Đức Thế Tôn ra đời vì một đại sự nhân duyên, mục đích khai thị ngộ nhập Phật tri kiến cho chúng sanh để vượt ra khỏi sanh tử luân hồi đến bến bờ giải thoát. Đức Phật Thích Ca đã từng nói “Nước trong bốn biển đều có một vị mặn, cũng như thế giáo lý của ta chỉ có một vị, đó là vị giải thoát”. Vì vậy trong hầu hết các kinh điển của Đức Phật đều nói đến con đường giác ngộ và giải thoát. Mà con đường ấy đòi hỏi ở mỗi hành giả phải nổ lực tự thân tu tập. Dù Đức Phật dạy có đến 8 vạn 4 ngàn Pháp môn, nhưng tu pháp môn nào thì cũng phải tự mình n ổ lực, có thế mới thành tựu đạo quả giải thoát. Chỉ duy nhất đối với pháp môn Tịnh độ ngoài tự lực ra còn có sự tha lực hộ niệm của Đức Phật A Mi Đà.
Pháp môn Tịnh độ là một trong những pháp môn tu tập phổ biến nhất đối với Phật tử của các nước tu tập theo Phật giáo Bắc Truyền. Trong đó phổ biến nhất đối với các Phật tử tại nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam…
Riêng nước ta thì nói đến Phật giáo, thì không ai không biết đến sự phát triển bền vững của Thiền Tông, đã trải qua bao thế kỷ và trở thành nét văn hóa Phật giáo đặc trưng đã đồng hành cùng dân tộc. Trong đó, sâu sắc nhất là Thiền phái Trúc Lâm do Phật Hoàng Trần Nhân Tông khai sáng. Nhưng trong đó, đối với Tịnh độ Tông cũng được song hành phát triển mạnh mẽ bởi những vị Tổ sư tu hành thâm sâu của hai giáo lý và hành trì theo lối thiền tịnh song tu. Tuy nhiên, Tịnh độ chuyên nhất về sau mới được phổ cập rộng rãi. Đặc biệt là thời điểm sau đầu thế kỷ XX, trọng điểm mạnh mẽ nhất là lúc Sư ông Vạn Đức khởi xướng Hội Cực Lạc Liên Hữu. Từ đó, Tịnh độ được xiển dương với tông chỉ và phương thức hành trì rõ ràng.
Giáo lý của Pháp môn Tịnh độ đã có từ khi đức Phật tại thế, sau này đã trở thành một trong những pháp môn tu tập phổ biến đối với các Phật tử tại nhiều nước trên thế giới. Nhìn về lịch sử phát triển Phật giáo từ thời nguyên thủy, pháp môn Tịnh độ đều chú trọng đến tự lực cùng với tha lực. Vì vậy, Tịnh độ trở thành một đường lối tu tập phổ biến, đáp ứng nhu cầu tâm linh, hướng về đời sống an vui giải thoát của đông đảo số đông. Nói đến Tịnh độ, mọi người thường nghĩ đến cảnh giới Tây phương Cực Lạc trang nghiêm, nơi đó có Đức Phật A Mi Đà và chư Thánh chúng. Nhưng thực chất, ngoài cõi Tịnh độ của Đức Phật A Mi Đà thì còn có cõi Tịnh độ khác của mười phương chư Phật. Tuy nhiên, trong các kinh điển thường đề cập đến bốn cõi Tịnh độ là: Tịnh độ Di Lặc, Tịnh độ Dược Sư, Tịnh độ A Súc Phật và Tịnh độ A Mi Đà.
Tư tưởng của Tịnh độ xuất phát từ thời nguyên thủy, ngay thời Đức Phật còn tại thế, những hình thành rõ nét được thể hiện trong kinh điển Đại thừa như kinh Hoa Nghiêm, kinh Diệu Pháp Liên Hoa… Trong hệ thống kinh Bát Nhã đại thừa, ta thấy kinh Hoa Nghiêm có nói đến Thiện Tài Đồng Tử đi về phương Nam tham học thầy Tỳ kheo Công Đức Vân, có nói rõ việc niệm Phật tam muội. Trong phẩm Nhập Pháp Giới của kinh Hoa Nghiêm có nói: “Bồ Tát Quang Minh dùng chánh định tam muội quan sát thấy tất cả chư Phật và quyến thuộc của Ngài ở cõi Phật trang nghiêm, thanh tịnh đạt được hư không đẳng niệm Phật tam muội môn, thấy thân Như Lai chiếu khắp giới”. Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Dược Vương Bồ Tát có nói: “Sau khi Như Lai diệt độ, 500 năm sau, nếu có người nữ nghe kinh điển này, đúng như lời mà tu hành, thời khi ở đây chết liền qua cõi An Lạc, chỗ trụ xứ của Đức Phật A Mi Đà cùng chúng đại Bồ tát vây quanh, mà sanh trên tòa báu trong hoa sen.” Pháp môn Tịnh độ chủ trương niệm Phật, quán tưởng đức Phật A Mi Đà và sự thù thắng, trang nghiêm của cõi Cực Lạc bằng tự lực phát khởi tín, nguyện, hạnh tương ứng với bản nguyện của đức Phật A Mi Đà. Ngoài ra hành giả còn phải nhờ đến Phật lực để tiếp dẫn vãng sanh về Cực Lạc thế giới trong trạng thái nhất tâm bất loạn.
