PHÁP HOA TRÌ NGHIỆM
Hòa thượng Thích Trí Tịnh
CHƯƠNG I:
CUỐNG LƯỠI KHÔNG TAN RÃ
1. ĐỒNG TỬ
(Trích từ bộ Pháp Hoa Trì Nghiệm)
Vào đời nhà Tống, ông Thích Đạo Sanh ở xứ Bản Đường, thường tụng kinh Pháp Hoa. Có gã đồng tử theo ông xuất gia, cũng tụng kinh Pháp Hoa. Thời gian sau, đồng tử không bệnh hoạn chi, bổng chết đột ngột, ông mới đem chôn cạnh rừng. Ít lâu sau, một đêm kia, bỗng có tiếng kinh cạnh rừng ấy, người trong làng lấy làm lạ, đào lên xem, bèn gặp một cái lưỡi mọc hoa sen xanh. Nhân đó người làng mới dựng tháp phụng thờ, sau sửa sang thành một ngôi chùa đồ sộ.
2. ĐẦU LÂU TỤNG KINH
(Trích từ bộ Tuyên Thất Chí)
Nhà Đường, niên hiệu Trinh Quán, có vị sư ở chùa Ngộ Chơn trên núi Vương Thuận. Ban đêm, đi qua đất Lam Khê, bỗng nghe tiếng người tụng kinh Pháp Hoa văng vẳng đằng xa. Lúc ấy trăng sao tỏ rạng, thầy mới trông ra bốn phía xa xa dài mấy mươi dặm. Vẫn im lìm vắng vẻ, không thấy ai cả. Trong lòng thấy nao nao dao động.
Về đến chùa, thầy thuật lại cho chúng tăng nghe. Qua đêm sau, chúng tăng đồng đến Lam Khê, thì nghe tiếng tụng kinh từ dưới đất phát lên, mới lấy cây cắm nêu làm dấu chổ ấy.
Rạng ngày, đào chỗ ấy lên, gặp được một bộ xương sọ (đầu lâu) trong gò đất. Xương ấy đã khô, duy còn cái môi trên môi dưới và cuống lưỡi hồng đỏ tươi thắm, các sư bèn đêm về chùa đựng trong hộp đá dể dưới hiên phía tây điện thiên Phật.
Từ đó về sau, mỗi đêm thường có tụng kinh Pháp Hoa từ trong hộp đá. Thiện nam tín nữ ở Trường An đến xem rất đông, số lượng có đến nghìn người.
Sau có vị sư ở nước Tân La đến ngụ trong chùa vừa hơn một năm. Ngày kia, chúng tăng trong chùa có việc xuống núi hết, chỉ còn vị sư ấy ở lại, ông bèn trộm lấy hộp đá mang đi. Chúng tăng theo tìm thì ông đã đem về miền Hải Đông rồi.
3. THÍCH ĐẠO TỤC
(Trích từ bộ Pháp Uyển Châu Lâm)
Nhà Đường, ông Thích Đạo Tục, không biết quê quán ở nơi đâu, ở trên núi Lệ Tuyền, chuyên gồng tụng kinh Pháp Hoa đến vài nghìn biến.
Niên hiệu Trinh Quán, nhân bệnh sắp chết ông dặn người bạn là Huệ Khoách thiền sư rằng:
“Tôi ở đây dù tụng kinh, nhưng ý trông mong có sự hiệu nghiệm. Vậy sau khi tôi chết, hẹn chừng mười năm thử đào mả lên xem, nếu cuống lưỡi tiêu ra, biết rằng tụng kinh không công hiệu; nếu lưỡi còn nguyên, xin dựng một cái tháp để cho người đời sanh lòng kính tin”. Sư nói rồi liền tịch.
Đến mười một năm sau, Thiền sư Huệ Khoách y lời mà đào mả lên xem, thấy thân xác đều tiêu rã chỉ còn cuống lưỡi nguyên vẹn, lại tươi thắm như của người sống. Bấy giờ, cả huyện ấy, kẻ nam người nữ đều khen ngợi, đem lưỡi đựng vào hộp đá, dựng tháp thờ ở trên gò Cam Cốc.
*
CHƯƠNG II: VÃNG SANH
1. THÍCH HUỆ TẤN
(Trích từ bộ Tường Di Ký)
Niên hiệu Vĩnh Minh, xứ Dương Đô, chùa Cao Toà, có ông Thích Huệ Tấn, lúc niên thiếu rất mạnh mẽ, thích giao du, có chí hào hiệp. Đến tuổi bốn mươi, ông bổng ngộ lý vô thường bèn xuất gia học đạo.
Từ khi xuất gia, ông chỉ dùng tương rau, mặc vải thô, thệ nguyện chỉ tụng kinh Pháp Hoa. Do ông dụng tâm quá lao khổ, nên khi cầm đến quyển kinh liền phát bệnh. Ông bèn phát nguyện ấn tống trăm bộ kinh để sám hối nghiệp chướng. Vừa quyên góp được một nghìn sáu trăm đồng, bỗng có bọn giặc cướp đến tra hỏi tài vật, ông bèn chỉ tiền và nói cho nó biết đó là tiền in kinh. Bọn giặc hổ thẹn mà bỏ đi.
Về sau, in xong trăm bộ kinh thì bệnh ông cũng dứt. Ông tụng kinh rất nhiều, tâm niệm hoàn mãn, hồi hướng công đức tụng kinh cầu sanh về nước Cực Lạc.
Một ngày nọ, bỗng nhiên trên hư không có tiếng bảo rằng: “Phát nguyện đã đủ, tất được vãng sanh”. Ông không bệnh hoạn chi, an ổn qua đời, hưởng thọ được hơn tám mươi tuổi.
2. VƯƠNG YÊM
(Trích từ bộ Pháp Hoa Trì Nghiệm)
Đời Đường, quan Huỳnh môn thị lang tên Vương Yêm, bình sanh căn tánh tối dốt, chậm lụt, chỉ có một bộ kinh Pháp Hoa mà ông học lâu ngày mới tụng thông được. Sau, ông mắc bệnh từ trần, về báo mộng cho người em là quan Thái thú ở đất Tân An: “Ta nhờ tụng kinh được sanh về Tây Phương, song vì tối dốt nên còn ở trong thai bào hoa sen. Nay về nói cho các người biết, từ nay về sau phải siêng năng trì tụng kinh điển, chớ nên biếng nhác trễ nãi”.
Ông nói rồi liền từ biệt.
*
CHƯƠNG III: KHỎI NẠN
1. THÍCH HUỆ KHÁNH
(Trích từ bộ Pháp Uyển Châu Lâm)
Đời Tống, ông Thích Huệ Khánh, người xứ Quảng Lăng, xuất gia ở chùa Lô Sơn, học thông kinh luật, giới hạnh tinh nghiêm. Ông thường trì tụng kinh Pháp Hoa, kinh Thập Địa, kinh Tư Ích, kinh Duy Ma. Hằng đêm tụng kinh, ông thường nghe trên hư không có tiếng khảy móng tay khen ngợi.
Ngày nọ, ông đi thuyền, bỗng gặp trận giông to, mưa lớn sấm sét dữ dội, sóng dậy ba đào, thuyền lắc lư, chao đảo gần úp. Song, ông Khánh cứ mãi tụng kinh. Chợt nghe giữa dòng sông dường như có người kéo dắt, nâng đỡ, phút chốc thuyền đến bờ an toàn. Từ đó, ông Khánh lại càng gắng tinh cần hơn nữa.
2. THÍCH PHÁP LẨM
(Trích từ bộ Pháp Hoa Trì Nghiệm)
Đời Lương, Thầy Thích Pháp Lẩm, họ Nghiêm, người huyện Chi Gian, xuất gia ở chùa Ngọc Tuyền, thường tụng kinh Pháp Hoa hằng ngày chỉ dùng ngọ trai, thường ngồi, không nằm. Thầy thích đi du phương, thường quảy gậy dạo khắp các miền núi non như Lô Sơn, Thai Đảnh, Hoành Lãnh, La Phủ v.v… không chỗ xa nào mà thầy không rảo bước đến; chỉ nương nơi hang sâu vực thẳm, một bề chuyên tu thiền định.
Thầy lại thường đến non Đại, phải đi ngang qua Châu Từ. Có quan huyện xét hỏi để coi thật giả, thấy Thầy chỉ đem theo có một bộ kinh Pháp Hoa, quan huyện không tin, nổi giận bắt thầy giam lại. Bảy ngày thầy không ăn, tụng kinh không ngớt. Quan huyện ngủ thấy ác mộng, bèn đảnh lễ thầy cầu xin sám hối.
Sau, thầy về ở ẩn chốn u tịch, chuyên bề thiền tụng. Đến khi mất, có mùi hương lạ ngào ngạt, phảng phất cả mười ngày mới tan.
3. SẦM VĂN BỔN
Đời nhà Đường, có ông Sầm Văn Bổn, tự Cảnh Nhân, người đất Lạc Dương.
Thuở nhỏ tin Phật, tụng phẩm Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa.
Một hôm, ông đi đò tới sông Ngô, giữa sông đò úp, mọi người đều bị chết chìm, ông Văn Bổn cũng đắm trong nước, bỗng nghe có tiếng nói rằng: “Người tụng kinh Pháp Hoa được khỏi chết”. Nói như thế ba lần, ông liền nổi lên mặt nước, giây phút tắp vào bờ.
CHƯƠNG IV: LÀNH BỆNH
1. NGƯỜI BỆNH HỦI
(Trích từ bộ Pháp Hoa Trì Nghiệm)
Đời Đường, ở Bồ Châu, ông Thích Pháp Triệt tuổi trẻ mà tánh siêng năng chịu khó tụng kinh Pháp Hoa, thường đem kinh này dẫn dắt giáo hoá cho mọi người.
