ĐƯỜNG VỀ CÕI TỊNH

Trên thế giới ngày nay có rất nhiều tôn giáo, nhưng phải thừa nhận một điều, không có bất kì một tôn giáo nào có hệ thống học thuyết đa dạng, hoàn bị như Phật giáo. Phật giáo xuất thân từ Ấn Độ cách đây hơn hai mươi lăm thế kỉ và được truyền sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… là Phật giáo Bắc truyền hay còn gọi là Đại thừa Phật giáo. Và, Phật giáo được truyền vào Miến Điện, Tích Lan, Thái Lan, Lào… là Phật giáo Nam truyền hay còn gọi là Phật giáo Nguyên thủy. Trong sự truyền thừa, phát triển như thế thì đồng thời phát triển ra nhiều luận thuyết và nhiều tông phái khác nhau như Thiền, Tịnh, Mật,… 

Kệ rằng: 

Biển ái sóng bao la

Nhận chìm cả Ta Bà

Muốn thoát luân hồi khổ

Phải gấp niệm Mi Đà.

Tư tưởng tịnh độ có sự liên quan mật thiết cùng nương tựa lẫn nhau, phụ trợ lẫn nhau với sự mở rộng, kiến lập, hoằng truyền, phát triển phổ cập của Phật giáo Đại thừa. Tịnh hóa thân tâm và trang nghiêm quốc độ quả là luận đề mấu chốt của Phật giáo Đại thừa. Kinh điển Đại thừa đề xướng giáo nghĩa “Tâm thanh tịnh quốc độ thanh tịnh”. Đạo nghiệp cũng từ trong đạo tràng thanh tịnh này mà hoàn thành sự giác ngộ. Đạo tràng thanh tịnh chính là mô hình căn bản của việc làm thanh tịnh quốc độ. Từ Phật giáo Nguyên thủy đặc biệt dạy: “Tự làm thanh tịnh tâm ý của mình”, cho đến Phật giáo Đại thừa hoằng dương rộng rãi tư tưởng “Tâm thanh tịnh thì quốc độ thanh tịnh”. Do đó, có thể thấy bản chất nhất quán của Phật giáo là rốt ráo thanh tịnh. Đức Phật dạy trong kinh Pháp Cú ở  phẩm Song Yếu rằng: “Tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ, tâm tạo tác…”

Thật vậy, lời dạy ấy đã được Ngài triển khai và xuyên suốt các thời kỳ thuyết pháp của Ngài, từ Bồ Đề đạo tràng sau khi Ngài thành đạo cho đến Kusinaga trước khi Ngài nhập Niết bàn cho nhiều thính chúng xuất gia và tại gia của Ngài, cũng như mọi thành phần xã hội từ giai cấp cao quý Bà la môn đến giai cấp tiện dân Thủ đà la và cho những Du sĩ, Sa môn các tôn giáo của xã hội Ấn Độ bấy giờ.

Lời dạy ấy của đức Thế Tôn, không dừng lại ở thế giới loài người phàm tục mà còn ngay cả cho thế giới chư thiên thuộc Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới cũng như thế giới các bậc Thánh, như Thanh văn, Duyên giác và các hàng Bồ tát đã trải qua các địa vị tu tập.

Tâm Bồ đề là tâm của Phật, nên mọi phước đức trí tuệ đều từ nơi đây mà phát sinh; Tâm Bồ đề là tâm của Phật, nên quả Phật cũng từ nơi tâm ấy mà sanh và tâm Bồ đề là tâm của Phật, nên cảnh giới Phật cũng từ nơi ấy mà sanh. Ta nguyện sanh Tây phương Cực Lạc thế giới, thì cũng ngay nơi tâm Bồ đề mà nguyện sanh và từ tâm Bồ đề mà sinh ra Tịnh độ. Vì vậy, ta phải phát tâm bồ đề, trước khi ta niệm Phật hay làm bất kì Phật sự nào. Phát tâm Bồ đề, ta phát nguyện như sau: “Đệ tử chúng con phát tâm Bồ đề, không mong cầu phước báo trời, người, những quả vị Thanh văn, Duyên giác và các địa vị Bồ tát quyền thừa, mà chỉ hướng tới Phật đạo để phát khởi Tâm Bồ đề, trên cầu thành tựu địa vị giác ngộ hoàn toàn của Phật, dưới nguyện hóa độ hết thảy chúng sanh đồng vào biển giác”.

