Trong sự nghiệp hoằng pháp độ sinh của chư tôn thiền đức, mọi người đều biết rõ tập thể những thiện nam, tín nữ là thành phần đệ tử tại gia, luôn thân cận với chúng xuất gia trong việc tu học và phụng sự Tam bảo. Do đó, sự đóng góp của giới Phật tử cho đời sống đạo là rất quan trọng.


Để nhận rõ chân dung của người cư sĩ trong thời kỳ mới, chúng ta có thể nêu lên một số phẩm chất được xem như là những đức tính thiết thân mà người Phật tử tại gia cần thể hiện bằng suy nghĩ và hành động. Có thể đề cập đến 8 trọng điểm sau đây:

Khẳng định niềm tin 

Vũ trụ quan, nhân sinh quan và luận thuyết triết học Phật giáo từ khởi thủy đã có nền khoa học vững chắc và ngày càng được đông thiện tri thức trên toàn thế giới đào sâu nghiên cứu để quán triệt và lý giải qua nhiều công trình khảo luận về luật nhân quả, tái sinh, luân hồi.

Do đó, người cư sĩ thuần thành luôn hết lòng tôn quý giáo pháp của mình; luôn nhiệt tâm tinh tấn theo Chánh pháp đã được truyền thụ.

Người cư sĩ tốt không dao động trước những điều trái với nhận thức đã qua thực chứng tâm linh của chính mình.

Phát huy năng lực

Ngoài các phương tiện đa dạng để nâng cấp chuyên sâu trong ngành nghề của mình, người cư sĩ luôn sắp xếp thời gian tham cứu sách báo, tư liệu khảo luận về Phật học. Việc này giúp ta củng cố và phát triển chánh kiến, phát huy nội lực tư duy qua nhiều tác phẩm, tác giả uyên thâm trong và ngoài nước.

Bên cạnh nghề nghiệp chính thức, người cư sĩ rất cần sinh hoạt trong các lĩnh vực báo chí, khoa học, văn chương, nghệ thuật, hoạt động từ thiện, Gia đình Phật tử… để phong phú hóa chất lượng cuộc sống và phục vụ lợi ích cộng đồng theo tôn chỉ “Phục vụ chúng sinh tức cúng dường chư Phật”.

Chấp nhận thực tại 

Người cư sĩ luôn nhận biết và không phản cảm với thực tướng cuộc đời qua những tình huống diễn ra hàng ngày:

– Đối với sinh hoạt đời: Có nhiều lệch chuẩn, nghịch lý trong ngôn ngữ, tư tưởng, hành vi giữa cá nhân, giữa cộng đồng xã hội.

– Đối với sinh hoạt đạo: Có những dị đồng trong các xu hướng, trình độ tu học, lối hành xử bất tương ưng giữa tứ chúng với nhau.

– Trong sinh hoạt gia đình: Có lắm nhiêu khê từ tâm lý đến cách ứng xử của các thành viên: anh em, con cháu… khiến ta dễ “nổi nóng” mà phản ứng theo cảm tính. Người cư sĩ tốt biết chấp nhận thực tại và tự hóa giải để không vướng kẹt vô ích vào những ý tưởng bất mãn, tạo sự ngăn cách và bất ổn giữa ta với người.

Luôn hoan hỷ chịu đựng cái yếu kém của người và biết chấp nhận những sự phản đối, chỉ trích để tự hoàn thiện vì kinh nghiệm đã chỉ rõ: “Phiền não tức Bồ-đề”. Và, do biết “hòa tan trong khổ, mưu cầu sớm thức tâm” nên trong cuộc sống thường ngày, chúng ta vẫn đạt được cái tịnh trong cái động.

Thực thi lòng từ

Người cư sĩ với tâm từ rộng mở, luôn có niềm hạnh phúc lâu dài, bền vững khi đã làm những điều thiện lành cho ai về vật chất hay tinh thần.

Với tâm niệm “thi ân bất cầu báo”, những việc làm trong tầm tay của ta có thể mang lại cho người cần giúp đỡ những niềm vui thật lớn, những sự an ủi thật cần thiết khi gặp khó khăn, bệnh tật.

Mặt khác, do phát triển tâm từ, người cư sĩ luôn khoan dung với những lỗi lầm của người khác và không còn chấp trước để cho tâm mình luôn thanh thản mà tiến tu.

Hiện nay, chính tâm từ là một phẩm chất cao quý nhất của mỗi người chúng ta để góp phần xây dựng hòa bình, an lạc cho mọi quốc gia, dân tộc trên hành tinh này.

Chính xác, chuẩn mực

Người cư sĩ tốt luôn tôn trọng giá trị của thời gian và có kỹ năng giao tiếp với mọi người. Luôn chính xác đối với ngày giờ, thời điểm khi thực hiện hay giải quyết công việc.