Trong ấp có ngài Cô Sơn, ông Pháp Triệt đến y chỉ với Ngài tu hành, sáng lập cảnh Lan Nhã. Ông từng đi các nơi, trên đường gặp một người bệnh hủi, dẫn về trong núi, đục một cái hang cho ở và nuôi dưỡng. Ông bảo người bệnh hủi tụng kinh Pháp Hoa, nhưng người ấy không biết chữ, lại thêm đần độn. Ông bèn dạy cho người ấy học từng câu, từng chữ không nệ mệt mỏi. Khi học đến quyển thứ sáu, bệnh hủi dần lành. Học đủ bộ rồi thì lông mày và tóc mọc lại, da cũng liền như xưa.
2. BÀ PHÍ THỊ
(Trích từ bộ Dị Ký)
Đời nhà Tống, có bà họ Phí, vợ của ông La Dự, người ở đất Thục Ninh. Cha tên Duyệt, làm quan Thứ sử châu Ninh.
Bà Phí thuở nhỏ kính tin Tam Bảo, tụng kinh Pháp Hoa được vài năm, siêng năng không biết mỏi mệt.
Sau, bỗng mắc bệnh đau tim. Bà đóng cửa buồn rầu lo sợ, dặn dò người nhà sắm sửa đồ tẩn liệm để đợi thời. Bà Phí nghĩ rằng: “Mình tụng kinh siêng năng chắc có phước lành, hoạ may khỏi chết”. Nghĩ thế rồi an tâm nằm ngủ, chốc lát thức dậy nhưng còn mơ màng, thấy Phật bên song cửa, đưa tay rờ chỗ tim bà, bệnh liền lành ngay lúc ấy. Cả nhà bà, trai gái, tôi tớ đều thấy hào quang sắc vàng chói sáng khắp nhà, lại cũng nghe mùi hương sực nức. Em gái ông La Dự đến thăm bệnh, đang ở trước giường cũng thấy rõ rệt.
Từ bấy giờ, bà Phí càng sanh tín tâm, tự răn sẽ gắng trọn đời thường đem điều đó để sách tấn dạy dỗ con cháu.
*
CHƯƠNG V: TRỪ TÀ MA
1. THÍCH TĂNG LÃNG
(Trích từ bộ Cao Tăng Truyện)
Ngài Thích Tăng Lãng, họ Hứa, người huyện Nam Dương, có nuôi một con khỉ và một con chó.
Cuối nhà Trần, đầu đời nhà Tuỳ, Thầy đi du ngoạn các miền giang lãnh, nay sông này mai núi kia, chỉ mặc y phục sơ sài. Song, oai nghi rất nghiêm chỉnh, theo phép khất thực nuôi mình.
Thầy thường đọc tụng các kinh, nhưng chỉ thích riêng về kinh Pháp Hoa. Bình thường tiếng đọc ồ ề không rõ, thầy chú nguyện tụng kinh cho tiếng được thanh tao, nên một phen ngồi, tụng suốt bảy biến mới thôi. Như vậy, chẳng bao lâu, tiếng nói như sấm vang. Biết rằng đã có phước lực rồi, thầy tụng kinh lấy số bảy làm chừng, tụng đến bảy mươi, bảy trăm, bảy nghìn, đến bảy muôn biến thì tiếng giọng rất thanh tao trong suốt, tự nhiên thốt ra rõ ràng trong trẻo như tiếng đàn tranh ống sáo. Vì thế, khi thầy tụng kinh, môi mép không động, chỉ chuyển hơi trong cổ mà ra tiếng, giọng phát phù trầm, lảnh lót, người đến xem nghe sửng sốt không quên. Từ đó, thầy được nổi danh.
Đương thời, có một vị ni cô bị quỷ ám nhập. Quỷ làm cho cô thông suốt kinh văn, thấu rõ nghĩa mầu, chuyên sự giảng kinh giáo hoá; thính giả đến nghe rất đông, nhưng không ai biết được do sức quỷ kia, nên đều khen ngợi là bậc thông ngộ. Thầy Tăng Lãng nghe việc ấy nói rằng: “Đó là tà quỷ ám nhập gia hộ, chớ có gì là chánh lý, ta phải qua xét nghiệm”.
Sáng sớm rạng ngày, con khỉ và con chó đi trước, thẳng đến chùa ni cô, thầy đi theo sau. Vừa đến, thầy vào lạy Phật, nhiễu tháp rồi mới tới trước giảng đường. Lúc ấy, ni cô còn đang giảng thuyết trên pháp toà, thầy bèn nạt lớn, quở rằng:
– Tiểu tỳ! Ta đã đến đây, sao chẳng chịu xuống pháp toà, còn đợi gì nữa?
Ni cô nhân nghe tiếng quở liền ngã té xuống đất, chạy đến trước giảng đường quỳ gối trước mặt thầy từ giờ Mẹo cho đến giờ Thân không dám nhúc nhích, mồ hôi chảy dầm mình, lặng thinh không nói được lời chi.
Thầy gạn hỏi chỗ kiến giải, cô vẫn im nhiên như ngây như điếc. Qua trăm ngày sau, tâm tánh cô mới hoàn phục lại như cũ. Đương thời những việc thịnh hành linh thông cảm ứng giống với loài ma ám này rất nhiều.
2. THÍCH ĐẠO LÂM
(Trích từ bộ Pháp Hoa Trì Nghiệm)
Đời nhà Lương, Thích Đạo Lâm là người huyện Sơn Âm, có giới hạnh nghiêm khiết, giỏi về kinh Pháp Hoa và kinh Niết Bàn. Ông Trương Tự ở nước Ngô rất mực kính thờ thầy.
Niên hiệu Thiên Giám, chùa Tuyền Lâm ở huyện Phú Dương có quỷ quái nổi lộng quấy nhiễu người. Khi thầy đến, quỷ đều tiêu hết.
Ông Huệ Thiều là đệ tử của Thầy bị nhà sập đè, đầu quẹo cúp vào ngực. Thầy bèn tụng kinh Pháp Hoa cầu nguyện cho. Ông Thiều nằm chiêm bao thấy có hai vị đạo nhân người Tây Vực kéo cái đầu ông thẳng ra, sáng ngày mạnh như thường. Ai nấy cũng đều khâm phục sự linh cảm thần dị của thầy.
*
CHƯƠNG VI: SIÊU ĐỘ
1. CON NGỰA CỦA THẦY TÂY LÂM
(Trích từ bộ Pháp Hoa Trì Nghiệm)
Triều Minh, niên hiệu Gia Tịnh, thầy trụ trì chùa Bảo Ấn tên là Vĩnh Ninh, biệt hiệu Tây Lâm có nuôi một con ngựa. Mỗi khi thầy đi phó trai nơi dinh quan Lễ bộ đều cưỡi con ngựa ấy. Từ chùa, bắt đầu lên lưng ngựa, thầy thầm tụng kinh Pháp Hoa cho đến khi tới dinh xuống ngựa thì vừa rồi một quyển, lần đi nào cũng tụng như thế.
Về sau, một người đàn bà có mang ở ngang cửa chùa, ban đêm nằm mộng thấy con ngựa ấy vào nhà, bèn sanh được đứa con trai. Sáng ngày, đến chùa hỏi thăm, mới biết con ngựa ấy chết cũng đúng giờ đó.
Đến sau, nhà ấy cho con theo làm đệ tử thầy Tây Lâm. Tính nó rất đần độn, Thầy dạy nó học một chữ cũng không thuộc, duy truyền miệng cho nó một quyển kinh Pháp Hoa nó bèn thuộc lòng. Do đó, thầy tin rằng ngựa nghe kinh được thoát thân thú vậy.
2. THÔI QUỶ
(Trích từ bộ Pháp Uyển Châu Lâm)
Đời Đường, niên hiệu Trinh Quán, ông Vương Hoằng Chi làm quan lệnh ở huyện Hoà Xuyên, châu Thẩm, có con gái gả cho ông Thôi Quỷ ở đất Bác Lăng.
Ông Thôi Quỷ đi qua huyện Hoà Xuyên (bên vợ), không may lâm bệnh chết. Trải qua vài mươi ngày, trong nhà ấy (nhà ông Vương) nửa đêm bổng nghe tiếng nói của ông Thôi Quỷ. Ban đầu, cả nhà đều sợ hãi, sau lần quen coi sự thường. Ông Thôi Quỷ nói rằng: “Tôi bổn phận là con rể, dầu rằng không phải cách lập bàn linh ở bên nhà vợ, song vì khổ không chỗ nương dựa, xin vì tôi mà lập vậy”. Vợ ông bèn theo lời lập bàn linh, mai chiều đều cúng kiến, ông về không cho cúng thịt, duy phải cúng đồ chay thôi. Ông thường khuyên niệm Phật, lại nói việc trong ngục rằng: “Người ta một đời thường khó khỏi tội, sát sanh và bất hiếu là nặng hơn hết, ngoài ra các tội khác thì nhẹ hơn”. Lại nói rằng: “Tôi tuy không tội chi, song phải cần nhờ phước lực trợ giúp, vậy xin vì tôi thiết trai cúng dường Tam Bảo và chép kinh Pháp Hoa, kinh Kim Cang, kinh Quan Âm, mỗi thứ hai, ba bộ, thì từ đây về sau, tôi không còn trở lại nữa”.
Nhà họ Vương đều y lời yêu cầu, mướn biên chép kinh, thiết trai cúng dường. Bỗng một hôm, ông Thôi Quỷ lại đến có vẻ e ngại, tạ ơn. Nhân đó, ông nói rằng: “Từ nay, xin từ biệt”. Cả nhà đều buồn khóc mà đưa đi. Ông Thôi Quỷ lúc chết có để lại một đứa con, nay đã năm sáu tuổi rồi. Ông Thôi Quỷ lại dặn rằng: “Đứa con tôi đó, sau tất có danh trong trường quan hoạn, xin khéo nuôi giùm”. Từ đó, bặt luôn ông không còn trở lại nữa.
