ĐẠO YẾU TĂNG HOẰNG TU YẾU NGỘ

Hôm nay, tôi về đây thăm ngôi tịnh thất (Vô Y viện) của cố Đại lão HT Thích Trí Tịnh và nhân đây cũng chia sẻ với các huynh đệ một vài suy nghĩ để cùng nhau thúc liễm thân tâm và trau dồi giới, định, tuệ.

Tôi nhớ ngày đầu tiên tới thăm Hòa thượng Vạn Đức, lúc đó còn là một học tăng của Ấn Quang, Hòa thượng có dạy tôi một câu và đó là hành trang cho cả cuộc đời tu tập. Hòa thượng dạy: “Đạo yếu tăng hoằng, tu yếu ngộ”, nghĩa là: Đạo quan trọng nhất là do chư Tăng hoằng truyền, nhưng chư Tăng phải là chư Tăng ngộ đạo. Tu thì ai cũng tu, nhưng có mấy người ngộ được đạo? Điều này rất quan trọng, chính lời dạy đó là hành trang suốt cuộc đời học đạo và hoằng đạo. Ngày nay, đa số trọng về bằng cấp học vị, còn Thầy Tổ trước đây không quan tâm đến vấn đề bằng cấp, quan tâm đến vấn đề ngộ đạo hơn. Có nhiều vị không bằng cấp nhưng trở thành Tổ Sư, trở thành danh tăng; nhiều vị học có nhiều bằng cấp nhưng chỉ dùng giới thiệu cho mọi người thôi. Đối với tôi, bằng cấp cũng giúp cho mình bước đầu, chứng tỏ mình có học nhưng đi vào trong đời sống, không làm được gì hết thì bằng cấp chỉ thêm xấu hổ, lãng phí công sức, đầu tư học tập. Không bằng những người tuy không có bằng cấp mà làm được việc. Mặc dù tôi đi học, học ở trường Phật học rồi sau này Hòa thượng Thiện Hòa cho đi học ngoài đời, được chọn gửi ra nước ngoài. Như vậy tôi là người có đi học, nhờ có đi học cho nên giúp cho mình trên bước đường hoằng đạo dễ dàng hơn. Người khác nhìn bề ngoài mình xuất thân từ Phật học đường, tốt nghiệp có bằng cấp, người ta cũng dễ dàng tin tưởng chọn giao việc. Quan trọng nhận việc rồi có làm được không? Chư Tăng là phải học, học xong phải làm việc, cống hiến phụng sự, không để tốn tiền của công sức mà không làm gì hết thì lãng phí, sau này trả nợ thí chủ đàn na thì khổ. Khi tôi về nước, Giáo hội giao cho tôi bất cứ việc gì tôi đều làm hết lòng, không sợ khó khăn, khổ cực; tất cả để đền ơn tri ngộ, đền ơn của Phật, của Tổ, của Thầy và của đàn na thí chủ.

Đức Phật dạy, có vô lượng Pháp môn tu, đó là pháp phương tiện. Có nghĩa là tùy địa phương, tùy hoàn cảnh, quốc độ khác nhau. Giáo pháp đem ứng dụng vào địa phương, dân tộc, tập quán phải tương thích, phải có phương tiện thì mới làm được đạo. Khi học kinh Bát nhã có sáu pháp Ba la mật, đạt đỉnh cao nhất là trí tuệ. Tức là biết hết tất cả, nhưng biết là một lẽ, làm là một lẽ khác. Khi biết hết rồi cũng cần phải biết là có nên nói hay không? Nói ra có hại cho mình, cho người hay không? Nếu nó đúng mà nói ra gây hại thì nói làm gì? Hòa thượng Vạn Đức dạy tôi phải nói đúng lúc, đúng chỗ, đúng người. Có Bát nhã trí rồi thì sẽ biết nào nên nói, nào không nên nói. Xác định thấy đúng, thì phải nghĩ xem nên nói với ai, vì nói không đúng người thì rất là tai hại.

