YẾU CHỈ PHÁP MÔN NIỆM PHẬT
Hòa thượng Thích Trí Tịnh
Nhân dịp đạo tràng Vạn Linh tổ chức khóa niệm Phật trong bảy ngày, kể từ ngày Khánh Đản Đức Phật A Mi Đà 17/ 11 đến 24/ 11 Quí Mùi. Do nhân duyên này, tôi đến đây cùng tất cả quý vị nói một vài điều liên quan đến pháp môn niệm Phật. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời cách đây hơn 2.500 năm, chỉ vì một mục đích duy nhất là muốn cho tất cả mọi người, tất cả chúng sanh, cũng như muốn cho tất cả chúng ta hiện nay thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, được giải thoát, an vui, tự tại. Vì sanh tử luân hồi là tất cả những sự khổ. Nghĩa là từ phàm phu mê muội này mà tu hành lên thành các bậc Thánh giác ngộ, giải thoát, tự tại.
Đức Phật Thích Ca ra đời, Ngài dạy rất nhiều pháp môn tu hành để giải thoát, trong những pháp môn đó có pháp môn Tịnh độ. Tu tập theo pháp môn này, sau khi bỏ báo thân ở nơi cõi trược uế được sanh về cõi thanh tịnh trang nghiêm, gọi là Tịnh độ. Còn cõi ta bà này Đức Phật gọi là uế độ, cõi của dơ xấu, của khổ não.
Trong những pháp môn sanh về cõi trang nghiêm Tịnh độ đó, có pháp môn niệm Phật, gọi là tưởng Phật. Nghĩa là mình nhớ, lấy trí tưởng tượng của mình để làm sao cho hình tượng Phật hiện ra. Cũng như mình thích hình tượng nào đó (như hình tượng Phật A Mi Đà là tu về pháp môn Tịnh độ), rồi nhớ nơi hình tượng đó để niệm làm sao trong trí tưởng của mình hiện ra hình tượng đúng như mình nhìn thấy, gọi là pháp môn Tưởng Phật Niệm Phật.
Lại có pháp môn gọi là Quán Phật Niệm Phật. Pháp môn này nghĩa là không phải thấy nơi hình tượng Phật, mà do trong kinh Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tả hình tướng tốt đẹp trang nghiêm của Đức Phật A Mi Đà, rồi mình lại nhớ những lời Đức Phật Thích Ca đã tả, đã dạy trong kinh để quán tưởng làm sao có hình tượng đó hiện ra trong trí của mình. Đó là cách thứ hai về niệm Phật.
Thứ ba là Đức Phật A Mi Đà có danh hiệu là A Mi Đà. Chúng ta nghe nói đến danh hiệu Phật A Mi Đà, chúng ta nhớ và niệm cho thuần, đó gọi là phương pháp Trì danh niệm Phật.
Mấy hôm nay, huynh đệ đã thực hành niệm Phật. Mỗi thời đều niệm “Nam mô A Mi Đà Phật”, đó là tu theo pháp môn Trì danh niệm Phật. Về kinh, theo lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói đến pháp môn này, thì quan trọng nhất là Phật Thuyết A Mi Đà kinh, thường gọi tắt là kinh A Mi Đà mà chúng ta đang tụng, trong đó, Đức Phật dạy về pháp môn Trì danh niệm Phật.
Đầu tiên, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni gọi ngài Xá Lợi Phất để chỉ dạy rằng: “Cách đây qua Tây Phương, trải qua mười muôn ức cõi Phật có cõi nước tên là Cực Lạc, trong cõi Cực Lạc đó có Đức Phật A Mi Đà, hiện tại Ngài đang thuyết pháp”. Trước hết, Đức Phật Thích Ca giải thích tại sao cõi đó gọi là Cực Lạc? Có tên Cực Lạc? Đức Phật giải thích: “Cõi Cực Lạc không có tất cả các sự khổ, mà người ở đó thường hưởng những sự vui, do đó nên gọi là Cực Lạc, nghĩa là cõi vui tột bậc”. Tại sao gọi là cõi vui tột bậc? Đức Phật diễn tả: “Nơi cảnh của cõi Cực Lạc gồm cả những hàng cây báu, thành núi báu, lan can, bao lơn báu. Tất cả đều dùng kim ngân, lưu ly, pha lê… làm thành. Cho nên, cõi đó gọi là Cực Lạc”. Ở cõi Cực Lạc, nhiều nơi có những ao báu. Tại sao gọi là ao báu? Vì những ao đó chẳng những rộng lớn mà nó làm thuần bằng kim ngân, lưu ly, xa cừ, mã não v.v… để xây thành. Dưới đáy ao có cát vàng huỳnh kim, nước ao đầy đủ tám công đức. Do đó, nên gọi là Cực Lạc.