3. BÀ LÝ THỊ
(Trích từ bộ Minh Tường Ký)
Đời Đường, ở Châu Kỳ, huyện Phong Khưu có bà lão mẫu họ Lý, tuổi đã bảy mươi, không con cái chi, một thân già cô quạnh, chỉ có một tớ trai và một tớ gái. Bà làm nghề bán rượu ở thành phố, tính rất lanh xảo, thường pha thêm nước vào rượu và đong thiếu lường hụt.
Đến niên hiệu Trinh Quán, bà nhân bệnh mà chết. Trải qua hai mươi ngày, đồ tang tế đã sắm đủ, nhưng chưa tẩn liệm, vì trên ngực bà còn hơi ấm. Bỗng bà sống lại nói rằng: “Ban đầu, có hai người toàn mặc áo đỏ, đứng ngoài cửa kêu tôi ra, nói có lệnh trên đòi. Tôi lật đật đi theo, đến một cái thành kia giống như cái thành ngoài của Châu Kỳ này. Sứ giả dẫn tôi đến dinh bên cạnh, thấy một ông quan đội mão, mặc áo tay rộng, dựa ghế mà ngồi, hai bên tả hữu hầu hạ rất đông, dưới thềm lại có người mang gông xiềng, lính canh giữ như chốn quan trường trên này. Ông quan ấy hỏi tôi rằng : “Tại sao bán rượu làm những việc gian lận để tham lấy của người cho nhiều, còn dự tính in kinh Pháp Hoa đã mười năm rồi sao không làm?”. Tôi thưa rằng : “Rượu thì tôi bảo tớ gái làm, đong cũng đứa tớ tôi đong, còn kinh kia tôi đã đưa tiền một ngàn đồng cho ngài ẩn sư rồi”. Quan liền sai sứ bắt đứa tớ, giây lát đứa tớ đến, liền đánh bốn chục trượng rồi thả về. Lại sai người đến hỏi ẩn sư, Ngài trả lời là có thật, Quan bèn bảo tôi rằng: “Nay thả cho ngươi về bảy ngày, tạo kinh xong rồi, sẽ đến đây sanh về cõi lành”. Nhân đó, tôi được sống lại.
Quả thật, khi bà lão mẫu mới chết đứa tớ gái bỗng mắc bệnh ác nghịch chết ngang, giây lâu tỉnh lại nơi lưng sưng bầm, đó là lằn vết bị đòn bốn chục trượng vậy. Còn ngài ẩn sư là vị khách tăng, đã sáu mươi bảy năm từ khi xuất gia, chuyên tu hạnh đầu đà đi khất thực, thường ngày dùng một bữa trai chưa từng tạm thôi, các vị Đại đức xa gần đều kỉnh mộ. Đêm, bà lão mẫu bệnh chết, ngài ẩn sư nằm mộng thấy có người mặc áo đỏ đến hỏi. Trong mộng, sư đáp rằng: “Việc chép kinh có thật”.
Sau đó, bà lão mẫu mời cả bà con chòm xóm và ngài ẩn sư đến làm Phật sự, lại mướn nhiều người chép kinh. Nhờ đông tay nên đúng trong bảy ngày kinh đã chép xong. Bà lại thấy hai người sứ trước kia đến nữa. Bà nói rằng: “Sứ nhân đã đến rồi, xin bà con ở lại mạnh giỏi”. Vừa dứt tiếng, bà liền chết.
4. TIÊU THỊ
(Trích từ bộ Pháp Hoa Trì Nghiệm)
Đời Đường, quan Thiếu thường bá Thôi Nghĩa Khởi, cha vợ là ông Tiêu Văn Khanh bình sanh chuyên trì kinh Pháp Hoa được vài nghìn biến, bỏ hẳn rượu thịt, chỉ dùng trai tố. Vợ ông Khởi họ Tiêu, đến niên hiệu Long Sóc năm thứ ba, tháng năm, phải bệnh chết. Trong nhà tổ chức luôn ba tuần làm Phật sự, tu trai cúng dường. Bỗng một hôm, cô tớ gái Tố Ngọc nói tiếng phu nhân rằng: “Ta hồi còn sống không tin Tam Bảo, nay thọ khổ không thể nói được, do nhờ các ông vì ta tụng kinh, tu trai thiết cúng mới được thả về. Đến ngày thứ hai mươi sẽ trở lại đem Tố Ngọc đi xem ta thọ tội”. Đúng kỳ hẹn, Tố Ngọc quả thật chết. Ba ngày, cô gái sống lại nói rằng: “Tôi thấy cung phủ trong thành lớn kia, phu nhân vào cái nhà riêng, giây lát có vạc lửa giường sắt tự nhiên đem đến hành tội, chịu đủ sự khổ sở thảm độc”. Chợt thấy ông Khanh ngồi trên đài sen nói với tôi (Tố Ngọc) rằng: “ Con ta hồi trước tánh sân hận tật đố, không tin nhân quả, nay phải chịu nỗi khổ đó, ta cũng không thể cứu được gì. Ngươi về nói lại với người nhà bảo phải gắng tu công đức, hoạ may mới thoát khỏi”. Lại thấy ông Phạm Tăng từ trên hư không bay xuống, dạy tôi tụng kinh Pháp Hoa, bảo rằng: “Ngươi phải ghi nhớ kinh này, vì người trong cõi Diêm Phù Đề mà truyền tụng, sẽ có người tin”.
Niên hiệu Lân Đức năm đầu, tháng giêng, nhà quan Tiết Tướng Quân thiết lập trai đàn, rước nàng Tố Ngọc đến thử tụng Minh Kinh, có ông Phạm Tăng nghe rồi, chắp tay khen rằng: “Thật đúng như bổn bên Tây Quốc, không khác chút nào”. Ai nấy đều kính phục.
CHƯƠNG VII: CẢM ĐỘNG THÁNH LINH
1. ĐỨC PHỔ HIỀN GIẢI BỆNH
(Trích từ bộ Pháp Hoa Trì Nghiệm)
Trong bộ Trí Độ Luận, quyển chín của ngài Long Thọ Bồ tát, có nói: “Có một người bệnh hủi đến trước tượng đức Phổ Hiền Bồ tát chí tâm quy y, chiêm lễ, xưng niệm công đức Phổ Hiền Bồ tát cầu nguyện cho hết bệnh. Lúc ấy, tượng Phổ Hiền Bồ tát liền dũi tay bên phải, hào quang sáng chói, xoa trên thân người kia, bệnh liền trừ hết”.
2. ĐỨC PHỔ HIỀN HIỆN THÂN
(Trích từ bộ Pháp Hoa Trì Nghiệm)
Trong nước kia, có thầy Tỳ kheo ở A lan nhã, chuyên đọc tụng kinh Đại thừa. Vua trong nước thường trải tóc cho quý thầy đi qua. Có thầy Tỳ kheo khác tâu với vua rằng:
– Ông ấy ngu dốt, đọc tụng kinh điển không bao nhiêu, sao Đại vương lại cúng dường long trọng như thế?
Vua đáp rằng:
– Có một ngày kia, vừa lúc nửa đêm, ta muốn yết kiến thầy Tỳ kheo ấy, liền đi đến chỗ của thầy ở, thấy thầy ở trong hang đá tụng kinh Pháp Hoa. Có một người thân ánh hào quang sắc vàng sáng chói cưỡi con bạch tượng chắp tay cúng dường, ta đi lần tới người ấy liền biến mất. Ta mới hỏi vị Đại Đức:
– Tại sao tôi vừa đến, người thân có hào quang sắc vàng kia biến mất đi?
Thầy Tỳ kheo đáp rằng:
– Đó chính là ngài Phổ Hiền Bồ tát. Ngài Phổ Hiền Bồ tát tự nói rằng: “Nếu có người nào đọc tụng kinh Pháp Hoa, ta sẽ cưỡi voi trắng sáu ngà đến dạy bảo nhắc nhở cho”. Do tôi tụng kinh Pháp Hoa nên ngài Phổ Hiền Bồ tát hiện thân đến vậy.
3. THẦN THỈNH GIẢNG KINH
(Trích từ bộ Lương Cao Tăng Truyện)
Đời Tấn, thầy Thích Đàm Thuý, không rõ người quê quán ở đâu, thuở nhỏ xuất gia, tu ở chùa Bạch Mã, huyện Hà Âm, tương rau qua bữa, bố vải che thân, thường mỗi ngày đều tụng một bộ kinh Pháp Hoa, lại tinh thông kinh giáo, cũng hằng giải nói cho người.
Ban đêm, bỗng thầy nghe có tiếng gõ cửa, nói rằng: “Muốn thỉnh Pháp sư thuyết pháp trong chín tuần”. Thầy Thuý không hứa, nhưng người kia cũng cố cầu thỉnh, thầy bèn chịu đi. Lúc đó, thầy còn mơ màng trong giấc ngủ. Khi thức dậy, thân thầy đã ở trong miếu thần nơi đảo Bạch Mã cùng với người đệ tử của thầy. Từ đó, hằng ngày thầy âm thầm đi qua không ai hay biết.
Sau, các thầy trong chùa có việc đi ngang qua miếu ấy, thấy có hai pháp toà rất cao, ông Thuý ở toà phía bắc, đệ tử ở toà phía nam, dường như có tiếng giảng kinh thuyết pháp, lại nghe có mùi hương lạ ngào ngạt. Bây giờ, kẻ đạo người tục truyền nhau cho là việc thần dị.
