Hôm nay là lần đầu tiên chúng tôi ngồi trên bục giảng của chùa Vạn Đức, với chúng tôi cố Hoà thượng Thượng Trí hạ Tịnh là một bậc Tôn sư khả kính.
Chúng tôi cũng có duyên với quận Thủ Đức, qua những lần giảng dạy ở các trường hạ chùa Từ Quang, Ưu Đàm, Sùng Đức nhưng Vạn Đức thì chưa đến. Hôm nay, đủ duyên chúng ta gặp nhau.
Y cứ vào Luật tạng, từ thời Đức Phật đến nay, toàn thể Tăng Ni mỗi năm phải ở yên một chỗ trong 3 tháng mùa mưa để tránh giẫm đạp côn trùng. Mặt khác còn để người tu sĩ thúc liễm thân tâm, tu vô lậu học (tức tu giới, tu định và tu tuệ).
Quý Phật tử cũng được tu, đó là tu phước điền công đức nghĩa là các vị thành kính hộ trì, tạo thuận duyên để quý Thầy, quý Cô có điều kiện tu tập. Ngoài ra còn phải tu kính điền nghĩa là các vị thành tâm cung kính Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo. Chỉ thế thôi là đã sinh phước. Thứ 2, các vị phải nhớ nghĩ ân điền, đó là ân sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ân sư trưởng, ân đất nước và ân đàn việt, các Phật tử phải lưu ý điểm này. Cho nên trong 3 tháng hạ, chuẩn bị qua mùa Vu lan, quý Phật tử cần nhớ đến thâm ơn cha mẹ. Thứ 3 là bi điền. Chúng ta đem tình thương trao đến mọi người và tất cả nhân loại, chứ không chỉ có con người thôi, kể cả loài vật cũng phải yêu thương giúp đỡ.
Chư Tôn đức Hòa thượng thường nhắc cho chư Tăng: “Tam ngoạt an cư đình ý mã, cửu tuần tu học định tâm viên”. “Đình ý mã” tức là chúng ta làm cho tâm ý mình đừng có trạo cử, đừng bấn loạn giống như con ngựa. “Cửu tuần tu học định tâm viên”, 1 tháng là 3 tuần (1 tuần là 10 ngày), 3 tháng sẽ là 9 tuần, nên ta gọi là cửu tuần. Khi xưa tôi học Duy thức với Hòa thượng Thánh Quang, Ngài nói tâm thức mình dao động giống như con vượn, chư Tổ thấy rõ điều đó nên mới so sánh như vậy. Sau 3 tháng yên tu, chúng ta phải quyết tâm dừng được cái tâm ấy. Nên gọi là cửu tuần tu định, chữ định là dừng.
Hôm nay, toàn thể chư Tăng chúng tôi tu giới cũng có thể dừng được tâm. Bởi vì trong Luật có nói tu giới là chỉ trì. Chỉ là dừng, trì là hành trì. Là dừng tất cả những pháp ác, dừng tất cả vọng tưởng. Còn tác trì? Là làm tất cả những pháp thiện nhưng phải đúng giới luật, đó là trách nhiệm của người tu, là thượng cầu phật đạo, hạ hóa chúng sinh. Vì ý nghĩa đó nên trong 3 tháng chúng ta phải hành đủ chỉ trì và tác trì, có 2 điều này chúng ta mới ứng dụng được gọi là khai, giá, trì, phạm.
Phật có nói: “Giới nào ta đã chế ra nhưng không phù hợp với quốc độ đó thì những người sau này có thể thay đổi. Vì cứu độ chúng sinh vì làm lợi ích cho nhiều người”. Có mẩu chuyện kể về lúc Phật còn làm Thái tử. Ngài đi buôn cùng với 500 vị lái buôn, có 1 tên cướp trà trộn vào, tìm cách để giết hại 500 vị này, đoạt tài sản. Thái tử biết ý của hắn, nên khi hắn ngồi trên mạn thuyền, Thái tử liền đạp hắn rơi xuống biển. Tên cướp chết đi, nhưng cứu được 500 vị lái buôn đó.
