VĐ.GCX -Chiều nay trước cổng trường Mẫu Giáo là một người ông đi rước cháu, hai ông cháu cười với nhau nhưng nụ cười ông méo lệch trông đến tội nghiệp. Tôi giật mình và thương cảm. Phải chăng ông cũng bị liệt dây thần kinh số 7 mà uống thuốc và châm cứu không hết. Thế là trăm ngàn câu hỏi được tôi đặt ra đến nỗi vợ rước con ra cổng, con gái chào cười mà tôi đứng như đơ ra tự khi nào.
Chiều nay trước cổng trường Mẫu Giáo là một người ông đi rước cháu, hai ông cháu cười với nhau nhưng nụ cười ông méo lệch trông đến tội nghiệp. Tôi giật mình và thương cảm. Phải chăng ông cũng bị liệt dây thần kinh số 7 mà uống thuốc và châm cứu không hết. Thế là trăm ngàn câu hỏi được tôi đặt ra đến nỗi vợ rước con ra cổng, con gái chào cười mà tôi đứng như đơ ra tự khi nào.
Cũng mới đây thôi, hai tháng trước, tôi đã ngụp lặn trong 38 ngày phiền não vì liệt dây thần kinh số 7. Nụ cười méo miệng, nói năng không chuẩn âm, nhai ăn thức ăn phải lùa về bên hàm trái, có khi còn dùng cả ngón tay móc đồ ăn cho nó về hàm trái, ăn không cảm thấy ngon và làm biếng ăn.
Hôm ấy cũng như bao nhiêu lần khác, tôi chở vợ và con gái về miền Tây (cách TP.HCM 300km) trên chiếc xe máy, dịp tuần thất thứ 5 của cha tôi. Tôi không bao giờ mang khẩu trang vì khó chịu. Chúng tôi đi từ sớm mai và đến ngã tư Cái Bè khoảng 9 giờ. Lúc đó tôi có hẹn với bạn đạo ra cà phê và gửi ít kinh sách rồi chia sẻ việc tu học trên bước đường giác ngộ. Gặp nhau, khi tôi nở nụ cười thì anh bạn đã tỏ vẻ ngạc nhiên, nhưng hỏi tế nhị: “Hôm nay trong người ông ổn chứ?”. Tôi cười và nói: “Gặp bạn đạo thì có gì không ổn chứ?” rồi tôi đưa tặng anh quyển Lương Hoàng Bảo Sám, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Lăng Già. Thì ra lúc đó tôi đã bắt đầu bị liệt dây thần kinh số 7, nhưng tôi và cả vợ tôi cũng không biết.
Chiều đó chúng tôi lại ghé nhà anh bạn trước khi về thẳng nhà mình. Anh bạn nhạc sĩ bị ung thư phổi giai đoạn cuối, bác sĩ bảo anh ấy rằng: “Hãy về nhà tịnh dưỡng, thèm cái gì thì ăn, chưa làm xong việc gì thì làm đi, ba tháng nữa sẽ khó qua khỏi…”. Vì trước đó, tôi nghe tin anh bệnh, đã ghé thăm, rồi chia sẻ Phật pháp và tặng anh băng đĩa thuyết pháp cùng quyển sách của Hòa thượng Đạo Chứng “Niệm Phật chuyển hóa tế bào ung thư”. Tôi từng nói rằng: “Sau ba tháng nữa anh hết bệnh nếu tinh tấn niệm Phật và sám hối chân thành”. Đó có phải là hữu duyên chăng?! Khi tôi không hề biết anh bị ung thư phổi, anh cũng không biết tôi có về quê hay không. Chỉ là qua một người bạn rồi anh khởi tâm ý lâu quá không gặp lại tôi. Vậy mà đã gặp! Lần này, tôi đến xem sức khỏe anh thế nào và chỉ anh cách lần chuỗi và cách lạy Phật. Trông anh đã khỏe hơn nhiều, đi lại nhanh nhẹn hơn, nói năng hoạt bát, tự tin hơn. Anh lạc quan và tinh tấn niệm Phật. Thế rồi không riêng anh mà cả một anh bạn khác nhìn tôi nói chuyện và thấy tôi cười đã nói rằng: “Hôm nay ông rất khác, gương mặt ông lạ lắm, xem coi có bị gì không nhé!”. Lúc đó tôi để ngoài tai, chỉ một lòng chia sẻ với anh bạn nhạc sĩ việc sám hối sáu căn ba nghiệp và dốc lòng niệm Phật để dứt bệnh nghiệp ung thư.
