Hòa thượng Thích Hoằng Tri, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN TP.Thủ Đức, trụ trì chùa Vạn Đức, là một trong những đệ tử thân cận, gắn bó nhiều năm tháng với cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917-2014), trong nếp thiền môn thường ngày ở Vạn Đức thường gọi là “Sư ông”.

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1144 – Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Người thực hiện câu chuyện này, phóng viên Báo Giác Ngộ đã có dịp nghe những chia sẻ thấm đẫm đạo tình từ Hòa thượng Thích Hoằng Tri về bậc Tôn sư khả kính của mình nhân dịp tưởng niệm húy nhật lần thứ 6 của ngài.

Trong không gian yên tĩnh của Vô y viện – nơi Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh tịnh tu lúc sinh tiền, sau bao nhiêu năm vẫn được hàng môn đồ đệ tử cẩn trọng gìn giữ như một chốn lưu tích của bậc thầy mô phạm, Hòa thượng Thích Hoằng Tri hồi tưởng:

– Tôi vào chùa đầu năm 1970. Tính đến năm 2014, khi Sư ông chúng tôi viên tịch, chừng đó khoảng thời gian tôi đều trụ xứ tại chùa Vạn Đức. Chỉ riêng từ năm 1995 đến 2003, trong thời gian bắt đầu trùng tu chùa Vạn Linh (An Giang), tôi phải đi đi về về coi sóc công trình ở đó nhiều hơn, nhưng không có ngày rằm và 30 hàng tháng nào mà tôi vắng mặt ở Vạn Đức. Có thể nói, xuyên suốt thời gian từ khi bắt đầu bước chân vào chùa, tôi đều được ở gần Sư ông.

Từ khi tôi được chánh thức nhận vào chùa, tôi đã gọi Hòa thượng Vạn Đức bằng Sư ông. Sư ông có bốn lớp đệ tử xuất gia, ba lớp đầu là chữ Trí, chữ Tịnh và chữ Minh, từ năm 1960 đổ về sau là chữ Hoằng. Cũng do vô chùa sau này, nên tôi mới gọi Thầy mình là Sư ông. Trừ những khi đi họp hay đi dạy, phần lớn thời gian ngài chỉ ở Vạn Đức để tĩnh tu, coi sóc, hướng dẫn việc tu học của chúng đệ tử.

Hòa thượng Thích Hoằng Tri (bên trái) tiếp nhận lời dạy của Hòa thượng Tôn sư trong công việc hàng ngày ở chùa – Ảnh: Tư liệu Vạn Thành

* Ngay từ những ngày đầu mới vào chùa, Hòa thượng đã có cơ duyên được thân cận cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng có thể chia sẻ ấn tượng đầu tiên của mình đối với Sư ông?

– Đầu tiên, quý Thầy cử tôi làm hương đăng, sau đó sung vô Ban thị giả. Ban thị giả có đến 6 người, huynh Hoằng Pháp phụ trách chính, bưng cơm nước, gần gũi Sư ông nhiều hơn, số còn lại chia ra làm các công tác ở khu thất Sư ông. Riêng tôi phụ trách quét dọn các tầng phía trên. Lúc mới ra làm, nghe nói Sư ông khó tánh lắm nên tôi cũng chưa dám gần gũi. Dần dần, có đôi khi huynh Hoằng Pháp đi vắng, tôi thay thế bưng cơm. Rồi có khi Sư ông sai làm việc lặt vặt, tôi thấy Sư ông cũng không khó mấy.

Quen dần, Sư ông kêu tôi làm những việc có tính cách chuyên môn hơn, mặc dù khi ở nhà tôi chẳng biết gì về mộc, về hồ, về điện, về nước. Vậy mà khi ở gần Sư ông, bất cứ việc gì trong các lĩnh vực đó, tôi đều làm được và làm rất tốt. Làm việc, đôi khi tôi và Sư ông cùng làm. Nói là cùng làm, thực sự là Sư ông chỉ cho tôi làm. Cụ thể như cái bồn trồng cây mai lâu năm ngoài tháp Sư ông là tôi và Sư ông cùng xây, không có một người thợ nào cả. Vì vậy mà giữa tôi và Sư ông không có gì ngăn ngại nữa, khoảng cách Thầy trò gần như không còn. Sư ông đối với tôi thân mật như cha với con và còn hơn thế nữa.