Sau khi ngài thành Phật, chứng Lậu tận minh nhưng vẫn bị Đề Bà Đạt Đa cùng với A Xà Thế lăn đá làm chân Ngài chảy máu, nghĩa là có trả nghiệp nhưng rất nhẹ.
Khai giới ta có thể phạm, nhưng giá giới thì tuyệt đối không để phạm.
Vào thời Đức Phật, có một chú Sa di ôm bát đi khất thực, đi đến nhà anh thợ kim hoàng. Anh là thợ nổi tiếng nhất kinh thành, nên nhà vua sai anh làm chiếc nhẫn hột xoàn thật lớn để tặng cho hoàng hậu.
Một hôm, anh thợ đang giũa viên hột xoàn thì chú Sa di này đi khất thực ngang nhà, dừng lại. Thấy chú anh ta cung kính, vội vã để hột xoàn xuống, ra phía sau sớt một bát cơm, mang cúng dường cho chú. Chợt viên hột xoàn lăn xuống đất, con ngỗng nuôi trong nhà tưởng thức ăn, nên nuốt vào bụng. Khi anh thợ trở ra, thấy mất, anh hỏi chú Sa di có lấy hay không? Vì ở đó chỉ có chú Sa di thôi. Hỏi lần 1 chú Sa di nhắm hờ mắt, lần 2 nhắm mắt lại luôn, hỏi lần 3 anh ta không kiềm được lòng nên đánh chú. Chú nhịn và bị thương rất nặng. Con ngỗng lúc nãy, đột nhiên lăn ra chết. Chú Sa di cố mở mắt, nhìn thấy con ngỗng giãy chết, mới nói chú không có lấy, chính con ngỗng nó gắp rồi. Anh thợ lấy võng, đưa chú về tinh xá Trúc Lâm. Đức Phật không quở anh thợ kim hoàng và khen chú Sa di, thà chết vẫn giữ giới được thanh tịnh.
Giới gồm có danh, chủng, tánh và tướng.
Danh là danh từ – chẳng hạn như Phật tử có giới “nhất viết bất sát sanh”. Ta gọi đó là danh, danh từ của giới “bất sát”. Chủng là chủng loại, các Phật tử được thọ 5 giới và các vị phát tâm xuất gia trong một ngày một đêm thì lãnh thọ thêm 3 giới nữa, là 8 giới (Bát Quan Trai giới).
Cho nên chủng loại của hàng Tỳ kheo 250 giới là khác, còn Tỳ kheo ni 348 giới lại khác. Do chúng ta có sai phạm Phật mới chế, chư Tăng chúng tôi chỉ sai phạm 250 điều nên chỉ có 250 giới vậy thôi. Chúng ta quán xét biết Phật thương đồng như nhau, chứ đâu phải thương nhiều thương ít. Đây là chủng loại để cho những vị đó phải thọ nhận, gọi là danh, chủng, tánh và tướng. Bản thể của tánh giới rất là thanh tịnh. Với tướng giới, khi thọ giới có tên gọi cụ thể để giữ gìn vì đó mà các hành giả chúng ta thọ giới.
Phần tất yếu giới luật, gồm:
1. Thể tánh đồng nhất.
2. Tám hạng Tỳ kheo.
3. Định cọng giới và đạo cọng giới.