Tối đó khi đã về nhà và bên mâm cơm thì tôi quả thật đã khó nhai thức ăn, mắt bên phải không chịu khép, da mặt bên phải như một miếng thịt giả úp lên. Nó không gây đau đớn gì nhưng khó chịu lắm. Hôm sau thì tôi đi chích và uống thuốc tây, rồi được bác sĩ bảo bị liệt dây thần kinh số 7, cần châm cứu mới dứt bệnh. Tôi châm cứu và uống thuốc, hết hộp thứ 12 thì không uống nữa.
Khi biết bệnh, một mặt tôi uống thuốc và châm cứu hàng ngày, mặt khác tôi tinh tấn niệm Phật và toàn tâm toàn ý sám hối sáu căn ba nghiệp qua quyển Lương Hoàng Bảo Sám. Tôi không oán trách và nói những câu thường tình như ngày xưa chưa biết Đạo, mà tôi quay lại quán xét mình. Tôi từng nói với vợ và mọi người rằng thật là điều may mắn. Nếu như lúc đang chạy xe mà bị giật méo miệng rồi lệch tay lái nửa đường có khi gây ra tai nạn giao thông, hoặc như nó liệt mặt luôn, hay là méo miệng không hoàn lại như xưa thì sao… Nhờ học Phật mà bao nhiêu nghiệp xấu ác từ vô lượng kiếp cho tới hiện tại đã vô tình hoặc cố tình gây ra mà bản thân chưa tỏ tường nay trổ quả nhẹ. Đó là sự cảnh tỉnh vô thường mà suốt 38 ngày bệnh đó tôi càng thêm thấm thía lời Phật dạy và con đường nhân quả luôn sòng phẳng, không sai biệt với bất cứ ai.
Và tôi đã nhận ra, rằng trên bước đường tu chúng ta đừng bao giờ tìm cầu cho riêng mình, đừng hồi hướng cho bản thân, đừng xin Phật, Bồ-tát nhiều quá vì đó chỉ là những thứ tầm thường của thế gian; trong khi mình chưa bao giờ chia sẻ, chưa bao giờ làm điều gì tốt lành cho Phật pháp, cho mọi người, đó là tâm ích kỷ của người bước vào cửa Phật.
Lại nữa, dù tu pháp môn gì thì chỉ có tâm thành, niệm chánh, ý nghĩ thanh tịnh và hướng đến mọi người cho đến muôn loại chúng sanh thì mới có chút an lạc. Khi có bệnh nghiệp, tức có oan gia trái chủ đến, có nghịch duyên trổ, tức đã tới lúc vui lòng trả nợ cho họ thì mới chuyển nghiệp. Vậy lúc đó và ngay cả bay giờ tôi đã làm gì để thân xác được hoàn vẹn như xưa mà tâm an? Đó là phải sám hối sáu căn ba nghiệp, hồi hướng Tịnh độ cho oan gia trái chủ của mình, tâm sự nhẹ nhàng và chân thành với thân mạng này bằng bài pháp: “Cảm ơn và xin lỗi”. Niệm hồng danh Phật phải rõ ràng, không lần chuỗi vội vàng, không niệm theo số lượng mà lạy “như núi Thái Sơn sụp đổ” thì mới mong thoát khỏi biển nghiệp bệnh đang đeo mang. Hãy thong thả mà lạy Phật, một lạy trang nghiêm, thanh tịnh thì cũng hơn trăm ngàn lạy qua loa. Chánh niệm tức tương ưng, vọng niệm tức mê lầm. Mà chúng ta dễ bị tâm mình lừa phỉnh, nó đã lừa mình trải qua vô lượng kiếp cho tới hôm nay vẫn chưa kịp tỉnh ngộ thì hỡi ôi! Một hơi thở vào không một hơi thở ra đã mất khỏi xác thân người thì biết đến khi nào mới trở lại cõi người, khi nào mới được hạnh ngộ cùng Phật – Pháp – Tăng để mà dốc lòng tu hành. Đã qua phút liệt dây thần kinh số 7 tôi càng thêm trân quý sự hiện hữu này để một lòng hướng Phật và nguyện khắp chúng sanh không ai còn mang bệnh nghiệp.
Hơn lúc nào hết, hằng thường trong tâm tôi hiện giờ đang trỗi lên khúc nhạc lòng mỗi ngày:
Nam mô Tây phương Giáo chủ Cực Lạc Đại hùng Đại lực Đại từ Đại bi Tiếp dẫn Đạo Sư A-di-đà Phật!
Nam mô Đại từ Đại bi Cứu khổ Cứu nạn Quán-thế-âm Bồ-tát!
Nam mô U Minh Giáo chủ Đại hùng Đại lực Đại từ Đại bi Địa Tạng Vương Bồ-tát!
Trần Huy Minh Phương