PHÁP MÔN NIỆM PHẬT TRONG LỜI DẠY CỦA ĐLHT.THÍCH TRÍ TỊNH

PV: Kinh thường dạy có đến 84.000 pháp môn. Phật tử tại gia không có thời gian nghiên cứu kinh điển Phật dạy nên không biết nội dung của các pháp môn là gì. Kính xin Sư ông trình bày trọng tâm của pháp Phật cho mọi người có thể thực tập để có được an vui và lợi ích?

Pháp môn của Phật dạy rất nhiều, không pháp nào dễ đạt được kết quả hết. Chỉ có pháp dễ tu hay khó tu mà thôi. Phật dạy thân người khó được, đã được rồi không khéo tu để mất thân này thì muôn đời khó đặng lại. Thời gian qua mau, đừng để luống qua mà uổng phí một đời.

Căn bản của sự tu hành là Giới, Định, Huệ. Từ nơi Giới hạnh được tinh nghiêm mà tâm tĩnh lặng. Tâm được tĩnh lặng thì trần lao phiền não không chi phối được. Do được tĩnh lặng đó mà phát sanh ra Định. Và từ nơi Định mới sanh ra Huệ. Huệ này do có Định mới phát, chớ không phải do tạo tác mà thành. Nếu do tạo tác thì đó chỉ là phân biệt hơn thua, phải quấy, hay dở. Và đó chỉ là ở trong vòng sanh tử mà thôi. Huệ từ nơi Định sanh, Huệ đó mới là giác, là giải thoát. Người đời không biết quý trọng nơi sự giải thoát mà chỉ lo làm cho mạnh thêm cái phân biệt hay dở nên không quan tâm gì đến Giới, Định, Huệ. Tu pháp môn trì danh niệm Phật cũng là cách đạt được Định và Huệ.

Do đó, đại chúng hãy giữ vững đạo tâm, tinh tấn tu hành, để căn lành mỗi ngày một thêm lớn, đạo lực được tăng trưởng thì mới tiến trên đường giải thoát. Phải dày công tu tập, nhiều thời gian lắm mới có kết quả được.

PV: Pháp môn niệm Phật là pháp tu phổ biến nhất hiện nay. Là bậc tổ sư của pháp môn này trong thời hiện đại, xin Sư ông chỉ dạy về tôn chỉ trì danh niệm Phật?

Pháp môn nào của Phật dạy muốn đạt được đều rất là khó, chỉ có dễ tu hay khó tu mà thôi. Pháp Trì danh niệm Phật thì rất dễ tu. Nghĩa là mình đang đi bộ, hay đi trên xe niệm Phật cũng được. Mình đang đứng ngắm cảnh cũng niệm được. Mình đang ngồi làm việc cũng niệm được và khi mệt mỏi quá nằm niệm cũng được. Chỉ trừ lúc nói chuyện là không niệm được mà thôi. Còn các pháp môn khác phải ở nơi vắng lặng hay thiết lập đạo tràng thì mới thực hiện được, đại khái là như thế.

Khi thực hiện pháp Trì danh niệm Phật thì lòng tin phải cho sâu chắc; tâm nguyện phải thiết tha và công hạnh phải chuyên cần. Khi niệm Phật, tâm và tiếng phải hiệp khắn nhau. Nghĩa là tâm phải duyên theo tiếng, tiếng phải ở trong tâm, đừng để nó xao lãng theo một tiếng gì khác, hễ nó rời ra thì phải kéo nó lại. Muốn được vậy, tiếng niệm phải cho rõ ràng, rành rẽ.