4. Nguyên nhân Phật chế giới.
5. Mười lợi ích của việc chế giới.
1. Thể tánh đồng nhất.
Phật dẫn dụ thể tánh đồng nhất của nước biển và nước mắt là cùng mặn, máu cùng đỏ cho nên đi khắp năm châu bốn biển này, bất cứ nơi nào, châu Phi, châu Mỹ, châu Úc, châu Âu, châu Á dù màu da khác nhau nhưng máu vẫn đỏ, cho nên thể tánh đó gọi là “thể tánh đồng”. Nhưng còn có “thể tánh dị biệt” người châu Á nhỏ con, còn người Mỹ to con… quốc độ khác cũng vậy. Đó gọi là “dị biệt”. Người đã thọ giới Tỳ kheo, Tỳ kheo ni dù mới thọ, hay thọ đã lâu nhưng thể tánh đồng nhất. Tức là thể tánh của chúng ta đồng như nhau hết, chứ không khác gì hết, chỉ có thể dị biệt là khác nhau.
2. Tám hạng Tỳ kheo.
Các hành giả nên nhớ, vào thời Đức Phật chỉ có một dạng Tỳ kheo là Thiện lai Tỳ kheo. Những bậc này gọi là người có trí tuệ nên có duyên gặp Phật, còn tôi và các hành giả thì chưa gặp. Và trong 8 hạng Tỳ kheo này tôi xin nêu từng hạng để trình bày với đại chúng.
Thứ nhất: Danh tự Tỳ kheo là tên do người thế gian gọi chứ không phải Tỳ kheo thật vì không thọ giới Cụ túc.
Thứ hai: Tương tợ Tỳ kheo là người cạo bỏ râu tóc mà không thọ giới.
Thứ ba: Tự xưng Tỳ kheo là người cũng cạo bỏ râu tóc rồi mặc áo Ca sa trà trộn trong hàng ngũ xuất gia, tự xưng Thích tử. Trong Phật giáo gọi là tặc trụ.
Thứ tư: Khất thực Tỳ kheo là người cũng mặc áo Ca sa khất thực, lạm xưng Thích tử, nhưng kỳ thực là ngoại đạo hay cư sĩ, không giữ gìn Giới luật.
Thứ năm: Thiện lai Tỳ kheo là khi Phật còn tại thế, bậc lợi căn đến xin xuất gia. Phật gọi “Thiện lai Tỳ kheo” tiến tu phạm hạnh để diệt khổ, tức thời râu tóc được phép tự rụng, y Ca sa dính vào mình đúng Luật, trở thành Tỳ kheo.
Thứ sáu: Trước Ca sa Tỳ kheo là 3 y của Tỳ kheo cắt dọc từng miếng may lại và nhuộm màu hoại sắc mà mặc, như ngoại đạo người thế tục cũng xưng là Tỳ kheo, kỳ thực không phải Tỳ kheo.
Thứ bảy: Phá kiết sử Tỳ kheo. Tất cả phiền não ràng buộc, làm cho chúng sinh phải trôi lăn trong 3 cõi. Nếu xuất gia có thể đoạn trừ được phiền não ấy thì chứng quả A la hán, liền đặng Cụ túc giới.
Thứ tám: Bạch tứ kiết ma Tỳ kheo. Nếu có người muốn xuất gia, họ đối trước chúng Tăng ba phen cầu khẩn. Chúng Tăng mới một lần bạch, 3 lần kiết ma truyền giới Cụ túc, gọi là bạch tứ kiết ma. Một lần thưa, ba lần hỏi (biểu quyết).
3. Định cọng giới và đạo cọng giới.
Ngoài Biệt giải thoát giới có Định cọng giới và Đạo cọng giới. Đức Phật Thích Ca thành đạo, 12 năm đầu, các hàng đệ tử của Phật chỉ theo pháp mà tu hành, trong đó tu thiền định là chính, tu trí tuệ là thứ. Đạo cọng giới thuộc về trí tuệ; Định cọng giới thuộc về thiền định. Tu hai pháp ấy mà vẫn ngăn được tội ác để thành tựu được giới.
4. Nguyên nhân Phật chế giới.
Thật ra tất cả giới hôm nay tôi, các hành giả, các Phật tử thọ nhận đều có nguyên nhân để Phật chế.