Đến mãn Hạ, vị thần trong miếu cúng dường cho một con ngựa bạch, năm con dê trắng và chín mươi xấp lụa. Thầy chú nguyện xong, cùng nhau từ biệt không còn qua lại nữa.
*
CHƯƠNG VIII: CẢM CÁCH DỊ LOẠI
THÍCH TRÍ THÔNG
(Trích từ bộ Tống Cao Tăng truyện)
Đời Đường, thầy Thích Trí Thông ở chùa Thê Hà, non Nhiếp, đất Nhuận Châu, từng qua ở chùa An lạc, xứ Dương Châu.
Đến niên hiệu Đại Nghiệp, trong nước loạn ly, thầy nghĩ muốn về xứ, nhưng không có cách chi đi được, mới ở ẩn trong đám lao rậm, dựa bờ sông tụng kinh Pháp Hoa, bảy ngày không ăn, thường thấy có cọp đi nhiễu xung quanh. Thầy nói rằng: “Mạng ta chỉ còn trong giây phút, vậy các ngươi hãy ăn đi”. Cọp bỗng phát tiếng nói rằng: “Từ tạo thiên lập địa đến nay chưa từng có lẽ đó”. Chợt có một ông già chèo đò đến, nói rằng:
– Thầy muốn qua sông về chùa Thê Hà, hãy mau lên thuyền đây!
Lúc ấy, các con cọp đồng sa nước mắt. Thầy hỏi rằng:
– Có lẽ các ngươi cùng ta có duyên chăng?
Thầy liền dắt bốn con cọp đồng xuống thuyền, qua sông rất nhanh. Đã đến bờ phía nam, trông lại chiếc thuyền và ông già đâu mất. Thầy mới dẫn bốn con cọp về chùa Thê Hà, ở phía Tây tháp Xá lợi, đi kinh hành và thiền toạ.
Đồ chúng trong chùa có đến tám mươi vị, nhưng không ai dám ra cả, hoặc khi có việc cần, thì một con cọp vào chùa gầm kêu, lấy đó để làm thường lệ.
Đến niên hiệu Trinh Quán, thầy tịch, hưởng thọ chín mươi chín tuổi.
*
CHƯƠNG IX: LINH CẢM
1. PHÁP TÍN NI
(Trích từ bộ Minh Báo Ký)
Đời Đường, niên hiệu Võ Đức, có ni cô hiệu là Pháp Tín, thường tụng kinh Pháp Hoa. Cô cất một gian tịnh thất, mướn một người viết chữ khéo để chép kinh Pháp Hoa, trả tiền công rất đắt, bội hơn giá thường.
Phàm mỗi khi vào tịnh thất chép kinh, phải mỗi lần tắm gội sạch sẽ, thay đổi y phục, xông ướp hương trầm. Lại nơi vách tịnh thất, đục trống một lỗ, đặt ống trúc thông ra phía ngoài để cho người chép kinh, mỗi khi muốn thở ra thì kê ống trúc mà thở, vì khi chép kinh cần phải nín hơi mà viết mới thanh khiết tinh nghiêm. Như vậy, tám năm viết mới xong bảy quyển. Cô hết lòng cung kính, cúng dường rất long trọng.
Ngày kia, có ông thầy ở chùa Long Môn, hiệu là Pháp Đoan, thường nhóm chúng giảng kinh Pháp Hoa. Cho là bộ kinh của ni cô là đúng hơn hết, không bộ nào bằng, thầy mới sai người qua mượn. Ni cô cố từ chối không cho, vì e mất sự thanh khiết. Thầy Pháp Đoan phiền trách. Cô không biết làm sao, bất đắt dĩ phải đưa cho mượn. Đem về, thầy Pháp Đoan và cả đồ chúng giở ra đọc, chỉ thấy toàn là giấy vàng, không có chữ nào hết, lại giở quyển khác coi, cũng đều như vậy cả. Thầy và đồ chúng hổ thẹn và lo sợ, liền đem trả lại cho ni cô.
Cô buồn bã khóc mà lãnh lấy, dùng nước hương thơm rửa kỹ hộp đựng kinh. Rồi cô tắm gội sạch sẽ, lễ bái, nhiễu Phật cầu nguyện đến bảy ngày đêm không nghĩ. Bấy giờ, mở quyển kinh ra xem, thì nét chữ lộ bày như cũ.
Nên biết rằng, sao chép kinh pháp là cần phải hết sức chí thành, làm cho tinh khiết, nghiêm tịnh mới có sự linh cảm hiện tiền. Đời này, không có linh nghiệm, chỉ vì không chuyên lòng cung kính đó thôi.
2. TRỜI RƯỚI HOA HƯƠNG
(Trích từ bộ Pháp Hoa Trì Nghiệm)
Đời Tuỳ, Châu Ích, nơi chùa Chiêu Đề có thầy Thích Huệ Cung, cùng bạn đồng học là ông Huệ Viễn, hai người rất tâm đồng ý hiệp. Về sau, ông Viễn qua xứ Dương Châu tầm sư học đạo, thời gian ba mươi năm xa cách. Một đêm, cùng nhau trò chuyện, thầy Huệ Viễn bàn luận, ngôn ngữ như nước chảy, còn thầy Huệ Cung thì lặng thinh không đối đáp chi. Thầy Viễn hỏi rằng:
– Mấy mươi năm, thầy không được chi sao?
Thầy đáp rằng:
– Tôi vì tánh tối dốt nên không biết chi nhiều.
Ông Viễn nói:
– Sao chẳng chuyên tụng một bộ kinh ư?
Thầy nói:
– Thường ngày, tôi chỉ có tụng một quyển Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa. Nay tôi xin tụng, nhưng Ngài phải chí thành lóng nghe.
Thầy bèn kiết lập đàn tràng, xong, lên toà cao, vừa cất xướng đề kinh, liền nghe có mùi hương thơm bát ngát, giây lâu lại nghe trên hư không nhạc trời reo trổi, mưa hoa tấp nập rơi xuống, đến khi tụng kinh xong mới hết. Ông Viễn thấy sự linh cảm như vậy biết mình không có đạo lực bằng thầy, trong lòng hổ thẹn, mới cung kính đảnh lễ tạ lỗi.
3. CHÍCH MÁU VIẾT KINH
(Trích từ bộ Pháp Hoa Trì Nghiệm)
Cuối đời nhà Đường, đất Châu Hoành, Ngài Thích Sở Vân xuất gia ở non Hoành Nhạc, từng chích thân lấy máu viết một bộ kinh Pháp Hoa, dài bảy tấc, rộng bốn tấc, dầy hai tấc (tấc Tàu) làm hộp chiên đàn đựng cất ở tạng Tam Sanh – chùa Phước Nghiêm. Trên mặt hộp có khắc tám chữ : “Nhược kha thử, kinh thệ đồng Từ Thị”.
Niên hiệu Hoàng Hựu, có vị quý nhân đi du lịch trên núi, thấy đó mà nghi cho là dối không thật, mới bảo người lấy kềm mở ra coi, thấy có một lằn máu chảy ra. Bỗng chốc, sấm nổi gió dậy rúng động hang núi, khói mây xông vào nhà mù mịt, ngửa bàn tay không thấy, đến suốt ngày không thôi. Quý nhân kinh hoàng, bèn chí thành đảnh lễ cầu sám hối.
Đến đời nhà Tống, thầy Giác Phạm chùa Thạnh Môn ở đất Huân Khê, từng du lịch qua đó, cung kính đảnh lễ, nhìn kỹ thấy lằn máu ấy vẫn còn y nguyên. Đồng thời, thầy Thiền Nguyệt Quán Hưu có làm bài thơ tặng việc viết kinh đó rằng:
Rạch da lấy máu khó khôn ngằn.
Vì viết Linh Sơn chín hội văn,
Mười ngón chảy khô xong bảy quyển,
Đời nay, cầu Pháp mấy ai bằng!
4. TRẦN TẾ SANH
(Trích từ bộ Pháp Hoa Trì Nghiệm)
Ðời nhà Minh, huyện Ngô Môn, Trần Tế Sanh hiệu Hoằng Sĩ, con trưởng nam của ông Trang Công. Bình sanh, dốc chí làm lành. Phàm tất cả hạnh lành lời hay, Trần Sanh đều tự tay sưu tập, biên chép chất để đầy nhà. Ông rất ưa thích kinh điển nhà Phật, thường kết liên xã trì tụng kinh Pháp Hoa, nhiều năm vẫn không bê trễ.
Bỗng một đêm, nằm mộng thấy ông già diện mạo phi thường, phong nghi thần dị, tay cầm kinh Pháp Hoa chữ vàng và những bộ sự tích nhân quả trao cho Trần Sanh. Trần Sanh vụt dậy đảnh lễ lãnh lấy. Sáng ngày, quả có người chở bộ Pháp Hoa Cảm Thông Lục của họ Cát ở Lộc Thành khắc bảng đưa đến nhà Viễn Diệu đường của Trần Sanh để lưu thông. Lại có một người bạn đem một bộ kinh Pháp Hoa thếp vàng đến cầm cho ông cũng đồng trong ngày ấy.
Chưa bao lâu, Trần Sanh đi đường lại gặp bộ kinh Pháp Hoa thếp vàng của ông Lý Chánh Khanh ở Tân An biên chép ra, ông thỉnh đem về cúng dường để đối chiếu. Ông thờ phượng trang nghiêm cực kỳ rực rỡ, người xem ai cũng khen là việc hy hữu.
*
CHƯƠNG X: GIẢI OAN NGHIỆT
1. LỤC ÔNG
(Trích từ bộ Pháp Hoa Trì Nghiệm)
Ðời nhà Tống, ở Hồ Châu, đất Thành Nam, có người hàng thịt tên Lục Ông.