Mặt trước chánh điện chùa Vạn Đức trùng tu lần thứ nhất (1963) – Ảnh: Tư liệu Vạn Thành

* Trong vô số những kỷ niệm với Sư ông, Hòa thượng có kỷ niệm nào vui hay đáng nhớ nhất?

– Kỷ niệm đặc biệt đáng nhớ nhất là lần tôi làm thị giả theo Sư ông dự Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ III tại Hà Nội. Sư ông giới thiệu tôi với quý Hòa thượng miền Bắc: “Thầy nầy là tri sự của chùa, hôm nay theo làm thị giả cho tôi cũng được lắm. Thầy làm cũng giỏi mà ăn cũng nhiều nên được mệnh danh là ‘Thầy Ba Tô’”. Nghĩ hơi mắc cỡ mà cũng thấy vui vui.

* Từng là trụ trì chùa Vạn Linh, tri sự rồi kế thế trụ trì chùa Vạn Đức; đảm nhiệm những công việc quan trọng từ rất trẻ, lời dạy của Sư ông có ảnh hưởng như thế nào đối với Hòa thượng trong việc tu học và hành đạo, thưa Hòa thượng?

– Như đã nói, tôi xuất gia năm 1970, năm 1971 thọ giới Sa-di, đến năm 1973 chùa có chút biến cố. Không biết lý do gì mà quý thầy Tỳ-kheo đi đâu hết, chỉ còn lại thầy Hoằng Thông và huynh đệ Sa-di ngũ giới chúng tôi. Thầy Hoằng Thông đảm nhiệm tri sự khoảng một tháng rồi Sư ông giao cho tôi làm. Lúc này tôi mới chỉ là Sa-di mà chúng lúc đó cũng trên 50 người. Tình cảnh khiến tôi hết sức hoang mang, nhưng để Sư ông an tâm, tôi miễn cưỡng nhận làm. Ban đầu cũng khó khăn lắm, dần rồi cũng quen. Tấm gương thân giáo ít ăn, ít ngủ, siêng năng thời khóa của Sư ông đã làm mẫu mực cho tôi thực hành, rồi dần dần, đại chúng tùy thuận, mọi việc đi vào ổn định.

Đến năm 1975, trong tình hình chung của đất nước, tuy khó khăn về vật chất lẫn tinh thần, nhưng với sự che chở của Sư ông, chúng tôi cũng sớm thích nghi với hoàn cảnh. Cho đến năm 1995, Sư ông cử tôi trụ trì, trông coi việc trùng tu lại chốn Tổ Vạn Linh với lời dạy tâm huyết: “Phàm làm việc gì mà hết lòng vì Tam bảo thì được chư Hộ pháp gia hộ, mọi việc sớm thành tựu”. Chúng tôi nương theo đó mà thật hành, bước qua những đoạn đường khó khăn.

Hòa thượng Thích Trí Quảng bên Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh ngày ấy

* Là đệ tử của bậc danh sư, giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội, vậy có bao giờ Hòa thượng gặp phải những áp lực hay đối diện với chướng duyên không, thưa Hòa thượng?

– Đương nhiên là có rất nhiều, nhất là đối với một thân phận như tôi. Vào chùa được học gia giáo với quý Thầy lớn, sau đó được dự lớp của Sư ông, sau nữa đi theo học những giờ Sư ông dạy ở Huệ Nghiêm, Vạn Hạnh v.v… Lãnh chúng quá sớm, kinh nghiệm ít ỏi, tôi luôn nương vào bổn hoài và lời dạy của Sư ông: “Hãy khoan hồng tha thứ, biết thiện thì theo tới đâu thì tới”. Bởi vì muốn “khoan hồng tha thứ” phải có từ bi và tùy thuận, “biết thiện thì theo tới đâu thì tới” phải có trí huệ và nhẫn nhục. Nhờ đó mà với tôi, áp lực cũng nhẹ đi, chướng duyên vượt qua được.

* Hòa thượng có nhắc tới “bổn hoài” của cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh mà Hòa thượng hiện đang sống trong đó, Hòa thượng có thể chia sẻ thêm về điều đó?

– Bổn hoài lớn nhất của Sư ông chúng tôi là truyền bá pháp môn Tịnh độ và làm sao dịch hết Đại tạng Đại thừa cho Phật giáo Việt Nam.