Tín là chánh tín, tín tâm, tin sâu lời Phật dạy. Phật dạy có 4 chơn lý sanh, già, bệnh, chết. Sanh ra khổ nên khóc. Khi già đầu bạc da nhăn, mắt mờ, tai điếc là khổ; khổ khi bệnh đau nhức; khổ khi sắp chết, mắt trợn, tay chân co giật, hơi thở dồn dập. Đa phần số nhiều là như vậy. Qua đó, chúng ta có thể suy nghiệm cõi Ta Bà này là khổ, chúng ta đang sống do cộng nghiệp. Vì vậy, Đức Phật A Mi Đà lúc chưa thành Phật, Ngài hiệu là Pháp Tạng Tỳ kheo tu theo hạnh Bồ Tát đã phát ra 48 đại nguyện dẫn dắt chúng sanh giải thoát sanh tử luân hồi, mạng chung vãng sanh về cõi Cực Lạc an vui. Điều kiện thiết yếu căn bản nhất là chúng ta phải có lòng tin sâu chắc, nếu còn nghi thì hoa không nở. Phải tin chắc rằng, vì lòng từ bi, Đức Phật Thích Ca dạy chúng ta những lời trong kinh đều chân thật. Những người ngay thẳng còn không nói dối đặt chuyện gạt ai, huống chi Luật Phật cấm vọng ngữ, lẽ nào Đức Phật dối gạt chúng ta. Phải tin chắc rằng: Ngoài thế giới chúng ta vẫn sống đây, chắc chắn có thế giới Cực Lạc, có nhiều điều vui do Đức Phật A Mi Đà làm giáo chủ. Phải tin chắc rằng: ta là phàm phu nhiều nghiệp chướng, không thể chỉ nương cậy vào sức mình để thoát sinh tử ngay trong một kiếp nầy, phải nhờ Phật giúp. Phải tin chắc rằng Đức Phật Mi Đà có lời thề nguyện rộng lớn, nếu chúng sanh nào niệm danh hiệu ngài thì nhất định được vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc.
Nghĩa là thệ nguyện. Tu Tịnh độ mà không dám nhứt tâm thệ nguyện cầu vãng sanh Tây phương Cực Lạc thì khó mà thành công. Nếu thệ nguyện một lòng, một dạ, không dời đổi chí nguyện vãng sanh của mình mới bền vững
Hạnh là thực hành danh hiệu của Phật một cách chuyên tâm nhất, nói cách khác là phải hành trì niệm danh hiệu Phật A Mi Đà liên tục và thành tâm. Khi đi, đứng, nằm, ngồi đều có thể trì niệm.
Ngoài ra còn đặt trên nền tảng giới luật để hành trì, vì giới là cơ sở, nền tảng của mọi pháp. Nếu không giới luật thì không gì phòng hộ (giới như áo giáp có thể giúp chúng ta thoát khỏi đau kiếm của quân ma). Nếu hành giả không tinh tấn thì không thể nào thẳng tiến trên con đường tu tập, làm sao nói đến sự giải thoát. Đối với người tu chúng ta phải lập cho mình một thời khóa biểu để tăng thêm sự hành trì ngoài những thời khóa cùng đại chúng và chùa đã quy định.
Duyên lành thay, con được xuất gia tu học ở ngôi đại Già lam Vạn Đức. Nhờ hồng ân và sự dẫn dắt của Hòa thượng Trụ trì đã che chở và tạo mọi điều kiện giúp cho chúng con được vững vàng hơn trên con đường tu tập. Tuy Người ít nói nhưng người đã dùng thân giáo mà dạy dỗ đại chúng qua mọi hành động; cụ thể nhất là tham gia đây đủ mọi thời khóa tu tập hằng ngày của Đại chúng. Còn đối với Cố Hòa thượng Ân sư thượng Trí Hạ Tịnh, một bậc tòng lâm thạch trụ, người được mọi người tôn kính như là Sơ tổ Tịnh độ Việt Nam. Khi còn sinh tiền, Ngài đã soạn ra bài Kệ Niệm Phật, để lại pháp ngữ vô vàng quý giá cho hàng hậu thế chúng con:
Kệ rằng:
“Một câu A Mi Đà
Không gấp cũng không hưỡn
Tâm tiếng hiệp khắc nhau
Thường niệm cho rành rõ.
Nhiếp tâm là định học
Nhận rõ chính huệ học
Chánh niệm trừ vọng hoặc
Giới thể đồng thời đủ.
Niệm lực được tương tục
Đúng nghĩa chấp trì danh
Nhất tâm Phật hiện tiền
Tam muội sự thành tựu.
Đương niệm tức vô niệm
Niệm tánh vốn tự không
Tâm làm Phật là Phật
Chứng lý pháp thân hiện.
Nam mô A Mi Đà
Nam mô A Mi Đà
Cố gắng hết sức mình
Cầu đài sen thượng phẩm.”
Bài kệ giúp chúng con ghi nhớ mỗi ngày để ứng dựng thực hành theo lời dạy của Sư ông. Hòa thượng Trụ trì đã đưa bài kệ này vào nghi thức kiết trai của thời trai đường sáng. Ngày ngày từng câu, từng chữ thấm vào trong tâm cang con, con hạnh phúc vì đã có kim chỉ nam, một hành trang vô giá trên con đường tu tập.
Cuối lời con kính niệm ân giáo dưỡng của Thầy Tổ và nguyện cố gắng tu tập, tinh tấn vững bền trong giáo pháp của Như Lai.
THÍCH HOẰNG KHIỂN