GNO – Chiều nay, 12-10-2020 (26-8-Canh Tý), chư tôn đức Ban Tổ chức và đại diện các điểm truyền giới thuộc Đại giới đàn Huệ Hưng PL.2564 do Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tổ chức đã về tu viện Huệ Quang – Q.Tân Phú, thành kính đảnh lễ cung thỉnh di ảnh Trưởng lão HT.Thích Huệ Hưng về Tuyển Phật trường Việt Nam Quốc Tự.
Di ảnh cố HT.Thích Huệ Hưng tại tu viện Huệ Quang
HT.Thích Lệ Trang, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Nghi lễ GHPGVN TP và chư tôn đức đã thành kính đảnh lễ và khải bạch cung thỉnh.
Cung đón tại Việt Nam Quốc Tự có Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Trưởng ban Trị sự Phật giáo TP, Trưởng ban Tổ chức Đại giới đàn cùng chư tôn đức giáo phẩm Ban Tổ chức và các giới tử.
Sau khi cung thỉnh di ảnh của Trưởng lão HT.Thích Huệ Hưng tôn trí trang nghiêm nơi lễ đường chính sẽ diễn ra lễ khai mạc sáng mai 13-10, chư tôn đức đã đảnh lễ an vị; sau đó từ Việt Nam Quốc Tự thỉnh, chư tôn đức cung thỉnh di ảnh ngài về 4 điểm truyền giới trong Đại giới đàn này là chùa Thanh Tâm, chùa Bửu Quang, tịnh xá Trung Tâm và tịnh xá Ngọc Phương.
Trưởng lão HT.Thích Huệ Hưng, bậc cao Tăng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, tôn danh của ngài được là tôn hiệu của Đại giới đàn năm nay, pháp húy Ngộ Trí, thế danh Nguyễn Thành Chẩm, thuộc dòng Thiền Lâm Tế đời thứ 39, là đệ tử Sư tổ Vạn An tại Sa Đéc.
Ngài sinh năm Đinh Tỵ (1917) tại làng Mỹ Thọ, quận Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, con trưởng trong gia đình có 7 người con túc duyên với Phật pháp, có 5 người (kể cả Hòa thượng) xuất gia, như quý Hòa thượng Thích Huệ Viên, Thích Minh Cảnh, quý Ni trưởng Thích nữ Như Trí, Thích nữ Như Diệu.
Từ nhỏ, ngài đã phát nguyện ăn chay trường, siêng năng niệm Phật, tụng kinh bái sám. Đến năm 21 tuổi (1939), được ngài Vạn An cho xuống tóc xuất gia; 3 năm sau được cho thọ Sa-di và năm 1942 được Hòa thượng Bổn sư cho đăng đàn thọ Tỳ-kheo Bồ-tát giới, trở thành bậc pháp khí Đại thừa, chuyên tâm ngày đêm tinh tấn phụng trì chánh giới, học kinh, luật.
Năm 1945, ngài đến học tại Phật học đường Lưỡng Xuyên – Trà Vinh, rồi vì tình hình chiến sự trong nước lúc bấy giờ, ngài trở về học với Hòa thượng Hành Trụ tại chùa Long An – Sa Đéc. Cuối mùa đông 1947, ngài cầu học với Hòa thượng Thích Trí Tịnh tại Phật học đường Liên Hải – Sài Gòn. Sau đó ngài giảng dạy và phiên dịch các kinh Duy Ma, Kim cang và các bộ kinh Đại thừa khác tại chùa Giác Nguyên, Ấn Quang; làm Phó Liên trưởng Hội Cực lạc Liên Hữu…
Năm 1957, Giáo hội Tăng-già Nam Việt mở khóa huấn luyện trụ trì “Như Lai sứ giả” tại chùa Pháp Hội do Hòa thượng Thích Thiện Hoa làm Trưởng ban và mời ngài đảm nhiệm Phó Trưởng ban kiêm Thơ ký.