Thật vậy, trong kinh Đại Bảo Tích, Đức Phật Thích Ca dạy cho Di Lặc Bồ tát rằng, niệm Phật A Mi Đà cần phải phát khởi 10 tâm nguyện sau đây, thì lúc lâm chung sẽ được vãng sanh về Tịnh độ Phật A Mi Đà.

1. Tâm Đại từ không tổn hại: Người niệm Phật đối với hết thảy chúng sanh thường khởi “tâm từ” rộng lớn, không gây tổn hại.

2. Tâm Đại bi không bức não: Người niệm Phật thân tâm an tịnh, đối với hết thảy chúng sanh, thường phát khởi “tâm bi” rộng lớn, cứu khổ chúng sanh không gây bức não.

3. Tâm ưa giữ gìn: Người niệm Phật đối với chánh pháp khởi tâm giữ gìn, không tiếc thân mạng.

4. Tâm không chấp trước: Người niệm Phật thường dùng trí tuệ quán chiếu đối với tất cả Pháp, tâm không chấp trước.

5. Tâm ý thanh tịnh: Người niệm Phật luôn luôn khởi tâm xa lìa các pháp tạp nhiễm của thế gian, đối với các lợi dưỡng thường sinh tâm biết đủ, tôn trọng tâm ý thanh tịnh.

6. Tâm không quên mất: Người niệm Phật cầu sanh tịnh độ, để thành tựu bậc Nhất thiết trí, niệm ấy duy trì trong tất cả thời; tâm không quên mất.

7. Tâm không hạ liệt: Người niệm Phật thường có tâm cung kính hết thảy chúng sanh, không có khởi tâm khinh mạn.

8. Tâm sinh quyết định: Người niệm Phật không kẹt vào ngôn luận thế gian và đối với đạo Vô thượng Bồ đề, tâm thường chánh tín, nhất định không có khởi bất cứ sự nghi ngờ nào.

9. Tâm không tạp nhiễm: Người niệm Phật tu tập công hạnh, bồi đắp gốc lành, tâm luôn thanh tịnh, xa lìa tất cả phiền não tạp nhiễm.

10. Tâm khởi tùy niệm: Người niệm Phật tuy thường quán tưởng tướng hảo của các Đức Như Lai, nhưng không sanh tâm ái trước.

Đức Phật Thích Ca dạy cho Bồ tát Di Lặc rằng, Bồ tát vãng sanh Tịnh độ của Phật A Mi Đà là do có mười loại tâm này mà muốn vãng sanh về Tịnh độ của Phật A Mi Đà là liền sanh, chứ không thể không sanh.

Niệm Phật tức là nắm giữ danh hiệu của Phật A Mi Đà ở trong tâm bằng tất cả năng lực của niềm tin Tịnh độ, khiến cho danh hiệu ấy không rơi mất, không lãng xao nơi tâm, trong bất cứ lúc nào và ở đâu.

Nguyện thứ 18 trong 48 đại nguyện của Phật A Mi Đà có nguyện rằng: “Khi tôi thành Phật, chúng sanh trong 10 phương tin vui hết lòng, muốn sanh đến nước tôi, chỉ niệm cho đến 10 danh hiệu, nếu họ không vãng sanh, thì tôi không nhận lấy ngôi chánh giác. Ngoại trừ những người phạm tội ngũ nghịch và phỉ báng chánh pháp”.