Cõi Cực Lạc ngày và đêm trên trời (tức trên hư không) rơi xuống những bông hoa báu. Chúng ta ở đây, trên trời rơi nước xuống gọi là mưa. Ở Cực Lạc thế giới, trên trời rơi xuống những hoa báu. Những hoa đó, ai thấy đều vui, đều thích nên gọi là Mạn đà la hoa, và vì trên trời rơi xuống nên gọi là Thiên Mạn đà la hoa.
Sinh hoạt của người ở Cực Lạc thế giới nhiều việc chứ không phải một việc. Cõi đó đất bằng hoàng kim, nó tương tự như vàng 9999 ở đây. Hai việc trên, Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ nói tóm tắt. Nhưng ở các kinh khác, nói Cực Lạc thế giới có chỗ cõi đất bằng lưu ly, không phải chỉ một thứ hoàng kim. Đất của chúng ta ở đây bằng đất cát, sình bùn dơ bẩn; đất ở cõi nước Cực Lạc như vậy sạch sẽ. Từ sáng sớm, họ lựa những bông hoa rơi xuống, hoa nào đẹp nhất đựng trong vạt áo đi cúng dường mười phương chư Phật (trong kinh nói cúng dường mười muôn ức chư Phật không phải ít). Đến giờ ăn, các vị đó trở về đúng bữa không có trễ, ăn xong rồi đi kinh hành v.v… Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giới thiệu cho chúng ta việc sinh hoạt của người nơi cõi Cực Lạc tóm tắt như vậy.
Nhưng nếu mình suy nghĩ, thì thấy những vị nơi cõi Cực Lạc đối với mình thì họ đều thành bậc Thánh hết. Vì sao nói thành bậc Thánh? Bởi vì thần thông tự tại, họ đi cúng dường chư Phật mười phương rồi về đến cõi mình mà không trễ bữa ăn. Các huynh đệ nên suy nghĩ, mình ở đây tốc độ mau nhất là gì? Chỉ có một là ánh sáng, hai là điện. Đó là tốc độ mau nhất mà các nhà khoa học nói. Có nhiều hành tinh, ánh sáng từ hành tinh đó đến trái đất phải trải qua nhiều năm ánh sáng mới đến được (những hành tinh mà các nhà khoa học nói vẫn còn nằm trong phạm vi cõi ta bà này thôi).
Nhưng ở Cực Lạc, đem hoa cúng dường mười phương chư Phật (quốc độ khác nhau) mà đi và trở về nước không trễ bữa ăn, thì biết thần thông tự tại đến bậc nào (nó có thể là ngàn triệu lần mau hơn tốc độ ánh sáng; hàng triệu, hàng tỷ lần mau hơn tốc độ của điện). Vậy phải đến bậc Thánh mới có thần thông tự tại như vậy, thân phận phàm phu làm sao có thần thông tự tại đó được. Cho nên, người ở cõi Cực Lạc toàn những bậc Thánh. Vì thế, ai cũng mong được sanh về cõi đó.
Ở đây, là người phàm phu, ai rồi cũng bỏ thân này. Như tôi già rồi cũng phải chết, quý Phật tử cũng vậy, cũng già cũng chết. Có nhiều người không đợi đến già mà chết trẻ, chết rồi lại luân hồi có thân kế. Từ nơi phàm phu sanh về Cực Lạc tất nhiên thành bậc Thánh. Điều đó là ưu điểm bậc nhất trong các phương pháp Phật dạy từ phàm phu lên bậc Thánh.
Từ phàm phu lên bậc Thánh trong một thời gian ngắn. Như chúng ta chuyên niệm Phật thế này, một hoặc hai, hoặc năm năm, mười năm thì từ phàm phu có thể lên bậc Thánh, tất nhiên, đó là ưu điểm nhất của pháp môn Tịnh độ. Nếu như tu những pháp môn khác phải trải qua nhiều năm, nhiều kiếp, nhiều thân mới thoát được. Ở đây, phàm phu mà đến được Tu đà hoàn đã không phải dễ, dù Tu đà hoàn chỉ là bậc Thánh nhỏ không phải là bậc Thánh lớn.