Khi Lục Ông được sáu mươi ba tuổi. Một hôm, có một ông tăng du phương đến trước cửa nói rằng:
– Ta đến đây để giáo hóa người có duyên!
Lục Ông nghe nói không hiểu chi cả.
Ông tăng nói rằng:
– Ông giết trâu, bò, dê vô số, tại sao không bỏ nghiệp ấy đi?
Lục Ông thưa rằng:
– Tôi vì theo nghiệp của ông cha để lại, rất khó bỏ!
Ông tăng nói rằng:
– Nếu ông không bỏ, đời sau quyết phải đọa làm loài ấy, đọa rồi thì luôn luôn bị oan báo chẳng biết lúc nào thoát khỏi! Tôi xem ông đời trước có căn lành, phải nên bỏ nghiệp ác đi, mà chuyên tâm thọ trì kinh Pháp Hoa và kinh Kim Cang thì nghiệp ác tiêu trừ, phước lành thêm lớn.
Nói xong, ông tăng bỗng biến mất.
Lục Ông trơ người ra đứng một mình, tâm rất hổ thẹn vì những việc làm trước mà tỉnh ngộ lại, liền bỏ mặn ăn chay và phát nguyện thề từ đây về sau không tạo nghiệp sát hại nữa. Ông vẽ một bức tượng đủ cả ba vị thánh: Phật A Mi Đà, Quán Âm và Thế Chí, hết lòng thành kính cúng dường. Lại đến thầy học tụng cả hai bộ kinh ấy, chưa được năm năm thì đã thuộc làu.
Hằng ngày, ở trước bàn Phật, Ông thường dâng hương lễ bái, tụng một quyển Pháp Hoa và một quyển Kim Cang cầu sám hối, nguyện những chúng sanh bị mình giết mau sanh về Tịnh Ðộ.
Năm ông được 81 tuổi, lúc sắp từ trần, trước nửa tháng, ông đến các bạn thân hẹn rằng: “Ðến mùng chín tháng mười một tôi có thiết tiệc trai để từ biệt nhau. Đến chừng đó, xin mời mấy anh đến dự trai với tôi”. Tới kỳ, các ông bạn y theo lời đến dự trai. Khi mãn tiệc ông liền xin đi tắm gội, thay y phục chỉnh tề, ngồi ngay thẳng viết một bài tụng mà tịch.
Tụng rằng:
Sáu mươi dư tuổi mới hồi đầu,
Rời hẳn con dao sát nghiệp sâu,
Nẻo lộ Bồ-đề nay được đến,
Hoa sen trong lửa trổ thêm mầu.
2. PHAN QUẢ
(Trích từ bộ Pháp Hoa Trì Nghiệm)
Ðời nhà Ðường, đất Kinh Sư, có ông Phan Quả, tuổi vừa hai mươi, nhậm chức Tiểu Lại ở Ðô Thủy, huyện Phú Bình.
Khi về nhà, ông cùng với vài gã thiếu niên đi dạo chơi ngoài đồng trống, thấy một con dê ăn cỏ. Ông cùng hai gã thiếu niên liền bắt đem về.
Vừa về mới nửa đường, con dê bỗng kêu lên, Phan Quả sợ chủ nghe được thì khó, liền móc lưỡi dê đem về nhà làm thịt ăn.
Qua năm sau, lưỡi ông Quả lần teo lần thụt vào, không nói năng được, bèn dâng đơn lên xin thôi chức quan.
Quan huyện Trịnh Du Khánh nghi ông nói dối, bảo ông hả miệng ra coi, quả nhiên thấy lưỡi chỉ còn như hột đậu. Quan huyện hỏi tại sao như thế? Quả lấy bút giấy trả lời những việc của mình đã làm. Quan huyện bảo rằng:
– Ông muốn khỏi, phải chép kinh Pháp Hoa để cầu siêu cho vong hồn con dê ấy!
Phan Quả y theo lời, phát tâm viết kinh và thọ trì trai giới không hề biếng trễ. Năm sau, lưỡi ông Quả lần lần dài ra y như cũ. Khi lành bệnh, liền đến quan huyện dâng đơn trần tố, quan huyện bổ cho làm chức Lý Chánh.
3. THÍCH MINH HUÂN
(Trích từ bộ Pháp Hoa Trì Nghiệm)
Ðời nhà Minh, thầy Thích Minh Huân nguyên danh là Hồ Văn Trụ, người ở xứ Huy. Thời Thiên Khải, thầy làm Quan trung thơ xã, vì không tuân theo mệnh lệnh của ông Ngụy Ðang nên bị cách chức. Ðến năm Bính Tuất, Thầy bỗng bị bệnh ghẻ mặt người, đau nhức không thể chịu nổi. Mùa đông năm Tân Mão, nhức quá Thầy ngất xỉu. Trong khi hoảng hốt nghe mụt ghẻ thốt ra tiếng người rằng:
– Tôi là Lô Chiêu Dung đời Lương đây! Lúc ở trong cung Lạc Vương bị giặc giết, nay đã 600 năm rồi mà còn mắc trong loài quỷ. Ông chính là người giết tôi trong lúc ấy. Nay đã chuyển được thân nam tử, phải chép kinh Pháp Hoa và các kinh khác để tự cứu ông và cứu tôi!
Ông Trụ khẩn cầu cho bớt đau nhức sẽ chép kinh.
Lúc ấy, đang triều Nghi Chơn, ông sắm đủ giấy bút, chép kinh Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Kim Cang, Lăng Nghiêm và Thủy Sám. Mỗi khi chép kinh thì hết đau nhức, hễ dừng bút thì đau nhức lại. Như vậy, hơn một năm, viết mới hết các bộ kinh, thì bệnh cũng được lành mạnh.
*
CHƯƠNG XI: THIÊN THẦN GIA HỘ
1. THÍCH PHÁP THÀNH
(Trích từ bộ Pháp Hoa Trì Nghiệm)
Ðời Tùy, non Chung Nam, chùa Ngộ Chơn, ngài Thích Pháp Thành là người họ Phàn, ở Châu Ung, chuyên tụng kinh Pháp Hoa, thường mang tráp kinh đi du lịch khắp nơi danh sơn thắng cảnh. Ngài lập nguyện chuyên tu phép “Pháp Hoa Tam muội”, cảm đến đức Phổ Hiền Bồ tát ứng mộng cưỡi bạch tượng sáu ngà đến khuyên ngài biên chép các kinh đại thừa.
Ngài bèn mướn người viết kinh Bát Nhã tám bộ, lại tạo một gian nhà “Hoa Nghiêm đường”, hết lòng chuyên tinh về việc biên chép, thọ trì.
Lúc bấy giờ, có ông Hoằng Văn học sĩ là Trương Tịnh, trước kia rất giỏi về văn chương. Ngài thỉnh ông ấy về am trên núi để viết kinh. Khi viết thì ngậm các thứ hương. Vừa viết xong hết bộ, lại cảm đến một con chim lạ bay đến bàn kinh, tự nhiên quen dạn, dường như đã nuôi lâu rồi.
Niên hiệu Trinh Quán năm đầu, chính tay ngài Pháp Thành có viết kinh Pháp Hoa, ngồi ở ngoài trời trống trải. Nhân có việc đi qua chỗ khác chưa kịp dẹp cất, kế gặp trận mưa to tầm tả. Khi Ngài về tới xem lại, cả bàn chỗ viết kinh đều khô ráo, mà nơi khác đều bị trôi ngập hết.
2. THÍCH PHÁP THÁI
(Trích từ bộ Pháp Hoa Trì Nghiệm)
Ðời Tùy, ngài Thích Pháp Thái, người ở Long Sơn, Châu My, thường trì tụng kinh Pháp Hoa. Chính tay Ngài có viết một bộ kinh, có nhiều điềm linh ứng hiện. Khi viết xong bộ, đem đến Châu Ích để sơn thếp. Khi đi ngang qua cầu Xạ Kiều, Ngài bỗng xảy tay rớt kinh xuống sông, tìm kiếm mãi không được. Ngài quá buồn bã, nghẹn ngào khóc không ra tiếng, cứ quanh quẩn tìm mãi trên bờ rồi dưới mé sông nhưng cũng chẳng thấy gì. Bỗng trông thẳng xuống bãi bùn, thấy có một cái đãy, liền bảo người tới lấy coi thử, hóa ra đãy kinh của ngài, nhờ để cỏ nâng đỡ nên không thấm ướt. Ngài vui mừng chẳng xiết, lập tức đến thành đô sơn thếp rồi dùng cây đàn hương làm bìa và trang nghiêm rất đẹp.
Sau, Ngài đem về cúng vào chùa. Mỗi đêm, mùi hương lạ bay khắp chùa…
Ngài chuyên cần trì tụng cứ hằng đêm một bộ Pháp Hoa.
Lúc bấy giờ, có ngài Bưu Pháp Sư giảng kinh ở đó, tối lại đến chỗ Ngài tụng kinh, thấy có nhiều người âm thầm hiện đến, đều quỳ gối chắp tay trước bàn. Ngài Bưu Pháp Sư thấy thế, liền toát mồ hôi mà lui ra.
3. THÍCH ÐÀM VẬN
(Trích từ bộ Pháp Uyển Châu Lâm)
Ngài Thích Ðàm Vận, người ở Ðịnh Châu, xuất gia thuở nhỏ, thường tụng kinh Pháp Hoa. Ngài từng dạo khắp non Ngũ Ðài, thấy đủ các tướng linh dị. Sau, Ngài bỗng dừng chân ở lại đài phía bắc nơi chùa Mộc Quai, trải qua thời gian hơn hai mươi năm chuyên tu thiền quán, tụng niệm không dứt.