Kinh A Mi Đà lại nói:

 “Nếu có thiện nam, thiện nữ nào, nghe đến danh hiệu Phật A Mi Đà, chấp trì danh hiệu hoặc một ngày, hoặc hai ngày cho đến bảy ngày, nhất tâm bất loạn, người ấy lâm chung, Phật A Mi Đà và các thánh chúng hiện ra trước mặt, lúc ấy tâm không điên đảo, liền được sanh vào cõi nước Cực Lạc của Phật A Mi Đà”.

Nên khi ta thực hành pháp môn trì danh niệm Phật là ta chuyên tâm chấp trì danh hiệu của Ngài cho đến nhất tâm bất loạn. Nghĩa là từ khi ta thức dậy cho đến khi ngủ, không lúc nào tâm ta rời khỏi danh hiệu Phật A Mi Đà qua bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi. Niệm như vậy cho đến chỗ thuần thục, thì cho dù miệng không niệm, ý không niệm mà hạt giống Phật trong tâm tự niệm. Ý không niệm mà hạt giống Phật trong tâm tự nhiên, tự biểu hiện để kết thành trái Tịnh độ, khiến giác tánh thường sinh , Tịnh độ hiện tiền, khi buông bỏ hình hài, cảnh giới Cực Lạc tự hiện trước mặt, tùy nguyện vãng sanh.

Đại Sư Liên Trì từng nói rằng: “Tạp niệm là bệnh, niệm Phật là thuốc”. Niệm Phật chính là để trị bệnh tạp niệm, mà người không thể trị khỏi là do niệm không tha thiết. Lời nói này thật là chí lý.

Kinh Thập Lục Quán nói: “Lòng chí thành niệm một câu Nam mô A Mi Đà Phật là diệt được tội nặng trong đường sanh tử tám mươi ức kiếp”.

Những kẻ tạo ngũ nghịch, thập ác lúc sắp chết niệm Phật A Mi Đà chỉ 10 niệm được vãng sanh Tịnh độ như trường hợp của ông Trương Thiện Hòa, một đời làm nghề giết trâu bò, lúc sắp chết tự thấy tướng địa ngục hiện ra, may gặp vị Tăng dạy sám hối và niệm Phật A Mi Đà; chưa đầy 10 câu đã thấy Phật đến tiếp dẫn về Tịnh độ. Huống hồ gì người trai giới niệm Phật nghiêm túc chắc chắn sẽ được vãng sanh cõi Cực Lạc.

Kinh Thập Lục Quán chép rằng: Nếu như có người thiện nam, người thiện nữ nào chỉ nghe danh Phật A Mi Đà và hai vị Bồ tát Quán Âm, Thế Chí thì cũng trừ được tội sanh tử từ vô lượng kiếp. Huống chi là nhớ niệm một câu Nam mô A Mi Đà Phật! Là trừ được tội nặng sanh tử tám mươi ức kiếp! Nên biết: Người niệm Phật là người như hoa sen trắng, nên Bồ tát Quán Âm, Bồ tát Thế Chí làm bạn tốt với người này.

Vì vậy chúng ta phải lễ tạ Đức Phật A Mi Đà. Vì sao vậy? Vì cha mẹ, thân bằng quyến thuộc, người trời, vua chúa cũng không thể độ chúng ta ra khỏi biển khổ! Chỉ có Đức Phật A Mi Đà đủ nguyện lực tiếp dẫn chúng ta ra khỏi biển khổ luân hồi sanh tử mà thôi.

Kệ rằng:

Nếu người muốn thành Phật

Tâm nhớ mãi Mi Đà

Liền được Phật hiện thân

Nên con xin đảnh lễ!

Tin sâu Cực Lạc là cửa mầu chân thật giải thoát. Tưởng chắc Mi Đà thật là cha lành của chúng sanh. Một niệm khởi muôn sinh linh đều hay biết. Tín tâm sanh thì cửa Phật hiện tiền. Vừa xưng danh hiệu Phật thì đã gieo giống vào thai sen. Lúc phát tâm Bồ đề liền có nêu tên nơi đất vàng Cực Lạc. Ai đủ duyên mới gặp, tự tin tự ngộ. Còn kẻ nào lòng tin cạn cợt, không giữ vững niềm tin là kẻ mê lầm lớn.

