Bản thân nhà Sư có bệnh nên cũng hơn 5 năm nay ít đi thăm và giảng ở tại các Trường hạ trong Thành phố. Khoảng 10 năm về trước, lúc chưa tách quận Thủ Đức thành 3 quận thì nhà Sư mỗi tuần đều có lên giảng dạy tại các Trường hạ trong quận nhà. Ở Vạn Đức thì ít nhưng Vạn Hạnh Ni thì nhiều, bên Tăng thì giảng ở chùa Pháp Trí chỗ Hòa thượng Đạt Niệm, bên Ni ngoài Vạn Hạnh thì còn có Long Nhiễu.
Hơn 30 năm trước, khi còn trung niên, buổi chiều giảng dạy ở chùa Long Nhiễu xong, mưa dầm nhưng cũng phải đi học Văn học ở trường Đại học Tổng hợp vào buổi tối cùng với Thầy Thiện Hào. Trong mùa An cư cũng là mùa mưa, suốt 7-8 năm đi học như vậy.
13 tuổi mẹ mất, rồi 14 tuổi đi tu nên nhà Sư cũng không được học nhiều. Đi tu mười mấy năm, vào Đại học Vạn Hạnh học được khoảng 1 năm rồi lại nghỉ (1974 – 1975). Đến năm 1985 mới học tiếp Đại học Tổng Hợp cho đến năm 1996. Chương trình học có 2 cấp mất 8-9 năm gì đó, không biết sao học lục đục cũng hơn 10 năm mới xong.
Có lần nhà Sư lên đảnh lễ Hòa thượng, Thầy đang vẽ bảng vẽ của nóc chùa, chợt Hòa thượng quay qua nói với nhà Sư: “Làm việc với nhau mấy chục năm không để ý, bữa nay ngó kỹ thấy Thầy cũng hơi già nha Thầy Giác Toàn”. Câu nói của Hòa thượng nghe thân thương, để lại ấn tượng trong đầu sâu sắc.
Những năm này, Hòa thượng ít chứng minh các Hội nghị, Đại hội Trung ương. Trước đó, khi còn khỏe, Hòa thượng ngồi suốt buổi họp dù thời gian có dài mấy đi nữa. Buổi sáng đến buổi chiều Ngài đều tham dự đến cuối, xong Hòa thượng đúc kết lại vài lời, rồi mới về. Đến những năm 93, 94, 95 tuổi, Ngài chỉ tham dự lễ Khai mạc rồi giao lại các vị Phó Thường trực tham dự tiếp, Ngài không còn ngồi chứng minh liên tục. Đến hôm kết thúc, Ngài lại xuống chứng minh. Hòa thượng hết lòng tận tụy với đạo nghiệp.
Việc dịch kinh cũng vậy, có những lần nhà Sư lên thăm, Hòa thượng đang nằm trên võng, đeo cái kính. Hòa thượng mở kính ra và nói: “Mắt giờ yếu nhiều”, có những năm phải đi mổ mắt để có thể đích thân dịch kinh rồi đọc tới đọc lui. Bản thân nhà Sư được làm việc với Hòa thượng từ ngày vận động thống nhất, rất nể tinh thần làm việc của Ngài. Trách nhiệm của Ngài là Ngài có mặt đầy đủ: Hội nghị 1 năm, giữa kỳ Ban Thường trực, rồi Hội nghị Trung ương (1 năm 2 lần) Ngài cũng tham dự từ đầu đến cuối, không bỏ vắng kỳ nào. Tuy nhiên, có điều đặc biệt là Ngài không đi trai tăng.