Giáo pháp của Đức Phật rất hay nhưng chỉ tương thích với những người cảm tâm. Đây là ý của tôi học từ chư tôn túc Hòa thượng, người cảm tâm thì đồng hạnh, đồng nguyện, có thể hỗ trợ cho nhau. Ta liên kết các vị Bồ tát ở siêu hình và các vị Bồ tát trong dân gian, ta làm được các Phật sự, chiêm nghiệm sẽ thấy rất rõ về điều này. Nhờ lời dạy của Hòa thượng Vạn Đức, tôi cố gắng thực tập, dành thời gian nhiều để niệm Phật, nghĩ về hành trạng của Đức Phật nhiều hơn, không chỉ có xưng danh hiệu không. Từ chỗ niệm Phật A Mi Đà hay niệm Phật là nghĩ tới tất cả các Đức Phật. Tất cả các Đức Phật cũng có hạnh có nguyện, cho nên hạnh của mình đồng với hạnh của Phật thì gọi là niệm Phật, đồng hạnh với Đức Phật; mình có ý nguyện giống như Phật, mặc dù mình không nói ra tiếng nhưng nguyện của mình giống nguyện của Phật thì đó là niệm Phật, đồng nguyện với Đức Phật. Khi tôi niệm hồng danh Đức Phật A Mi Đà, tức là tôi nghĩ tới Đức Phật A Mi Đà, điều đầu tiên nghĩ tới là thế giới Cực Lạc, sau đó nghĩ tới 48 lời nguyện của Ngài. Lời nguyện mở đầu của Ngài là: “Thế giới của tôi không có tên của 3 đường ác”. Thế giới đó, do công đức tu của Đức Phật A Mi Đà cảm nên, do tâm thanh tịnh của Ngài mà thành, chứ không phải như chúng ta dày công xây dựng một ngôi chùa. Trong kinh Phật nói: “Thành tựu như thị công đức trang nghiêm”, là do công đức mà thành. Trong đạo khác hoàn toàn so với thế gian, thế gian do khôn ngoan, tính toán, hơn thiệt mà thành, nếu đem thế gian xen lẫn trong đạo thì rất nguy hiểm. Có nhiều Thầy dùng trí khôn ngoan của mình xây dựng chùa, nhưng xây dựng chùa chưa xong là chết, giỏi lắm xây dựng xong cũng phải chết, đây là điều quan trọng phải nhận biết thật rõ. Chúng ta tu Tịnh độ theo pháp môn của Đức Phật A Mi Đà, phải nhận định tất cả đều do công đức trang nghiêm mà thành tựu, chứ không phải do khôn ngoan tính toán mà được.

Tôi nhớ, Hòa thượng Vạn Đức khi về nơi đây khai sơn chùa Vạn Đức, đất này là của cô Ba Hộ, nhận thấy công đức tu của Hòa thượng ở Liên Hải nên cô Ba cảm đức của Ngài mà thỉnh Ngài về đây, dâng cúng ngôi nhà hiện tiền để xây chùa tu tập. Xưa kia, vua Tần Bà Sa La cũng vì cảm đức của Đức Phật Thích Ca nên Vua dâng Thượng Uyển (Khu vườn hoa của nhà Vua) cúng dường. Cấp Cô Độc lấy vàng đổi đất của Kỳ Đà Thái tử xây Tịnh xá Kỳ Viên dâng cúng cũng là vì cảm đức. Qua đó, quý Thầy ở chùa “Vạn Đức” phải nên để tâm tư duy. Đức rất là quan trọng, đức là do giữ giới mà thành, đức do tu mà thành; cho nên không giữ giới, không tu hành sẽ không có đức; không có đức thì làm sao cảm hóa được người? Không cảm hóa được người mà dùng khôn ngoan thì đó là một tai họa rất lớn. Tôi rất sợ quần chúng đến với tôi, khi họ tới với mình mà không cảm được đức của mình, không đồng hạnh với mình, không đồng nguyện với mình thì quý Thầy thấy có nguy hiểm không? Bao nhiêu chuyện rắc rối sẽ xảy ra, cho nên phải có tâm e sợ. Quý Thầy khi cất chùa xong rồi phải nghĩ đến có Tăng, nhưng nếu được thanh tịnh Tăng, đồng hạnh đồng nguyện Tăng ở chung với nhau theo nếp sống Lục hòa thì rất tốt, giúp đỡ nhau từng bước đi lên, ngược lại là tạp Tăng thì rất sợ, mỗi Thầy mỗi ý, mỗi việc làm riêng ở chung với nhau thì rất là nguy hiểm, đây là điều phải hết sức chú trọng. Tất cả đồng tâm với nhau xây dựng Phật pháp thì nhất định sẽ thành tựu, còn nếu như mỗi Thầy mỗi ý riêng thì sớm muộn cũng tan rã. Thời tôi còn là học Tăng, nhận thấy Phật học đường Nam Việt rất tốt, không đông nhưng mà huynh đệ sống hài hòa với nhau, hết lòng cùng nhau; nghèo nhưng chung tay với nhau thì lại được việc và quần chúng kính nể. Đến khi quần chúng kính nể rồi, chùa cao Phật lớn rồi thì lúc bấy giờ quyền lợi xen vào. Khi bước chân vào Phật học đường Nam Việt, tôi còn lượm đồ tang nhuộm vỏ măng cụt để mặc. Sau này, mỗi mùa an cư người ta đem cúng nhiều lắm, nhiều thì mắc lo hưởng thụ. Từ đó, đạo lực kém lần, đạo đức mất đi, hình thức có đó mà người ta chê cười, người ta không khen ngợi như xưa nữa. Ngày nay, quý Thầy cần cẩn trọng hơn nữa, vì có mạng xã hội. Nhiều khi ngồi đây lén lén bị chụp ảnh đưa lên, cho nên quý Thầy càng phải giữ oai nghi tế hạnh nhiều hơn. Đôi khi mình vô tình nhưng mà người ta cố ý bươi móc thì rất là phiền phức. Vì vậy, Hội đồng Chứng minh mới quyết định thành lập Hội đồng Giám luật, để nghĩ tới phương cách hạn chế tối đa vi phạm giới luật trong Tăng đoàn.