Than ôi! Gặp lúc đời Mạt pháp có nhiều kiến thức sai lệch mê lầm, cho pháp Tịnh độ là quyền thừa, cười tụng kinh, niệm Phật là hạnh sơ sài. Mãi chui trong nhà lửa, tự cam đày vĩnh kiếp đắm chìm làm trái ngược đạo lý. Lòng xót thương của đấng Cha lành rất đau thương uổng mất một đời.

Kinh Địa Tạng nói: Nếu như người lúc sắp chết nghe được danh hiệu của một Đức Phật, danh hiệu của một vị Bồ tát, hoặc một câu, một bài kệ trong kinh điển Đại thừa, thì người này liền được siêu sanh về cõi lành.

Đối với danh hiệu Phật, Bồ tát, kinh kệ chỉ nghe thôi mà còn được nhiều lợi ích như thế, huống chi là công đức thọ trì kinh kệ và niệm Phật.

Kinh Đại Tập Nguyệt Tạng chép: Trong thời Mạt pháp hằng ức chúng sanh tu hành không có một người đắc đạo! Đều bởi ác năm trược, tu học lộn xộn nên khó thành tựu! Chỉ có một môn niệm Phật là thông vào đường Giác ngộ của Phật. 

Kinh Đại Phẩm chép: Như người tâm tán loạn niệm Phật cũng được lìa khổ và hưởng phước không hết. Huống chi người định ý niệm Phật. Bậc cao thì nhất tâm bất loạn, hạng thấp thì 10 niệm thành công.

Các vị Đại Bồ tát ở 10 phương còn niệm danh hiệu Phật A Mi Đà, nguyện sanh về cõi nước của Ngài, huống chi chúng ta là phàm phu ngu si lại không mau gấp niệm Phật cầu sanh.

Thuở Đức Phật Thích Ca còn ở đời, có Ngài Văn Thù, Ngài Phổ Hiền và sau khi Phật diệt độ có Ngài Mã Minh, Long thọ. Trong Hội Hoa Ngiêm có Tỳ kheo Đức Vân. Trong Hội Lăng Nghiêm có Bồ tát Thế Chí. ở Trung Quốc có Tổ Huệ Viễn, Tổ Sư Ngươn Công, Đại Sư Trí Giả, Quốc Sư Thanh Lương, Tổ Sư Pháp Trí, Pháp Sư Từ Ân, Đại sư Thiện Đạo, Pháp Sư Thiếu Khương, Sám Chủ Từ Vân, Pháp Sư Hoài Cảm, Thiền Sư Hoài Ngọc, Hòa Thượng Đạo An, Thiền Sư Đạo Xước, Đại Sư Tỉnh Thường, Đại Sư Pháp Chiếu, Pháp Sư Thảo Đường, Pháp Sư Cô Sơn, Luật Sư Đại Trí, Pháp Sư Tông Thản, Thiền Sư Nguyên Tín, Pháp Sư Nghĩa Uyên, Thiền Sư Vạn Niên Nhứt, Thiền Sư Trường Lô Trách, Thiền Sư Thiên Hoài, Thiền Sư Viên Chiếu Bổn, Thiền Sư Vĩnh Minh Thọ, Pháp Sư Viên Biện Sâm, Quốc Sư Trung Phong Phổ Ứng, Hòa Thượng Thiên Như Duy Tắc, và Hội Liên Xã ở Lô Sơn có mười tám vị Đại Hiền, Ngài Ưu Đàm Phổ Độ làm Tông chủ.