Trong 12 năm đầu, Phật chỉ áp dụng pháp Lục hòa (thân, khẩu, ý, giới kiến và lợi). Tức chúng ta thương yêu giúp đỡ nhau, ở chung nhau, lời nói nhẹ nhàng không nặng nề, tâm ý lúc nào cũng hòa nhã, thì cái đó chỉ cho thân khẩu ý. Còn giới kiến đại: Giữ giới mà chưa chế giới thì là giới gì. Tức lấy pháp lực của thế gian và đồng thời Đức Phật nói phương pháp để sau này chúng ta ứng dụng. Chúng ta nên thấy biết những gì lợi cho mình, cho mọi người thì nên chia sẻ. Tiếp theo, tài vật trong Tam bảo, phải có sự phân chia cho đều gọi là lợi hòa đồng quân. Nhưng thật ra lợi hòa đồng quân này đức Phật chế ra rất kỹ vì phải có thượng, trung, hạ tọa không phải chúng ta là bậc trung tọa, hạ tọa lại muốn sánh ngang với vị Hòa thượng hay vị Trụ trì.
Một lần ngài Xá Lợi Phất thưa với Đức Phật: “Bạch đức Thế Tôn, sau khi Như Lai diệt độ chúng con làm gì để chánh pháp của đức Như Lai còn tồn tại lâu dài”. Nghĩa là, Xá Lợi Phất thưa với Phật sau khi Đức Phật diệt độ muốn cho chánh pháp tồn tại mãi mãi thì phải nương tựa vào ai, hay sống với cái gì? Thế Tôn dạy: “Đức Phật nào mà có nói giới, nói pháp chúng đệ tử nhờ đó để tu hành làm cho chánh pháp cửu trụ khi Như Lai diệt độ”. Khi ấy Tôn giả Xá Lợi Phất thưa với Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, tại sao con không thấy Thế Tôn chế giới mà chỉ nói pháp?”
Ngài dạy: “Này Tôn giả, ta biết phải làm gì, chưa tới thời nên ta chưa chế giới. Khi nào trong Tăng chúng có việc gì danh lợi và hữu lậu xảy ra thì Như Lai mới chế giới.”
Vì thế 12 năm đầu chưa xảy ra chuyện gì cấu uế nên Ngài chưa chế giới.
Khi Phật chuẩn bị nhập Niết bàn, tất cả mọi người suy nghĩ này suy nghĩ kia, chỉ có Ngài A Nan khóc hoài, nên các vị Xá Lợi Phất, hay Ngài Ca Diếp nói: “Phật chuẩn bị nhập Niết bàn sao ông không hỏi những điều gì cần để sau này cho Tăng đoàn tu tập, chúng Tăng tu tập”. Nhờ đó A Nan mới hỏi: “Khi Phật nhập Niết bàn chúng con nương tựa vào ai để làm Thầy”, Đức Phật nói: “Sau khi ta nhập Niết bàn các người cứ lấy giới luật của ta làm Thầy”.
5. Mười lợi ích của việc chế giới.
Đức Phật chế giới để kiềm chế tâm vọng động của mình chứ không phải để ràng buộc.
Khi HT Trí Thủ làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Ngài trú tại Già Lam, lúc đó chúng tôi học khóa Cao đẳng tại đó. Mỗi đêm Hòa thượng đều lạy sám hối, mỗi Thầy đọc một danh hiệu Phật. Chẳng hạn tôi đọc “Thích Ca Mâu Ni Phật”. Mà tối hôm đó không nghe ai đọc “Thích Ca Mâu Ni Phật” thì biết Thầy Hỷ vắng.
Lúc đầu chúng tôi giải đãi nhưng thấy Hòa thượng lớn tuổi còn lên tu tập, mình tuổi thanh niên làm vậy sao được. Ngài đúng là tấm gương sáng, được biết việc hành trì thời khóa của Hòa thượng Trụ trì ở đây được đại chúng hoan hỷ, tôi cảm thấy hoan hỷ. Thật tốt vô cùng. Chúng ta thấy, phương cách nhiếp phục tâm ý đại chúng của người đứng đầu mình, người lãnh đạo vô cùng quan trọng.
