Buổi sinh hoạt hôm nay, chúng tôi sẽ nói về tinh thần khen chê trong đạo Phật. Trong đời sống thường nhật ít ai vượt qua được sự khen chê hoặc không bị khen chê làm bận lòng. Cho nên người tu Phật nhất định không để mất thì giờ vì việc tầm thường này.
Thường khi được khen người ta vui, khi bị chê người ta buồn. Chính cái vui buồn ấy làm trở ngại việc tu của chúng ta. Người thật tu phải tỉnh, phải khắc tiến, phải vươn lên, vượt qua tất cả những việc tầm thường ấy để thực hiện cho được chí nguyện cao thượng của mình. Dù Phật tử tại gia hay hàng xuất gia, chúng ta đều là con Phật, tu Phật, có duyên với Phật nên cùng học Phật, theo đúng chánh pháp của Như Lai mà tu hành.
Xưa nay đâu có người nào bị chê hoàn toàn hay được khen trọn vẹn. Cho nên khen chê chẳng qua chỉ là những đánh giá bên ngoài, không có giá trị cố định, nó tùy thuộc vào cái nhìn cái nghĩ của mỗi người. Hiểu như thế chúng ta sẽ bình thản vượt qua tất cả khen chê. Người làm chủ được mình không bị khen chê suy suyễn, làm chùng bước tu tập. Công phu này đòi hỏi ở chúng ta một sức tỉnh mạnh mẽ. Nếu không thế chúng ta rất dễ bị ngã gục bởi những lời nói, hành động khen chê bên ngoài.
Trong sinh hoạt hằng ngày, ít khi nào chúng ta được bình yên với những sự kiện chung quanh. Trong đó, những điều bất như ý lại nhiều nhất. Như một trăm điều mong ước chưa chắc được đôi ba điều. Mong ước thì quá nhiều, nhưng đạt được như nguyện thì chẳng bao nhiêu. Ví dụ chúng ta cầu nguyện lúc nào mình cũng được khỏe mạnh, nhưng cứ đau yếu hoài. Trời nắng gắt là nhức đầu, vài hột mưa rớt xuống là sổ mũi, thật không bao giờ toại nguyện trăm phần trăm.
Nếu tỉnh giác, lúc nào cũng biết cuộc sống vốn là bất như ý, thì ngay hiện đời ta giảm thiểu được nhiều sự mong muốn. Mong muốn không có thì khổ cũng không còn, rõ ràng như vậy. Chúng ta sáng suốt kiểm soát những hành động, ngôn ngữ, ý nghĩ của mình, đừng để nó phóng ra ngoài, chạy theo ham thích này, mong muốn nọ, nhất định chúng ta sẽ có đời sống ổn định. Không ai có thể mang phước báu đến cho mình khi ta vẫn si mê lầm lạc, tạo tác các nghiệp không tốt. Ngay cả mong cầu khấn nguyện với trời Phật cũng phí công vô ích. Ta không tỉnh, để cho ba nghiệp thân miệng ý lẫy lừng thì chuốc quả khổ là điều đương nhiên, Phật cũng không thể cứu được.
Người tu không bao giờ để những ý nghĩ xấu, những ngôn ngữ không đúng, những hành động sai trái xảy ra. Vì sao? Trước nhất những ý nghĩ, những hành động đó phát tiết ra ngoài làm mất đi tư cách của người tu Phật. Càng tu càng hiểu đạo, càng gìn giữ tư cách, càng hành trì lời Phật dạy. Chúng ta càng được an lạc trong chánh pháp chừng nào thì càng thận trọng giám sát lời nói hành động của mình. Nhờ thế mà tâm được yên. Dù tu pháp môn nào, trong công phu cũng phải giữ điều này, nhất định sẽ bớt phiền não, tu tiến và có lợi lạc thiết thực. Ngược lại, chúng ta không tỉnh, không làm chủ được ba nghiệp của mình, cứ hành động bừa bãi, nói năng tùy tiện, suy nghĩ lung tung, nhất định sẽ chuốc hậu quả xấu thôi. Người Phật tử phải ý thức tự gầy dựng sự an lạc cho chính mình, chứ không mong cầu ở ai khác.