Chư Phật, Chư Tổ và các bậc thiện tri thức kể trên đều tu pháp môn Tịnh độ, còn đem dạy cho mọi người cùng tu. Chúng ta sao không bắt chước theo các Ngài để tu trì, nguyện sanh về thế giới Cực Lạc. Đây là pháp môn Tịnh độ niệm Phật cầu vãng sanh, là con đường tắt đến Tây phương thành Phật rất nhanh. Ai mà không biết thật đáng thương, còn biết mà không tu lại còn đáng thương hơn vậy.

Từ Vân Sám Chủ nói: “Tam giới đại sư, vạn đức từ phụ, quy y Phật A Mi Đà thời tội diệt; kính Ngài thời phước sanh”. Các kinh đã nói đủ. Nếu có thể quy y Tam Bảo, thọ trì danh hiệu Phật A Mi Đà thì hiện đời sẽ được mười điều lợi thù thắng:

1. Ngày đêm thường được hết thảy chư thiên, đại lực thần tướng ẩn hình thủ hộ.

2. Thường được hai mươi lăm vị Bồ tát như Ngài Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí… thủ hộ.

3. Thường được chư Phật ngày đêm hộ niệm, A Mi Ðà Phật thường phóng quang minh nhiếp thọ người ấy.

4. Hết thảy ác quỷ, dạ xoa, la sát đều chẳng hại được; rắn độc, thuốc độc thảy đều chẳng làm hại nổi.

5. Đều chẳng mắc nạn nước, lửa, oán tặc, đao, tên, gông cùm, tù ngục, chết ngang.

6. Những tội trước kia trót tạo đều sẽ tiêu diệt; mạng trót giết oan đều được giải thoát, chẳng còn đối chấp.

7. Đêm mộng điều tốt lành, thấy hình sắc tượng thắng diệu của Phật A Mi Ðà.

8. Tâm thường hoan hỉ, nhan sắc tươi nhuận, khí lực sung mãn, việc làm tốt lành.

9. Thường được hết thảy thế gian, nhân dân cung kính, lễ bái giống như kính Phật.

10. Lúc mạng chung, tâm không sợ hãi, chánh niệm hiện tiền, A Mi Ðà Phật và các thánh chúng cầm đài kim cang tiếp dẫn vãng sanh Cực Lạc thế giới hưởng sự vui mầu nhiệm thù thắng đến cùng tột đời vị lai”.

LỢI ÍCH VỀ SỰ

Niệm Phật sẽ trừ được các phiền não

Những người gặp các cảnh khổ, như tử biệt sanh ly, nhà tan cửa mất, tai nạn bất thường … sanh các phiền não, nếu biết chí tâm niệm Phật, thì các phiền não khỗ đau dần dần tiêu tan. Vì sao lại có kết quả tốt đẹp như thế? Vì tâm ta cũng như dòng nước luôn luôn tuôn chảy. Nếu chúng ta pha vào những chất cáu bẩn, thì nước trở thành đục bẩn; nếu chúng ta pha vào những chất thơm tho, thì nước sẽ trở thành thơm mát.

Nếu tâm ta chỉ nhớ nghĩ đến những tai nạn khổ đau, thì luôn luôn sẽ bị phiền não khuấy đục. Khi ta niệm Phật thì sẽ cố nhiên nhớ Phật, quên đau khổ. Ðem sự nhớ Phật này thế cho cải hóa sự đau khổ; một giờ niệm Phật thì sẽ đổi được một giờ sầu khổ, một ngày niệm Phật thì đổi được một ngày khổ đau. Cứ như thế, nếu niệm Phật được tăng chừng nào, thì sự buồn phiền đau khổ sẽ giảm đi chừng ấy. Cho nên cổ nhân có câu “Một câu niệm Phật giải oan khiên”.

Trong thời kỳ chiến tranh vừa qua, chúng tôi đã đem phương pháp niệm Phật này chỉ cho một số người sầu khổ gần như điên cuồng, vì sự nghiệp bị tiêu tan, con cháu mất lạc, họ thu lượm kết quả rất là tốt đẹp.

