Bài Giảng của Hoà Thượng Thích Trí Tịnh
Trong Mùa Kiết Hạ An Cư Năm Đinh Mùi 1967 tại Chùa Vạn Đức Thủ Đức
“Nếu Phật tử cố ăn thịt. Tất cả thịt của mọi loài chúng sanh đều không được ăn. Luận về người ăn thịtthì mất lòng đại từ bi, dứt giống Phật tánh, tất cả chúng sanh thấy đều tránh xa. Người ăn thịt mắc vô lượng tội lỗi. Vì thế nên tất cả Phật tử không được ăn thịt của tất cả mọi loài chúng sanh. Nếu cố ăn thịt, Phật tử này phạm “khinh cấu tội”.
Đại chúng nên biết, nếu muốn có thịt để ăn, thì phải sát sanh. không tự giết thì cũng bảo người giết, cho nên ăn thịt là nguyên nhơn cho sự sát hại sanh mạng của ác loài vật. Tất cả các thứ thịt, không luận là thịt gì, từ thịt heo, bò cho đến tôm ốc v.v… thuộc về loài thịt của chúng sanh đều không được ăn.
Có đạo cho rằng loài ốc, tôm không có máu như vậy ăn được. Còn có đạo nói trứng chưa lộn, nó không biết đau đớn nên ăn được.
Nhưng theo lời Phật dạy, xét kỹ nó thuộc về loài thịt đều không được ăn cả, bởi vì dù con tôm, con ốc thật sự nó không có máu đi nữa, nhưng nó cũng ham sống sợ chết. Như con ốc biết khép mai khi nghe tiếng động, con tôm, con tép biết nhảy ngược khi mình đụng vào nó. Như vậy là nó có cảm giác biết đau, biết ham sống sợ chết mới có những tác động như thế. Còn như các trứng, nếu ta ăn trứng mà chưa có tượng hình, nghĩa là chưa lộn, gọi rằng không có tội mà được ăn, như vậy những người có thai, hoặc một, hai tháng, hay bao nhiêu tháng, ngày đó mà phá thai thì không có tội, bởi vì thai lúc đó nó cũng chưa thành hình gì. Mà nếu phá thai có tội, thì ăn trứng cũng có tội, bởi vì trong trứng nếu đủ duyên nó sẽ thành con gà hay con gì đó.
Như vậy nói tóm lại, mình y theo lời Phật dạy, thì tất cả những gì thuộc về tánh chất thịt đều không được ăn. Tuy thế, đức Phật cũng theo thời cơ của người đời. Do đó trong giới Tiểu Thừa, lúc ban sơPhật không cấm ăn thịt, nhưng cho ăn ba thứ thịt: không nghe con vật bị giết, không thấy con vật bị giết, không nghi người ta giết con vật vì mình. Ngoài ra còn được ăn thêm các thứ thịt: con vật nó tự chết, hoặc con thú khác bắt ăn rồi còn dư.
Nhưng tìm cho được các thứ thịt đó mà ăn cũng khó lắm. Nếu mình chịu khó suy xét kỹ, thì trong khi ăn cá hoặc thịt, mình có thể nghĩ rằng: vì sự ăn thịt của mình đây làm duyên cho người giết, xúi người ta giết.
Những người giết nếu không có người mua, thì họ giết để làm gì ? Có người nghĩ rằng, nếu mình không ăn, thì cũng có người bán thịt, họ cũng giết như thường. Nhưng suy nghĩ kỹ : nếu một người không ăn, thì sẽ bớt sự giết một phần, thì sự giết hại cũng ít đi.
Tại sao không được ăn thịt ?
Đức Phật nói : người ăn thịt thì mất lòng đại từ bi, dứt giống Phật tánh…”
Phật tánh được phát triển là do tâm đại từ bi, Phật tánh ai cũng có, nhưng mà Phật tánh thành giống để thành Phật, là một việc khác, cho nên gọi là giống Phật tánh.
Bây giờ muốn cho nó thành giống để thành Phật, do nơi tâm từ bi mới phát được cái giống đó. Trái lạiăn thịt thì tức nhiên tâm từ bi làm gì có được ?
Tâm từ bi là lòng muốn cho chúng sanh khỏi khổ thường vui, mà bây giờ, nỡ lấy cái khổ nhứt của chúng sanh để nuôi cái thân mình, ngon cái miệng mình, như vậy thì lòng từ bi làm gì có nữa
Do đó, các loài cũng ham sống sợ chết, cho nên cá thấy người cá lặn, chim thấy người chim bay.
Có xứ họ không bắt chim, thì chim nó vô trong nhà, nó thấy người không sợ sệt gì. Có những xứ không bắt cá thì cá nó lội nhởn nhơ trên mặt nước, thấy người không lặn. Mà bây giờ nó thấy nó tránh xa, thì biết rằng do duyên giết hại, ăn thịt nó mà ra.
“Người ăn thịt mắc vô lượng tội lỗi…” Nghĩa là không phải một hay hai tội lỗi, mà đây Phật nói vô lượngtội lỗi vì nghiệp sát rất nặng.
“Vì thế, nên tất cả Phật từ, không được ăn tất cả thịt của mọi loài chúng sanh…”
Nếu cố ăn thịt, Phật tử này phạm “khinh cấu tội”. Do đó người đã thọ giới Bồ Tát phải trường chay, không phải ăn chay kỳ, nếu lỡ ăn thịt, thì phạm “Khinh Cấu Tội” phải sám hối chừa bỏ thì được thanh tịnh.