Lúc bấy giờ, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Viện trưởng Viện Hóa Đạo; Hòa thượng là Phó Viện trưởng, phụ trách Tăng sự. Khi Giáo hội thống nhất, Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Chủ tịch đầu tiên, không đầy 3 năm thì Hòa thượng tịch, Hòa thượng Vạn Đức làm tiếp đến ngày theo Phật (khoảng 30 năm). Ngài chưa bao giờ lơ là trách nhiệm Chủ tịch của mình, từ Hội nghị Ban Thường trực tới Hội nghị Hội đồng Trị sự. Khi Hội nghị có việc gì cần bàn thảo nhiều, mỗi người một ý kiến, Hòa thượng chỉ ngồi yên, điềm nhiên, lắng nghe; nhìn thấy Ngài như một vị Thiền sư, chứ không giống như vị điều hành Giáo hội. Ngài ngồi không để lộ vui hay buồn, đến khi kết thúc buổi họp, Ngài đúc kết lại thành vài câu nhưng lại chứa đựng hết nội dung buổi họp. Thành ra bản thân nhà Sư rất là hoan hỷ khi được hầu Hòa thượng làm việc suốt 30 mấy năm. Những lời dạy của Hòa thượng như một lời cảnh tỉnh “…Thầy cũng hơi già rồi nha Thầy Giác Toàn”.
Có lần, nhà Sư định lên chương trình đi tỉnh Bình Phước, ông Chủ tịch tỉnh (là anh của một Ni sư ở chùa Đồng Xoài) thỉnh Giáo hội lên làm Thánh tích Phật giáo trên núi ở Đồng Xoài. Ông mời mình lên xây dựng, phần pháp lý bên tỉnh sẽ ủng hộ. Nhà Sư có thưa với Trưởng lão Hòa thượng Trí Quảng và thỉnh Hòa thượng hoan hỷ đứng đầu công trình này, con sẽ làm Phó trực, rồi mời đại diện Hoa Tông (là HT Tôn Thạch) để lên xây một ngôi chùa Hoa, rồi bên Nam Tông cũng lên xây một ngôi chùa, bên Khất sĩ xây một ngôi. Từ trên đỉnh xuống là 3 ngôi chùa, tương ưng với 3 màu sắc. Tôn trí tượng Quan Âm hay tượng gì thật lớn đặt trên đỉnh. Nhà Sư bàn với Ni sư Huệ Từ (lúc đó Ni sư làm Trưởng ban Từ thiện) dưới chân núi sẽ làm nơi dạy nghề, hốt thuốc nam cho dân nghèo sau chiến tranh. Kế hoạch dự kiến đã xong, định lên khởi công, nhiều lắm thì 3 đến 5 năm là xong. Nhưng khi họp bàn, mọi người trình kế hoạch, Hòa thượng Vạn Đức hỏi HT Trí Quảng và nhà Sư: “Giờ 2 vị đã già rồi, nhắm có lên núi được không mà lãnh?” Nghe xong HT Trí Quảng xin rút khỏi Trưởng ban, thành ra nhà Sư (làm Phó trực) cũng thôi, rút luôn.
Điều đáng chú ý là lời thức tỉnh của Đại lão Hòa thượng. Sau này bệnh yếu nhà Sư ít dám đi hội họp, cúng kiến, nhất là đi trai tăng. Thấy gương của Hòa thượng cả đời dịch kinh. Khi Đại lão HT Trí Thủ tịch thì Ngài đi cúng những lễ lớn, lễ đưa tang, rồi tới cúng tuần thất, bốn mươi chín ngày của các vị Giáo phẩm, Ngài cũng quang lâm, thắp hương rồi về, chứ không dự lễ trai tăng nào hết. Tuy nhiên dịch kinh thì Ngài không bỏ sót ngày nào, trách nhiệm với vai trò Chủ tịch, Ngài cũng không bỏ giờ nào. Đó là tấm gương mình phải học theo.
