VĐ.GCX – Và tôi hát… “Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng…”. Ừ, đất mẹ, tâm đại địa của mỗi người nếu cùng hé mở thì ánh sáng bi trí ấy sẽ soi suốt không dừng tắt vậy! Sống – chết chỉ trong một hơi thở thôi mà…
Trong nhịp sống hối hả như hiện nay, dường như chúng ta ít có thời gian soi lại chính mình. Đối diện với mình là điều vô cùng khó khăn và chúng ta luôn cố tình né tránh. Bởi vậy mình trượt dài trong đau khổ, mê lầm.
Chiều nay cơn mưa chớm hạ bắt đầu vỗ rào rào trên mái tôn, những ngọn gió mơn man mát mẻ ấy giúp cho tôi được chút ít phút giây ngẫm lại, dừng lắng. Trong khoảnh khắc này tôi thấy đời sống con người thật ngắn ngủi và mỏng manh xiết bao! Chúng ta vẫn thường bắt gặp trong những kiện hàng có ghi dòng chữ in đậm thật to: “Hàng dễ vỡ xin nhẹ tay, cảm ơn nhiều!”. Hoặc dễ thấy nhất trong nhà hàng, những hàng quán ẩm thực, người phục vụ bưng bê luôn chánh niệm trong từng bước đi, vì đó là vốn liếng công việc, là thử thách của chủ, là ngày công ăn lương… Và mỗi người cũng như một món hàng của kiếp sống, cũng dễ vỡ nếu chỉ thoáng lơ đễnh.
Có anh bạn trẻ luôn ấp ủ hoài bão lớn của đời người. Mỗi lần gặp nhau, anh bạn ấy hay kể cho tôi nghe về những dự án, những khát vọng nhưng chưa thấy dự án nào của anh bạn trẻ ấy thành hiện thực, bởi anh cầu toàn và muốn làm cái đại sự trước. Chợt chiều nay nghe tin anh ấy đã mất vì một cơn đau tim bất thường. Một ông bạn khác yêu văn chương, đặc biệt mê thơ đến nỗi “cuồng”, vậy mà hỏi tới việc in thơ thì ông bạn ấy nói tỉnh queo: “In thơ à! Thiêng lắm, đừng đùa với chữ nghĩa. Không phải in ào ào thì được gọi đó là thơ đâu. Tôi sẽ in nhưng vào một ngày đẹp trời!”. Đột ngột tối qua ông bạn ấy bị chết vì lật tàu trong chuyến đi biển tìm tứ thơ. Bao nhiêu bản thảo, bấy nhiêu công sức đam mê, tìm tòi sáng tạo của ông bạn ấy nằm trong cái laptop. Cả người và vật đã lặn sâu nơi đại dương phủ sóng bạc. Rồi thằng em họ bỗng dưng lầm lì và sợ hãi sau chuyến nuôi bệnh cho người thân. Vì trong khoảng một tuần ngắn ngủi thâm nhập đời sống bệnh viện ấy, thằng em họ đã chứng kiến rất nhiều cái chết xảy đến với bệnh nhân: tai nạn giao thông, ung thư, và cả tỉ chứng bệnh không tên khác… Sau đó thì thằng em họ ngày nào cũng ra sức làm việc gì đó tranh thủ gấp hai, ba lần ngày thường. Hỏi thì nó bảo, làm mau kẻo trễ.
Những dự định, ấp ủ, hứa hẹn…, vẫn luôn túc trực trong mỗi chúng ta. Nhưng nếu không quyết tâm thì sẽ không thực hiện được điều nào cả. Cái chết luôn treo lơ lửng trên đầu mình. Nếu hiểu trọn vẹn thì việc đón nhận cái chết của mỗi người cũng sẽ nhẹ nhàng hơn. Chết và sống có ý nghĩa hơn. Chết và sống trân quý hơn. Vì có sinh ắt có tử, có thành tức phải hoại. Có cái chết nhanh, chết vội, chết trong tức tưởi; có cái chết chậm, chết đúng thời, chết trong yêu thương… Cả một chuỗi sống và chết luôn biểu hiện trong tâm thức mỗi người nhưng hiếm khi nào chúng ta chấp nhận nó.
Khi đọc một bản tin nghe vụ tai nạn hoặc cơn bạo bệnh của ai đó phải bị chết thì chúng ta chỉ thoáng qua một chút cảm xúc hoặc tiếc thương giây lát nhưng nếu đó là người thân, người gắn bó với đời sống mình thì chắc hẳn nỗi đau tột cùng, dằn xé không nguôi, và trên hết có người còn không tin điều ấy đang hiện hữu dù đó là sự thật đang diễn ra.
Cơn mưa chiều thay cái nắng chói gắt khi nãy chắc đã làm lòng người dịu lại. Ai cũng cần có nhau, ai cũng cần yêu thương và được yêu thương. Đừng sợ chết, đừng sợ sống, mà cái chính là sống thế nào và chết ra sao để “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” (Diễm xưa – Trịnh Công Sơn). Mưa đi! Mưa ơi! Hãy gột rửa tột cùng để sự thánh thiện hằng hữu trong mỗi mỗi ánh nhìn tràn đầy trong nhau…
Và tôi hát… “Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng…”. Ừ, đất mẹ, tâm đại địa của mỗi người nếu cùng hé mở thì ánh sáng bi trí ấy sẽ soi suốt không dừng tắt vậy! Sống – chết chỉ trong một hơi thở thôi mà…
Trần Huy Minh Phương