HỎI: Một lần đến chùa dâng hương, tôi đãvô tình giẫm đạp lên hình Phật và Bồ-tát in trên các nhãn hiệu hương rơi vãi trên đất. Tôi rất hối hận vì sự vô ý này, việc ấy có tội không, sám hối thế nào? Có giải pháp gì để chấm dứt thực trạng trên?
ĐÁP: Theo giới luật nhà Phật, để cấu thành các tội lỗi thì tác ý có vai trò rất quan trọng, tức bạn có sự cố ý, chủ động và quyết tâm làm việc đó. Ở đây, bạn hoàn toàn vô ý, không hề biết có hình Phật, Bồ-tát trong các nhãn hàng chưa được hỏa hóa thì tất nhiên sự sơ suất của bạn không mang tội.
Tuy vậy, ăn năn hối hận và tác ý sám hối về những sự sơ suất của mình là điều nên làm. Bởi lẽ, có nhiều trường hợp mình không cố ý nhưng vẫn gây tổn hại cho người khác. Dẫu bạn không phạm tội hủy Phật nhưng cũng nên thành tâm sám hối “lỗi” vô ý của mình.
Bạn nên quỳ trước tôn tượng Phật, Bồ-tát thành tâm khấn nguyện, trải lòng về những việc làm khinh suất của mình, mong Phật cùng Bồ-tát chứng giám lòng thành sám hối và hỷ xả cho. Hoặc bạn có thể trì tụng một bộ kinh, lễ lạy sám hối hồng danh, cúng dường góp phần chú tạo tượng Phật, ấn tống kinh sách hay làm một việc lành nào đó để niệm ân Phật cho tâm hồn thanh thản.
Để góp phần chấm dứt việc vô tình giẫm đạp lên các nhãn hàng hương đèn có in hình Phật hoặc Bồ-tát, trước mắt, hễ nhìn thấy hình ảnh Phật, Bồ-tát (trong sách báo hay các nhãn hiệu hương đèn) vương vãi thì chúng ta nên nhanh chóng gom nhặt và đem đốt cháy hoàn toàn.
Về lâu dài, Giáo hội cần kiến nghị với các ban ngành chức năng nghiêm cấm việc lấy hình tượng Phật, Bồ-tát làm nhãn mác cho các sản phẩm hàng hóa. Song hành với kiến nghị, Giáo hội và Phật tử cần mạnh mẽ, đoàn kết và nhanh chóng lên tiếng phản đối, thậm chí kêu gọi tẩy chay các loại hàng hóa có nhãn mác xúc phạm sự tôn nghiêm của Phật giáo.
Nguồn: giacngo.vn