Niệm Phật sẽ trừ được niệm chúng sanh

Chúng sanh hằng ngày nhớ nghĩ đến những điều tội lỗi như tham, sân, si… miệng thốt ra những điều tội ác, thân làm những việc xấu xa. Ðó là những ác nghiệp của chúng sanh. Nay nếu chúng ta niệm Phật, thì chúng ta không còn thì giờ để nhớ nghĩ việc tội lỗi nữa và thực hành những ác nghiệp trên nữa. Như thế là niệm Phật sẽ trừ được niệm chúng sanh. Niệm Phật càng nhiều thì niệm chúng sanh càng ít. Niệm Phật hoàn toàn thì niệm chúng sanh dứt sạch.

Niệm Phật sẽ làm cho thân thể được nhẹ nhàng an ổn

Bệnh tật của chúng ta, một phần do thể xác, nhưng một phần cũng do ảnh hưởng của tinh thần. Nhiều người mất ăn bỏ ngủ vì uất hận, nhục nhã… Do đó, uất khí tích tụ lâu ngày trong người, mà sinh bệnh mất ăn bỏ ngủ. Gặp những trường hợp như vậy, nếu chúng ta niệm Phật cho ra tiếng, thì những nỗi uất hận đè nặng lên tâm can sẽ như được trút ra cùng hơi thở, cùng tiếng niệm, và thâm tâm được nhẹ nhàng dễ chịu. Những người yếu tim, nếu biết niệm Phật sẽ mau bình phục. Vì bệnh yếu tim thường làm cho người bệnh hồi hộp, lo sợ; nay nhờ niệm Phật nên tâm định, tâm định thì những sự hồi hộp lo nghĩ giảm đi. Do đó mà ăn được, ngủ yên và bệnh mau bình phục.

Niệm Phật tâm trí sẽ sáng suốt, học hành mau nhớ

Những người tâm trí loạn động thì tối tăm, như ngọn đèn bị gió lay không sáng được. Nhờ niệm Phật, tâm trí sẽ định tĩnh, như ngọn đèn có ống khói, không lay động. Do đó tâm trí sẽ phát chiếu, như ngọn đèn tỏa ánh sáng vậy.

Niệm Phật khi lâm chung sẽ được sanh về Tịnh độ

Như chúng ta đã thấy ở trên, niệm Phật đem lại cho chúng ta nhiều ích lợi thiết thực trong đời sống hiện tại, về phương diện thể chất lẫn tinh thần, về tính tình lẫn trí huệ. Nhưng lợi ích lớn nhất là ở đời sau. Nếu chúng ta thực hành pháp niệm Phật này, đúng như lời Phật dạy, cho đến “nhất tâm bất loạn” thì sau khi lâm chung, sẽ sanh về Tịnh độ, luôn luôn được thấy Phật nghe pháp, làm bạn với thánh hiền, và có đủ nhiều thiện duyên để tiếp tục tu hành cho đến quả Phật.

LỢI ÍCH VỀ LÝ

Khi hành giả niệm Phật được “nhất tâm bất loạn”, thì các vọng tưởng hết, chân tâm thanh tịnh hiện ra. Chân tâm không sanh diệt hư hoại là “Thường”, chân tâm thanh tịnh vắng lặng là “Tịch”, chân tâm sáng suốt vô cùng là quang cảnh “Thường Tịch Quang Tịnh độ” chỉ ở nơi chân tâm ta, chứ không nơi đâu khác. Lại nữa, chân tâm không hoại diệt là ”Phật Vô Lượng Thọ”; chân tâm chiếu soi vô tận là “Phật Vô Lượng Quang” và đó cũng tức là “Thanh tịnh diệu pháp thân của Phật A Mi Ðà”.

