Niềm tin là mẹ của tất cả công đức, hẳn nhiên là như vậy! Tôi cùng anh phối hợp làm Phật sự đã lâu, cứ chuyên tâm nghĩ về người và việc, anh ít nói tới bản thân. Hôm nay, lúc uống trà giữa trưa thinh vắng nghe lá mít lao xao rơi trên sân, chúng tôi chia sẻ về công phu hàng ngày trên bước đường tìm cầu học Đạo…


Quãng thời gian tám, chín năm trước là giai đoạn gia đình anh vô cùng rối rắm. Lúc đó, con gái đầu mới một, hai tuổi; vợ anh tất bật với nghề dược; anh rất giỏi về công nghệ thông tin nhưng chỉ ngán ngẩm nhìn đời, chẳng có việc làm nào ổn định. Ở nhà giữ con, một nỗi buồn bất lực của người đàn ông đong đầy trong sóng mắt u buồn. Gia đình anh lại có thêm người chị ở chung phòng trọ ọp ẹp. Có lẽ những khu nhà trọ dọc ngang, dài rộng đến nhỏ hẹp ở Thành phố Hồ Chí Minh đều có tầm ngắm và ẩn dật một thời gian của họ.

Có nhiều khi ngồi tự ngẫm một mình, anh cảm thấy sự ngột ngạt dường như thiếu oxy và cuộc sống ngỡ rằng đang quay lưng, làm khó với anh. Nhưng rồi, anh nghĩ tới Tam bảo, nhớ đến Phật và chỉ còn nương tựa vào lòng từ bi cứu độ của Bồ-tát, chỉ đường cho anh tới nẻo sáng. Anh phát nguyện làm sao có được một mái nhà nho nhỏ ở phố, một công việc ổn định để cùng với vợ lo gia đình.

Anh vẫn nhớ như in, hôm đó anh vào siêu thị mua bịt đậu đen, về nhà anh cắt ra hai lọ nước suối nhỏ, dùng phần đáy. Một nửa lọ nước suối anh đã bỏ hết số đậu đen đếm vừa tròn 10.800 hột vào. Một nửa lọ nước suối kia thì rỗng, đang chờ!

Anh bắt đầu dốc toàn thân tâm và thời gian trong việc công phu, anh lạy Bồ-tát Quán Thế Âm và trì chú Đại bi. Trì chú xong mỗi biến thì anh lấy một hột đậu đen cho vào lọ nước suối rỗng. Một thời gian sau, 10.800 hột đậu đen đã được gia trì chú đại bi đầy trong nửa lọ nước suối ban đầu rỗng kia!

Lòng anh nhẹ nhàng hơn, không lăn tăn ngẫm chuyện buồn nhớ chuyện thất bại trong làm ăn. Bởi anh chỉ còn nhớ Phật và nghĩ tới Bồ-tát.

Anh đưa số đậu đen đó cho người chị nấu chè cho cả nhà ăn chơi. Ai ngờ, “nấu cả ngày mà đậu vẫn cứng như đá!” – người chị đã nói vậy!

Có lẽ nhờ toàn tâm thành kính, thiết tha hạnh nguyện, khoảng một tuần sau đó anh đã được những người thân giúp đỡ rất nhiệt tâm, cho mượn tiền không lãi suất, chỉ chỗ mua nhà và chỉ dẫn công việc ổn định. Trong tay không một đồng mà giờ có nhà cửa gọn ghẽ lại có việc làm ổn định. Rồi cũng chẳng lâu sau người chị của anh cũng mua được một căn nhà gần chỗ anh ở.

Từ đó, anh nhiệt tâm trên bước đường tu tập hơn. Mở đầu là chú Đại bi rồi những bản kinh Phật dạy cho người Phật tử tại gia sống, làm việc và tu hành. Sau này, anh chuyên vào trì chú Đại bi và Thần chú Lăng Nghiêm. Anh nói: “Trì chú Lăng Nghiêm lạ lắm, không nói được, chỉ cảm nhận thôi, nhưng nó làm mình an lại, ghìm dần tánh nóng. Mỗi lần tụng tới hội thứ ba thì thân tâm nhẹ bẫng, thư thái lạ lắm. Mình chẳng nghĩ gì và vướng gì, cứ sống trọn vẹn trong khoảnh khắc ấy.”

Anh lại nói: “Cảm ơn Quán Âm Đại sĩ, nhờ chú Đại bi và Thần chú Lăng Nghiêm mà mình đã chuyển hóa dần tánh nóng, tâm hay bất an.”. Tôi gọi anh bên tách trà nóng và ấm. Tôi nói: “Huynh Minh Giác ơi, chuẩn bị cuối tháng này dẫn vài Phật tử mới lên núi lễ Phật nhé!”. Anh cười như nắng tỏa!

Ta-bà, ngày 16.11.2017.

Trần Huy Minh Phương