Cách nay hơn hai nghìn sáu trăm năm lịch sử, Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, bậc giác ngộ thể nhập chân lý tuyệt đối, chấm dứt vòng sanh diệt, tham ái, vô minh, thành tựu viên mãn con đường an vui giải thoát, đã xuất hiện nơi thế gian. Hướng dẫn chỉ ra cho chúng sanh thấy được sự thật về khổ, nguyên nhân của khổ, Niết bàn tịch tịnh và con đường đi đến, mở bày tám vạn bốn ngàn pháp môn nhằm đối trị với tám vạn bốn ngàn căn bệnh phiền não của chúng sanh. Đặc biệt, một pháp môn được mười phương chư Phật, chư đại Bồ tát, chư Tổ sư khuyên tin nhận, thực hành; rất cần thiết và phù hợp với trình độ căn cơ của chúng sanh thời mạt pháp, vẫn không ngoài pháp môn Tịnh độ.
Duyên khởi để hình thành nên tông Tịnh độ được căn cứ vào nhiều bộ kinh do Đức Phật thuyết, căn bản được biết qua 3 bộ đó là: kinh Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ và Tiểu kinh A Mi Đà. Các bản kinh được các bậc danh đức cao Tăng phiên dịch, như các Ngài Huyền Trang, Ngài Cưu Ma La Thập… Luận về thời tiết căn cơ của người thời mạt pháp, bậc thượng căn rất ít, người trung và hạ căn chiếm phần đa số, nếu nghiêng về đường hướng tự lực tu trì khó bề thành tựu. Trong kinh Vô Lượng Thọ, Đức Thế Tôn có lời huyền ký: “Đời tương lai kinh đạo diệt hết, ta dùng lòng từ bi thương xót riêng lưu trụ kinh này khoảng một trăm năm, nếu chúng sanh vào gặp kinh này tùy ý sở nguyện đều được đắc độ”, lại nơi kinh Đại Tập, Đức Thế Tôn đã bảo: “Trong thời mạt pháp ức ức người tu hành, ít có kẻ đắc đạo, chỉ nương theo pháp môn niệm Phật mà thoát luân hồi.” Thế thì môn Tịnh độ là phương thuốc hay hợp thời cơ cho xã hội nhân loại ngày nay, nhưng tại sao ta cần nguyện cầu sanh về Tịnh độ? Mục tiêu hướng đến là gì?
Vì người được sanh về Cực Lạc thế giới dứt hẳn được các điều khổ não ở thế gian, căn bản như tam khổ, tứ khổ, bát khổ và đầy đủ thắng duyên trợ đạo thẳng bước đến quả vị vô sanh, thành tựu trọn vẹn sự nghiệp giác ngộ giải thoát mà trở lại khai ngộ chúng sanh trong các cõi.
Nhưng người muốn sanh về Lạc Quốc cần hội đủ 3 điều kiện về lòng tin, nguyện tha thiết và sự thực hành; thường được gọi là Tín, Nguyện, Hạnh; là 3 món tư lương làm nền tảng, là hành trang cho hành giả trên đường đi về cõi Phật, vậy thế nào là Tín, Nguyện, Hạnh?
Tín là niềm tin, tin nhận lời chỉ dạy nơi Đức Bổn Sư, tin có Đức Phật A Mi Đà đã phát 48 đại nguyện và thành lập nên thế giới thanh tịnh trang nghiêm, tin ta niệm Phật sẽ được Đức Phật tiếp dẫn vãng sanh. Trong kinh A Mi Đà có đoạn chư Phật trong mười phương hiện tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi tam thiên, đại thiên khuyên bảo chúng sanh khởi tâm tín nhận phát nguyện cầu sanh Cực Lạc. Tướng lưỡi rộng dài là do quả báo nói lời chân thật, do đó không thể xem đây là lời hư vọng. Vả lại chư vị Bồ tát như là Văn Thù, Phổ Hiền, Thế Chí… các vị Tổ sư như là Mã Minh, Long Thọ… đều thuộc vào các hàng đại trí sự tu tập chứng đạt đã cao sâu vẫn phát nguyện cầu sanh về Tịnh độ. Chư vị Thiền sư như các Ngài Liên Trì, Triệt Ngộ, Ngẫu Ích, Kiên Mật… thuộc vào hàng long tượng, sau khi tham thiền ngộ đạo lại trở về hoằng dương Tịnh độ. Thế nên khi nhìn lại bản thân mỗi người chúng ta, về khả năng hiểu biết cũng như hành trì tu tập không bằng các Ngài, để rồi từ đó biết định hướng tìm chọn pháp môn phù hợp, quyết chắc giải thoát trong hiện đời.
