TƯ TƯỞNG THANH CAO

VĐ.GCX – Khi tâm chúng ta nghĩ tốt hẳn là mọi chuyện sẽ tốt đẹp và nghĩ không thông suốt thì mọi chuyện trở nên bế tắc. Thiện và ác chỉ cách nhau trong một suy nghĩ. Có phải chăng “những tư tưởng thanh cao đều do tâm mình mà ra cả”!.


Hôm nọ, tôi dự định đi làm công quả tại Lâm Đồng. Trên chuyến xe khách chở tôi đi từ ĐắkLắk đến ngã ba chùa gần cầu Đại Ninh, tôi trò chuyện cùng bác tài xế. Bác này thấy tôi mặc đồ lam Phật tử thì hỏi chuyện tôi, Bác tài xế chợt hỏi “mày đi đâu mà mặc đồ này!”, tôi bảo rằng “con đi công quả ở chùa gần cầu Đại Ninh”. Bác ấy bảo tiếp “công quả là gì mày, sao gia đình thì khó khăn mà không ở nhà phụ cha mẹ, đi công quả làm gì, tụi bay đúng là rảnh hơi mà!”. Có vẻ như bác ấy là một người không có lòng tin nơi Phật pháp, sao bác tài này lại biết gia cảnh của mình nhỉ?. Tôi trình bày với chú: “Con đi làm công quả chính là phụ giúp chùa, cùng chư tăng ni trong chùa những việc cần thiết mà hằng ngày các vị ấy thường làm. Chẳng hạn như quét rác, chẻ củi, nhổ cỏ, trồng cây, rửa chén bát, lau sàn, xây dựng chùa, cải tạo khuôn viên, nấu cơm… để giúp quý chư tăng ni cư trú tại chùa có thêm một ít thời gian dành cho việc tu tập, cũng là để phục vụ việc ăn uống, nghỉ ngơi cho quý vị Phật tử, bà con cô bác gần xa tới chùa tu tập, thăm viếng.”

Chú ngắt lời tôi: “Mày đi làm công quả như thế chẳng có lợi ích gì cho gia đình mày cả, chỉ lãng phí thời gian, như tao đây lái xe lam lũ cả đời để lo cho gia đình mà còn thiếu trước hụt sau, mày đúng là làm việc vô nghĩa…”!

Chú ấy nói tới đây lòng tôi cũng hơi khó chịu, nhưng vẫn giữ tâm trạng bình thản. Bỗng bác tài xế nói thêm: “Với lại bữa tao lên chùa, cái chùa nằm ở trung tâm thành phố Đà Lạt cơ đấy, mà có được ăn đâu, trưa nắng đi một chặng đường dài cả mấy trăm cây số, mà không ai cho ăn cả, mày đừng nói nữa, tao không tin đâu!”.

Nghe chú nói vậy, tôi quay sang nhìn chú và nói thế này “Chú ơi, chắc bữa đó chú chưa đủ duyên và đến không đúng giờ thọ thực, không phải lúc nào chúng ta tới chùa cũng đúng giờ ăn cơm đâu ạ, quý thầy quý cô cùng Phật tử trong chùa thường phải thực hiện theo các quy định và giới luật nghiêm ngặt. Chú phải hoan hỉ và nghĩ cho quý vị ấy chứ! Chú có biết không ạ, chính con đây là người được đón nhận rất nhiều ân tình sâu nặng, từ khi con biết đến chùa làm công quả. Mấy tháng trước con bệnh phải đi chữa mất hết hai mươi triệu đồng mà có phải trả đồng nào đâu ạ, vì con là kẻ có phước, được quen các cô chú anh chị em Phật tử đoàn từ thiện Sài Gòn trong quãng thời gian tới chùa công quả. Đó là duyên phận chú ạ, và họ đã quyên góp mỗi người mỗi ít tiền tài để tặng cho con làm chi phí phẫu thuật. Họ là người không có huyết thống gì với con, mà họ giúp con thật nhiều và không cần con báo đáp gì cả. Rồi những năm qua con thường tới nhiều chùa làm công quả, quý sư thầy sư cô thấy con và những bạn đạo làm việc vất vả với tâm không mong cầu cho nên các vị ấy quý mến, thường cho chúng con những thức ăn, thức uống và tạo mọi điều kiện tốt để chúng con hoàn thành Phật sự. Con có thêm rất nhiều bạn bè, đạo hữu thân thiết, được sống trong tình thương và sự chở che của rất nhiều người…”.

