HỎI: Chồng tôi là Phật tử tu tập theo tông Tịnh Độ, đọc nhiều kinh luận. Tuy nhiên, mỗi khi có việc gì bất như ý anh thường hay sân hận, không kiểm soát được cơn giận. Anh đã nói những lời gây đau khổ cho vợ con, thậm chí còn chửi thề. Thế nhưng anh ấy hay nói Phật A Di Đà sẽ tiếp dẫn, anh sẽ được đới nghiệp vãng sinh. Tôi nói chừng nào anh có thể kiểm soát được cơn giận thì Phật mới tiếp dẫn. Anh ấy nói người mang trọng tội còn được đới nghiệp vãng sinh huống chi anh chỉ có sân hận. Kính mong quý Báo giải thích giúp, nếu người còn sân hận như vậy thì có được đới nghiệp vãng sinh không?

ĐÁP:

Theo giáo lý của Tịnh Độ tông, điều kiện để thành tựu vãng sinh phải đủ Tín thâm, Nguyện thiết và Hạnh chuyên. Hòa thượng Tịnh Không, bậc cao tăng của Tịnh tông thời hiện đại đã khái quát: Vãng sinh cần phải có hai điều kiện. Điều kiện thứ nhất là lòng tin phải chân thật, tâm nguyện phải thiết tha, gọi là “chân tín, thiết nguyện”. Điều kiện thứ hai là “Buông xuống vạn duyên”. Đầy đủ hai điều kiện này chắc chắn được vãng sinh! Thiếu một trong hai điều kiện này chưa chắc vãng sinh được (Sách Nhìn thấu là trí tuệ chân thật, Minh Trí và Mẫn Đạt chuyển ngữ).

Theo kinh A Di Đà, muốn vãng sinh cần niệm Phật đạt nhất tâm bất loạn từ một ngày cho đến bảy ngày. Kinh còn nhấn mạnh, “Không thể lấy chút ít nhân duyên phước đức căn lành mà được sinh về cõi nước kia”. Ý nói nếu người niệm Phật chưa được nhất tâm bất loạn, lại thêm căn lành cạn cợt, phước đức thiếu kém thì không thể sinh Tịnh độ.

Kinh Quán vô lượng thọ nói muốn sinh về cõi nước Cực Lạc phương Tây, phải tu ba phước tịnh nghiệp: 1- Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu mười thiện nghiệp. 2- Thọ trì Tam quy, đầy đủ các giới, không phạm uy nghi. 3- Phát Bồ-đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng kinh điển Đại thừa, khuyến tấn người tu hành. Có ba loại chúng sinh sẽ được vãng sinh: 1- Từ tâm bất sát, đủ các giới hạnh. 2- Đọc tụng kinh điển Đại thừa Phương đẳng. 3- Tu hành lục niệm (niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên) hồi hướng phát nguyện nguyện sinh cõi nước Cực Lạc.

Nói chung, về đại thể, giáo điển Tịnh Độ tông nghiêng nặng về chủ trương tiêu nghiệp vãng sinh. Ngoài tiêu nghiệp vãng sinh, Tịnh Độ tông còn có thuyết đới nghiệp vãng sinh. Đới nghiệp vãng sinh có nghĩa mang theo nghiệp mà vẫn được vãng sinh về Hạ phẩm hạ sinh của Cực lạc, nhờ nương vào nguyện lực của Phật A Di Đà. Kinh Vô lượng thọ chép: “Muốn cầu sinh Tịnh độ của Phật A Di Đà, cho đến chỉ cần niệm danh hiệu Phật mười lần, nhất định được vãng sinh, đó là nhờ nguyện lực gia trì của Phật A Di Đà”. Theo thuyết này, đối tượng được đới nghiệp vãng sinh khá rộng rãi, thậm chí cả phạm ngũ nghịch và thập ác.

Tuy được đới nghiệp vãng sinh nhưng phải “ở trong hoa sen trụ mãn 12 đại kiếp, hoa khai được thấy hai vị Đại Bồ-tát là Quan Âm và Thế Chí, vì người ấy mà rộng nói thật tướng các pháp, sám hối để trừ diệt tội chướng”. Và như thế, vị đới nghiệp vãng sinh ở Hạ phẩm hạ sinh phải sám hối liên tục, khiến cho nghiệp lực dần tiêu trừ, cho đến ngày hoa sen nở ra mới được chuyển sinh lên các phẩm cao hơn.

Trở lại vấn đề, người chồng của bạn tuy có đọc nhiều kinh luận mà không hiểu được thâm ý của Phật, Tổ. Tin vào đới nghiệp vãng sinh mà chưa hiểu thật lý để nỗ lực tu hành tịnh hóa ba nghiệp. Hiện tại chúng ta đang có đầy đủ thắng duyên mà không cố gắng trau dồi tịnh nghiệp, vậy chẳng có gì hay khi ôm khối nghiệp sân hận vào hạ phẩm hạ sinh rồi phải tinh chuyên sám hối trong thời gian rất dài cho đến khi tiêu nghiệp. Nhân quả luôn rõ ràng, sân hận là một trong ba độc, là căn bản phiền não, đã tạo nghiệp thì không sớm cũng muộn phải sám hối cho tiêu sạch nghiệp này. Sao ngay bây giờ, ta không mạnh dạn thừa nhận khiếm khuyết của mình để sám hối, để chuyển nghiệp và tự thăng hoa mà vãng sinh vào các phẩm vị cao hơn.

Mặt khác, chưa nói đến chuyện sau khi chết sẽ sinh vào đâu, ngay trong đời sống hiện tại, nhân cách một người chồng, người cha chưa trọn cùng với sự cố chấp không chịu sửa sai, ỷ lại vào tha lực một cách mù quáng là tâm thái và cách hành xử không nên có của người tu Phật. “Tâm tịnh tức độ tịnh”, tu tập Tịnh độ đúng nghĩa thì cần phải xây dựng Tịnh độ nhân gian trước khi sinh về Tịnh độ Phật quốc.

Người tu Tịnh độ, thiết nghĩ nên tham cứu về quan điểm đới nghiệp vãng sinh của Nguyên Âm Lão Nhân: “Trong kinh nói Đẳng giác Bồ-tát còn có một phần vô minh sau cùng chưa đoạn tận. Phần vô minh ấy chẳng phải là nghiệp sao? Đẳng giác Bồ-tát còn mang nghiệp, thì ai có thể một đời chứng đắc Đẳng giác Bồ-tát? Mang một chút dư nghiệp để vãng sinh, phải chăng là đới nghiệp vãng sinh? Thế nên nói đới nghiệp vãng sinh là chính xác, chẳng qua chỉ hiểu lầm hàm ý, ngộ nhận cho rằng niệm Phật cũng có thể làm vài việc ác và nhất định có thể đới nghiệp vãng sinh” (Phật pháp tu chứng tâm yếu).

Nguồn: giacngo.vn