Có khi một lời nói hoặc hành động sơ suất, thiếu tỉnh giác, chúng ta phạm phải sai lầm khó thể tha thứ, thậm chí làm mất đi tình bằng hữu thâm giao. Do đó người tu Phật phải kiểm soát từng ý nghĩ lời nói hành động thật vi tế. Phàm làm người, không ai hoàn bị, được cái này thì thiếu cái kia, do đó chúng ta phải có cái nhìn cảm thông tha thứ. Nhìn như thế gọi là chánh kiến, thấy đúng như thật. Mình không bắt buộc người ta phải như vầy như kia, mà mình có sự hiểu biết, cảm thông, tha thứ. Từ đó ta sống bình yên vui vẻ.
Những kẻ xấu xa thì được hạng người xấu xa khen ngợi, tán đồng. Do vậy có những việc không nên xảy ra trong xã hội mà vẫn cứ xảy ra đầy tràn như cướp giật, xì ke ma túy v.v… Khi thủ lãnh cướp được của, đem về chia cho đàn em thì họ cũng được sự tán tụng hoan hô rầm rộ chứ. Rồi nhóm người khác không đồng ý những việc làm của nhóm này nên cực lực chống đối đã kích… nên mới có tổ chức luật pháp trừng trị, giáo dục vạch bày những lỗi lầm nguy hại của nhóm trước. Đó là sự kiện cho chúng ta thấy xấu tốt không có lẽ thật.
Ví dụ chúng ta là người tu hành, làm những việc tốt. Đối với huynh đệ trong tông môn thì đó là tốt, nhưng chưa chắc người đời đã đồng ý. Như trường hợp chú thanh niên, con của một gia đình khá giả nọ, không biết lý do gì chú chạy lên thưa với tôi:
– Thưa thầy, bây giờ con muốn tu, xin thầy cho con xuất gia.
Tôi hỏi:
– Năm nay con bao nhiêu tuổi?
– Dạ mười sáu tuổi.
– Học tới đâu rồi?
– Dạ tới lớp mười một.
Tôi bảo:
– Không được, con phải về học hết lớp mười hai. Muốn tu ít ra bố mẹ hoặc anh chị con phải đến đây, đồng ý thì thầy mới dám nhận.
– Thưa thầy con muốn tu, con nhất định ở đây thôi, về nhà con không sống nổi.
– Sao vậy?
– Con chán lắm.
– Chán gì?
– Thưa thầy, thầy đừng hỏi chuyện đó, con chán lắm. Chỉ xin thầy cho con ở đây, cho về là con chết tức thì.
Nghe thế, tôi cũng cho ở tạm. Ít ngày sau cha mẹ chú tới khóc lóc:
– Thầy ơi, con không thể nào xa con của con được.
Tôi nói:
– Con của quí vị, quí vị cứ đem về chứ tôi đâu có giữ. Tại nó tới lạy tôi xin tu, tôi sợ nó đi bậy nên cho ở tạm vậy thôi.
Chú về nhà đâu vài hôm lại vọt lên, xin tu nữa. Tôi bảo:
– Cha mẹ con không đồng ý, thầy không dám nhận.
Chú thưa:
– Thưa thầy, việc đi tu có phải là việc tốt không? Đi tu có phải là phúc thiện không? Quí thầy lập đạo tràng hướng dẫn mọi người đi con đường sáng, thành Phật thành tổ, tại sao thầy không cho con đi tu?
Tôi giải thích:
– Không phải thầy không cho, nhưng cần phải có sự đồng ý của cha mẹ con. Trong lúc tuổi con chưa trưởng hành, sự quyết định còn ở nơi cha mẹ. Con muốn ở đây tu không khó khăn gì, nhưng cha mẹ con nói không thể xa con được, nhất là không thể cho con đi tu nên thầy không thể làm khác hơn.
Vài hôm sau, cha mẹ chú lại tìm lên thưa với tôi:
– Thú thật với thầy chúng con là Phật tử sao lại không muốn cho con nó tu. Nhưng đường tu lâu dài, nhiều thử thách mà con của con chay lạt không nổi. Thầy cho nó tu, vài hôm nó cũng sẽ chán và đòi đi nơi khác nữa. Chúng con là cha mẹ nên biết ý con, thật tình vì nó chưa thể tu được, chứ không phải chúng con khó khăn gì.