Sau khi giải thích các ưu điểm của thế giới Cực Lạc như vậy, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giới thiệu Đức Phật A Mi Đà hiện tại đang ở cõi Cực Lạc. Thọ mạng Đức Phật A Mi Đà vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp. Nhân dân ở đó cũng đồng thọ mạng như vậy, cũng vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp. Cho nên, mình còn gọi Phật A Mi Đà là Vô Lượng Thọ Phật. Vô Lượng Thọ là sống lâu vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp. Phật Thích Ca giải thích danh hiệu Phật A Mi Đà còn một nghĩa nữa là Vô Lượng Quang, vì thân Đức Phật A Mi Đà luôn luôn tỏa sáng chiếu khắp cả mười phương không chướng ngại, do đó gọi là Vô Lượng Quang.
Danh từ A Mi Đà có hai nghĩa: Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ.
Vô Lượng Quang có nghĩa là ánh sáng của Phật A Mi Đà tỏa khắp mười phương, không phải như ánh sáng Đức Phật Thích Ca. Trong kinh nói ánh sáng thân Phật Thích Ca Mâu Ni (ra đời ở nơi thế giới của mình đây) chỉ có mấy tầm thôi (ánh sáng thường chứ không phải ánh sáng thần thông). Còn ánh sáng của Phật A Mi Đà chiếu khắp mười phương. Do đó, gọi là Vô Lượng Quang.
Về thọ mạng thì tuổi thọ vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp, cho nên có nghĩa là Vô Lượng Thọ.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lại sợ mình thắc mắc về thọ mạng của Phật A Mi Đà là vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp. Đức Phật A Mi Đà khi thành Phật ở cõi Cực Lạc, tính đến thời điểm Đức Phật Thích Ca nói pháp được bao lâu rồi? Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tự nói Đức Phật A Mi Đà từ khi thành Phật ở cõi Cực Lạc, đến khi Đức Phật Thích Ca nói pháp giới thiệu về Ngài thì đã mười kiếp. Kiếp số dài lớn lắm. Một kiếp như vậy có bao nhiêu triệu năm chứ không phải ít. Vì vậy, từ Đức Phật A Mi Đà thành Phật, đến khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giới thiệu thời gian là mười kiếp. Mười kiếp đó đối với thọ mạng, đời sống vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp thì chưa thấm vào đâu hết. Cho nên, bây giờ Đức Phật A Mi Đà vẫn ở Cực Lạc thế giới, đến vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp, Đức Phật A Mi Đà vẫn còn ở đó để thuyết pháp.
Nhân dân ở cõi Cực Lạc thọ mạng cũng dài lâu như vậy. Do đó, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mới tiếp tục chỉ dạy: “Người nào sanh ở cõi Cực Lạc thế giới đều là bậc Bất thối chuyển”. Trong kinh gọi là A bệ bạt trí, nghĩa là ai mà sanh về cõi đó đều là bậc A bệ bạt trí (bậc Bất thối chuyển). Sanh về đó rồi thì từ từ chứng Thánh quả, đầy đủ trí huệ, tu lần lên bậc Thánh, Đẳng giác, Diệu giác rồi thành Phật chớ không có ai lui sụt.
Đã sanh về cõi Cực Lạc rồi thì chắc chắn sẽ thành Phật. Cho nên, người được sanh về cõi đó không có tất cả sự khổ, chỉ hưởng điều vui (do đó gọi là cõi Cực Lạc), rồi một mực tiến tu lên để thành Phật, không có vấn đề ngưng lại hay thối lui. Do đó, ở cõi Cực Lạc đều là những bậc Bổ xứ Bồ tát, là những bậc sắp thành Phật, số đông không thể tính đếm, có thể dùng lời nói là vô lượng vô biên. Nhiều như vậy nên Phật Thích Ca nói người nào nghe đến đây, cũng như mình đang nghe được đó thì nên phát nguyện: “Nguyện sanh về cõi Cực Lạc”.
