ĐẠO CỦA NGƯỜI TU PHẬT

Đạo của người tu Phật chính là nghệ thuật sống, sống thanh tịnh, tươi đẹp, đem lại muôn vàn lợi ích cho bản thân và mọi người..

Một Phật tử đăng lên status câu này: “Tết gì mà chán quá Trời ơi!”

Quan sát từ lâu, tôi thấy Phật tử ngày nay đa số tu sự tướng, đến chùa tụng đọc, niệm Phật là chủ yếu, đọc, niệm la to lên là đạt yêu cầu mà không cần hiểu ý nghĩa. Tu với họ còn có nghĩa là sửa, sửa sự tướng bên ngoài: “Cầm cái ly, cầm cái tách, đi đứng, nói năng làm sao cho đúng….Tu có nghĩa là ăn chay trường, bớt nói, bớt nghe, bớt nhìn….” Ngặt một nỗi tu là sửa, chính họ không sửa lại đi sửa lưng mọi người từng chút, từng chút những điều không đáng nói, làm mích lòng và rớm máu tình huynh đệ! Họ chưa một lần chạm đến chân tánh, chưa một lần hay rằng từ chân tánh sẽ phát sanh vô vàn công đức. Họ không rõ con đường của mình sẽ về đâu, ngoài khái niệm vãng sanh về một thế giới Tây Phương Cực Lạc, sung sướng như đi xuất ngoại sang các nước Âu Mỹ.

Nhưng thực tế, họ chưa hưởng được niềm vui từ những thay đổi mới mẻ của cuộc sống trong từng giây, từng phút mà chỉ chết dính vào sự tướng, mà sự tướng, nghe nhìn thường điên đảo, cho nên họ cũng điên đảo không biết đâu mà lần, thử hỏi trong tương lai họ sẽ đi về đâu? Những gì nghe thấy không đúng với cái nhìn nghiệp tập riêng là họ phản ứng dữ dội. Cho nên thường thấy họ cực kỳ dễ nổi nóng, đụng là xẹt lửa liền, tu gì mà chửi người ta không còn manh giáp! Tu thế chán quá, quả thật tâm hồn họ khô khan, chán chường!

Đời cũng chính là đạo với cái nhìn vong ngã, khách quan, chánh kiến. Đạo là sự trôi chảy không ngừng trệ, dung thông tất cả mọi hiện tượng, sự vật không ngăn ngại (lý sự vô ngại, sự sự vô ngại-kinh Hoa Nghiêm). Đạo của người tu Phật chính là nghệ thuật sống, sống thanh tịnh, tươi đẹp, đem lại muôn vàn lợi ích cho bản thân và mọi người.

Minh Tâm

Scroll to Top