HT.Thích Lệ Trang và chư tôn đức thành kính đảnh lễ và khải bạch cung thỉnh
Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng cung đón di ảnh tại Việt Nam Quốc Tự
Từ năm 1964, ngài được cung thỉnh làm giới sư Đại giới đàn Phật học đường Nam Việt chùa Ấn Quang, Đại giới đàn Việt Nam Quốc Tự, Phật học viện Cao đẳng Huệ Nghiêm, Đại giới đàn Huệ Quang – Mỹ Tho, Đại giới đàn Phước Huệ – Nha Trang, Đại giới đàn chùa Quảng Đức – Long Xuyên, Đại giới đàn Thiện Hòa chùa Ấn Quang, Đại giới đàn do Thành hội Phật giáo tổ chức (1988)…
Ngài khai sơn tu viện Huệ Quang, được cung thỉnh làm thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương GHPGVNTN, cử đảm nhiệm Tổng lý Hội đồng quản trị chùa Ấn Quang, được mời làm giáo thọ sư ở Phật học viện Cao đẳng Huệ Nghiêm, Hiệu phó đồng thời giảng dạy tại Trường Cao cấp Phật học VN cơ sở 2 tại TP.HCM, Trưởng ban Phật giáo chuyên môn của Viện Nghiên cứu Phật học VN…
Hòa thượng được suy cử chức vụ Phó ban Trị sự Thành hội kiêm Ủy viên Giáo dục Tăng Ni từ nhiệm kỳ I (1982), GHPGVN suy cử Trưởng ban Tăng sự T.Ư tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ II (1987) cho đến ngày viên tịch.
Di ảnh được tôn trí trang nghiêm tại lễ đường chính của điểm truyền giới Việt Nam Quốc Tự
Hòa thượng đã phiên dịch nhiều tác phẩm, như: Kinh Duy Ma Cật, Kim cang giảng lục, Lược sử Đức Lục tổ, Pháp môn tu chứng Lăng nghiêm đại định, Kinh Phật thuyết đương lai biến, Kinh Phật thuyết diệt tận, Tập tri kiến giải thoát, và công trình đang soạn dịch dang dở Kinh Phạm võng hiệp chú…
Cuộc đời hành đạo và hóa đạo của Trưởng lão HT.Thích Huệ Hưng rất bình dị, chân tu thật học, nghiêm trì giới luật, xiển dương Phật pháp bằng con đường giáo dục tại miền Nam. Ngài là bậc cao tăng, xứng đáng là một Luật sư Giáo thọ của Tăng Ni, bậc Thầy của nhiều thế hệ Phật tử Việt Nam thời hiện đại.
Hòa thượng thâu thần viên tịch ngày 28 tháng Giêng năm Canh Ngọ (1990); trụ thế 74 năm, 46 hạ lạp.
Nói về Trưởng lão HT.Thích Huệ Hưng, Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng, vị có mối đạo tình thâm giao với ngài cho biết ngài là chân tu được Đức Phật hộ niệm. Trong cuộc sống tu hành đến trọn đời của ngài có nhiều điều hơn người bình thường, tự tại và bình thản trước sự sống và cái chết, là biểu tượng đáng tôn kính, xứng đáng làm gương cho các thế hệ hôm nay cũng như mai sau soi vào để tinh tấn tu hành, dấn thân thực nghiệm tâm linh và phụng sự Chánh pháp.
Hình ảnh lễ rước di ảnh:
Nghi thức khải bạch, cung thỉnh di ảnh từ tu viện Huệ Quang
Đoàn xe cung thỉnh di ảnh
Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng và chư tôn đức chờ cung đón di ảnh
Tôn trí di ảnh tại lễ đường chính
Chư tôn đức các điểm truyền giới đảnh lễ thỉnh di ảnh
Đảnh lễ, thỉnh di ảnh về điểm truyền giới Bửu Quang
Điểm truyền giới tịnh xá Trung Tâm cung thỉnh
Thỉnh di ảnh về điểm truyền giới Thanh Tâm
Quảng Hậu
– Ảnh: Bảo Toàn
Cre: giacngo.vn