Tại sao Đức Phật dạy phát nguyện như vậy? Vì sanh về đó sẽ sống chung với những bậc Bổ xứ Bồ tát. Các bậc đó Phật gọi là chư Thượng thiện nhơn. Mình ở đây, ta bà này thấy sống lao xao. Già, trẻ, bé, lớn gồm đủ thứ chuyện, sống chung như vậy tiến tu trên đường đạo rất khó. Còn sống chung với các bậc Hiền, bậc Thánh thì lại dễ, do đó mới mau thành Phật. Ở cõi Cực Lạc không có sự già bệnh chết. Thọ sanh sang Cực Lạc thế giới tu tập để thoát khỏi sanh tử luân hồi và được Bất thối chuyển (tức không lui thối), tiến lên thành bậc Thánh, thành Phật. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói, nếu người nào nghe được kinh này thì nên phát nguyện sanh về thế giới Cực Lạc để được cùng với các bậc Thánh, Thượng Thiện nhơn sống chung một chỗ.
Đó là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khuyên chúng ta nên phát nguyện sanh về Cực Lạc thế giới.
Lần thứ nhất trong kinh A Mi Đà, Đức Phật Thích Ca nói được sanh về cõi Cực Lạc không phải tầm thường. Người thiện căn, phước đức ít, không sanh về được. Như vậy nghĩa là sao? Phải thiện căn phước đức nhiều mới được thọ sanh. Muốn có thiện căn phước đức nhiều thì phải làm gì?
Đức Phật Thích Ca nói: “Ai nghe đến danh hiệu Phật A Mi Đà rồi chuyên chấp trì”, cũng như quý vị mấy ngày qua niệm Phật đó, như vậy tất nhiên là được thiện căn phước đức nhiều. Nhưng niệm Phật mà được gọi là chấp trì danh hiệu cũng không phải thường, không phải chuyện dễ làm được!
Chấp trì nghĩa là sao? Nghĩa là nắm giữ hay cầm giữ. Thí dụ như hiện tại, quý vị nhìn lên đây thấy tôi bây giờ đang nắm cầm cái gì? Tôi đang nắm cầm cái mão, và cái mão dụ cho danh hiệu Phật A Mi Đà. Bây giờ tay tôi chỉ còn nắm cầm cái mão, ngoài cái mão không còn nắm cầm cái gì hết. Nếu cầm vạt áo mà quý Phật tử nói tôi đang cầm nắm cái mão thì đâu có được phải không? Cái mão này tỷ dụ cho danh hiệu Phật A Mi Đà. Cũng tương tự như vậy! Nếu trong tâm mình đang niệm Phật mà còn niệm nào khác thì không thể nói là niệm Phật (như ở đây tôi đang cầm cái mão chung với cái vạt áo thì không thể gọi là chỉ cầm giữ cái mão được). Cho nên, tiếng chấp trì thực hành cũng khó lắm chứ không phải dễ, nghĩa là một thứ thôi. Chấp trì danh hiệu Phật chỉ là một thứ danh hiệu Phật thôi. Nếu trong tâm mình có một cái tưởng, hoặc một niệm, một suy nghĩ gì khác, đâu thể gọi là chấp trì. Như tay tôi như vầy thì gọi là chấp trì cái mão, mà bây giờ lại thêm vạt áo nữa thì không thể nói chấp trì cái mão được, có phải vậy không?
Khó chớ không phải dễ đâu! Việc làm từ phàm đến Thánh đâu phải chuyện thường, phải tinh tấn cố gắng nhiếp tâm. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy, nếu mình nhiếp trì danh hiệu Phật được từ một ngày, hai ngày đến sáu ngày, bảy ngày thì được nhất tâm bất loạn, gọi là Niệm Phật tam muội, là chánh định. Người như vậy, lúc sắp lâm chung sẽ được Phật A Mi Đà cùng với Thánh chúng hiện đến trước người đó. Người đó thấy Phật cùng với Thánh chúng thì chánh niệm hiện tiền, được vãng sanh về Cực Lạc thế giới (nghĩa là bỏ thân này liền sanh về Cực Lạc).
Việc làm từ phàm đến Thánh, từ khổ đến vui mà tóm tắt mau lẹ như vậy nên Đức Phật Thích Ca nói đó là một điều lợi lớn. Cho nên, Đức Phật khuyên tất cả mọi người đều nên phát nguyện sanh về cõi Cực Lạc. Đó là lời khuyên phát nguyện lần thứ hai trong kinh A Mi Đà.
