Tôi chỉ có phước duyên gặp HT.Thích Trí Tịnh vài lần, nhưng ngài đã để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc.
Từ nhỏ, qua tiếp xúc kinh điển Phật giáo, tôi đã biết đến HT.Thích Trí Tịnh như là một dịch giả hàng đầu. Nếu những bộ kinh Nam truyền gắn liền với tên tuổi HT.Thích Minh Châu, thì những bộ kinh Bắc truyền hầu như song hành với nhà dịch thuật HT.Thích Trí Tịnh.
Tuy nhiên, trong chương trình thuyết pháp ở chùa Ấn Quang, HT.Thích Trí Tịnh không tham dự diễn giảng, nên muốn được nhìn thấy hòa thượng, thì phải chờ đến khi Giáo hội họp, thường là vào một buổi sáng ngày thường nào đó trong tuần.
Với sự ngưỡng mộ hòa thượng, nhà dịch thuật kinh điển lỗi lạc của Phật giáo Việt Nam, tôi chờ đợi cơ hội được nhìn thấy hòa thượng một lần.
Hòa thượng đến chùa Ấn Quang bằng một chiếc xe hơi cũ. Lúc này, sau 1975 chỉ vài năm, các nhà lãnh đạo tôn giáo vẫn còn dùng xe hơi còn lại từ trước. Các nhà lãnh đạo Phật giáo chỉ đi xe bậc trung trở xuống, tuy nhiên, đều là xe nhập khẩu. Trong khi đó HT.Thích Trí Tịnh dùng một chiếc xe Việt Nam lắp ráp, loại bình dân, là xe La Dalat mui trần (Citroen Việt Nam đóng khung xe và ghế, dùng máy xe Citroen của Pháp). Quả thật, tôi bất ngờ khi một thầy gọi tôi và chỉ: “Kìa, Hòa thượng Vạn Đức xuống kìa”.
Hòa thượng không ngồi trên băng ghế sau như vẫn thường thấy ở các nhà lãnh đạo tôn giáo, mà ngồi ở ghế trước, gần gũi với người lái xe. Hòa thượng tươi cười bước xuống. Tôi theo các thầy vái chào hòa thượng, nhưng khi hòa thượng đến gần, trước uy đức của ngài tôi không dám nhìn lên, mà chỉ cúi đầu thật thấp, nhìn xuống.
Và thật bất ngờ, tôi nhìn thấy vị danh tăng được cả nước biết đến, nhà dịch thuật tầm vóc thuộc loại hàng đầu của PGVN, Phó viện trưởng Viện Hóa đạo mang đôi dép mỏng, sờn quai, cũ kỹ mà bước đi những bước nhẹ nhàng, an lạc, thong dong, tự tại. Đôi dép cũ sờn, mòn dưới chân hòa thượng nói lên một phần đức tính cao đẹp của hòa thượng: cần kiệm, thanh đạm, tri túc, bình dị.
Vạt áo tràng nâu của hòa thượng cũng sờn vạt. Chiếc áo quá cũ.
Ngày nay, trước xu thế xa hoa hưởng lạc của một số vị tu sĩ, thì đức hạnh tri túc, kiệm phước, thanh đạm của Hòa thượng Thích Trí Tịnh là cả một bài học lớn và sống động.
Hưởng thụ, xa hoa, dùng những đồ dùng hảo hạng, nơi cư trú vương giả, xe hơi đắt tiền, quý phái… được một số nhà tu hành coi là kết quả của phước báu, cũng là biểu hiện của phước báu. Có người nghĩ rằng do có phước báu thì mới được cuộc sống như thế và trong kinh cũng có nói. Vì thế, các vị không ngại dùng, mà còn phô trương như một kết quả tu hành.
Nhưng nói về phước báu tu hành, công đức bố thí pháp, thì có mấy vị tu sĩ Phật giáo có thể so sánh với Hòa thượng Thích Trí Tịnh, một Huyền Trang Pháp sư của Phật giáo Việt Nam, thầy dạy của một không biết bao nhiêu thế hệ tăng sĩ. Vậy mà hòa thượng đi một chiếc xe rẻ tiền cũ kỹ, mang một đôi dép sờn mòn. Ngước lên, hòa thượng mặc một chiếc áo tràng nâu cũ, có chỗ bạc màu. Phải chăng hòa thượng không hưởng phước báu? Chẳng qua đó là hành tri túc, kiệm phước của hòa thượng.
So với việc hưởng thụ phước đức với những đồ dùng tốt nhất, thì đôi dép mòn, chiếc áo cũ là những biểu tượng của sự vượt trội của đức hạnh.
Hôm nay, di ảnh của Hòa thượng cũng bình dị, gần gũi như thế, không mũ mão rực rỡ, không y hậu gấm vóc, mà chỉ một chiếc áo lễ như bao vị tu sĩ khác. Nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam trong nhiều thập kỷ vô cùng bình dị như thế!
Minh Thạnh