Niệm như vậy phải chuyên cần, phải nhiều thời gian, phải đều đặn, phải tinh tấn lắm thì mới đắc lực. Khi niệm đã đắc lực thì tự nhiên trong tâm mình nổi lên tiếng niệm Phật mà mình không cần đề khởi, không cần nghĩ đến, nó vẫn tự niệm. Ban đầu thì lúc được lúc mất, được thì ít mà mất thì nhiều. Cố gắng thêm thì được nhiều mất ít, cho đến không còn gián đoạn nữa thì gọi là niệm lực tương tục. Và như vậy mới đúng nghĩa “chấp trì danh hiệu”. Đó mới là nhơn của niệm Phật tam muội. Được vậy thì sự vãng sanh mới bảo đảm. Bởi được Thánh chúng vây quanh tiếp rước không phải chuyện dễ dàng. Có tương ưng với đại nguyện của đức Phật A Mi Đà thì mới có cảm ứng.

Người được gọi là “chấp trì danh hiệu”, nếu hạng lợi căn thì hoặc một ngày, chậm lắm là bảy ngày sẽ được Niệm Phật Tam-muội. Được niệm Phật tam muội thì thấy được đức Phật A Mi Đà. Thấy Phật A Mi Đà thì thấy được mười phương chư Phật.

Pháp môn Trì danh niệm Phật là pháp môn dùng âm thanh làm phương tiện, nên dù niệm lớn hay nhỏ, hoặc niệm thầm cũng đều là âm thanh. Cho nên, chỉ có khi nói chuyện mới không thực hành được. Vì vậy, Bồ tát Giác Minh Diệu Hạnh có dạy:

“Ít nói một câu chuyện

Nhiều niệm một câu Phật…”.

Vì thế, ta phải bớt đi những duyên lăng xăng chung quanh để dành nhiều thời gian mà niệm Phật. Nếu lăng xăng tạp nhạp nhiều quá mà niệm Phật ít quá thì sẽ không đủ lực để lấn áp vọng tưởng, khó mà nhiếp tâm được.

PV: Sư ông thường dạy rằng pháp môn niệm Phật đơn giản và dễ thực hành. Xin Sư ông cho biết kinh nghiệm niệm Phật của Sư ông khi còn là một tu sĩ trẻ.

Thuở nhỏ ở nhà khoảng 14 tuổi, tôi đã tự mình niệm Phật. Nhân đọc được quyển Tây Phương Trực Chỉ, thấy có nói hễ niệm Phật 300 ngàn câu thì được vãng sanh Cực Lạc. Tôi tin làm theo. Tôi lấy quyển sách quảng cáo thuốc của ông anh (anh tôi làm chủ tiệm thuốc Bắc), đem về đặt trên gối ở đầu giường, cứ mở sách ra rồi niệm Phật. Niệm được 100 câu Phật thì lật 1 tờ. Mọi người trong nhà tưởng tôi đọc truyện, bởi người ta có in kèm truyện trong sách. Tôi niệm Phật lén như vậy, không ai hay biết. Nhưng vô chùa không được, vì thời gian đó chùa lúc nào cũng tối om, tượng thì ông nào cũng đội khăn đỏ trên đầu, chỉ có một đốm sáng nơi lỗ mũi mà thôi. Ngoài đường thì có một ông thầy đi trước, thằng nhỏ theo sau, đầu đội cái thúng, trong đó để chuông mõ, tượng Phật và giấy tiền vàng mã để đốt. Tôi chỉ nghĩ tu hành gì kỳ lạ vậy?

Cho đến năm 21 tuổi, tôi bỏ nhà lên núi Cấm, xuất gia tu học tại chùa Vạn Linh. Trong vòng 2 tháng, tôi thuộc lòng mấy thời công phu trong chùa. Tôi vì không có áo dài mặc lễ Phật, sau có một Phật tử phát tâm cúng 4 thước vải nâu, nhưng họ yêu cầu tôi tụng 60 biến kinh Phổ Môn. Mấy huynh đệ thấy tôi không có áo dài mặc nên bảo tôi tụng. Do đó mà tôi thuộc lòng phẩm Phổ Môn đầu tiên.