Lần thứ nhất là khuyên phát nguyện sanh về thế giới Cực Lạc để sống cùng với những bậc Thượng thiện nhơn, Nhất sanh Bổ xứ. Kế đến là được Phật A Mi Đà và các Thánh chúng đến hiện thân trướic mặt, người đó được vãng sanh về cõi Cực Lạc. Vì vậy, mọi người nên nghe theo đây mà phát nguyện cầu sanh về cõi Cực Lạc. Đó là lời khuyên phát nguyện lần thứ hai của Đức Phật Thích Ca.
Huynh đệ nên nhớ bốn chữ chấp trì danh hiệu trong kinh, cũng như tôi thí dụ nắm giữ cái mão này, để mà kiềm giữ cái tâm mình. Khi mình xưng danh hiệu “Nam mô A Mi Đà Phật”, làm sao trong tâm mình chỉ có “Nam mô A Mi Đà Phật” mà thôi. Đừng có cái gì khác, đừng cho một niệm gì xen vào hết. Ví như khi tôi nắm giữ cái mão này thì chỉ nắm giữ cái mão này thôi, chớ không có cái gì khác xen vào. Không có cái này xen vào, không có cái kia xen vào, chỉ có một thứ thôi. Mình tập như vậy lâu ngày thì tâm nó dần quen. Ban đầu khó lắm chớ không phải dễ, đủ thứ chuyện nó xen vào trong tâm mình. Không phải một chuyện, hai chuyện, ba chuyện đâu; cũng không phải một chục, hai chục, ba chục mà là hàng trăm chuyện, không phải ít đâu! Quý Phật tử cứ nghiệm ở nơi tâm mình thì biết, nhưng mà tại sao vậy? Vì từ lâu mình luôn sống trong tạp niệm, nó quen quá rồi. Khi đã huân tập thành thói quen mà bắt nó chỉ nghĩ một thứ thôi, việc đó không phải dễ dàng.
Dù rằng không phải dễ nhưng cứ cố gắng làm, lần hồi nó cũng quen, lâu ngày tạp niệm tự bớt, mình sẽ nhất tâm lại. Nhất tâm là sao? Nghĩa là chỉ chú tâm ở nơi câu niệm Phật “Nam mô A Mi Đà Phật”, lâu dần tâm nó cũng quen đi, lần bớt xao động, lần sẽ dừng lại.
Cũng có nhiều người đến than thở với tôi là muốn giữ cái tâm lại, nhiếp tâm để chấp trì danh Phật mà làm hoài nó vẫn cứ chạy. Vì cái chạy đó, nó quen lâu năm rồi. Không phải lâu năm trong đời này, mà nó đã lâu năm trong nhiều đời trước nữa. Cho nên, mình phải cột, phải nắm lại, rồi lần lần “cột nắm” cũng dần quen. Khi đứng lại thì nó cũng quen đứng luôn. Vậy nên phải thật chịu khó.
Thành thật nói với đại chúng, tôi biết niệm Phật hồi năm 14 tuổi, đến 21 tuổi mới về chùa. Thì cũng vậy, cũng chuyên về niệm Phật, tu pháp môn Tịnh độ, đến bây giờ kể ra là bảy mươi mấy năm cũng chỉ trì danh hiệu “Nam mô A Mi Đà Phật”, mà bây giờ niệm lực nó vẫn còn yếu lắm, chứ không được mạnh đâu. Thật là khó! Cảnh duyên nơi này đủ chuyện quyến rũ, đủ chuyện lôi kéo, đủ chuyện nó xen vào. Sự lôi kéo với xen vào đó do mình đã huân tập nhiều đời, nhiều năm quen chạy theo rồi. Nó chạy theo thuần quá, nó quen quá rồi, bắt nó dừng lại tất nhiên phải dày công lắm, nhưng mà mình phải cố làm. Không làm thì đời này mình trắng tay, không được gì hết trong Phật pháp. Vì thế, Phật dạy lúc nào cũng phải tinh tấn tu hành.