Thứ 1, nhiếp thủ ư Tăng. Khi có giới luật nhiếp hóa tâm mình thì tất cả bổn đạo hay đại chúng nhìn vào đạo sẽ thấy đại chúng của mình rất thanh tịnh, vì tất cả chúng ta lấy giới luật nhiếp hóa.
Thứ 2, linh Tăng hoan hỷ. Vì tu hành phạm hạnh, nên được thiện tâm tăng trưởng khiến được hoan hỷ đối với nhau. Chúng ta có được giữ gìn giới luật thì có lợi ích đó.
Thứ 3, linh Tăng an lạc. Tức là đồng giữ giới với nhau nên chúng ta ở rất thanh tịnh và an lạc. Vì hoan hỷ được an lạc nên tâm luôn định tĩnh. Đi đâu, làm gì chúng ta cũng luôn an định, chánh niệm.
Muốn đi vào bản thể thanh tịnh chân như, thì chúng ta phải giữ 3 nghiệp thanh tịnh, phải “thâm tín Phật ngôn, hằng niệm phật”.
Thứ 4, linh vị tín giả tín. Khiến cho người chưa có lòng tin đối với Tam bảo khi thấy chư Tăng tu hành phạm hạnh mà sanh lòng tin.
Thứ 5, dĩ tín giả linh Tăng. Đối với người đã tin khiến lòng tin của họ thêm tăng trưởng, tức là lúc đầu ta tin ít, đến khi biết niệm Phật ta tin sâu. Mà tin sâu thì chúng ta phải có tín tâm (tin sự, tin lý, tin nhân, tin quả). Niệm Phật chẳng mong Phật ban ơn, vì điều này là mê tín, là thành kính mà mê tín. Chúng ta phải biết mình niệm Phật là nhân, đến cõi Tịnh là quả, nhân quả rõ ràng. “Dĩ tín giả linh Tăng” đặc biệt đối với người đã tin rồi khiến lòng tin của họ tăng trưởng lên, tin để tu tập chuyển hóa thành Phật, mới là lòng tin kiên cố.
Thứ 6, năng điều giả linh điều. Người khó điều phục khiến họ điều thuận.
Thứ 7, tàm quý giả đắc an lạc. Khiến người biết hổ thẹn được an vui. Người tu chúng ta phải có tàm quý, phải biết hổ thẹn. Sự hổ thẹn thể hiện ở việc sám hối hàng tháng. Lạy sám hối rồi mà còn nhiều sân, si là mình nói dối Phật. Có tàm quý là biết sửa đổi xấu thành tốt, sai phạm sửa thành hết sai.
Thứ 8, là đoạn hiện tại hữu lậu. Đoạn diệt phiền não ở hiện tại. Không được có suy nghĩ kiếp này tôi làm không được, để kiếp sau tôi làm tiếp, điều này rất sai lầm.
Thứ 9, đoạn vị lai hữu lậu. Đoạn diệt hết vị lai. Nhân phiền não hiện tại chúng ta đoạn trừ thì vị lai không có nữa.
Thứ 10, linh chánh pháp chú. Vì tu phạm hạnh nên chánh pháp tồn tại lâu dài. Giáo lý Đức Phật cách chúng ta 2564 năm mà đến nay vẫn còn tồn tại, càng ngày càng phát triển nhờ chúng ta quý trọng, thực hành đời sống phạm hạnh.
Giới luật dành cho hàng xuất gia và tại gia, những đệ tử của Đức Phật thọ trì để mang đến an lạc cho bản thân và cho xã hội. Do đó, công đức hành trì giới luật rất là thù thắng.
HT. THÍCH NHẬT HỶ