Đại đức Thích Trúc Thái Minh khẳng định: “Nghe Pháp là được phúc báu; nghe Pháp là được công đức; nghe Pháp có thể được tiêu tội, chuyển hóa nghiệp và có thể còn đắc đạo nữa. Thời Đức Phật đã rất nhiều vị nghe Đức Phật giảng Pháp mà đắc đạo, đạt đến cả A-la-hán quả. Cho nên, nghe Phật Pháp rất quý. Không kể là nghe ở đâu, nghe ở nhà, nghe trên mạng hay nghe ở đài, tivi thì đều được cả, đều có công đức phước báu”.

Người đệ tử tại gia hay xuất gia muốn tiến tu đều phải nghe giáo Pháp, rồi tư duy và thực hành. Vậy những người biết nghe Pháp, tư duy và thực hành Pháp sẽ đạt được những lợi ích gì?

Nghe Pháp giúp chúng ta nghe được những điều chưa biết, chưa nghe

Kiến thức trên thế gian là vô tận và chỉ có bậc Giác Ngộ như Đức Phật mới thấu tỏ tường tận được mọi vấn đề. Học lời Phật dạy qua những bài giảng Pháp của quý Thầy sẽ giúp cho chúng ta có cái nhìn đúng đắn về mọi sự vật, hiện tượng ở thế giới xung quanh; đồng thời, cũng giúp chúng ta được nâng cao kiến thức xã hội vì Phật Pháp có tính ứng dụng cao trong cuộc sống. Như Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Lợi ích thứ nhất của nghe Pháp là được nghe những điều chưa nghe. Có nhiều điều mình chưa biết, hôm nay nghe quý Thầy giảng Pháp, mình hiểu ra nên rất vui. Có người trước khi nghe Pháp rất đói, nghe xong Pháp thấy khỏe ra, phấn chấn lên. Các Phật tử chuẩn bị tâm thái cho buổi đi nghe giảng Pháp phải có tâm quý kính, khát khao, được về chùa nghe Pháp là niềm hạnh phúc, là niềm vui, phải thấy thích thú như vậy Pháp mới vào dễ. Còn đi mà lững thững lơ thơ, chị em rủ ba lần bảy lượt mới đi thì chẳng lợi ích bao nhiêu. Cho nên, Phật dạy lợi ích thứ nhất: được nghe những điều chưa biết, chưa nghe. Qua những buổi giảng Pháp, ngoài kinh Pháp của Phật, quý Thầy đưa đến cho các Phật tử nhiều giá trị, nhiều lợi ích về mặt tu tập, về mặt tâm linh, kể cả tri thức trong cuộc sống nữa”.

Việc nghe Pháp mang lại rất nhiều giá trị, lợi ích trong tu tập cũng như trong cuộc sống. Đặc biệt, nếu chúng ta nghe Pháp với tâm thành kính, hân hoan và khao khát lắng nghe những dòng Pháp nhũ thì lợi ích chúng ta nhận được vô cùng thù thắng.

Nghe Pháp làm trong sạch điều đã được nghe

Từ vô thủy kiếp đến nay, vì vô minh mà chúng ta đã tin theo rất nhiều quan điểm tà kiến sai lệch. Trong kiếp này, chúng ta cũng từng tin theo những quan điểm sai lầm, không đúng Pháp. Cho nên, nghe Pháp sẽ giúp chúng ta hiểu đúng được những điều đã nghe. Đại đức Thích Trúc Thái Minh giảng giải: “Lợi ích thứ hai của việc nghe Pháp là làm trong sạch điều đã được nghe, điều mình đã được nghe từ trước. Hôm nay đi nghe Pháp giúp mình được trong sạch điều đã được nghe. “Trong sạch” nghĩa là lọc đi những cái tạp lần trước nghe chưa rõ ràng, còn lờ mờ, hiểu chưa đến đâu, lần này nghe là rõ ràng minh bạch. Gọi là làm trong sạch điều mình đã được nghe”. Từ đó chúng ta thấy rằng nhờ nghe Pháp mà chúng ta dần sáng tỏ những điều mình đã nghe, đã biết; đồng thời thanh lọc, loại bỏ những hiểu biết sai lệch để chúng ta khai mở trí tuệ, tỏ ngộ chân tâm, vững bước trên con đường học Phật.

Nghe Pháp giúp chúng ta đoạn trừ nghi ngờ

Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Trước khi đến với Phật Pháp ai cũng có nghi cả. Nghi không biết Đức Phật có thật hay không? Có khi không có họ cũng dựng lên thổi hồn vào giống như có thật, không biết ông Phật có thật không mà tin. Rồi đi nghe Phật Pháp, đi hành hương mới thấy Phật có thật, mới đủ lòng tin”. Khi chưa hiểu Pháp, chưa thực hành và thấy được lợi ích của việc tu tập, nhiều người sẽ hoài nghi Phật Pháp. Tuy nhiên, nếu thành kính nghe Pháp, hoài nghi sẽ dần được dứt trừ.

