Tôi nhớ một lần Sư Ông kêu tôi lên Tịnh thất dọn dẹp cái tủ bằng gỗ thông bị mối mọt ăn hết. Tôi soạn từng tờ giấy, những hộp giấy bìa các-tông cái nào cũng bị mối ăn. Tôi gom lại từng thứ dính đầy đất do mối gây ra. Tôi cầm lên một bịch ni-lông màu, bên trong có cái mền đã cũ rách dính đầy đất do mọt gỗ. Tôi nghĩ rằng cái mền này Sư Ông không sử dụng nữa. Sau khi quét dọn gom các thứ, trong đó có cái mền rách, tôi đem bỏ vào thùng rác trong khuôn viên chùa và đi nấu cơm trưa.


Thầy Tri Sự (Hoà Thượng Thích Hoằng Tri) thỉnh cầu Sư Ông trụ thế.

Khoảng 15 giờ, tôi lên Tịnh thất tiếp tục công việc. Bất chợt, Sư Ông hỏi: “Hoằng Khởi có thấy cái mền cũ của Ông để trong tủ bây giờ ở đâu không, lấy ra đưa đây cho Ông”. Tôi giật mình mồ hôi tuôn ra. Tôi suy nghĩ không biết từ lúc tôi đi bỏ rác đến lúc 11 giờ trưa, đến bây giờ đã gần 4 tiếng đồng hồ, không biết người ta lấy rác đổ chưa.

Tôi vội chạy xuống sân chùa không kịp trả lời Sư Ông. Thật là may mắn, khi nhìn vào giỏ rác vẫn còn nguyên. Vì hôm đó người ta không gom rác. Tôi vội vàng tìm trong giỏ rác kéo bịch ni-lông ra, cái mền cũ vẫn còn dính đầy đất cát, tôi phủi hết cát bụi, trở lên thất trình Sư Ông.

Sư Ông nhìn tôi và nói: “Ủa cái mền này trong tủ mà bây giờ Hoằng Khởi lấy đâu ra vậy?”
Tôi thật thà thưa với Sư Ông: “Bạch Ông con nghĩ cái mền này quá cũ và rách rồi, chắc Ông không dùng nên con đem bỏ đi”

Sư Ông nhìn tôi mỉm cười và chậm rãi nói: “Đúng cái mền này đã quá cũ và rách. Vì ông  đã sử dụng trên 20 năm. Tuy bây giờ ông không còn sử dụng để đắp nhưng có thể dùng để lau chân hoặc để dưới sàn kế bên giường ngủ. Khi bước chân xuống giường, đặt hai chân trên cái mền đó cho khỏi lạnh bàn chân. Đừng hoang phí đồ vật, vì đó là của đàn na tín thí người ta cúng. Người ta cực nhọc kiếm tiền để cúng chùa, cúng tăng ni. Mình phải nên tiết kiệm, ráng lo tu để đền ơn đàn-na thí chủ”.

Thời gian trôi qua đã lâu, nhưng lời nói của Sư Ông không bao giờ con quên được. Con cảm nhận rằng mỗi một lời Sư Ông nói ra, là bài pháp để dạy cho chúng ta sau này phải biết tiết kiệm và không hoan phí.

(Thị Giả Hoằng Khởi lược kể)