Đã có niềm tin làm nền tảng cần khởi tâm chí thành tha thiết cầu nguyện sanh về, mong cầu tha lực nơi Phật tiếp dẫn vãng sanh, như sự mong mỏi tìm cầu khi con thơ lạc mẹ, lại như kẻ bị chết chìm trong lòng chỉ duy được người cứu trợ vớt lên, có được như vậy, tâm nguyện cầu sanh mới tha thiết, cảm thông với lòng từ độ sanh của chư Phật.
Về phần thực hành được chia làm 4 cách, gồm có Thật tướng niệm Phật, Quán tưởng niệm Phật, Quán tượng niệm Phật và Trì danh niệm Phật. Trong đó trì danh hiệu Phật là phương cách thích hợp với đa số quần chúng hơn cả, do vì 3 cách còn lại đòi hỏi hành giả phải có đầy đủ căn cơ, sự hiểu biết hành trì mới mong đạt được kết quả. Cách thức trì danh không đòi hỏi sự hiểu biết thâm sâu, dễ tu, dễ chứng nên từ xưa đến nay có rất nhiều chư vị Bồ tát, Tổ Sư, các hàng đạo hữu hướng về tu tập. Lại như các Ngài Thiên Thân – Tổ tông Duy Thức, Ngài Trí Giả – Tổ tông Thiên Thai, Ngài Hiền Thủ – Tổ tông Hoa Nghiêm… tuy hoằng dương pháp môn của mình nhưng vẫn thầm lặng trì danh hiệu Phật, cầu sanh Tịnh độ.
Để cho sự thực hành chuyên cần không hư dối sớm mau thành tựu, đòi hỏi mỗi hành giả phải có lòng tin sâu chắc, tâm nguyện chí thành. Ở đây, về kinh nghiệm bản thân, cũng như học hỏi theo lời chỉ dẫn của các bậc đi trước, về sự tu tập, phần hạnh muốn được chuyên sớm đạt kết quả, điểm quan trọng ta cần tạo vững chắc niềm tin, không để lay chuyển theo ngoại cảnh, dầu được chư Phật hiện ra dạy bảo cách thức tu tập tốt hơn dễ bề thành tựu hơn cũng xin từ chối bỏ qua, chẳng dám nhận lời. Khi thực hành cần được bền lâu đều đặn, thường tự nhắc nhở không để thân tâm rảnh rồi u du buông lung nơi trần cảnh, tạo tác các hoặc nghiệp ra nơi sáu căn, để rồi mãi trôi lăn trong vòng sanh tử khổ đau.
Lại người niệm Phật cần thực hành phần giới luật mà Phật đã chế định, tùy khả năng điều kiện của từng người mà có sự khác biệt, vì Giới là nền tảng phát triển cho Định và Huệ. Trợ tiến cho hành giả mau đến được thành quả, nếu thân không có sự kiểm thúc giữ gìn nơi Giới, sẽ dễ tạo ra các tội lỗi, tâm sẽ dao động mà sanh diệt theo thất tình, lục dục thì khó có thể an tâm niệm Phật. Lại các cõi thanh tịnh của chư Phật, sở dĩ không có 3 đường ác đạo, địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ là do các chúng sanh nơi đó không tạo các nghiệp dữ chiêu cảm mà thành, nếu ta đã trồng nhân lành trì giới, niệm Phật thì chắc hẳn đường về cõi Phật không còn xa.