Tóm lại, nếu người biết được đạo lý tâm cảnh, nhân quả nhất như không hai mà còn không niệm phật cầu sanh Tịnh độ thì không có lẽ đó. Nếu chân thật vì sanh tử mà phát tâm bồ đề, dùng tin sâu, nguyện thiết, trì niệm danh hiệu phật, thì chỉ sáu chữ “Nam mô A Mi Đà Phật” là đại tông chỉ của pháp môn niệm Phật. Nếu chẳng phát tâm chân thật vì chúng sanh, vì sanh tử thì tất cả những lời khai thị đều là lý luận. Tất cả những khổ não sâu rộng ở thế gian không gì hơn sanh tử. Nếu chẳng thấu suốt sanh tử, thì sanh tử tự sanh, sanh sanh tử tử không bao giờ dừng nghỉ, ra khỏi bào thai này lại vào bào thai khác, bỏ đãy da này lại giữ đãy da khác; lưu chuyển trong ba cõi sáu loài. 

Thân người khó được mà lại dễ mất, một niệm lỗi lầm thì liền rơi vào đường ác. Tam đồ dễ vào mà lại khó ra, địa ngục dài lâu khổ não vô lượng. Từ thời 7 vị Phật quá khứ đến nay, số chúng sanh lưu chuyển vẫn còn làm loài trùng kiến, 8 vạn kiếp sau vẫn chưa thoát thân bồ câu. Đường súc sanh đã dài lâu mà cõi địa ngục, ngạ quỷ còn lâu dài gấp bội. Trải qua kiếp số như hằng sa, bao giờ liễu thoát bao giờ dừng nghỉ? Vạn khổ nung nấu không nơi trở về, không ai cứu vớt. Mỗi lần nói tới việc ấy là lông tóc dựng ngược, mỗi lần nghĩ đến việc ấy thì ngũ tạng như đốt như thiêu. Vì thế, ngay hôm nay phải thống thiết nghĩ đến sanh tử như mất cha mẹ, như cứu lửa cháy đầu. Tất cả chúng sinh cũng còn sanh tử, thì cũng nên cầu xuất ly. Cho nên cần phải xứng tánh và phát tâm Đại Bồ đề. Chọn pháp môn Tịnh độ Mi Đà mà tu tập như trên đã nói rõ. Vì pháp môn này là con đường chính yếu dẫn dắt chúng sanh thời nay thoát ly sanh tử, là chiếc thuyền từ vững chắc đưa mọi người vượt qua biển ái đến bờ giác ngộ. Một khi đã đến cõi ấy thì vĩnh viễn không còn thối chuyển, được mang Thánh thân tự do bay đến khắp mười phương, thức ăn, quần áo tự biến hiện, nhà đài lầu các tự trang nghiêm. Lại được vào chúng hội thanh tịnh, thường được gặp Phật, nghe Pháp, mau chóng vào Thánh quả cao tột. Nơi đây không còn các thứ khổ não như ở nhân gian, hành giả được sanh vào hoa sen, thọ mạng vô lượng, chỉ hưởng toàn niềm vui, nên gọi là thế giới Cực Lạc.

Đường về cõi tịnh rộng bao la

Con nguyện cầu xin đức phật đà

Từ bi gia hộ cho sanh chúng

Dứt nẻo luân hồi thoát tử sanh.

Nếu chúng sanh đời mạt pháp này không nương vào Phật hiệu mà tu tập cầu thoát ly sanh tử thì không còn phương pháp nào thù thắng hơn phương pháp này. Thế thì khinh đó hoàn toàn là tự khinh, chê đó hoàn toàn là tự chê! Tâm xằng bậy dễ trở thành thói quen. Đây là pháp khó tin mà Phật trước cũng đã từng nói trong kinh A Mi Đà, nên nếu không tin tưởng tu tập thì dễ trôi lăn trong ba đường ác, trường kiếp không ra khỏi. Thế nên từ Thánh hiền, người đạo, kẻ tục cũng đều miệm Phật cầu vãng sanh, số không xiết kể… Chỉ có kẻ phàm phu thấp hèn đam mê dục lạc trần lao mà không cầu ra khỏi. Cứ cam tâm trôi nổi trong biển sanh tử, thật đáng xót thương. 

 

THÍCH HOẰNG THƯỜNG

Scroll to Top