Tôi kể câu chuyện này để thấy một đường hướng tốt còn phải tùy đối tượng, tùy hoàn cảnh, không phải ta cho tốt là nó tốt với tất cả mọi người trong mọi thời mọi lúc. Ví dụ trong đạo tràng này tổ chức tu hành, mà có người không chịu nổi, không kham gìn giữ bảo vệ qui chế ở đây, người đó làm sao tu hành được.
Với tinh thần người con Phật, chúng ta không mong cầu được khen hoàn toàn và cũng không sợ bị chê hoàn toàn. Bởi vì giữa cuộc đời này sự khen chê chỉ có giá trị tạm thời, không chân thật. Khen đó rồi chê đó, hôm nay đồng ý thì khen, ngày mai có điều bất như ý thì chê, đó là chuyện thường. Người tu chúng ta là người vượt lên trên những khen chê, không bận lòng ở việc tầm thường như thế. Có gan dạ, có vượt qua, có chấp nhận, có sống thực được như vậy chúng ta mới vững vàng tu tiến.
Những sự khen chê đối với cá nhân, đối với pháp môn, đối với tôn giáo của mình, nhiều thứ lắm. Như ai đó chê vị thầy mà mình hoàn toàn cung kính, mình nương tựa để tu hành, chúng ta nghĩ sao? Có bỏ qua được không, hay mình cảm thấy bị xúc phạm, cần phải lên tiếng này nọ. Nghĩ như vậy là đã mắc mứu rồi, đã thua cuộc rồi đấy. Chúng ta có nhiều lý lẽ để chạy theo thị phi ở đời. Đôi khi ta cho rằng ai khen chê mình cũng được, nhưng đừng đụng đến thầy tổ mình, đừng đụng đến cha mẹ mình. Tưởng nghĩ thế là không nhớ đến mình, nhưng thật ra nếu không có “cái ta” thì thầy tổ cha mẹ đâu còn của mình nữa. Cho nên không khéo, chúng ta chỉ tự lừa dối và đưa mình vào cái bẫy khen chê như thế nhân vậy thôi.
Có câu chuyện thế này. Một Thiền sư muốn kiểm nghiệm lại trong môn đệ xem người nào thật sự thâm hiểu Ngài, có thể tu hành đến nơi đến chốn. Sáng sớm Ngài gọi thầy tri sự đến bảo: “Sắm cho tôi một mâm rượu thịt, bữa nay đám giỗ ông già tôi”. Thầy tri sự y lời sắm rượu thịt đem về. Hòa thượng dọn lên cúng kiến xong, Ngài bảo thị giả xuống mời mấy thầy lớn lên hết, chung mâm với Ngài một bữa. Ông thị giả hoảng vía, thầy mình chắc không ổn rồi, nhưng vì Hòa thượng rất nghiêm nên không dám cãi. Sau khi các vị đệ tử lớn đã có mặt đầy đủ, Hòa thượng nói: “Bữa nay tôi sắm được một mâm rượu thịt cúng ông già tôi, mời quí thầy cùng ăn một bữa cho vui”. Chư đại đệ tử đều chưng hửng, nhiều người tự động rút lui. Về liêu các thầy tự nghĩ: Thầy mình bất ổn rồi, bây giờ ở đây không xong, thôi mỗi người mỗi gói mà đi. Thế là hàng môn đệ kéo nhau đi gần hết. Sau sự vụ đó, Hòa thượng nói: “Ta chỉ cần một mâm rượu thịt mà tống cổ được một số người không ra gì”.
Quả là chỉ có những bậc siêu xuất mới dám làm việc ấy. Qua đó để thấy chúng ta không thể đặt khen chê ở hình thức bên ngoài. Nếu thấy biết của mình chưa tới nơi, chưa chính xác mà đặt vấn đề khen chê là hỏng tất cả. Cho nên đối với khen chê ta cứ giữ tâm bình thường. Nếu chê đúng ta sửa, khắc phục để tu tiến, nếu chê chưa đúng thì ta cám ơn, rồi cho qua vì điều ấy không cần thiết. Khen cũng như thế. Nói tới đây tôi nhớ một bài kinh trong A Hàm kể lại. Có hai thầy trò ngoại đạo nọ đi theo Phật, người đệ tử thì khen từ tướng đi dáng đứng của đức Phật, còn ông thầy thì chê từ đầu tới chân, quái lạ như vậy. Thấy các thầy Tỳ-kheo ngạc nhiên, Phật nói: Khen cũng chưa tới, mà chê cũng chưa tới. Như Lai đối với những lời khen chê ấy không động, không dính dáng gì cả.