Trước đây mình không nghe Pháp thì mình nghi ngờ, bán tín bán nghi. Nghi là chướng ngại của sự tu tập. Nghi dẫn đến mình không tin Phật Pháp, là một trong năm triền cái cản trở sự tu tiến. Đã có nghi thì không có tin. Nghi ngờ tức không tin nên nghi là chướng ngại. Nhưng nhờ nghe Pháp mà đoạn trừ nghi ngờ cho mình, nghi ngờ mà đoạn thì lòng tin tăng trưởng. Dứt nghi thì mình tin. Hôm nay, dứt được nghi do nghe Pháp hiểu, giác ngộ ra thì dứt được nghi ngờ cho nên lòng tin tăng trưởng, nghe Pháp có lợi ích như vậy.

Để tăng trưởng niềm tin thì cần học Pháp và ứng dụng Phật Pháp vào trong cuộc sống thực tiễn; từ đó sẽ chuyển hóa dần những nghi ngờ làm cản trở trên con đường tu tập.

Nghe Pháp Phật làm cho tri kiến được chính trực

Đức Phật sau khi thành tựu đạo quả, Ngài có danh hiệu là Chánh Biến Tri. Tức là Ngài có cái biết chân chính trùm khắp, không giới hạn. Chính vì vậy, nghe những lời Đức Phật dạy sẽ giúp chúng ta có được tri kiến chính trực. Đại đức Thích Trúc Thái Minh cũng giải thích thế nào là “tri kiến” và lợi ích “tri kiến được chính trực” khi nghe Pháp: “Tri kiến tức là sự thấy và biết của mình được chính trực, không lệch lạc, không bị tà kiến. Do nghe Phật Pháp nên mình hiểu đúng chính Pháp, thấy biết của mình chân chính, không lệch lạc. Khi mình có thấy biết chân chính rồi thì không ai mê hoặc được mình cả, không ai lừa dối mình về giáo Pháp được”.

Nhờ đi nghe giáo Pháp Phật được lợi ích, làm cho tri kiến của mình chính trực, chân chính, ngay thẳng, không lệch lạc. Điều ấy rất quý mà Phật gọi là chánh tri kiến. Đứng đầu trong Bát Chính Đạo.

Nếu tri kiến được chính trực thì chúng ta sẽ làm chủ được bản thân mình, tự tại trước những điều thấy, nghe trong cuộc sống; bản thân nhất tâm tin theo giáo Pháp của Phật thì sẽ rời xa những tà kiến, tà đạo.

Nghe Pháp giúp cho tâm mình được tịnh tín, có lòng tin đầy đủ

Đối với người tu học Phật thì lòng tin rất quan trọng. Bởi lòng tin được ví như cửa ngõ đưa ta vào đạo, giúp chúng ta thăng tiến trên con đường tu hành. Vậy tâm tịnh tín là gì và muốn tâm tịnh tín thì làm thế nào?

Lợi ích thứ năm của nghe Pháp là làm cho tâm mình được tịnh tín, tâm mình trong được sạch, lòng tin đầy đủ. Chữ tịnh tín ở đây là tin trong sạch; tin trong sạch là tin không có nghi ngờ. Bên cạnh đó, Đại đức Thích Trúc Thái Minh chỉ dạy thêm: “Mong các Phật tử nghe Pháp, suy ngẫm giáo Pháp, rồi ứng dụng tu tập để được sự tịnh tín – tin Phật trong sạch. Nếu đạt được sự tin Phật trong sạch là chúng ta vào quả Thánh Tu Đà Hoàn, có lòng tin bất thoái chuyển. Đối với Tam Bảo, với giáo Pháp của Phật chúng ta cũng không một chút nghi ngờ, mà tin trong sạch. Người có lòng tin Tam Bảo trong sạch như vậy thì làm Phật sự, công đức mới viên mãn. Còn nếu tin chưa trong sạch, niềm tin vẫn còn nhuốm màu thế tục, làm trong Phật Pháp mà vẫn đầy đủ sự tính toán, sự tham, sân thì công đức phước báu chưa được viên mãn”.

Người tu học Phật không thể thiếu tâm tịnh tín đối với Tam Bảo. Mà muốn có niềm tin tịnh tín đối với Tam Bảo cần nghe và thực hành giáo Pháp của Phật để xây dựng cho mình một niềm tịnh tín, kiên định bất thoái chuyển.

Nguồn: chuabavang.com