Cuối đời Tùy, quốc gia rối loạn, Ngài đã bảy mươi tuổi, ở ẩn trong non Tỳ Can, luôn ngày đêm tinh tấn nhiếp tâm, chuyên tu không hề trễ nải. Ngài ôm ấp chí nguyện chép kinh Pháp Hoa, nhưng mãi tới mấy năm chưa được như ý muốn.
Ngày nọ, bỗng đâu có chàng thư sinh đến bạch rằng:
– Bạch thầy, con rất giỏi về việc chép kinh, con xin ở đây làm việc để mãn chí nguyện của thầy!
Sau đó, chàng thư sinh bèn dọn một gian tịnh thất tinh nghiêm, vào thất ngậm hương ngồi yên lặng viết kinh. Khi ra ngoài thì gìn giữ ba nghiệp, lúc vào thất thì tắm gội sạch sẽ. Chưa đầy một tuần, bộ kinh đã viết xong, liền đem cúng dường cho ngài Ðàm Vận. Xong xuôi không thấy chàng thư sinh đâu nữa.
Sau, nhân giặc Hồ nổi loạn xâm nhiễu, Ngài bèn đem kinh giấu trong hang núi, rồi chạy trốn. Đến mấy năm, khi giặc đã yên, Ngài trở về tìm kinh, bèn thấy trong lùm cỏ dưới ven núi, rương tráp đều hư nát, mà quyển kinh màu sơn còn tốt như xưa.
Chuyện nầy chính mắt Ngài Tuyên luật sư thấy, vào khoảng niên hiệu Trinh Quán năm thứ mười một.
4. NGƯỜI VỢ HẦU ÔNG TÔ TRƯỜNG
(Trích từ bộ Pháp Hoa Trì Nghiệm)
Trong niên hiệu Võ Ðức, có quan Thứ sử tên Tô Trường. Lúc đi trấn nhậm, đến sông Gia Lâm, bỗng gặp trận sóng to gió lớn nên thuyền bị úp. Người nhà của ông bị chết chìm hơn sáu mươi, chỉ có một người vợ hầu của ông, vì thường xuyên tụng kinh Pháp Hoa nên khi nước tràn vào thuyền, nàng liền đội tráp kinh phát thệ rằng: “Thà chịu chết chìm với kinh này, chớ quyết định không rời”.
Trong cơn bấp bênh theo làn sóng hãi hùng, không ngờ có thần lực gia hộ, phút chốc nàng được tấp vào bờ. Vì nương theo kinh được thoát nạn chết chìm, nàng vội vàng mở tráp ra xem, kinh vẫn khô như trước, không bị ướt tờ nào.
*
CHƯƠNG XII:
SỰ TÍCH BIÊN CHÉP KINH PHÁP HOA
ÔNG NGHIÊM CUNG
Niên hiệu Đại Kiến năm đầu, triều nhà Trần, Trung Hoa, ở Dương Châu có ông Nghiêm Cung thường biên chép kinh Pháp Hoa để phân phát cho người trì tụng.
Lúc đó, có thần ở miếu Cung Đình Hồ mách mộng cho khách buôn đem hết của trong miếu đưa sang ông Cung để lo chi phí cho việc viết kinh.
Lại một hôm, ông Cung mang tiền ra phố mua giấy viết, lỡ thiếu 3000 đồng điếu. Bỗng ông thấy từ trong chợ, có một người đi ra, cầm 3000 đồng điếu trao cho ông và nói:
– Giúp ông mua giấy!
Người ấy nói xong biến mất.
Cuối đời Tùy, giặt cướp đến Giang Đô, chúng đều dặn nhau không nên phạm đến xóm của ông Nghiêm Pháp Hoa (Nghiêm Cung). Nhờ đó cả xóm an lành.
Đến cuối đời Đường, nhà họ Nghiêm vẫn nối nhau viết kinh không thôi.
Như vậy, viết kinh hay in kinh công đức lớn biết dường nào, không nói đến phước báo tốt đẹp ở nhiều đời sau, mà ngay trong hiện tại cũng không thể lường được. Chẳng những là mình khỏi khổ nguy mà mọi người ở gần cũng được nhờ, cả thần thánh cũng thường theo hộ trợ, như truyện ông Nghiêm Cung đây vậy.
*
CHƯƠNG XIII:
SỰ TÍCH BIÊN CHÉP KINH THOÁT KHỔ
Nhà Đường, niên hiệu Long Sóc năm thứ ba, xứ Trường An, mẹ vợ ông Lưu Công Tín chết.
Không bao lâu, cô họ Trần, vợ ông Tín, bỗng dưng cũng chết, thần hồn đi đến một ngục đá, thấy mẹ mình ở trong cửa đá thọ nhiều sự khổ. Bà mẹ khóc bảo con gái rằng:
– Mau vì mẹ viết một bộ kinh Pháp Hoa ngỏ hầu thoát khỏi tội này!
Nói vừa xong, cửa đá liền khép lại.
Cô họ Trần sống lại, thuật chuyện gặp mẹ với chồng. Ông Tín nhờ ông Triệu Sư Tử viết kinh. Ông Triệu bèn đem một bộ kinh Pháp Hoa đã viết xong, viết rất tốt, giao cho ông Tín sửa sang. Nguyên bộ kinh đó vốn là của một người họ Phạm bỏ tiền mướn viết, mà ông Tín thật chưa biết, cũng tin là ông Triệu viết cho mình.
Không bao lâu, cô họ Trần lại chiêm bao thấy mẹ đòi kinh. Cô nói rằng đã viết xong rồi. Mẹ liền khóc rằng:
– Mẹ chính vì bộ kinh đó mà càng bị khổ thêm. Bộ kinh đó vốn là của họ Phạm tu phước, sao lại cướp làm công của mình?
Sau khi thức dậy, cô Trần cùng ông Tín đi hỏi thăm lại, thì quả thật họ Phạm ra tiền hai trăm viết kinh mà chính là bộ đó.
Vợ chồng liền thuê người tả một bộ khác để cúng dường, hồi hướng công đức cho mẹ.
*
Than ôi! Công đức biên chép kinh hay ấn tống lớn biết bao dường nào? Tội nặng bị khổ ở địa ngục nhờ người viết một bộ kinh Pháp Hoa mà còn đủ phước để thoát khổ, huống nửa là mình tự ra công ra tiền ư.
*
CHƯƠNG XIV: ĐỌC KINH THOÁT KHỔ
(Trích từ Pháp Uyển)
Đời Đường, ở Ung Châu, huyện Trường An có ông Cao Pháp Hãn là cháu huyền tôn của ông Cao Tần, quan Bộc Xạ đời Tùy.
Đến niên hiệu Long Sóc năm thứ ba, ngày 25 tháng giêng, ông đến Trung Đài dự thi, trưa cưỡi ngựa về nhà. Nhà ông ở góc phía Nam phường Nghĩa Ninh, phía Đông chùa Hóa độ. Giữa đường, gặp bọn người cưỡi ngựa rượt bắt, ông chạy về gần đến nhà té ngựa mê ngất rồi chết, mọi người truy hô, người nhà vội đến khiêng về, đến sáng ngày sau mới sống lại.
Ông Nhãn bảo người nhà rằng:
– Ta bị quỷ bắt đến địa ngục, thấy vua Diêm-la lên ngồi tòa cao, giận mắng ta rằng: “Ngươi sao lại đến chùa Hóa Độ, vào trong phòng thầy Minh Tạng ăn trái của thường trụ Tăng? Nói xong, bắt ta nuốt bốn trăm hòn sắt nóng, đang lúc nuốt thì cổ họng nghẹn rút, thân thể đỏ khô co lại, biến làm màu đỏ, nuốt hết mới sống lại.
Ngày 26 là ngày ông mới sống lại, lại có bọn quỷ hiện đến bắt dẫn về chỗ vua Diêm Vương. Vua quở: “Tại sao ngươi không kính Tam Bảo, dám nói lỗi xấu của tăng? Ngươi nuốt sắt xong sẽ bị cày lưỡi”.
Đến ngày 29 tháng đó, sau khi nuốt sắt nóng xong, sống lại. Qua đến ngày 30, sáng sớm lại chết, đến địa ngục chịu cày sắt cày lưỡi. Tự thấy lưỡi mình dài đến vài dặm, người ở bên xem thấy ông Nhãn le lưỡi ra hơn thước (thước Tàu). Vua lại bảo ngục tốt: “Người nầy nói việc hay dở của Tam Bảo, đem búa lớn lại chặt bỏ lưỡi nó”. Ngục tốt chặt mãi không đứt. Vua bảo lấy búa thẻo nhỏ bỏ vào vạc nước sôi nấu, nấu mãi không rã. Vua lấy làm lạ hỏi? Ông Nhãn thưa: “Tôi có từng đọc kinh Pháp Hoa một lượt”. Vua không tin, tra sổ công đức, thấy trong đó có ghi: “Đọc một bộ kinh Pháp Hoa”. Vua liền truyền thả cho về.
Biết chuyện kỳ lạ này, người đến thăm xem như đi chợ, và ai nấy đều phát tâm tu hành rất đông. Cả nhà ông Nhãn từ đó rất mực kính tin Tam Bảo, gắng chí tinh tấn tu hành, hằng răn nhắc nhau không hề nhàm mỏi.
*
Tam Bảo là thuyền từ quý báu đưa chúng sanh ra khỏi biển khổ sanh tử. Kính thì phước vô lượng, khinh thì họa không nhỏ. Phật là đấng Chí Tôn, pháp là Thánh dược, Tăng là biểu hiện Phật và Pháp. Ông Nhãn khinh Tăng mà phải tội, lại nhờ đọc Pháp mà khỏi tai ương. Chỉ đọc có một bộ kinh Pháp Hoa mà lưỡi chặt không đứt, nấu không rã, đến đỗi Vua Diêm Vương phải kinh sợ mà mau đưa về, huống là người đọc tụng hai bộ, ba bộ đến trăm nghìn bộ ư! Nếu người nào chí thành tụng niệm kinh Pháp Hoa thì công đức vô lượng vô biên, tội nghiệp đều tiêu, phước lành đầy đủ. Sau khi xả báo thân hiện tại, quyết chắc sẽ cảm thành thân vàng Kim Cang ở vị Lai vậy.