Chúng ta nếu hiểu biết và sống được tinh thần như vậy thì việc học đạo tu đạo chắc chắn sẽ thành tựu không khó. Nên biết việc khen chê giữa cuộc đời này không đáng để ta bận lòng mà hãy sống hợp với đạo, thì tự nhiên tâm không vướng mắc việc khen chê. Nhớ được công phu tu hành nghĩa là chúng ta làm chủ, an nhiên giải thoát ngay giữa cuộc đời này.
Giải thoát của nhà thiền nói không có nghĩa là bay lên hư không, mà giải thoát là bình thản an nhiên không vướng mắc không lệ thuộc bất cứ sự kiện gì. Chúng ta làm chủ mình từ cái ăn cái mặc… mọi thứ, làm chủ để được giải thoát. Giải thoát về ăn, giải thoát về ngủ, giải thoát về mặc, giải thoát về tiền tài, giải thoát về danh vị… Hành công phu liên tục để phát huy, làm chủ tinh thần giải thoát của mình. Muốn được như vậy, bản thân chúng ta phải dám nhìn, dám thấy, dám làm chủ, không sợ sệt rụt rè bất cứ chướng duyên hoặc trở ngại nào. Không có việc gì để sợ, không có gì để rụt rè, không có việc gì khiến ta phải bỏ cuộc rút lui. Đó là tinh thần của người có công phu tu Phật, đặc biệt là tu thiền.
Tại sao chúng ta phải làm chủ mình? Vì có những sự việc nếu thiếu đức tự chủ, chúng ta sẽ mất mình, sẽ chao đảo. Mất mình chao đảo thì bị phiền não lôi đi, tu không được. Có rất nhiều người ham tu mà không tiến được, vì thiếu đức tự chủ. Thành ra tôi nhấn mạnh việc làm chủ lấy mình để trí tuệ tỉnh sáng, sống hợp với đạo lý thì công phu tu hành mới tăng tiến được. Người tu thì phải đầy đủ ý chí, phát huy cho được trí tuệ tỉnh táo sáng suốt mới là thật lòng tu hành.
Trong Chứng Đạo Ca ngài Huyền Giác cũng nói: Mặc tình cho người hủy báng, biếm nhẻ. Khen lời Phật dạy cũng không tới nơi tới chốn, mà chê lời Phật dạy cũng không dính dáng gì. Tất cả những việc làm đó chẳng khác đem lửa đốt trời, hoặc phun nước miếng lên hư không, kết quả kẻ ấy tự chuốc mà thôi. Đó là những việc làm của người không có trí tuệ. Chúng ta tu hành không làm những việc như thế.
Ở đây, công phu hằng ngày của chúng ta, dù việc lớn nhỏ gì cũng phải tập trung trong chánh niệm, không bận lòng đến việc khen chê, được mất, thành bại… Được vậy, dù không muốn chúng ta cũng vẫn tự tại giữa cuộc đời như thường. Như tôi đã nói cuộc đời này những chuyện bất như ý nhiều hơn như ý, chúng ta tu đúng chánh pháp thì ngay nơi những sự việc ấy mà tỉnh thức, để nhận ra niềm an vui có sẵn nơi mình, không lệ thuộc bên ngoài. Trong kinh, Phật Tổ nói rất nhiều về điều này để chúng ta nhận được chỗ bình ổn đó, sống an vui giữa mọi trở lực trước mắt. Hiểu và hành như vậy thì công phu tu hành mau tiến. Công phu tiến được, ta có lợi lạc thiết thực, đó chính là phần thưởng lớn nhất cho mình rồi, đâu phải đợi chờ trông ngóng ai ban cho.
Điểm thứ hai tôi muốn nói về cảm nhận của chúng ta trước sự đổi thay vô thường. Ở trên là khen chê không bận lòng, thì đến vấn đề cảm nhận cũng cần phải biết. Từ sự cảm nhận, chúng ta có thể tu tiến được, nhưng cũng có thể lui sụt. Cổ đức xưa có lời răn nhắc thế này:
Ngày nay đã qua,
Mạng sống giảm dần,
Như cá cạn nước,
Nào có vui gì.
Đại chúng hãy siêng năng tu hành
Như cứu lửa cháy đầu,
Cẩn thận chớ có buông lung.