Tóm lại, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy mình những cái nghe biết ở cõi Cực Lạc của Đức Phật A Mi Đà, sự sinh hoạt nơi cõi Cực Lạc, khuyên bảo mình phát nguyện sanh về cõi Cực Lạc để chuyển từ phàm phu lên bậc Thánh, từ nơi cõi luân hồi này lên bậc Bất thối chuyển để thành Phật. Đức Phật Thích Ca dạy như vậy đó. Ngài nói chẳng phải riêng ở nơi Ngài mà mười phương chư Phật đều tán thán việc này (trong kinh mình tụng chỉ nói tắt nơi sáu phương, kỳ thật là mười phương chư Phật cũng đều tán thán việc sanh về thế giới Cực Lạc).
Vả lại, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cuối cùng cũng nói pháp môn Tịnh độ. Pháp môn niệm Phật để sanh về cõi Cực Lạc mà Phật nói đây khó tin lắm, chứ không phải dễ (rất khó tin). Nên trong kinh A Mi Đà, vị nào có tụng thì biết, chư Phật mười phương đều khen ngợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở nơi cõi này mà giảng dạy pháp môn niệm Phật để sanh về cõi Cực Lạc là rất khó, khó hơn ở cõi ngũ trược mà thành Phật. Nơi cõi ngũ trược mà thành Phật đã khó, song nói pháp môn này lại càng khó hơn.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau đó nhấn mạnh lại rằng: “Đúng như vậy! Đức Phật ở thế gian này nói pháp môn niệm Phật, cầu sanh về cõi Cực Lạc rất là khó”. Bây giờ, quý Phật tử ở đây đều tin, đều phát nguyện, sớm tối tu hành niệm Phật cầu sanh về cõi đó, như vậy tất nhiên là việc khó. Chư Phật mười phương và Đức Phật Thích Ca nói khó mà quý vị đã làm được rồi. Việc khó tin mà quý vị quyết tâm làm thì cũng làm được. Như vậy, việc này hy hữu, ít có lắm, nên phải cố gắng tinh tấn tu hành, đừng nản (đừng nghĩ mình niệm Phật sao nó cứ loạn, niệm Phật sao không nhất tâm, niệm Phật sao kiềm giữ không được…).
Chúng ta phải nghĩ thế này: “Chỉ vì thói quen mà thôi, mình chịu khó luyện tập kiềm giữ thì cũng có thói quen luyện tập kiềm giữ. Thói quen này thuần thì nó có sức mạnh. Có sức mạnh rồi thì không có gì khó đâu, cứ cố gắng làm rồi sẽ thành công”.
Cũng mong nơi tất cả đại chúng tinh tấn, nhất tâm nhiếp trì danh hiệu Phật, và ai cũng được về cõi Cực Lạc khi bỏ thân này. Ai cũng có ngày bỏ thân này, nhưng có người nghe nói sanh về cõi Cực Lạc thì sợ lắm. Sợ bị chết đó! Nhưng có ai khỏi chết đâu mà sợ. Thế nào rồi cũng phải chết thôi, sợ gì. Chỉ sợ sau khi chết rồi, mình sanh ở nơi không tốt, chỗ khổ, chỗ xấu mà thôi. Cũng như thay áo, bỏ áo này thì có gì đáng sợ! Sợ là bỏ áo này mà mặc áo không tốt hơn mà thôi. Nếu bỏ áo này mặc áo tốt hơn thì nên vui mừng, việc gì phải sợ! Cho nên, bỏ thân này sanh về cõi Cực Lạc phải nên vui mừng. Việc mà thập phương chư Phật nói khó tin nhưng mình lại tin, lại làm được, như vậy phải rất vui mừng!
Mong mỏi tất cả đại chúng đều tinh tấn nhất tâm tu hành. Cầu nguyện từ lực Đức Phật A Mi Đà, cũng như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cùng với mười phương chư Phật, cho đến các vị Bồ tát như Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, chư Thượng thiện nhơn đến gia hộ cho tất cả Phật tử. Tất cả chúng ta khi bỏ thân này, đều được sanh về thế giới Cực Lạc, xa lìa sanh tử luân hồi, không còn sanh, già, bệnh, chết, ưu bi, khổ não, hưởng sự an vui, tự tại, giải thoát.
Mong mỏi tất cả đại chúng, ai nấy đều thành công trong pháp môn niệm Phật, chấp trì danh hiệu Phật để được vãng sanh Tịnh độ, thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Mi Đà!
Nam mô A Mi Đà Phật.
Vạn Linh, 23-11-2003
*