Như Sư Ông Vạn Đức có để lại bài kệ:
“Nam mô A Mi Đà
Không gấp cũng không hưỡn
Tam tiếng hiệp khấn nhau
Thường niệm cho rành rõ…”
Đây là bài kệ hướng dẫn niệm Phật, sự lý viên dung, từng bước rõ ràng, làm kim chỉ nam cho người tu tịnh nghiệp. Đó là những kinh nghiệm tu tập đưa đến thành công trên con đường tu đạo của Hòa thượng. Chúng ta khi mới bước đầu niệm Phật, cần có sự thực tập chánh niệm, từng câu rõ ràng, rành mạch, tâm ghi nhận rõ trong mọi hoàn cảnh, nếu gặp chuyện đến thì làm, xong việc lại nhiếp tâm niệm Phật, thực tập lâu ngày thành thói quen, công phu lâu thêm phần đắc lực. Khi đó, không cần tác ý để niệm, mà tâm tự sẽ niệm, đạt đến trình độ này trong nhà Phật gọi là “Bất niệm tự niệm”. Từ đó, gia công tu tập khiến cho những vọng niệm lần hồi suy giảm, thay thế bằng câu Phật hiệu, đạt đến sự chuyển nhất nơi tâm, các pháp trần không còn cơ hội xen vào được nữa, khi được cảnh giới này, hành giả thân tuy ở Ta Bà nhưng tâm đã dạo chơi miền Tịnh Độ, chắc thật không hư.
Ba món tư lương này được ví như như cái đảnh có 3 chân, thiếu một chân ắt sẽ không vững. Tín, Nguyện, Hạnh cũng lại như thế, Ngài Ngẫu Ích (Tổ thứ chín của Tịnh Độ Tông) dạy rằng: “Được vãng sanh hay chăng là do lòng tín, nguyện có hay không; phẩm vị cao hay thấp tùy vào sự tu trì sâu hay cạn.”
Môn niệm Phật, tuy thấy có vẻ đơn giản nhưng xét cho cùng đã hàm chứa tất cả các giáo pháp mà Đức Thế Tôn đã để lại, như Lục Độ, Vạn Hạnh… Đại Sư Ngẫu Ích từng dạy: “Người chân thật niệm Phật buông bỏ thân tâm thế giới là đại bố thí. Niệm Phật không khởi tham, sân, si là đại trì giới. Niệm Phật không quản nhân ngã thị phi là đại nhẫn nhục. Niệm Phật không gián đoạn, không tạp vọng là đại tinh tấn, niệm Phật không còn vọng tưởng thô tế là đại thiền định. Niệm Phật không để các pháp trần làm mê hoặc là đại trí tuệ”. Người niệm Phật phải lấy đó làm thước đo đạo hạnh của mình để không bị lầm lạc vào lỗi tự cao thấy mình tu giỏi.
Môn niệm Phật với bản nguyện độ sanh của Phật lợi ích rộng lớn như thế, nên thuở xưa trong Pháp hội Hoa Nghiêm, sau khi giải nói 10 Đại nguyện vương cho Thiện Tài Đồng Tử xong rồi, Đức Phổ Hiền Vương Bồ Tát đã dùng lời khuyến tấn hết cả trong hội chúng đồng phát nguyện sanh về cõi Cực Lạc phương Tây của Đức Phật A Mi Đà, để mau tròn bản nguyện thành Phật, lợi sanh.
Thế nên mỗi hành giả đã và đang đi trên lộ trình giải thoát, ít nhiều hãy dành chút thời gian nhìn lại đường tu của mình và chọn lấy pháp môn phù hợp, nhằm lợi ích chắc thật trong hiện đời, vì thân người khó được, Phật pháp khó nghe, pháp môn Tịnh độ lại càng khó gặp. Nếu đời này không đạt được thật ích nơi đạo, thì những đời sau khó tránh khỏi nỗi khổ nơi 3 đường. Ấn Quang pháp sư, một bậc cao Tăng cận đại từng bảo: “Thời mạt pháp, chúng sanh nghiệp nặng tâm tạp, nếu ngoài môn niệm Phật mà tu các pháp khác nơi phần gieo trí tuệ, phước đức, căn lành, làm nhân duyên đắc độ về sau thì có, nơi phần liễu thoát luân hồi trong hiện thế thì không”. Những lời trên đây, chúng ta phải để tâm thường tự răng nhắc, để ngày sau về cõi Liên bang, dự hội Liên trì, đồng thành Phật đạo.
THÍCH NGUYỆN NHÂN