Đó là lời dạy mà hầu hết người con Phật chúng ta nghe qua, cảm nhận đến cuộc đời và đến công phu tu hành hằng ngày của mình. Sự đổi thay nhanh chóng giữa cuộc đời, ngày nay còn ngày mai mất, danh từ nhà Phật gọi là vô thường. Hình ảnh mạng người như cá cạn nước và gấp tu như cứu lửa cháy đầu nói lên tính trung thực và khẩn cấp đối với mạng sống và sự nỗ lực tu tập của chúng ta. Chư Tổ quả thật đã có những phương tiện rất khéo để đánh thức sự mê lầm sâu nặng như chúng ta.
Với người tu chúng ta, những sự kiện đó nếu có một cái nhìn cảm nhận được lý vô thường thì chúng ta tu rất tiến. Bởi vì mình không còn đắm luyến thân này nữa, mà lo gầy dựng một sự nghiệp khác, đó là sự nghiệp giác ngộ giải thoát cho chính mình. Thân dù đẹp, dù giàu sang, nhà cửa rộng lớn, quyến thuộc đông vầy… tất cả rồi cũng bỏ lại, không có gì đem theo được ngoài nghiệp mình đã gây tạo trong sinh hoạt hằng ngày. Biết rõ như thế, tự nhiên chúng ta không còn muốn bám víu cái gì nữa, chỉ nỗ lực tu tập để làm chủ được mình trước giờ ra đi.
Một hôm nói về mạng sống dài ngắn, Phật hỏi một vị Tỳ-kheo:
– Mạng sống của con người trong bao lâu?
– Bạch Thế Tôn, mạng sống con người trong vài mươi năm.
Phật nói:
– Ông chưa thấy đạo.
Phật gọi một thầy Tỳ-kheo khác, thầy đó đáp:
– Bạch Thế Tôn, mạng sống con người trong khoảng vài năm.
Phật bảo:
– Ông cũng chưa thấy đạo.
Rồi các Thầy lần lượt đứng lên thưa mạng sống con người trong khoảng vài tháng, vài ngày, vài bữa cho đến một bữa. Tất cả đều bị Phật quở: “Cũng chưa thấy đạo”. Cuối cùng có một vị đứng lên thưa:
– Bạch Thế Tôn, mạng sống con người chỉ trong hơi thở.
Phật gật đầu:
– Ông mới là người thấy đạo.
Chúng ta ai dám thấy mạng sống của mình trong hơi thở. Nếu thấy được như thế thì đâu có cất nhà lầu mua xe hơi làm chi. Sự sống đổi thay nhanh chóng một cách thần tốc khốc liệt đến nổi trở thành bản án đối với con người thì có gì để ta ham thích đuổi theo nữa. Cho nên thấy được thực chất của vô thường là thấy được thực chất lẽ sống chết của con người. Từ đó chúng ta có tinh thần chuẩn bị, để khi ra đi không cảm thấy hoảng sợ, lo âu trước một sự việc tất yếu như vậy.
Ngay bây giờ ai làm chủ được, bình thản đối với sự được mất hơn thua, không vướng mắc bất cứ thứ gì giữa cuộc đời này, người đó có thể gọi là Thiền sư, là Bồ-tát, là Phật. Cái nhìn của người tu hành là cái nhìn như thật, thấy ngay bản chất của sự vật. Nó thành như thế nào, trụ như thế nào, hoại như thế nào, không như thế nào. Cho nên không còn chạy theo các pháp bại hoại nữa. Tất cả đều được thành tựu trong sự kết hợp của nhân duyên, riêng nó không có chủ. Duyên hợp tạm có, duyên hết hoàn không. Nhận định thấy rõ như vậy với tâm tỉnh sáng thì công phu tu hành chúng ta vững.