*
CHƯƠNG XV:
SỰ TÍCH TỤNG ĐỀ KINH,
MÌNH VÀ NGƯỜI ĐỀU THOÁT KHỔ
(Trích từ bộ “Minh Báo Ký”)
Ông Lý Sơn Long ở quận Phùng Dực, làm chức Tả giám môn hiệu úy. Trong niên hiệu Võ Đức, lâm bệnh chết, nhưng trên ngực khoảng bằng bàn tay không lạnh, người nhà chưa nỡ tẩn liệm. Đến ngày thứ bảy sống lại, thuật rằng:
Đang lúc chết, bị người bắt dẫn đến một dinh quan rất hoành tráng rộng lớn. Trong sân có bọn tù vài nghìn người, hoặc mang gông, hoặc xiềng xích đều đứng xây mặt về hướng Bắc, chật cả sân.
Quân hầu dắt Sơn Long đến dưới dinh. Có một vị Thiên Quan ngồi giường cao kẻ hầu hạ nghi vệ như hàng vua chúa.
Sơn Long hỏi quân hầu:
– Quan nào đó?
Quân hầu đáp:
– Vua đấy!
Sơn Long đến dười thềm. Vua hỏi:
– Người thuở bình sanh làm phước nghiệp gì?
Sơn Long Thưa:
– Mỗi lần người trong làng thiết lập trai đàn giảng kinh, tôi thường thí của vật đồng với người.
Vua lại hỏi:
– Còn tự thân người làm phước nghiệp gì?
Sơn Long thưa:
– Tôi tụng thuộc kinh Pháp Hoa hai quyển.
Vua nói:
– Rất hay! Được lên thềm.
Ông Long đã lên trên nhà, thấy phía Đông Bắc có một tòa cao giống như tòa diễn giảng. Vua chỉ tòa nói với Sơn Long rằng:
– Nên lên tòa này tụng kinh!
Sơn Long vâng lệnh đến bên tòa.Vua liền đứng dậy nói:
– Thỉnh ngài Pháp sư lên tòa!
Sơn Long lên tòa xong. Vua liền xây về phía tòa mà ngồi. Sơn Long khai kinh tụng rằng: “Diệu Pháp Liên Hoa kinh, Tự phẩm đệ nhất”. Vua nói:
– Thỉnh Pháp sư thôi!
Sơn Long liền thôi, xuống tòa lại, đứng dưới thềm. Nhìn lại xem trong sân, bọn tù nhân vừa rồi không còn một người. Vua bảo Sơn Long rằng:
– Phước đức tụng kinh của ông chẳng những là tự lợi, nhẫn đến làm cho bọn tù trong sân nhân nghe đề kinh Pháp Hoa mà đều được thoát khổ, há chẳng hay lắm thay! Nay tha ngươi trở về”.
Sơn Long lạy từ. Đi đặng vài mươi bước, Vua kêu trở lại, rồi bảo quân hầu:
– Nên dắt người này xem các ngục!
Quân hầu liền dắt Sơn Long đi qua phía Đông hơn trăm bước, thấy một thành bằng sắt rất rộng lớn, trên có mái trùm kín. Quanh thành có nhiều lỗ nhỏ, thấy các nam nữ từ dưới đất bay vào trong lỗ liền chẳng trở ra. Sơn Long lấy làm lạ hỏi, quân hầu Đáp:
– Đây là đại địa ngục, trong đó có nhiều lớp phân cách theo tội riêng khác. Các người đó đều theo nghiệp dữ của mình đã tạo. Vào ngục chịu khổ.
Sơn Long nghe xong buồn sợ, xưng “Nam mô Phật”, xin quân hầu dắt ra.
Đến cửa viện, thấy một vạc lớn lửa mạnh nước sôi, bên vạc có hai người ngồi ngủ. Sơn long hỏi duyên cớ. Hai người đáp:
– Tôi bị tội báo vào vạc nước sôi này. Nhờ Hiền giả xưng “Nam mô Phật” cho nên các người tội trong ngục đều được một ngày nghỉ, vì mệt quá nên chúng tôi ngủ.
Sơn Long lại xưng “Nam mô Phật”.
Quân hầu đưa sơn Long về nhà, thấy hàng thân thuộc đang khóc, sắm sửa những đồ tẩn liệm. Sơn Long vào đến bên thây thì liền sống lại.
Chuyện trên đây là chính ông Lý Sơn Long nói với chủ chùa Tổng Trì. Chủ chùa thuật lại với tôi.
*
Nhiệm mầu thay kinh Pháp Hoa! Người trì tụng được công đức, ngoài Phật ra, không ai có thể nghĩ lường được. Đọa địa ngục, vì tội nghiệp nặng, lên tòa vừa khai tụng đề kinh mà cả mấy ngàn tù nhân dưới sân đều thoát khổ. Thoát khổ là bởi nghiệp tiêu. Tội nghiệp nặng mà tức khắc tiêu tan, nếu không phải công đức rộng lớn quyết không thể được. Nghe đề kinh Pháp Hoa mà công đức lớn dường ấy, huống là người trì tụng đề kinh, huống là người trì tụng một phẩm, một quyển đến toàn bộ, nhẫn đến người giải nói, biên chép, ấn tống! Ông Sơn Long được thoát ngục, được vua trọng, được quân hầu kính, phải chăng là do oai lực của kinh Pháp Hoa. Ta đối với kinh Pháp Hoa, thật nên chí thành đảnh lễ ,thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép, ấn tống, nếu ta có trí tự thoát khổ và thoát khổ cho người.
*
CHƯƠNG XVI:
SỰ TÍCH CHÉP KINH
CỨU BẠN ĐỒNG HỌC
(Lại bộ Thượng thơ Đường Lâm biên)
Đời Tùy, niên hiệu Đại nghiệp, có vị khách tăng đi đến miếu Thái Sơn, muốn tạm nghỉ. Người giữ miếu nói:
– Ở đây không có nhà nào khác, chỉ có thể tạm nghỉ dưới mái hiên của miếu Thần. Nhưng gần đây, những người nghỉ nơi đó đều chết cả.
Khách Tăng nói:
– Không hề gì, cho ta tạm nghỉ nơi đó!
Người giữ miếu bất đắt dĩ y lời, dọn giường cho khách tăng nghỉ dưới hiên miếu.
Tối đến, khách tăng ngồi ngay thẳng tụng kinh. Ước chừng một canh sau, nghe trong màn có tiếng vàng ngọc khua. Giây lát có vị thần từ trong màn ra lễ lạy khách tăng. Khách tăng nói:
– Nghe người nói trước đây nhiều người bị chết tại chốn này, có phải là đàn việt hại đó chăng? Xin chớ có hại ta!
Thần nói:
– Ngày trước, tình cờ những người mạng số sắp chết, nghe tiếng động của đệ tử, nhân quá sợ mà chết, chớ chẳng phải đệ tử làm hại, xin thầy chớ lo.
Khách tăng mời thần ngồi nói chuyện. Lát sau, khách tăng hỏi:
– Nghe nói thần Thái Sơn cai trị loài quỷ, có thật chăng?
Thần đáp:
– Đệ Tử phước bạc, chính có thế! Có phải thầy muốn biết rõ việc người thân của thầy đã chết chăng?
Tăng nói:
– Ta có hai bạn đồng học đã chết, nay muốn thấy đó.
Thần hỏi tên hiệu, rồi nói:
– Một người đã đầu thai làm người, còn một người bị tội nặng đang ở địa ngục, không thể kêu đến. Nếu thầy muốn thấy cũng có thể được”.
Vị tăng rất mừng, liền đứng dậy đi theo thần. Không bao xa, thấy nhà ngục lửa cháy đỏ rực, thần dắt tăng vào một nhà, xa thấy một người đang ở trong lửa rên la nói không ra tiếng, thân thể nám đen không nhìn được, mùi thịt cháy hôi khét khiến người đau lòng.
Thần nói:
– Chính ông ấy đó, thầy còn muốn đi xem vài nơi khác chăng?
Vị tăng buồn rầu xin trở về, giây lát đến miếu, lại cùng thần ngồi. Vị tăng hỏi thần cách cứu bạn học. Thần nói:
– Có thể được lắm. Thầy nếu biên chép được cho ông ấy một bộ kinh Pháp Hoa, thì chắc ông ấy được khỏi.
Bấy giờ, trời gần sáng, thần từ biệt tăng vào trong.
Sáng, người giữ miếu thấy khách tăng vẫn yên lành, lấy làm lạ hỏi, tăng thuật chuyện trong đêm lại.
Khách Tăng về chùa vì bạn chép kinh Pháp Hoa. Chép xong, Ngài đóng bìa, cắt xén tử tế, lại mang kinh đến miếu. Đêm đó, thần ra chào hỏi mừng rỡ, hỏi thăm đến có việc chi. Khách tăng đem chuyện chép kinh xong nói với Thần. Thần nói:
– Đệ tử đã biết rõ việc ấy, Thầy vì bạn chép kinh, lúc mới chép đề mục thì ông ấy đã khỏi khổ, hiện đã thác sanh vào nhân gian rồi, chỗ này không được tịnh khiết không thể thờ kinh, xin thầy đem kinh về chùa”.
Hai người cùng nhau đàm luận. Gần sáng, thần từ giã khách tăng vào trong. Vị tăng lại mang kinh về chùa.