Năm 1955, sau khi thành lập chùa Vạn Đức, Sư ông đã khai hội “Cực lạc Liên hữu” khuyến tấn mọi người niệm Phật cầu sanh Cực lạc với cẩm nang là quyển Đường về Cực lạc mà khi nhập thất ở Linh Sơn cổ tự Sư ông đã biên soạn. Năm 1975, Sư ông dự định khởi công xây dựng “Pháp Bảo Viện” ở Linh Xuân, Thủ Đức với mục đích tập hợp nhân tài có khả năng phiên dịch về một chỗ để tập trung trí huệ phiên dịch Đại tạng Đại thừa, nhưng rồi thời thế xoay vần, dự định ấy đành dang dở.

Với bổn hoài đó, khi có duyên tiếp xúc với đại chúng dù Tăng hay tục, Sư ông chỉ dạy ba điều rất là bình dị: Ăn chay, tụng kinh, niệm Phật. Sư ông dạy: “Ăn chay phải thiệt ăn chay, không ăn ngũ vị tân để tăng trưởng lòng từ bi. Tụng kinh Đại thừa để tăng trưởng trí tuệ. Niệm Phật phải đủ Tín – Nguyện – Hạnh để một đời này giải quyết được sanh tử luân hồi”. Hay: “Đời mạt pháp có nhiều dị kiến, nên những gì không đúng với kinh điển Đại thừa thì không nên nghe theo”.

Những lời dạy đó, tuy bình dị nhưng đôi lúc ngẫm lại, tôi thấy cả đời cũng chưa chắc đã làm xong. Về sau này, chúng tôi thường xuyên mở khóa niệm Phật và tổ chức tụng đọc kinh điển Đại thừa, đồng thời trợ duyên cho các tổ chức dịch thuật in ấn để thực hiện phần nào bổn hoài ấy của Tôn sư.

* Mong Hòa thượng có thể chia sẻ thêm về những tâm nguyện đối với tứ chúng Vạn Đức trong việc tu học cũng như hành đạo?

Tôi luôn mong muốn các vị đã có duyên thọ ân giáo dưỡng của Sư ông, nhất là những đệ tử xuất gia đang còn tu tập ở Vạn Đức, Vạn Linh hay đã ra hoằng hóa ở các trú xứ khác, luôn nhớ đến bổn hoài của Sư ông mà cố gắng duy trì và phát triển. Mỗi người hãy là một Liên hữu siêng năng niệm Phật trong tất cả mọi oai nghi theo tinh thần bài “Kệ niệm Phật” mà Sư ông đã hướng dẫn cũng như sinh hoạt theo 10 tông chỉ mà Sư ông đã soạn ra khi lập hội “Cực lạc Liên hữu”. Trong tâm niệm của tôi, một người đệ tử nối gót Sư ông phải luôn cố gắng thiết thật tu hành (vì giải thoát sanh tử luân hồi), không môi miếm (quá lý tưởng cao xa không tương ưng với thực tế – PV).

Thuở sanh tiền, Sư ông còn có tâm nguyện kiến thiết ngôi tháp 13 tầng và Đức Phật A Di Đà cao 48m. Cho đến khi Sư ông viên tịch, tâm nguyện ấy vẫn còn dang dở. Gần đây, chúng tôi đã thiết lập dự án một ngôi chùa ngay trên quê hương Sư ông, trong đó có từ đường để thờ phượng tổ tiên, những bậc đã sanh thành ra ngài, phía trước ngôi chùa sẽ tôn trí tượng Phật bằng đá cao 48m mà bên trong là ngôi bảo tháp 13 tầng. Với ý nghĩa “Uống nước nhớ nguồn”, tôi mong rằng tất cả huynh đệ tứ chúng chung sức chung lòng để hoàn thành công trình cũng như bổn hoài của Sư ông, cũng như bằng sự tu học và hành đạo thiết thật, đền đáp phần nào thâm ân giáo dưỡng của bậc tôn sư.

* Cảm ơn Hòa thượng đã dành thời gian chia sẻ với Báo Giác Ngộ những câu chuyện thú vị về Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, bậc Thầy của nhiều thế hệ Tăng Ni, vị giáo phẩm lãnh đạo của Giáo hội và là một đại dịch giả, hành giả Đại thừa của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.

Hạnh Đăng/Báo Giác Ngộ thực hiện