Có nhiều huynh đệ nói tu thì tu chứ sao không thấy vững. Tại sao? Vì thấy đẹp còn thích, thấy ngon còn ưa, thấy hay còn khen, thấy dở còn chê… thì làm sao tu vững được. Phải công phu như thế nào để trị được cái thích, cái ưa, cái khen, cái chê, không vướng mắc, không chạy theo nó thì mới mong nói đến chuyện tu hành. Người con Phật đối với tất cả sự kiện trước mắt, chung quanh luôn thấy rõ nó đổi thay từng phút từng giây. Ngay thân của mình cũng vậy, không lúc nào đứng yên một chỗ. Thấy thế để thức tỉnh, không ỷ lại ta còn trẻ, tuổi đang mạnh khỏe, gấp gì việc tu hành. Một sáng nào, anh hay chị thấy được như vậy sẽ toát mồ hôi hạn. Vì rằng tất cả sự đổi thay nhanh chóng ấy luôn đem đến cho ta những bất ngờ không trở tay kịp. Nếu không có sự chuẩn bị thường xuyên, chắc chắn ta sẽ không đủ lực để tự chủ, và bị nghiệp dẫn là chuyện đương nhiên thôi.
Nói tóm lại, người con Phật thứ nhất không nên buông lung. Buông lung là mặc tình phóng ý, chạy theo, thả trôi đối với tất cả những sự việc bên ngoài. Thứ hai phải tỉnh để thấy thật chính chắn bản chất không thật của tất cả các pháp. Có được hai điều kiện này thì công phu chúng ta vững, trên đường tu không còn bị lầm nữa. Vì thế có thể nói rằng không có thứ gì kéo lôi chúng ta được. Đã thế chúng ta dễ nỗ lực, dễ tha thứ, dễ tạo được sự đoàn kết, an vui để tu tập. Vì ta không có tâm cố chấp, khó khăn hoặc tâm muốn ôm giữ cho mình. Ta không đủ thời giờ để tu hành có đâu chạy theo những chuyện không thật ấy.
Chư Tổ nói chớ để một đời trôi suông, cần phải cố gắng. Cố gắng như thế nào? Ví dụ trong số các Phật tử đây, tháng này đi học đạo nghe Hòa thượng giảng dạy như vậy, nếu thấy bản thân hoặc trong huynh đệ có gì yếu kém, mình tự nhắc hoặc cùng động viên nhau khắc phục những điểm yếu ấy, để tháng sau ta không còn cảm thấy hổ thẹn vì những khuyết tật của mình nữa. Hướng đến một con đường tu tập như thế thì rất tốt.
Điều quan trọng là chúng ta làm chủ được, chứ không phải chối bỏ hiện cảnh. Nghe nói cố gắng, buông bỏ tất cả Phật tử đòi bán nhà lầu, cất nhà lá cũng không được. Hiểu như vậy không được, nằm trong rừng mà bị đắm trước, bị mắc mứu ở những chuyện xung quanh cuộc sống, cũng không phải là người giải thoát. Có người ở trong nhung lụa, nhà lầu xe hơi mà tinh thần không vướng mắc các thứ đó cũng có thể gọi là giải thoát. Đó là pháp học chúng ta phải học, đó là pháp tu chúng ta phải tu. Có tu có học như thế mới thấy được giá trị thiết thực của lời Phật dạy.
Phật tử có duyên nên mới gặp Phật pháp để tu hành thì đừng bỏ lỡ cơ hội. Có người nói con nghèo quá tu không được, có người nói con bận rộn quá tu không được v.v… Về điểm này chúng ta phải hiểu tại mình chưa thực sự muốn tu thôi, chứ nghèo tu cũng được, mà giàu ráng tu cũng được. Nghèo giàu đâu có dính gì tới chân tánh của chúng ta. Sống trong hoàn cảnh nào cũng vậy, hễ mê là mất mạng, tỉnh là qua sông lên bờ thảnh thơi. Việc mê tỉnh chủ yếu nơi định lực, nơi trí tuệ, nơi ý chí tu hành bên trong của mình, có liên hệ gì tới hoàn cảnh chung quanh. Cho nên mượn lý do này lý do nọ để không tu được là một sai lầm lớn.
Chúng ta có Phật pháp giữa đời thường bận rộn là có được kim chỉ nam để thành công rồi đó. Bởi không thần linh nào có thể đưa chúng ta qua được dòng sông sanh tử, chỉ chính chúng ta tự lội qua thôi. Phật dạy phải tu trong mọi lúc mọi thời, chứ không phải chỉ có tụng kinh, ngồi thiền, niệm Phật mới gọi là tu. Làm sao chuyển hóa được phiền não, khen chê thành an vui hạnh phúc là ta tu được, là giải thoát ngay trong cuộc sống hiện tại của mình. Là Phật tử mà không hiểu về điều này thì thật là hiểu quá ít về Phật pháp.
