Nhân gian đã đề cao vai trò người thầy, ‘không thầy đố mầy làm nên’, ‘trọng thầy mới được làm thầy’. Đường đạo cũng vậy, bậc minh sư, thiện tri thức chính là những người đưa đò giúp ta qua sông mê, biển khổ nên trước hết cần hết lòng phụng sự.
“Một thời Đức Phật du hóa tại nước Câu-lâu-sấu, trú trong Kiếm-ma-sắt-đàm, đô ấp của Câu-lâu. Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:
– Có tri, có kiến, mới có chứng đắc lậu tận, chứ không phải không tri, không kiến.
– Thế nào là có tri, có kiến mới chứng đắc lậu tận? Tri kiến như thật về sự Khổ liền chứng đắc lậu tận. Tri kiến như thật về Khổ tập, tri kiến như thật về Khổ diệt và tri kiến như thật về Khổ diệt đạo liền chứng đắc lậu tận.
– Tận trí có tập chứ không phải không tập. Tập của tận trí là gì? Giải thoát là tập.
– Giải thoát cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của giải thoát là gì? Vô dục là nhân.
– Vô dục cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của vô dục là gì? Yếm ly là tập.
– Yếm ly cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của yểm ly là gì? Thấy như thật, biết như chơn.
– Thấy như thật, biết như chơn cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thấy như thật, biết như chơn là gì? Định là tập.
– Định cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của định là gì? Lạc là tập.
– Lạc cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của lạc là gì? Chỉ là tập.
– Chỉ cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chỉ là gì? Hỷ là tập.
– Hỷ cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của hỷ là gì? Hân hoan là tập.
– Hân hoan cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của hân hoan là gì? Không hối hận là tập.
– Không hối hận cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của không hối hận là gì? Thủ hộ giới là tập.
– Thủ hộ giới cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thủ hộ giới là gì? Thủ hộ các căn là tập.
– Thủ hộ các căn cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thủ hộ các căn là gì? Chánh niệm chánh trí là tập.
– Chánh niệm chánh trí cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chánh niệm chánh trí là gì? Chánh tư duy là tập.
– Chánh tư duy cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chánh tư duy là gì? Tín là tập.
– Tín cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của tín là gì? Quán pháp nhẫn là tập.
– Quán pháp nhẫn cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của quán pháp nhẫn là gì? Tụng đọc pháp là tập.
– Tụng đọc pháp cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của tụng đọc pháp là gì? Thọ trì pháp là tập.
– Thọ trì pháp cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thọ trì pháp là gì? Quán nghĩa của pháp là tập.
– Quán nghĩa của pháp cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của quán nghĩa của pháp là gì? Lỗ tai là tập.
– Lỗ tai cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của lỗ tai là gì? Nghe pháp thiện là tập.
– Nghe pháp thiện cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của nghe pháp thiện là gì? Đi đến là tập.
– Đi đến cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của đi đến là gì? Phụng sự là tập.
– Nếu ai phụng sự thiện tri thức, điều gì chưa nghe liền được nghe, điều gì đã nghe liền được bổ ích”.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Tập tương ưng, kinh Tận trí, số 54 [trích])
Tập trong pháp thoại, theo chú giải là tập nhân, là duyên, là điều kiện sinh. Để chứng đắc lậu tận trí, hết sạch phiền não là cả quá trình, do tập – tức các chuỗi tập nhân trước đó kiến tạo nên. Bắt đầu từ “phụng sự thiện tri thức”, hành giả được “đi đến”, “nghe thiện pháp”, “lỗ tai”, “quán nghĩa”, “thọ trì pháp”, “tụng đọc pháp”, “quán pháp nhẫn”, “tín”, “chánh tư duy”, “chánh niệm chánh trí”, “thủ hộ các căn”, “thủ hộ giới”, “không hối hận”, “hân hoan”, “hỷ”, “chỉ”, “lạc”, “định”, “thấy như thật”, “yếm ly”, “vô dục”, “giải thoát”, “tận trí”.
Trong đó, thiện tri thức là nền tảng đầu tiên. Thiện tri thức là thầy sáng, bạn tốt luôn chỉ bày và trợ duyên cho ta hiểu biết, tu học đúng Chánh pháp. Đạo lộ dẫu có dài xa, nếu gặp được thiện tri thức là xác định đúng hướng, bước đi vững chắc với lộ trình ngắn nhất đến giải thoát, giác ngộ.
Phụng sự thiện tri thức là luôn thân cận, trợ duyên, cung kính, tùy thuận để học tu theo Chánh pháp. Nhân gian đã biết đề cao vai trò người thầy, ‘không thầy đố mầy làm nên’, ‘trọng thầy mới được làm thầy’. Đường đạo cũng vậy, bậc minh sư, thiện tri thức chính là những người đưa đò giúp ta qua sông mê, biển khổ nên trước hết cần hết lòng phụng sự.
Quảng Tánh/Báo Giác Ngộ