Ở bên thế giới Cực Lạc của Đức Phật tên 3 đường ác không có, ý nghĩ 3 đường ác cũng không có, cái này rất quan trọng. Từ chỗ đó, học với Hòa thượng Vạn Đức là phải đóng cửa tâm lại. Mấy anh em chuyên tu nên cảm nhận điều này; khi tâm mình mở ra, dùng tình thương bao la để chiêu cảm thì mọi người, mọi loài chúng sanh sẽ cảm đức và tới với mình. Hòa thượng nói điều này nghe hơi lạ nhưng rất đặc biệt. Hòa thượng kể khi ngồi niệm Phật, lúc mở mắt ra nhìn thấy có con muỗi đeo trên cánh tay, Ngài khởi niệm: “Mình không có gì tặng chúng sanh, nó cần giọt máu mà chẳng lẽ mình không cho, thành ra Ngài để yên cho nó hút cho no”. Hòa thượng nói với tôi bằng chân tình, Ngài nghĩ là tôi hiểu được ý Ngài nên Ngài mới nói với tôi. Còn chúng ta khi nhìn lên cánh tay mình có con muỗi nó cắn thì sẽ ra sao? Một là đập chết, hai là đuổi đi. Hòa thượng thì thấy thương nó mà bố thí, mình cũng có thể bố thí cho nó giọt máu được nhưng sao mình không cho? Từ chỗ đó mới thấy lòng từ của mình không có mở ra thì chúng sanh sẽ không cảm được. Trên bước đường tu, Thầy nào mà giữ tâm được thanh tịnh, nhất là nhập được Từ bi Quán hay cao hơn bước là Từ tâm Tam muội, tức là định. Từ trong định mình khởi lòng từ thì đó là chân thật; từ trong chân tâm mình khởi lên tình thương nghĩ tới chúng sanh thì chúng sanh mới cảm được lòng từ của mình, nó thương mình, quý trọng mình thì sẽ tới với mình. Do đó, chúng sanh này không bao giờ làm phiền đến mình, đây là kinh nghiệm tu của tôi. Khi nào cánh cửa ba đường ác đóng lại, tức là cánh cửa tâm đóng kín rồi, lúc ấy không khởi niệm ác, điều này rất là kỳ diệu. Pháp môn niệm Phật tôi áp dụng trong cuộc sống, tôi cảm nhận được Đức Phật A Mi Đà phát xuất từ cái này, niệm Phật tam muội của Ngài là ngay chỗ này. Khi Ngài mở tâm ra, thì tất cả các Bồ tát đồng hạnh, đồng nguyện với Ngài khắp trong pháp giới liền cảm ứng đạo giao. Những vị tu hành được thanh tịnh, giải thoát sẽ cảm tới chúng sanh, đây là trên bước đường tu pháp giới chúng ta thâm nhập vào là thế giới của tâm thức. Thế giới đó quý Thầy muốn ai vào thì họ vào, muốn tống ai ra thì họ ra, họ không ở với mình được tại thế giới trong tâm thức. Trong tâm mình có nhiều tham muốn thì tất cả loài ma tham muốn sẽ thâm nhập vào, còn bực tức thì các loài ma sân hận sẽ thâm nhập. Khi quý Thầy không còn bực tức nữa thì trong trường hợp này, tất cả những thứ độc hại đều đi ra, nó không có cửa để vô. Cửa tâm là cửa quan trọng, tâm nghĩ tới Phật thì trí giác sẽ giống như Phật, ác ma sẽ không xâm nhập được, mình không cần chống phá mà tự chúng sẽ mất đi. Tôi thực tập pháp này, tôi nguyện tất cả những người nào có duyên tu với tôi thì xin Đức Phật cho họ tới, tôi sẵn sàng tiếp độ; còn những người không có duyên thì nhờ chư vị Kim Cang – Mật Tích đuổi đi. Có mấy vị gác cổng rồi, gác cổng ở đâu? Gác ngay cổng tâm của mình chứ không phải ngoài cổng chùa. Tượng để ngoài cổng chỉ là tiêu biểu, thực chất là gác cánh cổng tâm, không để xấu ác xâm nhập. Trên đường tu, sợ nhất lòng mình không có Phật, không thanh tịnh. Vì vậy, tất cả pháp môn tu của Đức Phật dạy chúng ta là cốt làm sao để tâm thanh tịnh.