Quan Biệt giá Trương Đức tự nói: “Khi ông trấn nhiệm ở Châu Duyện, có biết rõ việc trên”.
*
CHƯƠNG XVII:
TỤNG KINH THOÁT KHỎI THÂN NỮ
(Lại bộ Thượng Thơ Đường Lâm Biên)
Đời Tùy, niên hiệu Khai Hoàng, huyện Bác Lăng, có ông Thôi Ngạn Võ, làm quan Thứ sử châu Ngụy. Một hôm, nhân đi thanh tra trong địa phận của mình quản trị, đến một ấp nọ, bỗng ông ngạc nhiên vừa sợ vừa mừng, bảo kẻ tùng giả rằng:
– Ta xưa nay từng làm vợ người ở trong ấp này, nay vẫn biết nhà cũ.
Liền cỡi ngựa đi vào đường hẻm trong ấp, quanh quẹo đến một nhà, sai người gõ cửa. Ông chủ nhà đó đã già, chạy ra lạy chào.
Ông Ngạn Võ vào nhà, chỉ trên vách phía Đông cách đất chừng năm sáu thước (thước Tàu), có chỗ lồi cao lên mà bảo chủ nhà rằng:
– Chỗ trên cao đó là chỗ mà xưa kia ta cất năm đôi thoa vàng, với bộ kinh Pháp Hoa ta đọc hằng ngày. Bộ kinh ấy cuối quyển bảy, lửa cháy xém mất chữ hết một trang. Vì cớ đó nên hiện nay mỗi khi ta tụng kinh Pháp Hoa đến trang đó, thường quên lãng không nghĩ nhớ được.
Nói xong, sai người đục chỗ vách đó ra, quả thật được hộp đựng thoa vàng cùng quyển kinh, cháy xém một trang cuối quyển thứ bảy như lời nói trước.
Ông chủ nhà rơi nước mắt, khóc rằng:
– Thoa vàng cùng kinh quả thật là vật của vợ tôi, ngày còn sanh tiền, vợ tôi thường đọc bộ kinh Pháp Hoa này.
Ông Ngạn Võ lại nói:
– Cây hòe trước sân kia ngày trước khi ta sắp sinh, tự tháo đầu tóc mượn giả vào bọng cây đó.
Nói xong, bảo người thử lại tìm, thật quả được tóc.
Chủ nhà thấy việc như thế, biết chính quan Thứ sử hiện nay là vợ của mình ngày trước tái sanh, vừa buồn vừa mừng.
Thôi Ngạn Võ để đồ vật vàng bạc lại, hậu cấp cho ông chủ nhà mà đi.
*
Trong phẩm “Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự”, có nói: “Nếu có người nữ nào nghe kinh này mà có thể thọ trì, thì sau khi bỏ báo thân đàn bà đó, không còn thọ lại nữa”. Chuyện của ông Thôi Ngạn Võ trên đây đủ chứng thật lời trong kinh, làm cho chúng ta lại càng kính tin lời của đức Như lai là chơn thật.
Một người đàn bà, vợ tên dân quê ở trong ấp nghèo cùng đọc tụng Pháp Hoa mà đã sớm khỏi thân hèn khổ, chuyển thành thân quan cao tước lớn, trong khi ấy người chồng vẫn còn là tên dân quê. Chồng lạy rước vợ, nào biết đó là vợ cũ của mình ngày xưa.
Tên dân quê đó cùng một ít kẻ lân cận, khi người đàn bà đọc kinh Pháp Hoa chết, hoặc giả có niệm nghĩ rằng: “Tụng kinh không phước, trái lại bị chết yểu”. Niệm ngu si, lòng chê kinh ấy, khi gặp Thôi Ngạn Võ, như tuyết gặp nước sôi vậy.
Ôi! Công đức bất khả tư nghì của người trì kinh thật vô cùng diệu dụng, lý nhân quả nhiệm mầu! Tâm những kẻ vụng về, trí thức thô thiển nào có thể thấu đáo được. Tôi rất lo ngại cho hạng người bác nhân quả, hủy báng kinh Đại thừa, và thiết tha mong sao những hạng người ấy không nên quá nông nổi.
*
CHƯƠNG XVIII:
NGHE KINH THOÁT KHỎI THÂN CHIM
I. Trích từ Minh Báo Thập Di
Đời Đường, đất Tinh Châu, nơi chùa Thạch Bích có vị lão tăng siêng tụng kinh, tham thiền. Cuối niên hiệu Trinh Quán, có bồ câu làm ổ ở trên xiêng phòng, mớm cho hai chim con. Mỗi khi có đồ ăn dư, vị lão tăng thường đến bên ổ đút cho hai chim con. Sau khi chim con dần lớn, tập bay, rớt xuống đất chết. Lão tăng lại chôn cất cho…
Cách tuần sau, lão tăng mộng thấy hai đồng tử đến thưa: “Bạch ngài, vì đời trước chúng con tạo tội nên bị đoạ làm thân bồ câu. Gần đây, nhờ nghe thầy tụng kinh Pháp Hoa và kinh Kim Cang Bát Nhã, nên tội diệt phước sanh. Chúng con thác sanh làm con trai nhà ông… ở làng bên cạnh cách chùa mười dặm, mười tháng sau sẽ nên thân người”. Vị lão tăng y lời trong mộng qua xem. Thấy nhà ấy có một người đàn bà đồng sanh hai đứa con trai. Đang cúng đầy tháng, lão tăng bèn hô lên:
– Thằng bồ câu!
Hai đứa trẻ đáp
– Dạ!
*
II. Trích từ Thiết Kiều Tập
Đời Thanh, tỉnh Hồ Quảng, ông Liên Dẫn, trưởng giả tại chùa Pháp Luân ở Đoan Châu, nói với ông Thiết Kiều rằng:
– Anh tôi ở một mình trên núi, hằng ngày tụng kinh Pháp Hoa. Thường có một con chim trĩ mỗi ngày đến nghe xong lại bay đi. Về sau, đã mấy ngày mà không thấy chim đến.
Cách núi chừng mười dặm, có người làng, sai người đến núi thưa với thầy:
– Vừa rồi, có một người đệ tử của thầy thác sanh làm con trai của chủ tôi, song những ngày gần đây cứ khóc mãi không nín, nên chủ tôi sai tôi đến mời thầy qua xem thử.
Thầy tự nghĩ không có đệ tử nào, chỉ có một chim trĩ thường ngày đến nghe kinh, nay đã vài ngày rồi không thấy đến, hoặc là chim trĩ ấy nhờ công đức nghe kinh mà được sanh làm người chăng?
Thầy liền đi qua nhà đó. Chủ nhà bồng con ra. Đứa trẻ vừa thấy thầy liền vui mừng, thôi khóc. Do đó, thầy định chắc chim trĩ thác thân vậy.
*
III. Trích từ bộ Thông Tải
Triều Tấn, niên hiệu Ngươn Hưng, tại núi Dư Hàng, có Sa-môn tên Pháp Chi, thường tụng kinh Pháp Hoa. Mỗi lần thầy tụng kinh, có chim trĩ bay đến đậu một bên góc chỗ ngồi, hình như nghe Kinh. Như thế đến bảy năm thì chim trĩ chết. Thầy chôn cất. Đêm đó, thầy chiêm bao thấy một đồng tử đến thưa rằng: “Con nhân vì nghe Kinh mà được khỏi loài lông cánh, nay thác sanh vào nhà họ Vương ở trước núi đây”
Sáng ngày, thầy sai người qua hỏi thăm, quả thật Vương Thị vừa hạ sanh một bé trai.
Ít lâu sau, họ Vương thiết trai, thỉnh quý thầy đến cúng dường. Thầy Pháp Chi vừa mới bước vào cửa, đứa trẻ đã reo mừng:
– Hòa Thượng của con đến kìa!
Thầy cũng vuốt ve mà nói:
– Thằng trĩ của ta đây!
Cởi áo nó ra xem, thấy dưới nách có ba lông trĩ. Lên bảy tuổi, cha mẹ cho đứa trẻ xuất gia. Vì dưới nách có lông chim, nên đặt pháp danh là Đàm Dực. Đàm Dực chuyên tụng Pháp Hoa. Về sau, cảm Đức Phổ Hiền Bồ tát thị hiện.
Trong kinh có câu: “A Dật Đa! Nếu có người vì kinh Pháp Hoa này mà qua chốn tăng phường, hoặc ngồi hoặc đứng nghe kinh, tin nhận trong khoảng giây lát. Nhờ công đức đó, sau khi bỏ thân hiện tại, sanh ra được giàu sang hoặc ở cung trời (*)…” (quyển sáu, phẩm Tuỳ Hỷ Công Đức thứ 12).
(*) Xem ba chuyện bồ câu cùng chim trĩ ở trên, loài cầm nghe kinh, nhờ công đức đó mà đã sớm chuyển thân chim thành thân người, lại là thân người toàn vẹn sanh ra trong những gia đình phong lưu tử tế. Chẳng những thế mà cả ba đều biết túc mạng, nhất là ông Đàm Dực mới đó là chim trĩ, mà chỉ trong khoảng hơn mười năm sau đã nghiễm nhiên là một vị cao tăng. Loài chim còn được như thế, huống nữa là loài người. Kinh viết: “Giây lát nghe kinh, người ấy sẽ ở cung trời”, rõ là lời chân thật. Công đức nghe kinh Pháp Hoa nào có thể nghĩ bàn. Giống Vô Thượng Chánh Giác một phen gieo vào tâm điền thì sớm muộn gì quyết định cũng sẽ thành Phật, đâu chỉ có hưởng phước ở thế gian mà thôi?
Nghe còn như thế, huống là tự mình biên chép, thọ trì. Người không kết duyên với kinh Pháp Hoa, có thể nói là tự phụ bạc với mình vậy!
*