Hòa thượng hay nói: “Phó thì phải nhiều chứ Chủ thì chỉ có một.” Chủ tịch thì 1 Chủ tịch, phó có thể 5 vị, 10 vị hay 15 vị, cho nên rất hiếm để có được người có trách nhiệm về tinh thần khi làm đạo. Huynh đệ để ý việc dịch kinh, Hòa thượng dịch cả đời, dịch tới cặp mắt mờ rồi mổ đi mổ lại nhưng vẫn miệt mài. Đến khi không đọc được nữa thì Hòa thượng cho một vị ở bên đọc để Hòa thượng kiểm lại cái ý, cái lời. Thành ra nhớ đến Hòa thượng thì mình phải nhớ cả sự tinh tấn dõng mãnh mà lại êm đềm. Ngài lãnh đạo Giáo hội 30 năm, không thấy phải đi tỉnh nào hết, nhưng tỉnh nào có việc Hòa thượng cũng đều giải quyết. Hòa thượng chỉ cách giải quyết cho Ban Thường trực, cho Phó ban hoặc Thư ký xử lý. Ngài chỉ theo dõi, cố vấn.
Hòa thượng xuất thân từ núi Cấm, rồi ra Huế học. Ngài lặn lội cầu học, xong rồi Ngài về lo dịch kinh. Ở Việt Nam, Ngài là người dịch kinh Đại thừa nhiều nhất. Những bộ kinh như Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Bát Nhã được Phật tử tụng đọc. Bản thân nhà Sư hồi nhỏ ngoài Pháp Hoa ra còn tụng thêm Hoa Nghiêm. Khi nhà Sư làm tập Suối về Hoa Nghiêm để tưởng niệm người mẹ thì nhà Sư cũng mượn ý của phẩm Nhập pháp giới nói về Thiện Tài Đồng tử đi cầu đạo để chỉ về tâm, cũng muốn chỉ về người mẹ đã mất của mình. Những điều này liên quan đến pháp, nên được truyền từ đời này đến đời kia. Nhà Sư cũng tự nghĩ: “Có lẽ mình có duyên với Đại lão Hòa thượng từ nhiều đời nhiều kiếp”.
Nhà Sư phụ giúp Ban Vận động từ những năm 32 tuổi; Ban Vận động lúc đó có 24 vị, giờ đã tịch hết chỉ còn đạo hữu Tống Hồ Cầm (năm nay 102 tuổi), là cư sĩ trong Ban Vận động. Nhà Sư biết mình cũng sắp quy rồi, như Hòa thượng đã dạy: “Nhìn kỹ Thầy cũng hơi già nha Thầy Giác Toàn”.
Hôm nay đến với Trường hạ để tưởng nhớ ân đức của Đại lão Hòa thượng thượng Trí hạ Tịnh, Viện chủ sáng lập nơi đây, cùng đạo tình với Hòa thượng Trụ trì. Thấy quý Phật tử trong đạo tràng cùng học, cùng tu trong mùa An cư với chư Tôn đức an cư, nhà Sư rất lấy làm hoan hỷ.
Từ cuối thế kỉ XX đến đầu thế kỉ XXI, thế giới phát triển mọi mặt, từ văn minh, khoa học đến đời sống nên các sinh hoạt của con người trong xã hội được nâng lên rất nhiều. Bây giờ cái gì cũng sướng không như thời ông bà mình ngày xưa, tu tập cũng vậy. Thời của Hòa thượng rất gian nan, lớp của bản thân chúng tôi, cũng như lớp Hòa thượng Hoằng Tri thời còn trẻ cũng vậy.
Hồi những năm 1975, bên Khất sĩ ngày nào cũng phải đi bát; đến khi thọ Sa di rồi thì không được giữ tiền. Tuy nhiên, thời nào cũng có cái tốt, cũng như cái khuyết của thời đó. Lúc nhỏ, nghe nói đi tu không giữ tiền, trong bụng lo lắm. Không giữ tiền, sao mình sinh hoạt, muốn mua cái gì mình làm sao, trong bụng nghĩ thầm vậy đó. Khi đi tu rồi mới thấy không giữ tiền là điều sung sướng, không giữ tiền nó nhàn hạ lắm.