Xét lại từ trước đến giờ, tôi luôn lấy pháp môn niệm Phật trọn đời tu hành và hướng dẫn mấy huynh đệ.

PV: Tín và Nguyện là hai yếu tố Skhởi đầu của pháp môn Niệm Phật. Xin Sư ông hướng dẫn khái quát về nội dung của Tín và Nguyện trong niệm Phật.

Pháp môn trì danh niệm Phật đơn giản lắm! Trước hết luôn luôn phải có lòng tin. Tin ở nơi lời giới thiệu của đức Phật Thích Ca về thế giới Cực Lạc của đức Phật A Mi Đà là chân thật. Tin vào y báo, chánh báo của cõi nước ấy, vì đó là chỗ mà tất cả chúng sanh và các bậc thánh đều phải nên về. Có thể đưa mình đến quả vị Bồ tát, thành Phật, không bị ngưng trệ hoặc thối lui. Tiếp theo là tin ở nơi pháp tu mà đức Phật Thích Ca đã dạy, niệm Phật nhất định vãng sanh Cực Lạc không nghi ngờ.

Đã sanh lòng tin thì phải ưa muốn được về Cực Lạc. Đó gọi là phát nguyện, là mục đích của sự tu hành. Chỉ luôn mong muốn được về Tịnh độ, để chấm dứt sanh tử luân hồi, thành Phật độ chúng sanh. Cho nên sau mỗi thời niệm Phật đều phải tha thiết phát nguyện, cho đến làm mọi việc lành cũng hồi hướng về Cực Lạc.

Tín – Nguyện đã có, kế đến là Hạnh. Là sự thực hành, cũng như người muốn tới nơi nào thì nhất định phải cất bước đi. Có nhiều cách, song phương pháp trì danh là đơn giản nhất. Bởi theo danh tự mà niệm thì dễ, còn quán tưởng thì trí lực của người rất khó đến. Trong khi trì danh thì mọi căn cơ, mọi tầng lớp trong xã hội đều có thể thực hành.

PV: Ngoài việc trì danh hiệu Phật, còn có pháp quán tưởng niệm Phật. Xin Sư ông cho biết cách quán tưởng niệm Phật thế nào để chuyển hóa được vọng niệm?

Quý huynh đệ thấy, nếu quán về 32 tướng tốt của Phật, ngay như tướng lông trắng giữa chặng mày của đức Phật A Mi Đà thôi cũng đã lớn bằng năm hòn núi Tu Di, như vậy thì làm sao nghĩ tới? Ở đây, ánh sáng lại tỏa ra khắp mười phương. Còn cặp mắt của Ngài thì bằng 4 đại hải (đại hải đó không phải như biển ở đây, biển ở đây so ra chỉ là một cái cù lao mà thôi) vậy thì quán tưởng sao nổi?

Vả lại, tướng lông trắng của bất kỳ vị Phật nào cũng đều đụng tới gót. Theo kinh, bề cao của thân Phật A Mi Đà là 60 muôn ức Na do tha số cát sông Hằng. Thử nghĩ sông Hằng có bao nhiêu hột cát, bao nhiêu do tuần. Do đó tướng lông trắng của Phật A Mi Đà xoắn tròn lại thì lớn bằng năm hòn núi Tu Di.

Đó không phải là cách nói tượng trưng đâu, mà Phật Thích Ca nói đúng thật như vậy. Nếu chỉ quán tưởng thân Ngài cao như tượng mình thờ thì không chính xác. Còn nếu quán Thật tướng Chân Như lại càng khó hơn nữa. Dù cũng có người làm được, nhưng chỉ là bậc Hiền Thánh hiện thân. Do vậy, trì danh được xem là dễ thực hành nhất, mọi căn cơ đều ứng dụng được. Mình đang đi bộ hay đi trên xe niệm Phật cũng được. Mình đang đứng ngắm cảnh cũng niệm được. Mình đang ngồi làm việc cũng niệm được. Và khi mỏi mệt quá nằm niệm cũng được. Chỉ trừ lúc nói chuyện là không niệm được thôi! Ở chỗ sạch sẽ trang nghiêm thì niệm thầm hoặc ra tiếng đều được, riêng những chỗ không sạch sẽ hoặc khi nằm ngủ thì chỉ nên niệm thầm, nếu niệm ra tiếng thì thiếu sự tôn kính.