Có nhiều pháp môn tu khác nhau, nhưng pháp môn tu thiết yếu dành cho Thầy Tỳ kheo là thực tập 37 trợ đạo phẩm, trước nhất là tu thiền Tứ Niệm Xứ. Về sau này, các pháp môn tu do chư vị Tổ Sư khởi xướng. Thí dụ Tịnh độ tông khởi đầu từ Ngài Huệ Viễn, Ngài phát xuất từ Trung Quốc thì đây là vị Tổ đầu tiên của Trung Quốc xiển dương pháp môn Tịnh độ. Nhưng phải nhớ rõ, Tịnh độ vẫn phát xuất từ Đức Phật Thích Ca, kế đến Ngài Long Thọ Bồ tát, Ngài Thế Thân rồi mới truyền qua Trung Hoa. Ngài Huệ Viễn là người ngộ được pháp môn Tịnh độ. Từ đời nhà Tấn tới đời nhà Đường thì Ngài Thiện Đạo là vị khai tông lập giáo pháp môn Tịnh độ cho chúng ta có được nền tảng giáo lý tu tập. Đối với pháp môn này, phương thức là đi tắt, tức là không sử dụng 37 phẩm trợ đạo. Tôi thì sử dụng 37 trợ đạo phẩm trước, thực tập thiền Tứ Niệm Xứ trước rồi sau mới áp dụng niệm Phật với mục tiêu là đạt được thành tựu tam muội, tức là đạt được Định. Ngay đây đóng kín cửa tâm mình lại để giữ Phật ở trong lòng, không để gián đoạn, như vậy là niệm Phật tam muội. Trong lòng tôi chỉ có Đức Phật, đem Phật vào lòng để lòng mình sáng lên, giữa mình với Phật có sự tương giao. Trong kinh Pháp Hoa gọi là chư Phật hộ niệm, chư Phật hộ niệm cho ta tỏa sáng lòng mình. Khi niệm Phật, nhớ nghĩ về Đức Phật A Mi Đà thì Ngài từ Tây phương Cực Lạc phóng quang tới tâm chúng ta, tâm chúng ta nhờ đó mà sáng lên, tâm sáng thì thấy được cõi Cực Lạc. Quý vị nhớ niệm Đức Phật Thích Ca, trong lòng sáng lên thì thấy được Thế giới Thật báo của Ngài, thâm nhập vào trong thế giới này. Trí Giả Đại sư bảo rằng khi tụng kinh Pháp Hoa, Ngài thấy Ngài đang nghe Đức Phật Thích Ca thuyết pháp, tức là niệm Phật tam muội. Niệm Phật tam muội là do niệm Phật mà tâm trở nên thanh tịnh, Phật vào lòng mình tạo thành một thế giới quang hay là thế giới thanh tịnh của chư Phật. Mình sống ở trong thế giới Ta Bà, nếu giữ được tâm này thì tương ưng sống trong thế giới của chư Phật. Thế giới Ta Bà và Cực Lạc như bề trái và bề mặt của bàn tay, khi mình tiếp cận với cuộc đời này với buồn lụy thì gọi đây là Ta Bà thế giới, khi trong thiền thất nhiếp tâm niệm Phật, đóng kín cánh cửa Ta Bà lại thì thế giới Cực Lạc mở ra. Trong lòng mình có Phật thì việc tu tập nhất định sẽ có kết quả tốt, sẽ thành tựu được những điều phi thường.

Hôm nay, đến thăm các huynh đệ, tôi chia sẻ đôi lời như vậy. Mong mọi người đều phải nên tư duy và thực tập pháp môn niệm Phật, hướng đến mục tiêu thành tựu tam muội, đây là điều cốt lõi quan trọng nhất trong đời tu của mình.

HT. THÍCH TRÍ QUẢNG

Scroll to Top