Nhà Sư về Trà Vinh thăm Trưởng lão Giác Như (Trưởng lão hầu cận Tổ sư Minh Đăng Quang), Ngài giống như ngài Xá Lợi Phất hay Mục Kiền Liên được thân cận bên Phật vậy. Năm ấy nhà nước yêu cầu người dân đổi tiền. Ngài nói: “Cái ngày đổi tiền là ngày tôi khỏe nhất”. Nhà Sư mới thưa hỏi: “Sao vậy Trưởng lão? Khỏe sao?” Ngài nói: “Thì hàng ngày tôi ôm cái bát đi khất thực thôi, chùa đâu có đồng nào đâu mà đi đổi, nên không lo lắng gì”.
Năm 1962, vô tu ở Mỹ Tho, rồi Bến Tre suốt 3 năm đầu. Mới vào ngày đầu tiên, mấy Sư huynh thấy tiểu còn nhỏ, 14 tuổi, thấy thương thương, tội nghiệp. Các Sư lớn đi bát, về chia đều nắp bát để cúng ngọ. Các Sư huynh nói thức ăn trên nắp bát của vị nào, vị ấy phải ăn hết không được chừa lại. Nào bánh mì, chuối có khi thêm xôi… mà phải ăn hết… mình nghe cũng thấy ngao ngán. Mình ăn hết chén cơm, bây giờ phải ăn hết cái bánh thì làm sao mà ăn nổi, cũng phải cố ăn. Bánh mì xé nhỏ ra bỏ vô canh gắng ăn. Bữa đầu tiên vô tu, ăn no tới chiều.
Sau đó, nghe theo sự chỉ dạy của đức thầy Từ Huệ (là Bổn sư, ở Mỹ Tho) về Trung Tâm hầu ngài Pháp sư Giác Nhiên (là Thầy Y chỉ). Mỗi chiều, nghe Thầy gọi Sư huynh Huệ Thuận và Huệ Tâm nói: “Các Sư xuống nhà bếp, hỏi bếp còn cơm nguội không? cho Huệ Hòa chén, để nó đói tội nghiệp”. Mình nghe mà nhớ hoài. Mới vào chùa, nhà Sư pháp danh là Huệ Hòa, lên Sa di rồi Tỳ kheo mới là Giác Toàn, cho tới bây giờ. Cho nên cũng còn nhớ cái tên Huệ Hòa một thời gắn với vùng quê Mỹ Tho, Bến Tre; cũng nhớ con đường qua lại hai nơi này; còn nhớ con đò bắc (phà), nhớ giây phút đợi cái bắc để đi qua, gặp những hôm nước chảy ngược, bắc đi chậm, chờ đến 45 phút, có khi cả tiếng.
Thời đó, xe Á Đông ưu tiên cho tu sĩ nhưng lần này xe chật đến hai cánh cửa lớn, nên mình đi xe lam. Lại xe lam thì gặp bác Phật tử, mình chắp tay đàng hoàng nói: “Mô Phật! Đạo hữu làm ơn cho nhà Sư có giang qua Bến Tre”. Bác nói: “Sư đứng đây, chờ tôi rước xong khách, rồi Sư ngồi bên đây”. Bữa đó mình khỏe, đứng chờ không hề gì. Có bữa, gặp ông không phải Phật tử, mình cũng lại chắp tay, nói: “Mô Phật! Đạo hữu làm ơn cho nhà Sư có giang qua Bến Tre”, ổng nói: “Thôi không có mô mô gì hết, tôi chờ muốn chết, rồi ông qua mô mô ông xin à”, nghe mà thấy thương.
Thưa huynh đệ, thời đó cũng có những điều còn khuyết trong tu tập, nhưng đã giữ giới không giữ tiền nhất định không giữ tiền; không giữ tiền cho nên vui; rồi ăn chiều cũng vậy nói ăn ngọ là ăn ngọ. Cho nên mười giới Sa di của mình từ Phật tới Tổ, tới mình, hễ giữ đúng thì mình nhẹ nhàng thư thới.