PV: Thỉnh thoảng Sư ông có nhắc đến khái niệm khẩu niệm và tâm niệm. Tại sao hành giả niệm Phật phải sử dụng cả hai?

Khi niệm Phật thì tâm và tiếng phải hiệp khắn nhau, đây là điều cốt yếu. Nghĩa là tâm phải duyên theo tiếng, tiếng phải ở trong tâm, đừng để nó xao lãng theo một tiếng gì khác, hễ nó rời ra thì phải kéo nó trở lại.

Nói cho dễ hiểu hơn, miệng niệm Phật rành rẽ rõ ràng, tai nghe lấy tiếng niệm Phật của chính mình cho rành rẽ rõ ràng. Cần phải chuyên cần, phải đều đặn, phải tinh tấn. Khi đã đắc lực thì tự nhiên trong tâm mình tự nổi lên tiếng niệm Phật mà mình không cần đề khởi, không cần nghĩ đến mà nó vẫn tự niệm.

Lúc đầu thì lúc được lúc mất. Nhưng càng cố gắng thì được nhiều mất ít, cho đến khi không còn gián đoạn nữa thì gọi là niệm lực tương tục. Và như vậy mới đúng nghĩa “chấp trì danh hiệu”. Đó là nhân của niệm Phật Tam – muội. Được vậy thì sự vãng sanh mới đảm bảo.

Thế giới Cực Lạc của Phật A Mi Đà có thật không? Niệm Phật thế nào để được vãng sanh Tây Phương?

Gần đây, có nhiều vị lên thuyết giảng cho rằng kinh A Mi Đà không phải của Phật nói, mà do người sau tự đặt ra. Tôi khẳng định rằng nói như thế là sai lời Phật, hay còn lại gọi là ma nói. Mấy huynh đệ có trách nhiệm phải dẫn dắt mọi người đi đúng hướng, đúng đường lối như Phật đã dạy, không nên tự theo ý riêng của mình.

Khi tôi dịch các kinh điển Đại thừa nhận thấy đều có nói đến cõi nước Cực Lạc của đức Phật A Mi Đà. Như trong kinh Hoa Nghiêm, ngay cả các vị đại Bồ tát còn phát nguyện vãng sanh Tịnh độ. Bởi vì cảnh duyên ở cõi đó đâu có nơi nào sánh bằng. Vậy nên tôi khuyên tất cả các huynh đệ ai nấy cũng đều chuyên tâm niệm Phật, tinh tấn tu hành.

Người niệm Phật hiện tại tâm chuyên chú theo nơi danh hiệu Phật, thì không nghĩ nhớ về quá khứ, không nghĩ nhớ về tương lai, an trụ nơi một câu A Mi Đà Phật. Như vậy là đang tập định, tâm sẽ bớt dần phiền não vọng tưởng, ngoại cảnh không chi phối được. Tức là không khác với pháp tu Thiền. Chỉ có khác ở chỗ, người tu niệm Phật đã hết sức tinh tấn tu hành, nhưng cái chết chợt đến thì nương vào sức Tín, Nguyện, Hạnh lúc bình thường huân tập và sức mạnh đại nguyện tiếp dẫn của đức Phật A Mi Đà vãng sanh Cực Lạc. Hễ một khi vãng sanh thì chấm dứt sanh tử luân hồi, tiến thẳng đến quả vị Phật.

Tỳ-kheo Thích Hoằng Tri thực hiện

Scroll to Top