cũng chuyên tâm thọ trì mới thành tựu, như một đôi chân không thể bước hai thuyền mà qua sông. Nếu như chúng ta đến với đạo Phật như cưỡi ngựa xem hoa, thì khó có được sự lợi lạc thiết thực. Tại đây xin nêu ra lời khai thị của Tỉnh Am đại sư: “Bất dụng tam kiếp tu phước huệ, đản tương lục tự xuất càn khôn”[11]. Có nghĩa là không trải qua ba đại kiếp tu phước huệ, chỉ nhất tâm niệm Nam Mô A Di Đà Phật thoát ba cỏi luân hồi. Mọi người nên suy xét năng lực của bản thân, để chọn pháp môn tu thích hợp, như thế mới là người có chánh kiến nương tựa giáo pháp của Phật./.
[1] Niêm Hoa Vi Tiếu, công án đầu tiên của Thiền tông, Phật học đại từ điển.
[2] Huệ khả an tâm, tổ thứ hai thiền tông, ngộ đạo từ pháp ngữ tổ sư Đạt ma, trích từ thiền tông luận đàm.
[3] Niệm Phật danh, linh tịnh tâm, Hoàng Mai Đông Sơn pháp môn,Trích từ Trung Hoa bách khoa toàn thư.
[4] Tam kinh: Kinh Di Đà, kinh Vô Lượng thọ và kinh Quán Vô Lượng thọ; Nhất luận là Vãng sanh Tịnh độ luận.
[5] Ngũ Kinh: Tam kinh và thêm hai phẩm kinh khác trong kinh Hoa Nghiêm và kinh Thủ Lăng Nghiêm.
[6] Thời Hoa nghiêm, A Hàm, Phương đẳng, Bát nhã và thời Pháp hoa – Niết bàn.
[7] Quyền là pháp phương tiện, Thật là chân lý tuyệt đối.
[8] Kinh quán vô lượng thọ, Đời Lưu Tống, Ngài Cương-Lương Gia-Xá dịch
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
[9] Trích từ Tam tạng pháp số, bản Hán.
[10] Trích từ Tịnh độ Pháp ngữ, bản Hán.
[11] Trích từ Tỉnh Am đại sư khuyên tu Tịnh đô thi, bản Hán
Cre: Thích Đức Trí