Sau 1975, đất nước hòa bình. Mỗi lần nhà Sư về Trà Vinh đi ngõ Bến Tre qua đò Cổ Chiên là nhớ đến xứ Mỏ Cày, Ba Tri, Giồng Quéo, Thơm. Vùng này ngày xưa, vắng, hẻo lánh và hay bị đánh bơm B52. Đường lộ hồi đó còn xấu, lộ đá xưa; lại đi bộ chứ không có xe đi, phồng cả chân. Bây giờ đường xá được tráng nhựa, tráng bê tông. Thuận tiện mọi mặt. Xưa phải đi phà, giờ đất nước hòa bình xây cầu hết, từ cầu nhỏ đến cầu lớn. Huynh đệ thấy thời của mình bây giờ được đầy đủ, nhưng vật chất được sung túc nó sẽ chi phối đến tâm mình nhiều hơn. Thời trước, đất nước khó khăn, dân chúng, tín đồ bổn đạo cũng khó khăn, nên chùa cũng thiếu thốn theo. Còn bây giờ xã hội phát triển văn minh thì Phật tử có điều kiện, đi chùa thấy cốc, am hư, phát tâm tu sửa, mà sửa cho tốt thì đời sống của người tu được thông thả hơn. Mùa hạ Phật tử cúng dường cũng tươm tất hơn, nhưng bù lại ngày thường mình phải cầu an, cầu siêu, việc này cũng chi phối đến mình phần nào.
Bản thân nhà Sư có duyên được đọc giảng kinh Đại Bát Niết Bàn của Hòa thượng ở đây dịch suốt 4 – 5 năm tại giảng đường chùa Xá Lợi. Những năm nhà Sư còn khỏe, cứ chủ nhật đi giảng, đều chọn giảng bộ này, suốt nhiều năm. Đặc biệt phẩm Thánh Hạnh và Phạm Hạnh nhắc đến từ Tứ Đế cho đến công hạnh tu trì, rất đặc sắc. Nhà Sư nhớ hoài cái “Thất Thánh Tài” (Tín, Giới, Tàm, Quý, Đa văn, Trí huệ và Xả ly). Sau này, khi có dịp mà giảng kinh Tăng Chi thì cũng có “Thất Thánh Tài” nhưng “Thất Thánh Tài” trong kinh Tăng Chi thì có xê dịch đôi chút (Tín, Giới, Tàm, Quý, Đa văn, Thí tài, Trí tuệ). Tư tưởng đặc sắc của Đại thừa chỗ tài sản thứ bảy là “xả ly”. Tức là mình có hết nhưng mà lại buông hết đó là điểm đặc sắc, là tài sản lớn nhất của người tu mình. Bản thân nhà Sư, từ nhỏ được đọc, được học và được giảng đi giảng lại, nhận ra được cái đó là điểm đặc sắc. Nên càng thương các huynh đệ mới bước chân vào đạo ngày nay, có những huynh đệ chân ướt chân ráo bước vào đạo, nhưng không gặp được nếp sống phạm hạnh của chư Tôn đức đi trước, không biết đời sống khổ hạnh để học theo.
Thưa với Chư Tôn đức cao niên cao hạ chứng minh, huynh đệ trung niên, với tân xuất gia, chúng ta phải hết sức để ý điều này, để tập trung cho đường tu của mình. Đi tu đâu phải dễ, nhưng mà mình được đi tu là mình có căn duyên nhiều đời nhiều kiếp. Bản thân nhà Sư thấy rõ điều đó. Vô tu mà mình không khởi lên niệm buồn, đúng là mình có căn duyên sâu dày. Tập sự tu cũng vui, mà Sa di tu cũng vui, lúc đã Tỳ kheo tu càng lâu càng thấy vui. Niềm vui trong đạo nhẹ nhàng. Đi tu mà chuyện gì không vừa bụng là nó buồn thì căn tu của mình còn cạn mỏng.
HT. THÍCH GIÁC TOÀN