Lặng một chút tôi nói tiếp: “Con thấy mình có thiệt gì đâu ạ, cũng chẳng mất thứ gì, công quả không có “thua lỗ”, mà còn “lời” rất nhiều đấy chú ơi. Con được ăn những bữa cơm ngon, được vui vẻ trong sự an lạc bình yên mỗi khi đến chùa, được tự mình gieo tạo một ít phước đức để hồi hướng về cho gia đình để mong chư Phật gia hộ cho cha mẹ con nhờ phước đức ấy mà thêm sự bình an trong cuộc sống hằng ngày nữa. Quan trọng hơn là nghiệp chướng của con cũng bớt nặng nề như trước khi biết đến Phật pháp”. Thưa quý vị, mấy câu sau là tôi nói thêm vào, chứ lúc trên xe tôi chưa kịp nói thì bác tài xế ngắt lời tôi: “Thôi, tao không tin đâu, tu tập cái gì, công quả cái gì tao cũng chẳng cần quan tâm!”. Tôi nghẹn lòng, có một vị khách ngồi phía đầu xe khách và cả mấy anh “lơ xe” cũng nói thêm như tỏ vẻ ủng hộ bác tài xế “tới chùa mà không được ăn cơm thì không vui rồi”. Suốt những năm đi làm công quả, tôi và các bạn đạo hữu đã chứng kiến rất nhiều những chuyện thị phi cả ở nơi chốn thiền môn thanh tịnh, chứ không riêng gì trên chuyến xe này. Nhiều bà con cô bác dù là người hiểu đạo Phật hay chưa hiểu vẫn sanh tâm không hoan hỉ, chán ghét, mất niềm tin với “Phật đạo và những người thực hành theo tư tưởng của nhà Phật”. Có chăng họ chưa có lòng tin sâu nơi Phật pháp nên khi đến chùa gặp lúc không thuận duyên, tâm của họ không thỏa mãn những mong muốn của mình, khiến họ có những hành vi không lành mạnh!

Tôi hiểu rõ sự thật rằng: “Ở đời, mỗi con người, phàm khi chưa thấy được lợi ích trước mắt thì chưa ai chịu tin theo, dù có nghe nói thật hay thật hữu ích thì cũng nửa tin nửa ngờ”.

Xung quanh chúng ta, “nếu ta biết chấp nhận những bông hoa đầy màu sắc thật đẹp thì ta cũng nên học cách chấp nhận tiếp xúc với những thứ rác rưởi của cuộc đời này, vì rác tôn vinh hoa”. Đối với những người có kiến chấp sai lầm, sống lạc hậu, bảo thủ… thì quý vị đừng như tôi mà đem lòng khinh miệt, xa lánh họ. Đã nhiều lần trong quá khứ tôi tỏ thái độ không vừa lòng và hất hủi những người cố chấp, tà kiến. Tôi nghĩ rằng nếu gặp phải những người u mê lầm lạc ấy, quý vị và tôi hãy đem hết tinh thần “từ bi” của người học Phật để ứng xử với họ, rồi đem những tư tưởng tốt đẹp từng bước từng bước khai mở trí huệ cho họ, giúp họ xóa đi những mê lầm kiến chấp trong tâm. Đó là cách ứng xử bao dung vị tha giống như những gì mà Phật và các vị đệ tử của người đã, đang và sẽ làm.