Thật ra Phật pháp thì ta có hiểu mà hành thì chưa tới nơi tới chốn. Bây giờ hãy xem những gì ta đã học hiểu như là một chiếc phao cuối cùng. Nếu chưa qua sông được mà vội buông phao thì chết chìm thôi. Quí vị hiểu nhiều hiểu ít, hiểu về Phật pháp như thế nào đó tùy, quan trọng là hiểu đúng và hành đúng là quý nhất. Lời Phật dạy giống như chiếc phao là phương tiện giúp ta qua sông. Qua được rồi mới được bỏ phương tiện, lên bờ thảnh thơi tự tại. Chừng ấy ngay cả pháp Phật cũng không cần thiết, nói gì đến các thứ khác.
Học pháp mà không hành, Phật nói giống như kẻ đếm của báu cho người, mình không được một đồng xu. Cho nên đối với pháp Phật, tu pháp nào cũng được miễn có tu và tu đúng mới đạt được lợi ích thiết thực. Chúng ta không cố chấp, không bài bác nhau, chỉ chuyên tâm thực hành pháp nào ra pháp ấy cho tới nơi tới chốn, nhất định ta sẽ thành công. Chớ chỉ hiểu và nói suông thôi thì không khác kẻ đếm của báu cho người, mình chẳng có chút lợi lạc gì.
Một điểm nữa là trong đời sống tu hành, chúng ta phải ngay thẳng chân thật. Có những việc nhỏ nhưng nếu không cẩn thận sẽ tạo thành nghiệp. Đã có nhân thì có quả. Trong một ngày, chúng ta kiểm lại xem mình gây bao nhiêu nhân. Không tỉnh thì không sao kiểm nổi. Cho nên thành thật thẳng thắng đối với bản thân, để không tạo những nghiệp nhân xấu, cản trở bước tu tập của mình. Bắt đầu công việc trong một ngày, ta phải luôn xét nét từ ý nghĩ cho tới lời nói, hành động của mình, cái nào không tốt, cái nào vì bản ngã của mình mà làm thì loại nó đi. Thường xuyên tu tập như vậy là người hiểu được Phật pháp và biết tu Phật.
Chúng ta phải nghiêm chỉnh với bản thân mới có thể làm chủ ba nghiệp của mình. Đây là pháp tu hết sức bình thường mà có kết quả cụ thể, ai cũng tu được. Chúng ta tỉnh táo tu hành, thấy rõ thành quả của mình như thế, nhất định có đầy đủ niềm tin nơi mình và niềm tin với mọi người. Từ đó ta không còn hoảng sợ trước mọi thứ, kể cả sống chết. Càng tu càng thấy đúng hiểu đúng, chúng ta càng nỗ lực, càng có niềm vui chân thật.
Lời chư vị thiện hữu tri thức đã nhắc, địa ngục là nơi khổ sở của chúng sanh bị tội, nhưng nếu chúng ta không là người tiên phong phát nguyện vào địa ngục để nhắc nhở, để cảnh giác cho anh em huynh đệ bị khổ trong đó thì ai làm việc này? Người tu Phật là người tiên phong vào những chỗ thống khổ với lời nguyện thế này: Nguyện thay tất cả chúng sanh chịu những khổ sở đó, chỉ mong sao mọi người thức tỉnh đừng gây nhân xấu, hãy hướng về con đường thiện lành tu tập để nhận ra ông Phật của chính mình. Đó là lời nguyện của những người hành Bồ-tát đạo. Muốn thế những vị ấy phải có đầy đủ trí tuệ và từ bi, phải xong việc của mình trước khi độ người. Chúng ta là con Phật thì phải ý thức điều này, tự giác giác tha, giác hạnh viên mãn là công hạnh, là sở nguyện của tất cả các đức Như Lai, trong đó không loại trừ chúng ta.
Buổi nói chuyện hôm nay chúng tôi muốn nhắc người con Phật, tu theo Phật chớ để lòng mình bị vướng bận bởi những việc khen chê. Chúng ta tỉnh sáng làm đúng theo pháp học, được như vậy thành quả, giá trị công phu tu hành của chúng ta nhất định sẽ thành tựu. Ta được như thế rồi thì động viên các bạn đồng tu cùng hướng về con đường ấy, mới gọi là thực hiện trọn vẹn chân tinh thần Phật dạy.
Hòa Thượng Thích Nhật Quang