Sự ứng xử thỏa đáng, chuẩn mực giữa các đối tác làm cho công việc được kết quả tốt, nâng cao mối liên kết chặt chẽ, tạo thêm uy tín, tin yêu và thành tựu mỹ mãn.

Ngược lại, chúng ta sẽ thất bại và không thể an vui, thỏa mãn vì đã thiếu trách nhiệm trong công việc.

Ta luôn nhớ rằng tính chính xác là tiêu chí số một của mọi hoạt động kinh tế hiện nay.

Dứt trừ chấp ngã

Người cư sĩ tốt có đủ nội lực thu hút mọi người trong công tác chính là do tinh thần vô ngã, vị tha. Đây là đức tính nổi bật để phát huy tài đức phục vụ nhân sinh.

Ta luôn tâm niệm diệt trừ chấp ngã, không để “cái tôi đáng ghét” làm phương hại đến những hoạt động mưu cầu hạnh phúc cho số đông. Luôn biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của tập thể. Qua đó, ta phát huy được sáng kiến, sáng tạo, đổi mới chính mình dưới nhiều hình thức để đưa tập thể đi lên.

Ta không quên rằng: Tính tướng vô ngã chính là bản chất của giải thoát.

Đặc biệt, người huynh trưởng Gia đình Phật tử nhớ luôn thể hiện và giữ vững cái tâm giải thoát trong mọi trường hợp.

Kiên trì sửa mình 

Người cư sĩ tốt luôn tu dưỡng thân tâm ngày càng thanh nhẹ. Sự tu tập tiến triển đều đặn, vững chắc. Không nôn nóng, chăm chút cho phần “tu thân” mà lại hời hợt, lơi lỏng ở mặt “tề gia” vì chúng ta vẫn còn nhiều trách nhiệm đối với những hệ lụy của gia đình.

Nhưng ta phải biết sắp xếp, khắc phục những khó khăn trong đời sống hàng ngày để dành những thời lượng đầy đủ cho việc tu tập.

“Nước chảy đá mòn”, mỗi ngày một chút, nhưng cần mẫn, ta sẽ tiến dẫn đến những cấp độ của trạng thái “minh tâm, kiến tánh”.

Những nhược điểm nội sinh phải luôn được nhận diện và kiên trì sửa trị để hiệu quả khắc phục ngày càng cao.

Không phải dễ dàng sửa đổi những “việc mình làm mình biết” trong một sớm một chiều, nhưng với quyết tâm, ta sẽ tháo gỡ những vướng mắc đang trói buộc hay thôi thúc ta.

Ngoài việc kiên nhẫn với chính bản thân, ta luôn giữ thái độ vô tranh với người khác trong nhiều trường hợp bức xúc.

Ta không đòi hỏi sự rạch ròi, phải trái đối với những ai còn quá nặng cảm tính, chủ quan, bất bình đẳng trong ứng xử. Với tâm hỷ xả, ta hết sức bình tĩnh để có cách giải quyết khéo léo, vì ta luôn nhớ mình là một hành giả của đạo giác ngộ. Ta không thể làm gì để thay đổi thế gian, nhưng thế gian thay đổi khi chúng ta thay đổi. Người tu hoàn toàn có khả năng giải quyết cục diện theo hướng tích cực.

Sống trong tỉnh thức 

Đây là điểm quan trọng nhất. Người cư sĩ sáng suốt luôn phát huy tinh thần tự do, tự tại khi truy tìm và tiếp cận chân lý ở mọi lĩnh vực mà mình quan tâm, nhất là đối với Phật pháp.

Ta không vội bằng lòng và ôm giữ những quan điểm, luận cứ hay giải pháp của bất cứ ai mà trình độ hiểu biết của ta đòi hỏi phải được lý giải sáng tỏ hơn.

Với tinh thần bảo trọng Chánh pháp, và để việc hành trì Phật pháp có hiệu quả, ta luôn biết độc lập trong tư duy. Khi cần chuyển động thích ứng với nội tâm, ngoại giới, ta luôn chủ động ứng xử theo nguyên tắc “tùy duyên bất biến”, “tùy duyên trợ hành” để tự tồn và bảo vệ chân lý hằng hữu.

Ta không cứng nhắc, tự đóng khung để hành xử theo những định kiến của bất cứ người nào, và luôn có sự cân nhắc trước mọi ảnh hưởng của số đông. Không để tự mình rơi vào trạng thái vong thân, mất tự chủ.

Người cư sĩ tỉnh thức thường xuyên tự soi rọi để mọi sự việc luôn được thấy đúng như thật.

Từ đó, ta mới phát huy được chánh tư duy để có thể chấp nhận và góp phần thực hiện những việc làm “bất khả tư nghị” (không thể nghĩ bàn) trong phạm vi những phẩm chất thậm thâm của hạnh nguyện Bồ-tát.

Uy Thi Ca