Nếu đem tâm lý khinh miệt, chê bai mà đối đãi với những người thiếu hiểu biết thì chỉ như “đổ thêm dầu vào lửa”, chỉ làm sự việc thêm trầm trọng và gia tăng sự bất mãn mà thôi. Vì rằng “nếu hiểu được lời chúng ta nói thì chúng ta không cần nói nhiều, những người u mê lầm lạc sẽ sớm hiểu; còn như tâm họ không cởi mở thì chẳng hề tin hiểu chúng ta đâu, có nói bao nhiêu với họ cũng như “nước đổ lá khoai”, chẳng có lợi ích gì cho mình và người cả.

kinh Pháp Cú, Phật dạy rằng: “Đói bụng bệnh tối trọng, thân xác khổ vô cùng, biết rõ sự thật ấy, đạt vô thượng Niết-bàn”. Tại sao trong kinh, Phật lại dạy những lời này. Hai câu đầu chắc quý vị cũng hiểu, thân thể mỗi chúng ta cần sự lợi dưỡng, tâm lý mệt nhọc, lo buồn cũng có thể bắt nguồn từ việc mong muốn không được đáp ứng mà sanh khởi. Còn ý nghĩa của hai câu cuối, ở góc độ nhìn nhận của tôi thì “khi những người xung quanh mình cần điều gì đó mà việc ấy không phi pháp, không gây hại cho chính họ và xã hội, cộng đồng, đồng thời nằm trong khả năng của chúng ta; hoặc giả là họ mong cầu những vật chất mà chúng ta sở hữu, còn họ thì đang thiếu thốn… thì chúng ta nên ân cần giúp đỡ họ vượt qua những khó khăn, khiến họ được như ý nguyện. Khi họ đạt được điều họ cần rồi, nghĩa là thân tâm họ lúc này ở trạng thái yên ổn, thì họ sẽ rất hoan hỉ và đồng ý giúp sức cho chúng ta làm những điều có lợi ích cho đời. Ví như câu chuyện tôi kể trên mà tình huống thay đổi, rằng bác tài xế tới chùa bị đói bụng không có cơm để ăn, nếu trong lúc ấy có vị Phật tử hay cô bác nào thường tới lui hiểu được quy định ở chùa, gặp chú ấy thì giải thích cho chú ấy nghe. Hoặc chỉ bày phương cách để chú ấy có một bữa cơm chay trong hoặc ngoài chùa. Thì tin chắc rằng chú tài xế này sẽ vì thế mà không có kiến chấp sai lầm, hơn nữa còn phát khởi lòng tin nơi Phật pháp từ bi!

Mỗi người mỗi bản tánh, mỗi cách suy nghĩ riêng và quan điểm nhìn nhận về sự vật hiện tượng cũng khác nhau. Biết rõ sự thật ấy, thấu được tâm tư, nguyện vọng của những người xung quanh mình, ngộ được thật tướng thực sự về hành vi thái độ, suy nghĩ của mỗi con người, sự vật, hiện tượng quanh chúng ta, thì ta có cách thoát ly khỏi sự phiền muội để đi tìm lấy sự bình an. Phải chăng đó là tinh thần mà Đức Phật dạy chúng ta qua bốn câu thơ trên.

Quý thầy, quý cô cư trú nơi chốn thiền môn luôn là tấm gương cho chúng ta, các vị ấy thường quan tâm tới những người đạo hữu tới chùa làm công quả, chia sẻ những thức ăn, thức uống và động viên khích lệ mọi người có thêm nghị lực để làm những việc có ích cho đời, để tạo ra những giá trị tinh thần vô giá. Việc hành thiện tích đức, lấy đức để phục người… sẽ là một sự nghiệp lâu dài, nhất là trong bối cảnh xã hội nhiều phiền lụy như ngày nay.

Vậy thì, khi tâm chúng ta nghĩ tốt hẳn là mọi chuyện sẽ tốt đẹp và nghĩ không thông suốt thì mọi chuyện trở nên bế tắc. Thiện và ác chỉ cách nhau trong một suy nghĩ. Có phải chăng “những tư tưởng thanh cao đều do tâm mình mà ra cả”!

Hiền Minh

Scroll to Top